Đường Tôn Đức Thắng, Thành Phố Hồ Chí Minh - Wikipedia

Đường Tôn Đức Thắng
Đường Tôn Đức Thắng đoạn trước công trường Mê Linh
Ga tàu điện ngầm gần nhấtGa Ba Son (đang xây dựng)
Nút giaochính
  • Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi
  • Tôn Đức Thắng – Nguyễn Huệ
  • Tôn Đức Thắng – Đồng Khởi
  • Công trường Mê Linh
  • Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh
  • Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn

Đường Tôn Đức Thắng là một tuyến đường tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.[1]

Vị trí

[sửa | sửa mã nguồn]

Đường này bắt đầu từ vàm rạch Bến Nghé (đầu cầu Khánh Hội ngày nay) giao với đường Võ Văn Kiệt (Bến Chương Dương cũ), đi dọc bờ tây sông Sài Gòn cắt qua các con đường Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Công trường Mê Linh đến xưởng đóng tàu Ba Son cũ (nay là vị trí chân cầu Ba Son). Tại đây đường có một khúc cua sang trái rồi tiếp tục đi thẳng cắt qua các con đường Nguyễn Siêu, Nguyễn Hữu Cảnh – Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Du và kết thúc tại ngã tư giao với đường Lê Duẩn, đối diện với đường Đinh Tiên Hoàng.[1]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản đồ Sài Gòn năm 1882. Lúc này thành Gia Định vẫn còn dấu tích

Đây là tuyến đường lớn và lâu đời tại Sài Gòn, hình thành từ thời nhà Nguyễn. Đến thời Pháp thuộc, con đường này gồm 3 đoạn mang tên khác nhau. Đoạn thứ nhất từ cầu Khánh Hội đến công trường Mê Linh năm 1865 mang tên Quai de Donnai, sau đổi là Quai Napoléon; năm 1870 đổi là Quai du Commerce; năm 1896 đổi là Quai Francis Garnier; ngày 26 tháng 4 năm 1920 đổi là Quai le Myre de Vilers. Đoạn thứ hai từ công trường Mê Linh đến giáp nhà máy Ba Son, lúc đầu mang tên Quai Primauguet; ngày 26 tháng 4 năm 1920 đổi là Quai d'Argonne. Đoạn còn lại từ bờ sông Sài Gòn đến đường Lê Duẩn vốn là con đường dẫn vào thành Gia Định (thành Phụng) xưa, vào ngày 17 tháng 2 năm 1859 người Pháp đã theo con đường này từ trại Thủy Quân lên đánh chiếm và hạ thành. Năm 1865 đoạn đường này được đặt tên là Boulevard de la Citadelle, đến năm 1901 lại đổi thành đại lộ Luro.[2]

Năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhập hai đường Le Myre Vilers và Argonne làm một và đổi tên là Bến Bạch Đằng, đổi đại lộ Luro thành đại lộ Cường Để.[3] Năm 1975, chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam nhập đại lộ Cường Để, đường Đinh Tiên Hoàng (Quận 1) và đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Hòa) thành đường Đinh Tiên Hoàng. Năm 1980, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhập đường Bến Bạch Đằng với một đoạn đường Đinh Tiên Hoàng (từ xưởng Ba Son đến đường 30 tháng 4, tương ứng với phần lớn đại lộ Cường Để cũ) thành đường Tôn Đức Thắng như hiện nay.[a][2][4][5]

Hàng cây cổ thụ trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng trước khi xây dựng cầu Ba Son

Đường Tôn Đức Thắng trước đây được nhiều người dân biết đến với 4 hàng cây xà cừ cổ thụ rợp bóng mát được người Pháp trồng cách đây hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, vào năm 2017, để xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son), thành phố đã cho đốn hạ, di dời hàng cây này.[6][7]

Ghi chú

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời vào ngày 30 tháng 3 năm 1980, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quyết định đặt tên đường để vinh danh ông.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “Bản đồ thành phố”. Cổng thông tin điện tử Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2022.
  2. ^ a b Sài Gòn xưa & nay. Tạp chí xưa & nay. 2007. tr. 183–184. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2022.
  3. ^ Xavier et Marie-Christine Guillaume (2004). La Terre du Dragon – Tome I. Paris: Publibook. tr. 62. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2023.
  4. ^ “Năm đại lộ đầu tiên của Sài Gòn xưa”. Báo điện tử VnExpress. 19 tháng 2 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2022.
  5. ^ “Đường nước xưa làm nên 5 đại lộ sang trọng giữa Sài Gòn”. Tuổi Trẻ Online. 20 tháng 10 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2022.
  6. ^ “Hàng cổ thụ ở trung tâm TP HCM trước khi bị đốn hạ”. Báo điện tử VnExpress. 9 tháng 7 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2022.
  7. ^ “Đường Tôn Đức Thắng lạ lẫm khi không còn hàng cây cổ thụ”. Tuổi Trẻ Online. 17 tháng 1 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2022.

Xem thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Bến Bạch Đằng
  • Cầu Ba Son
  • Công trường Mê Linh
  • Đường Hàm Nghi, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Đường Lê Duẩn, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Đường Lê Lợi, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Đường Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh
Cổng thông tin:
  • Thành phố Hồ Chí Minh

Từ khóa » Bản đồ đường Tôn đức Thắng Tp Hcm