Đường Ray Qua Thành Phố - Báo Người Lao động

TP HCM bây giờ còn mấy “xóm đường ray”?

1. Hồi ga Sài Gòn nằm ngay trước chợ Bến Thành thì tuyến đường sắt vắt ngang hơn nửa thành phố. Hai bên đường ray là những xóm lao động, nhà mái tôn, mái lá san sát nhỏ bé và nhếch nhác, từ đường Lương Hữu Khánh (bây giờ) xuyên qua khu chợ Vườn Chuối, qua Hòa Hưng, khu Cống Bà Xếp, qua vùng Phú Nhuận rồi Bình Thạnh với cầu Bình Lợi ra đến ga Bình Triệu ở Thủ Đức. Cặp theo đường sắt là con đường nhỏ chỉ vừa một chiếc xe máy, nhà cửa nhô ra thụt vào nhưng “mặt tiền” vẫn mở hàng quán ăn uống, tiệm sửa xe, nhà may… Người bán, người mua là dân lao động nên giá cả mềm hơn hàng quán bình dân ở nhiều đường hẻm khác dù chất lượng có khi không thua kém. Còn nhớ quán bò bảy món Ánh Hồng nổi tiếng từ trước năm 1975 nằm kế đường ray cổng xe lửa đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận), mỗi khi xe lửa sắp chạy qua, chủ quán liền kêu phục vụ ra cẩn thận đậy các món ăn cho khách.

Một góc đường ray ở quận Thủ Đức, TP HCM ngày nay Ảnh: HOÀNG TRIỀU Một góc đường ray ở quận Thủ Đức, TP HCM ngày nay Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, những chuyến tàu chạy bằng than nhả hơi nước và khói muội đen sì, lắc lư rầm rập mỗi ngày vài lần chạy xuyên qua thành phố, ngang qua những xóm đường ray lúc đó còn chưa có hàng rào sắt ngăn cách đường sắt với dãy nhà hai bên. Trên những con đường cắt ngang khi xe lửa sắp chạy qua thì có hồi chuông reo và người gác “cổng xe lửa” kéo barie xuống ngăn dòng xe dừng lại. Còn ở xóm đường ray, hễ nghe tiếng còi tàu thét lên điếc tai thì mọi người mới thu dọn hàng quán sát vô, mấy bà bán rau - thịt - cá của cái chợ tạm vài giờ buổi sáng cũng lật đật ôm thau, chậu, rổ, rá vừa chạy vừa thối tiền hay đưa vội mớ rau, con cá cho người mua; lúc chiều tối, khách nhậu đứng lên, bưng cả chiếc bàn có dĩa mồi ổi - cóc - xoài khô cá đuối với chai “rượu thuốc” vào bên lề, chờ xe lửa chạy qua lại đặt bàn ngay trên đường ray, ngồi nhậu tiếp! Nửa đêm gà gáy, xe lửa hú còi đánh thức những giấc ngủ mê mệt sau một ngày vất vả…

Hỏi sao xóm đường ray không có quá nhiều con nít!?

Tuyến đường sắt lúc đó như một bãi rác khổng lồ. Rác và nước thải từ nhà hai bên đường liệng ra, từ khách đi tàu liệng xuống, từ những hàng quán bỏ lại…; chuột chạy qua lại, thỉnh thoảng có xác mèo, chuột bị xe lửa cán chết, gan ruột nát bấy tùm lum; những đoạn vắng nhà cửa, hai bên đường sắt là khu WC cho xóm quanh đấy. Từ trên cao nhìn xuống xóm đường ray như có hai nửa: mặt tiền đường phố nhà lầu cửa tiệm khang trang, rực rỡ màu sắc và ánh đèn; mặt kia nhìn ra đường sắt nhà cửa màu xám đèn vàng ảm đạm… Những con hẻm ngoằn ngoèo chạy từ nơi đèn sáng càng vào trong càng nhỏ dần rồi mất hút, nhà lầu “ráng” quay mặt ra đường lớn hay hẻm, tường hậu dựng lên phía đường ray. Nhưng đừng thấy vậy mà cho rằng có sự ngăn cách giữa hai nửa, không đâu, dân trong hẻm hay mặt tiền có thể không quen biết nhau, giáp mặt ít khi chào hỏi nhưng khi có việc cần thì luôn giúp nhau như thể bà con xóm giềng thân thuộc.

Từ khi ga Sài Gòn dời về Hòa Hưng thì một phần khu vực quận 1 và quận 3, đường ray đã thành đường nhựa, mặt tiền nhà cửa khang trang hẳn lên. Từ Hòa Hưng qua Cống Bà Xếp đến Bình Triệu phần lớn đường sắt đã có rào chắn, đường nhỏ hai bên cũng đổ nhựa hay bê-tông sạch sẽ, nhà cửa vẫn nhỏ bé nhưng sáng sủa hơn, nhà lầu ngày càng nhiều, đường hẻm nhỏ cũng có người gác chắn, giảm hẳn tai nạn do xe lửa trong thành phố. Chưa bao giờ thấy người Sài Gòn chui qua rào chắn hay la lối người gác cổng xe lửa vì hạ barie khi còn chưa thấy tiếng xình xịch của đoàn tàu, dù mỗi lần xe lửa chạy qua thì kẹt xe kéo dài hàng trăm mét, nhất là vào giờ cao điểm.

2. Bây giờ, xe lửa loại mới, đầu máy toa xe sáng đẹp, vệ sinh, tiện nghi đầy đủ, người đi tàu văn minh hơn, đoạn đường ray ngang qua thành phố vẫn là đầu mối quan trọng của tuyến đường sắt Bắc - Nam. Lại còn có tàu du lịch chạy ra ngoại ô, ngày cuối tuần cả nhà kéo nhau đi hóng gió, bọn trẻ háo hức nhìn phố xá, vườn cây, khu nhà mới, xa lộ… Ngồi trên tàu máy lạnh mát rượi đến ga cuối rồi quay về, thấy hai bên là xóm đường ray khang trang sạch sẽ thì biết đã vào thành phố.

Hệ thống đường sắt ở bất cứ nơi nào cũng là một phần không thể thiếu của mạch máu giao thông vận tải, nhất là vận tải công cộng. Vài năm nữa thôi, nhiều tuyến đường sắt đang xây dựng trên cao (skytrain) hay trong lòng đất (metro) nối liền thành phố và các đô thị mới xung quanh sẽ được hoàn thành nhưng không làm xuất hiện thêm các xóm đường ray trên mặt đất nữa… Xóm đường ray buồn hiu hắt xưa kia sẽ dần đi vào ký ức như những “xóm kênh đen” hôi hám nay đã lột xác, trở nên tươi mát bên dòng kênh xanh.

Sài Gòn, tháng 5-2016

Từ khóa » đường Ray Xe Lửa ở đâu