Đường Rạch Da Và Kỹ Thuật Khâu đóng Trong Phẫu Thuật Hàm Mặt

Đại cương

Phẫu thuật viên tạo hình cần nắm vững kỹ thuật rạch da và khâu đóng trong phẫu thuật hàm mặt nhằm tạo điều kiện cho liền sẹo đẹp, cải thiện thẩm mỹ.

Kỹ thuật rạch da

  • Phải thao tác thận trọng, chính xác, nhẹ nhàng, ít gây sang chấn.
  • Để mép vết mổ gọn, cần dùng dao thật sắc, không dùng kéo, rạch dứt khoát 1 lần, không rạch đi, rạch lại nhiều lần.
  • Cầm cán dao theo kiểu cầm quản bút hay cầm kiểu ác-sê
  • Lựa chọn đường rạch da: trùng với nếp nhăn da, nếp gấp da hoặc song song với các đường căng da, để vết thương ít bị toác rộng và giấu được sẹo.
  • Nếu không thể rạch da theo các đường đó, nên tránh đường rạch thẳng vì sẹo dễ bị co rút, nên dùng các đường rạch cong, hay đường hình chữ S.
  • Cắt bỏ tổn thương theo hình elip, trục dài song song với đường căng da. Trục dài gấp 4 lần trục ngang, nếu trục dài ngắn hơn sẽ xuất hiện nếp da thừa ở 2 đầu đường khâu, cần sửa chữa bằng cách dùng móc Gillies móc nếp da thừa, cắt bằng dao theo trục dọc vết thương rồi khâu lại. Nếp da thừa lệch về 1 bên thì cắt theo hình tam giác cân (tam giác Burow)
  • Thủ thuật rạch da hình nêm áp dụng ở các bờ tự do: tai, môi, cánh mũi, mí mắt.
  • Đường rạch hình tròn để lại khuyết da bầu dục => ghép da hoặc dùng vạt kế cận.

Kỹ thuật khâu da

Nguyên tắc chung

  • Cầm máu kỹ trước khi khâu da để tránh máu tụ gây hoác vết mổ
  • Khâu từ sâu ra nông, không để lại khoang ảo.
  • Khâu đúng lớp giải phẫu, 2 bên mép vết mổ bằng nhau. Không để mép da quặp xuống.
  • Khâu áp nhẹ miệng vết thương, ép nhẹ tổ chức, không căng. Giảm căng bằng cách bóc tách rộng 2 mép vết mổ, khâu giảm căng lớp dưới da.
  • Nếu vết mổ quá căng: tạo hình chữ Z, ghép da…
  • Thời gian cắt chỉ: tùy thuộc vào vùng phẫu thuật và độ căng của vết mổ, thường sau 7-10 ngày. Vùng mí mắt, viền môi sau 4-5 ngày.

Các phương pháp khâu da

Khâu da mũi rời:

  • Ưu điểm: chắc chắn, dịch dễ thoát, có thể chia và san đều 2 mép khâu. Nếu bị tuột chỉ 1 mũi, các mũi còn lại đủ giữ vết mổ không toác rộng.
  • Xuyên kim thẳng góc với mặt da và cách đều 2 mép da. Lấy da và tổ chức dưới da nông ít, sâu nhiều để sau khi thắt chỉ, đường khâu nổi con chạch.
  • Dùng kẹp phẫu tích có móng hoặc móc Gillies nâng và bẻ mép da ra ngoài thì dễ khâu hơn.
  • 2 mép da bằng nhau thì buộc nút chỉ về phía phẫu thuật viên. Nếu mép rộng, mép hẹp thì nút buộc nên ở bên rộng.

Khâu da kiểu Blair – Donati (xa xa gần gần)

  • Bên xa xuyên kim cách mép da 4mm, luồn kim sang bên đối diện rồi cắm kim ngược lại cách mép da 1mm, thắt chỉ ở bên xuất phát.
  • Ưu điểm: áp miệng vết thương tốt, dùng cho vết thương căng.

Khâu vắt

  • Khâu nhanh, dễ xê dịch chỉ khâu nhưng khó thoát dịch. Nếu đứt chỉ sẽ tuột toàn bộ đường khâu.
  • Khâu vắt đơn giản: xuyên kim vuông góc với mép da, các nút chỉ bắt chéo và song song với nhau
  • Khâu vắt khóa chỉ: các mũi chỉ cài vào nhau, hạn chế toác rộng vết mổ khi đứt 1 nút chỉ.
  • Khâu vắt chặn đối xứng: các nút chỉ có hình chữ U. Chắc chắn, song nuôi dưỡng vết mổ kém.

Khâu nội bì

  • Khâu liên tục theo đường zic zắc. Nút trên da cách góc vết mổ 1cm. Các mũi, kim vào ra phải đối xứng, nên khâu vuông góc, vừa chắc vết mổ, vừa dễ rút chỉ.
  • Khâu bằng chỉ tiêu chậm hoặc chỉ nylon sợi đơn. Sau 7 ngày rút chỉ, nếu khâu chỉ tự tiêu chỉ cần cắt bỏ 2 đầu sợi chỉ.
  • Nếu có kim chỉ tốt, vết mổ khô và không căng thì cách khâu này là thẩm mỹ nhất vì sẹo nhỏ, đẹp, không có vết chân rết.

Mũi khâu đóng khuyết chữ Y

Khuyết da được khâu chắc chắn, tránh thiểu dưỡng đầu vạt da, do tránh chỉ tỳ ép lên biểu mô chóp da.

Nút khâu thẩm mỹ

  • Nút thắt chỉ nằm ở chính giữa vết mổ, hơi thụt xuống 1 chút
  • Xuyên kim qua nội bì, chạy chéo lấy nhiều mỡ, chỉ thắt không làm tổn thương biểu mô, đầu chỉ cắt thừa 3-4mm.

Khâu thẩm mỹ có gối đệm

  • Gối đệm làm bằng gạc cuộn tròn
  • Sau khi thắt nút da, để 2 đầu chỉ dài buộc thêm gối đệm ở trên
  • Khi băng có gối đệm tỳ ép rất chắc.

Khâu da kiểu Ebahi (xa gần – gần xa)

  • Xuyên kim cách mép da 4mm rồi khâu mép bên đối diện 1mm, vòng kim ngược lại cách mép da ban đầu 1mm, vòng sang bên đối diện cách mép da 4mm.
  • Nút thắt ngoài đè lên vòng chỉ trong.
  • Chắc chắn, nhưng gây thiểu dưỡng vùng da khâu, chỉ sử dụng khi vết thương căng, sẹo thường xấu, không nên khâu ở mặt.

Khâu da có cóc đệm

  • Cóc đệm hình thuyền, tự sản xuất bằng vật liệu không ngấm nước: đồng, nhôm, thép…
  • Mặt lồi của cóc đệm áp vào da, khâu bằng chỉ thép
  • Không thẩm mỹ, dùng để khép miệng 1 vết thương căng mà chưa tạo hình được.

Kẹp móc:

  • Đóng vết mổ nhanh, áp tốt 2 mép da, không xuyên thủng da nên ít thoát huyết tương.
  • Kẹp nhiều da lành, để lại nhiều vết trên da => phải nới kẹp vào ngày thứ 2.
  • Ít dùng trong phẫu thuật tạo hình.

Băng dính

  • Dùng băng dính hình mắt sàng để gắn 2 mép da lại với nhau.
  • Nhanh, chắc nhưng để lại khoảng trống dưới da, gây tụ dịch và nhiễm trùng.

Keo dán

  • Dùng với vết mổ không căng.
  • Phết keo lên vùng mổ và giữ chặt 2 mép da trong 2 phút. Sau 5-10 ngày keo sẽ tự tiêu.
  • Không phải thay băng cắt chỉ. Sẹo nhỏ, rất thuận tiện trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Từ khóa » Các đường Rạch Da Cơ Bản