Đương Quy - Hello Bacsi

Tên gốc: Đương quy

Tên gọi khác: Nhân sâm dành cho phụ nữ

Tên khoa học: Angelica sinensis

Tên tiếng Anh: Angelica, female ginseng

Tìm hiểu chung về đương quy

Cây đương quy là gì?

Đương quy là vị thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đây là loại cây thân thảo lớn, sống nhiều năm, cao 40 – 80cm, thường phát triển ở các vùng núi có độ cao từ 2.000 – 3.000m với khí hậu ẩm mát. Lá của cây đương quy thường có hình mác dài, cuống ngắn hoặc không cuống. Cụm hoa tán kép, mang màu trắng lục nhạt.

Ở Việt Nam, cây đương quy được trồng từ những năm 1960. Hiện nay, vị thuốc này được trồng nhiều ở các tỉnh vùng Tây Bắc như Lào Cai, Hòa Bình, Lai Châu và ở Tây Nguyên như Lâm Đồng…

Thành phần của cây đương quy là gì?

Rễ đương quy có hàm lượng tinh dầu chiếm đến 0,26%. Đây cũng là thành phần chính quyết định tác dụng của đương quy. Bên cạnh tinh dầu, rễ đương quy còn có các hợp chất khác như coumarin/cumarin, sacharid, axit amin, sterol… Ngoài ra, cây đương quy còn có chứa nhiều loại vitamin tốt cho sức khỏe chẳng hạn như vitamin B12.

Đương quy có tác dụng gì?

Đương quy là một chi thực vật với hơn 60 họ khác nhau. Cây đương quy thường được dùng để tạo mùi. Trong y học nó được dùng để chữa bệnh về nội tiết, chữa đầy hơi và điều trị bệnh viêm khớp cũng như các bệnh về da.

Ngoài ra, đương quy còn là thuốc diệt khuẩn nhẹ và có thể chữa đau bụng, co thắt cơ bắp và giảm triệu chứng viêm phế quản.

Một số phụ nữ dùng đương quy để kích thích xuất kinh trong thời kỳ kinh nguyệt và dùng để phá thai. Khi dùng chung với các thuốc khác, nó có thể chữa chứng xuất tinh sớm.

Cơ chế hoạt động của đương quy là gì?

Hiện nay, vẫn chưa có đủ nghiên cứu về tác dụng của loại thuốc này. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Tuy nhiên, đã có vài nghiên cứu cho thấy một số công dụng của đương quy như:

  • Tác dụng an thần
  • Chữa chứng xuất tinh sớm.

Cách chế biến và thu hái cây thuốc đương quy

Đương quy

Cây đương quy thu hoạch về sẽ được cắt bỏ phần lá, giữ lại phần rễ, phơi khô hoặc sao khô để sử dụng. Có 3 cách chế biến đương quy:

  • Quy đầu: lấy một phần về phía đầu
  • Quy thân: bỏ đầu và đuôi
  • Quy vĩ: lấy phần rễ và nhánh

Rễ (củ) đương quy thường được thu hoạch vào mùa thu bởi đây là lúc rễ chứa nhiều hoạt chất nhất. Sau khi thu hoạch, rễ đương quy sẽ được xông khói với khí sulfur và cắt thành lát mỏng.

Cây đương quy có tác dụng gì với sức khỏe?

Đương quy có vị ngọt, hơi đắng, hơi cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng bổ huyết. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sâm đương quy có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe như:

  • Ức chế sự kết tập tiểu cầu, liên quan đến điều trị huyết khối não và viêm tắc tĩnh mạch huyết khối, tăng cường tuần hoàn não.
  • Tăng sức đề kháng do kích thích miễn dịch, hoạt hóa tế bào lympho B và T, làm tăng sinh kháng thể. Hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu, suy nhược cơ thể.
  • Hỗ trợ điều trị rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt ít, bế kinh, đau bụng kinh ở phụ nữ.
  • Đương quy còn có tác dụng điều trị tiêu hóa kém do tỳ hư dẫn đến khí huyết kém. Ngoài ra, loại cây này còn có tác dụng rất tốt trong việc điều trị bệnh táo bón.

Các bài thuốc chữa bệnh

Các bài thuốc chữa bệnh phụ khoa từ đương quy

  • Phụ nữ kinh nguyệt không đều, cơ thể suy nhược: 12g đương quy, 8g bạch thược, 12g thục địa, 6g xuyên khung, 600ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
  • Phụ nữ mắc nhiều bệnh sau khi sinh: 16g đương quy, 12g thục địa, 6g xuyên khung, 8g bạch thược, 4g gừng khô, 8g đậu đen sao, 8g trạch lan, 8g ngưu tất, 12g ích mẫu thảo, 10g bồ hoàn. Sắc uống mỗi ngày một thang.
  • Phụ nữ mang thai bị đau bụng: 120g đương quy, 600g thược dược, 160g phục linh, 160g bạch truật, 300g trạch tả, 120g xuyên khung. Tất cả nguyên liệu đem đi tán mịn, dùng mỗi ngày 3 lần, mỗi lần một thìa cà phê với nước pha rượu.
  • Phụ nữ khó có con: 16g đương quy, 8g bạch giao, 14g địa hoàng, 12g thược dược, 8g tục đoạn, 12g đỗ trọng. Sắc uống mỗi ngày một thang.
  • Phụ nữ mất máu do băng huyết, tổn thương: 80g đương quy, 40g xuyên khung, trộn chung cho đều. Mỗi lần dùng 20g hỗn hợp trên với 2 bát nước, 1 bát rượu trắng. Sắc còn 1 bát, chia 2 lần uống trước khi ăn.

Các bài thuốc trị các bệnh khác từ đương quy

  • Trị các bệnh về răng miệng, môi miệng sưng đau, chảy máu: 1,6g đương quy, 1,6g sinh địa, 2g thăng ma, 1,2g hoàng liên, 1,2g mẫu đơn, thêm thạch cao nếu đau nhiều. Sắc uống.
  • Trị sốt rét lâu không khỏi: 12g đương quy, 10g ngưu tất, 12g miết giáp, 6g quất bì, 3 lát gừng sống. Cho nước vừa đủ sắc còn 1/3, chia uống 2 lần sáng và tối trước khi đi ngủ.
  • Trị ra mồ hôi trộm: 12g đương quy, 10g hoàng kỳ, 8g sinh địa, 8g thục địa, 6g hoàng cầm, 6g hoàng liên, 6g hoàng bá. Sắc còn 1/3, uống 2 lần sáng và tối trước khi đi ngủ.
  • Trị chứng mất ngủ: 12g đương quy, 8g toan táo nhân, 10g viễn chí, 10g nhân sâm, 10g phục thần. Sắc uống như trên.
  • Trị viêm tuyến tiền liệt: 15g hạt quýt, 15g hạt vải, 15g đương quy, 50g thịt dê. Nấu lên, ăn thịt, uống nước, tuần ăn 2 lần. Ngoài ra, bạn cũng có thể sắc nước uống với bài thuốc sau: 25g lá hành, 8g đương quy, 5g trạch lan.
  • Trị bệnh động mạch vành: 10g đương quy, 90g sơn tra, 15g ngó sen, 6g rễ hành. Tất cả cho vào nồi nấu với một ít nước. Uống 2 lần sáng và tối trong ngày.
  • Chữa huyết nhiệt, táo bón: đương quy, thục địa, đại hoàng, cam thảo, đào nhân, mỗi vị 4g, 3g sinh địa, 3g thăng hoa, 1g hồng hoa. Sắc uống.

Rượu đương quy có tác dụng gì với sức khỏe?

Rượu đương quy là loại đồ uống rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với những người bị huyết áp thấp. Nếu bạn kiên trì dùng một thời gian, huyết áp sẽ trở về trạng thái ổn định.

Bạn cần chuẩn bị: 12g đương quy, 12g xuyên khung, 12g thục địa, 8g bạch thược, 8g đảng sâm, 8g hoàng kỳ, 8g phục linh, 8g cam thảo.

Cách làm đương quy ngâm rượu: lấy 5 thang thuốc với thành phần như trên ngâm với 1 lít rượu trắng. Ngâm trong thời gian 10 ngày là có thể sử dụng được. Mỗi ngày bạn uống 2 chén nhỏ vào buổi sáng và buổi tối.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của đương quy là gì?

đương quy

Cây đương quy thường được dùng với liều lượng 3 – 6g/ngày dưới dạng rễ cây thô.

Liều dùng của đương quy có thể khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau. Liều lượng dựa trên tuổi của bạn, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Đương quy có thể không an toàn. Hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

Dạng bào chế của đương quy là gì?

Cây thuốc, vị thuốc này có thể có những dạng bào chế như:

  • Chiết xuất
  • Rượu thuốc
  • Dùng cây thuốc tươi
  • Viên nang
  • Dầu xoa bóp.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng đương quy?

Sau khi đã rõ cây đương quy có tác dụng gì thì bạn cũng cần tìm hiểu các tác dụng phụ của cây, như:

  • Tụt huyết áp
  • Chán ăn, đầy hơi, co thắt đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa
  • Kích ứng da, rối loạn cương dương
  • Nhạy cảm với ánh sáng, có nguy cơ nhiễm độc hoặc viêm da khi tiếp xúc với ánh sáng.

Trong các trường hợp nguy cấp, người dùng sẽ bị xuất huyết nếu dùng cây đương quy chung với thuốc chống đông.

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ.

Thận trọng

Trước khi dùng cây thuốc đương quy, bạn nên biết những gì?

Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách dùng đương quy dưới dạng rượu thuốc, chiết xuất hoặc khi dùng cây thuốc tươi.

Bạn cần pha loãng thuốc với nước khi dùng thuốc đối với một số dạng bào chế, chẳng hạn dưới dạng rượu thuốc, tinh dầu.

Cây đương quy có thể làm da trở nên nhạy cảm và dễ cháy nắng, bạn nên sử dụng kem chống nắng và quần áo để che nắng.

Không nên lưu trữ đương quy trong hũ nhựa vì sẽ gây tương tác với tinh dầu trong cây.

Những quy định cho dược liệu đương quy ít nghiêm ngặt hơn những quy định của tân dược. Cần nghiên cứu sâu hơn để xác định độ an toàn của vị thuốc này. Lợi ích của việc sử dụng đương quy nên cân nhắc với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Mức độ an toàn của đương quy

Không dùng cây đương quy cho phụ nữ đang mang thai vì thuốc có nguy cơ gây sẩy thai. Ngoài ra, không dùng đương quy cho trẻ em và phụ nữ đang cho con bú.

Không dùng vị thuốc này nếu bạn bị bệnh đái tháo đường, viêm loét hệ tiêu hóa hoặc có rối loạn về máu.

Đương quy có thể tương tác với những gì?

Thuốc có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng đương quy.

Các thuốc chống đông máu, thuốc chống tiểu cầu khi dùng chung với cây đương quy có thể kéo dài thời gian chảy máu. Không dùng vị thuốc này với tất cả các loại thuốc chống đông.

Cây đương quy có thể tương tác với rất nhiều loại thuốc thảo dược khác. Vì vậy, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc kỹ lưỡng trước khi dùng thuốc.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Hình ảnh Cây Thuốc đương Quy