Đường Trường Sơn ở Quảng Bình - Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam

Nằm sát ở phía Bắc giới tuyến quân sự tạm thời, Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh là địa cầu của miền Bắc XHCN, là cửa khẩu của các tuyến hành lang vận chuyển chiến lược từ Bắc vào Nam. Không kể đường sông và đường biển, Quảng Bình có hai tuyến đường dọc và bốn tuyến đường ngang.

- Tuyến đường quốc lộ 1: Có chiều dài trên 112 km từ Đèo Ngang (giáp Hà Tĩnh) đến Hạ Cờ (giáp Vĩnh Linh), qua các sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Dinh và sông Nhật Lệ.

- Tuyến đường 15: Chạy dọc ven rừng Trường Sơn từ Tân Đức (Tuyên Hóa) đến bến Quang (Vĩnh Linh) dài 285 km, qua bến phà Xuân Sơn (Bố Trạch), Long Đại (Quảng Ninh) và Thác Cóc (Lệ Thủy), có 39 cầu cống và 37 ngầm qua khe suối, trong đó có ngầm Khe Rinh là một trong những trọng điểm ác liệt nhất, có đợt địch đánh liên tục 75 ngày đêm, mỗi ngày trung bình 10 trận. Bom đạn Mỹ đã phá hủy hoàn toàn một đoạn đường 500m chạy qua dãi đá vôi. Công trường 505 với 480 công nhân đã bám trụ mặt đường, bảo đảm thông đường, thông xe dưới làn mưa bom bảo đạn của địch.

- Tuyến đường 12A: Từ ngã ba Khe Ve (xã Hóa Thanh, huyện Tuyên Hóa) lên đèo Mụ Giạ giáp biên giới Việt Lào, có chiều dài 44 km. Đây là con đường xung yếu, độc đạo chạy men theo các vách núi cao. Trước năm 1966, đường 12A là con đường duy nhất vượt Trường Sơn nên bị đánh phá khốc liệt. Ở đây có những trọng điểm nổi tiếng như Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Cổng Trời và dốc đồi 37 v.v... Công trường 12, đội thanh niên xung phong 75 và binh trạm 12 đã bám trụ ở đây từ đầu cho đến kết thúc chiến tranh.

- Tuyến đường 20 Quyết thắng: Do yêu cầu chi viện chiến trường ngày càng lớn, ta đã mở thêm cửa khẩu thứ hai vượt đỉnh Trường Sơn để vừa phá thế độc đạo nhằm phân tán mật độ đánh phá của địch, vừa rút ngắn được cường độ vận chuyển từ phía Bắc xuống đường 9. Đó là con đường 20 xuất phát từ thôn Phong Nha (Bố Trạch) lên Cà Roòng, chọc thủng dãy đá vôi của Trường Sơn, nối liền với đường 128 ở ngã ba Lùm Phùm (Lào), có chiều dài 123 km. Đây là tuyến đường được khảo sát và thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt bị địch đánh phá suốt ngày đêm có thể nói mặt đường trộn lẫn máu và mồ hôi của các chiến sĩ Trường Sơn. Nhưng chỉ sau hơn 4 tháng, kể từ ngày 20-12-1965 tuyến đường đã hoàn thành. Hai trung đoàn công binh số 41, số 10 và tổng đội thanh niên xung phong số 25, gồm của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nam Ninh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ tư lệnh 559 đã đảm nhận nhiệm vụ lịch sử này.

Bất chấp bom đạn ác liệt của địch, các chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong đã bám trụ mặt đường, lao động cật lực suốt ngày đêm, có chiến sĩ công binh đạt năng suất đào đất 14m3/ngày. Điểm thử thách lớn nhất là ở cây số 18 có một hòn núi chắn ngang, bên kia núi là một vực thẳm. Trung đoàn 10 công binh đã san bằng ngọn núi này và được tặng danh hiệu: ’’Đơn vị chọc thủng Trường Sơn’’. Tại cây số 16, sau một trận ném bom của đế quốc Mỹ, 8 nam nữ xung phong đã bị vùi lấp hy sinh trong hang đá.

Đường 20 có đến 8 trọng điểm. Báo chí thường gọi đó những ’’tọa độ lửa’’ mà ai vượt qua được sẽ trở thành một loại ’’thép đặc biệt’’ không bị nóng chảy. Trong đó ác liệt nhất là tập đoàn trọng điểm ’’A.T.P’’, tức là cua chữ A, ngầm Te Lê và đèo Phu - La - Nhích.

- Tuyến đường 10: Bị sa lầy trong cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam, đế quốc Mỹ ngày càng tăng cường đánh phá các tuyến đường giao thông vận tải và gây cho ta nhiều khó khăn. Tháng 4-1967, Trung ương quyết định mở thêm cửa khẩu thứ ba vượt Trường Sơn. Đó là đường 10 bắt đầu từ Áng Sơn (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) đi về phía Tây 69 km, gặp đường 18 rẽ xuống đường 9. Ngay từ những ngày đầu triển khai mở tuyến, địch đã phát hiện được và tập trung đánh phá ngày đêm vì đây là con đường gần vĩ tuyến 17. Cuộc chiến đấu trên đường 10 diễn ra quyết liệt, cuối cùng các lực lượng công binh, giao thông đã hoàn thành việc bạt núi xẻ đường vào cuối năm 1968. Một câu thơ lục bát được ghi lại bên vách núi:

"Chưa đi chưa biết đường 10 

Đi rồi mới biết sức người, sức ta... ’’

- Tuyến đường 16: Chạy từ ngã ba Thạch Bàn (Lệ Thủy) đến làng Ho, dài 40 km, con đường này được khởi công từ 1958, hoàn thành vào năm 1960 và đến tháng 6-1969 thì được sửa chữa nâng cấp để sử dụng vận tải cơ giới. Tiếp đó đường 16 được kéo đài từ làng Ho, vượt Trường Sơn từ phía Bắc sông Xê - Băng - Hiêng, có chiều dài 44 km, vận chuyển bằng xe thồ. Sau khi làm xong, 4.000 dân công Thanh Hóa đã được điều đến tuyến đường này để vận chuyển bằng xe thồ... Đường 16 có nhiều điểm xung yếu dốc Khỉ, đèo 1001, lúc đầu chỉ vận chuyển bằng xe thồ, nhưng về sau đã vận chuyển bằng xe cơ giới, trên cả toàn tuyến có chiều dài 84 km. Tuyến đường 16 đã chi viện đắc lực cho chiến trường Trị - Thiên từ năm 1969-1972. Ngoài hai tuyến đường dọc và bốn tuyến đường ngang, còn có nhiều đường tránh như đường 22A từ Kỳ Lâm (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) vòng qua phía Tây đèo Ngang đến Mũi Vích trên đường số 1 thuộc huyện Quảng Trạch. Đường này trên đất Quảng Bình có chiều dài 24 km. Đường 22B từ ngã ba Quảng Châu qua các xã Quảng Trạch, Quảng Lưu nối liền với tỉnh lộ 1 ở xã Quảng Trường có chiều dài 16 km. Đường Ba Trại từ bến phà Gianh vào xã Hạ Trạch, vượt qua rừng thông, nối liền với tỉnh lộ số 2 ở ngã ba Thị Lộc có chiều dài 11 km v.v...

Như vậy là trong kháng chiến chống Mỹ, hệ thống đường giao thông phục vụ tiền tuyến trên đất Quảng Bình kể các trục đường dọc, đường ngang vượt Trường Sơn, đường tránh và đường tỉnh lộ, các đường cộng lại có chiều dài trên 900 km, trong đó chỉ có tuyến quốc lộ 1A là đường cũ (122 km), còn lại là đường mới làm trước và trong khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại. Hệ thống đường đó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Dưới đây là những cụm di tích tiêu biểu của đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

1- Khu di tích các hang động và các trọng điểm giao thông trên trục đường 15 và 12 thuộc huyện Minh Hóa

Ở khu di tích này có ý nghĩa mở đầu thời kỳ vận tải thô sơ lên vận chuyển cơ giới. Cùng giai đoạn đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh cục bộ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.

Theo Quyết định số 255/QĐ ngày 3/4/1965 của Bộ Quốc phòng phát triển tuyến chi viện chiến lược từ thô sơ lên cơ giới lớn, phục vụ quyết tâm chiến lược của Trung ương, làm thất bại chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ và sẵn sàng đánh bại một bước chiến tranh cục bộ do Mỹ gây ra ở miền Nam.

Đây là khu vực tập trung trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt. Từ ngã ba Khe Ve theo hướng Tây Bắc đến đèo Mụ Giạ là trục đường 12A với các trọng điểm: Khe Tang, Khe Ve, Bãi Dinh, La Trọng, Cổng Trời, đèo Mụ Giạ, Lo Lo, km 050.

Từ ngã ba Khe Ve đi về phía Tây Nam theo trục đường 15 từ km 471 đến 473 thuộc hai xã Hóa Thanh, Hóa Tiến có các hang trong dãy núi đá là trụ sở chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, có hang được sử dụng làm kho chứa xăng dầu.

Tiêu biểu nhất trong khu di tích này là các khe di tích như Khe Tang, La Trọng, Bãi Dinh, Cha Lo, Cổng Trời.

* La Trọng là một khu vực trọng điểm bao gồm có ngầm, đèo có tên "La Trọng’’ ở km số 6 - km 8 đường 12 là nơi có khe trung chuyển.

Vào mùa khô năm 1965-1966, địch bắt đầu đánh sập cầu La Trọng. Từ năm 1966-1968 địch đánh tập trung chặn ở suối lớn La Trọng, gây sình lầy ở thung lũng Mít mấy năm liền. Mỗi tháng trong năm 1968 có lúc chúng huy động trên 900 lần chiếc máy bay đánh phá, gây ách tắc đường 3 km.

Trong lúc xăng dầu chi viện cho tuyến 559 ở phía trước bị đứt quãng, binh trạm 12 phụ trách khu vực đã tổ chức chuyển xăng qua lưới bom đạn địch, bằng mọi giá cũng phải chuyển qua được khu vực La Trọng. Bộ đội và thanh niên xung phong có từ 900-1.400 người đã có lúc cõng xăng bằng ba lô, ống bương vượt qua trọng điểm, rộp cả lưng, vẫn chưa đáp ứng cho lực lượng xe chuyển vào chiến dịch. Việc chuyển xăng qua La Trọng lại phải tổ chức khiêng từng thùng phuy, khiêng qua đèo cao, vực sâu, có lúc cả phuy xăng và người lăn xuống vực, sau lại dùng can, mỗi người phải dùng 2 can (40 lít). Riêng trong đợt vận chuyển xăng cấp cứu cho lực lượng xe trong tháng đường bị tắc này đã có trên 60 cán bộ, chiến sĩ, bộ đội và thanh niên xung phong hy sinh.

* Bãi Dinh - Một trọng điểm trên đường 12 ở km 28 và km 29, thuộc địa phận xã Dân Hóa, đồng bào các dân tộc ở đây như Khùa, Mày, Sách, Rục, Lào và Kinh đã cùng bộ đội, thanh niên xung phong bám trụ đánh địch, phục vụ lực lượng xe vận chuyển và các lực lượng hành quân ra các chiến trường.

Đội phẫu thuật của bộ đội điều trị 14 anh hùng đã cấp cứu hàng trăm ca bị trọng thương. Nhiều bộ đội và thanh niên xung phong đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ: 

* Khe Tang - Nằm trên trục đường 15 và đường 12 nối nhau - người dân ở đây chủ yếu là người dân tộc Rục, Mày và một số người Kinh...

Ở đây tính bình quân mỗi năm (từ 1965-1968) địch đã dùng 12.000 lần chiếc máy oanh tạc, cứ mỗi chiếc đổ xuống từ 6-8 tấn bom, cầu Khe Tang bị đánh sập. Trung đoàn 58 công binh đã bắc cầu qua sông bằng đây cáp lót ván nhưng vẫn bị đánh nhiều lần nên phải tổ chức vượt 2 điểm ngầm. Chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong đảm bảo giao thông, bộ đội cao xạ chiến đấu bắn máy bay địch, bảo vệ khu vực. Lực lượng bộ đội giữ kho xe đậu trong khu vực khá đông.

Ở đây có lúc cao điểm mỗi tháng địch dùng 600 chiếc máy bay oanh tạc tới đủ các loại bom. Nhưng ta vẫn đảm bảo hành lang tuyến đường chi viện ra phía trước và chiến đấu bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch.

* Khu vực đồi 37, Cha Lo, Cổng Trời, Hang Dơi, Hang Tiên ở khu 36 - km 37,5 trên trục đường 12 có các kho xăng dầu, có các công sự ngầm đúc bằng bê tông kiên cố. Đồn Cha Lo và tiểu đoàn 929 bộ đội biên phòng, tiểu đoàn 14 quân khu IV, đã từng chất giữ bảo vệ biên giới và an ninh khu vực, bảo vệ đường ống và bắn rơi nhiều máy bay địch.

* Khu vực các hang động ở xã Hóa Tiến, có 9 hang đá lớn phân bố rải rác trong các lèn núi đá cách nhau 1-2 km.

Trung tâm chỉ huy cơ bản Bộ Tư lệnh Trường Sơn đặt trong hang đá lớn nhất, có chiều cao khoảng 5 km, chiều sâu vào lòng núi đá khoảng 60 m.

Từ sở chỉ huy cơ bản này, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có những cuộc họp quan trọng đầu tiên của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Trường Sơn chuẩn bị triển khai thế trận cầu đường, vận chuyển đánh địch ngăn chặn bằng không quân, mở chiến dịch mùa khô năm 1965-1966, thực hành nhiệm vụ chi viện lớn cho các hướng chiến trường ở tiền tuyến lớn miền Nam và chiến trường Lào, Căm-pu-chia.

Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước thay mặt Trung ương vào đây làm việc với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh, chỉ đạo hoạt động của các chiến trường. Trong 9 hang ở Hóa Tiến có hang dùng làm nơi để điều trị thương binh, bộ đội của tiểu đoàn 14, đơn vị anh hùng (được tuyên dương năm 1976), có hai anh hùng là Bác sĩ Tạ Lưu và Bác sĩ Lê Xuân Đính.

* Ở xã Hóa Thanh có một hang tương đối rộng là nơi Sở chỉ huy tiền phương của hậu cần vận tải, Bên cạnh hang này còn có 1 hang nhỏ vừa là trạm vận hành đường ống xăng dầu đầu tiên, mở đầu cho giai đoạn chuẩn bị triển khai hệ thống đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn và phục vụ các hướng chiến trường.

Theo trục đường 16, từ km 473 vào phía Nam, hai bên đường là dãy đá có nhiều lèn, hang đá, có hệ thống kho dã chiến, kho trung chuyển (kho hậu cần, kho quân giới, kho vật tư xen nơi cất giấu xe) của đại đội xe chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Dọc bìa rừng vào lèn đá từ km 474-475 trở vào là nơi dấu quân, là điểm tập kết các tiểu đoàn xe, các đơn vị thanh niên xung phong đảm bảo giao thông trên trục đường 12 và đường 15. Từ khu vực này, các tiểu đoàn xe với đội ngũ khá hùng hậu như các tiểu đoàn xe 51, 52, 53, 54, 55, 100 v.v... Những đơn vị xe với đội hình lớn mang tên ’’Ngọn đèn xanh Bác Hồ’’. Mỗi tiểu đoàn có 144 xe chất đầy hàng vượt đỉnh Trường Sơn qua Cổng Trời, đèo Mụ Giạ vào các hướng chiến trường.

Các tiểu đoàn cao xạ như tiểu đoàn 14, 7, 8, 9, 10 và các đại đội 12 ly 7 cũng tiến quân vào các vị trí bảo vệ các đội hình xe làm nhiệm vụ đưa hàng ra tuyền tuyến. 

Khu di tích ở Minh Hóa, nhất là các trọng điểm đường 12 còn mang tình hữu nghị đặc biệt giữa ba nước Đông Dương. Hiện nay đường 12 đang được khảo sát, chuẩn bị nâng cấp đáp ứng nhu cầu mở rộng quan hệ giữa hai nước Việt - Lào mà trực tiếp là hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn.

2- Khu di tích các hang động và các trọng điểm giao thông trên trục đường 15 và đường 20 Quyết thắng thuộc huyện Bố Trạch

- Do yêu cầu nhiệm vụ chi viện chiến trường này càng lớn càng khẩn trương. Nếu chỉ có một cửa khẩu đường 12 qua Khe Ve, Cổng Trời, Mụ Giạ thì chưa đủ, tuyến đường này luôn bị địch đánh phá, mùa mưa nhiều đoạn bị sình lầy, giao thông thường dễ bị tắc, không đảm bảo chi viện cho chiến trường đáp ứng thời cơ. Vì vậy, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định cho mở thêm đường 20 Quyết thắng - Khu vực Xuân Sơn - Phong Nha đã trở thành trung tâm hoạt động của các lực lượng bộ đội và thanh niên xung phong và cũng là một khu vực trọng điểm địch tập trung đánh phá ác liệt.

Đường 20 Quyết thắng từ km 00 ở cửa rừng xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch đến ngã ba Lo Ùm, thuộc huyện Ăng - Ngang (tỉnh Khăm Muộn - Lào) dài 123 km. Lực lượng thi công gồm các đơn vị công binh (trung đoàn 4, trung đoàn 5, trung đoàn 10) cùng với công trường 20 của Bộ Giao thông vận tải, bao gồm các đơn vị cơ giới, các đơn vị thanh niên xung phong Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nam Ninh. Toàn bộ số công là 19.287 công với khối lượng đào đắp gần 1.000.000 khối đất đá (915.913), trên đường 20 Quyết thắng có nhiều trọng điểm, đáng chú ý là trọng điểm Trà Ang: Ở điểm cao 150m so với mặt đường, dài khoảng 5 km, lòng đường hẹp, một bên vách đá dựng đứng, một bên dòng suối sâu thẳm. Không quân Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt vào trọng điểm ATP, có đợt chúng ném bom suất 87 ngày đêm liên tục với 793 trận, có ngày chúng dùng đến 27 lần chiếc B52 và 30 lần chiếc máy bay khác ném bom tọa độ làm hàng trăm người bị thương và hy sinh.

Có thời gian không thể vận chuyển xăng trực tiếp qua trọng điểm mà phải vần phuy xăng xuống suối rồi kéo ngược xăng đi lên ngược dòng suối Trà Ang đến km 14, 13 lại đưa xăng lên. Chỉ tính riêng con số kéo xăng trong 6 ngày kể từ ngày 25-9-1968 đến ngày 01-10-1968, kéo được 60 phuy xăng đến địa điểm tập kết, kéo được 30 phuy xăng thì đã có 29 người bị hy sinh vì bom đạn địch.

Ngoài số các đơn vị tham gia vận chuyển xăng với con số trên 2.000 người, còn có các đơn vị tham gia bảo vệ đường gồm 2 đại đội cao xạ, một đại đội thanh niên xung phong 263, đoàn 3030.

* Hang mộ thanh niên xung phong ở km 16,5:

Trong khi đang làm nhiệm vụ, địch đã bắn tên lửa làm sập lèn đá khoảng 100 tấn lấp cửa hang, vùi lấp 6 thanh niên xung phong và 2 chiến sĩ lái xe húc, cả 8 người cùng quê Thanh Hóa, gồm 04 nam và 04 nữ, phần lớn độ tuổi từ 18-20. Đây là hang mộ chung của 8 người, đơn vị đã dựng bia ghi tên 8 đồng chí ở đây. Từ km 00 đến km 10 còn có dốc Đồng Hiên có khu vực kho NH ở sát km 10 gần Trà Ang.

* Bến phà Xuân Sơn thuộc xã Sơn Trạch:

Cùng với sự ra đời của đường 20 Quyết thắng là việc khai sinh bến phà Xuân Sơn (trước là bến đò Xuân Sơn), bến đò Xuân Sơn có nhiệm vụ bảo đảm cho các hướng chi viện từ đường 12 và đường 15 về cùng vượt khẩu đường 20 Quyết thắng.

Đầu tiên lực lượng tham gia xây dựng và bảo vệ phà do Ty Giao thông Quảng Bình quản lý, sử dụng phà 18 tấn. Đến ngày 19 tháng 12 năm 1966, đại đội 16 cầu phà thuộc binh trạm 14 trực tiếp phụ trách. Đại đội ban đầu chỉ có 30 người, sau tăng lên 125 người do đồng chí Hòa làm đại đội trưởng và đồng chí Trần Quốc Đầu chính trị viên.

Phương tiện ở đây có cầu phao và 2 ca nô, tối đến lắp rắp thông xe vượt sông, 4 giờ sáng tháo gỡ cho ca nô kéo vào dấu ở động Phong Nha.

Đêm đầu tiên bắc cầu xong có 1.200 xe vượt sông, đêm thứ hai có gần 2.000 xe vượt sông. Càng về sau địch càng đánh phá dữ dội, máy bay oanh tạc thả xuống đủ các loại bom, có cả bom từ trường trút xuống dày đặc trên sông.

- Để đảm bảo cho xe chạy vượt sông liên tục, hai bến phà khác được mở thêm:

* Bến phà Nguyễn Văn Trỗi ở lèn Mù U, thuộc hạ lưu bến phà Xuân Sơn, cách Xuân Sơn 1km.

- Ở khu vực Xuân Sơn - Phong Nha còn có một số hang như hang 36, 35, 34, 33 chứa xăng dầu, đạn dược và mở thêm con đường tránh gọi là đường Nguyễn Văn Trỗi. Từ Troóc vào bến phà phường Chảy (khu vực bến phà B).

Trong số hang nói trên, đáng chú ý là hang 36. Hang cách phía Bắc bến phà Xuân Sơn khoảng 2 km ở về phía Tây Bắc, rộng 2.500m. Thời gian trước, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình xây dựng để làm kho dự trữ chiến lược, sẵn sàng đối phó với âm mưu ’’Bắc tiền" của Mỹ ngụy. Về sau, hang 36 được dùng làm trạm sửa chữa xe pháo, rồi tiếp đến là đơn vị cao xạ thuộc Trung đoàn 218 anh hùng dùng để kho vũ khí đạn dược, đạn pháo cao xạ để bảo vệ khu vực bến phà Xuân Sơn - Phong Nha - đường 20 Quyết thắng...

Ngoài hang 36, các hang lèn trong khu vực Xuân Sơn - Phong Nha đều được sử dụng cất chứa vũ khí, phà, ca nô, xe húc, xăng, dầu v.v...

* Hang động Phong Nha: Một kỳ quan thắng cảnh nổi tiếng khá hấp dẫn đối với khách trong nước và thế giới. Trước đây thực dân Pháp rất chú ý và đã xây dựng thành một nơi du lịch. Trong chống Mỹ hang động lại được dùng cất dấu ca nô, phà của bến phà Xuân Sơn vào ban ngày để ban đêm kịp đưa ra bến phà hoạt động.

Khu vực Xuân Sơn - Phong Nha thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt. Nhưng quân và dân địa phương, thanh niên xung phong phối hợp với các lực lượng bộ đội dũng cảm chiến đấu bảo vệ đường, bảo vệ thôn xã đảm bảo sản xuất.

Nhiều gương chiến đấu dũng cảm và sáng tạo của bộ đội cao xạ, tiêu biểu là các đơn vị thuộc trung đoàn 218 anh hùng, đã phối hợp, hợp đồng với các đơn vị chiến đấu bắn rơi 5 máy bay và bắt sống 3 giặc lái tại chỗ.

Nhiều chiến sĩ, cán bộ, bộ đội và thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh ngã xuống trên mảnh đất này để cho các chuyến hàng và người nhanh chóng kịp thời cho chiến trường, tiến công thần tốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Thế Chón phá bom từ trường, đồng chí Trần Vân chỉ huy phà vượt sông, đồng chí Trần Trường bị thương ở bụng vẫn lái ca nô cập bến an toàn, đồng chí Hoàng Văn Chảy và Phan Văn Bộ, kỹ sư công binh và 70 thanh niên xung phong thuộc đại đội 4 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh.

Ở khu di tích này còn có sân bay Khe Gát là một sân bay dã chiến. Nhân dân địa phương, bộ đội, thanh niên xung phong được huy động làm khẩn cấp.

Tuy chỉ có một biên đội, đánh địch 01 lần, đánh trúng tàu NEWZERSEY của Mỹ khi nó xâm phạm biển Quảng Bình, nhưng trong điều kiện chiến đấu bấy giờ có ý nghĩa quan trọng, từ đó tàu chiến Mỹ không dám dẫn xác đến vùng biển miền Bắc, vùng biển Quảng Bình bắn phá như trước.

3- Khu di tích thuộc huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy

Từ những năm 1961, 1962-1965 hướng vận chuyển của ta tập trung ở tuyến đường 12, 15. Từ năm 1965-1967 hướng vận chuyển tập trung ở đường 20 Quyết thắng.

Nhưng từ năm 1967 trở đi hướng vận chuyển lại tập trung vào các đường 8, đường 10 và đường 18. Do đó, vùng Quảng Ninh, Lệ Thủy mà tập trung là vùng bến phà Long Đại, Xuân Ninh trở thành vùng ’’Cắt cổ’’ của không lực Hoa Kỳ.

Phà Long Đại ban đầu do Ty Giao thông Quảng Bình quản lý hoạt động phục vụ giao thông cho khu vực và miền Tây Quảng Bình.

Từ mùa khô năm 1967, 1968 chuyển sang quân đội quản lý, do đại đội 16 binh trạm 16 trực tiếp phụ trách. Ngoài đại đội 16, binh trạm 16 anh hùng còn có tiểu đoàn pháo cao xạ, lực lượng dân quân tự vệ các xã Xuân Ninh, Hiền Ninh, Long Đại, bệnh viện huyện Lệ Ninh.

Để bảo đảm vận chuyển liên tục, tránh những khi bị địch đánh phá xe tắc, từ tháng 1 năm 1971 ở khu vực này được phát triển thành 2 bến phà: Bến phà 1 ở sát cầu Long Đại ngày nay; Bến phà 2 ở hạ lưu sông Long Đại cách bến phà khoảng 500m.

Địch đã tập trung đánh phá rất ác liệt. Bom đạn địch làm rung chuyển núi rừng, cây cối, đất đai và lòng sông. Bom đạn làm "long đầu, đinh tai’’ ai đã từng sống và chiến đấu ở đây. Nhưng họ vẫn đứng vững trên vị trí chiến đấu của mình, đảm bảo cho xe qua đưa hàng và cơ động lực lượng ra chiến trường.

Sau Hiệp định Pari, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng và quân đội về dự duyệt binh tại khu vực bến phà. Đây là lễ duyệt binh lớn của ta sau bao năm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Sở Chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh 559 đóng trụ sở ở nhiều nơi qua các thời gian chiến tranh. Thời gian đầu đóng ở hang đá, khu vực R ở xã Hóa Tiến (Minh Hóa). Thời gian sau Hiệp định Pari từ Tây Trường Sơn chuyển về đóng tại Do An (Bến Hải). Thời gian giữa của các giai đoạn phát triển con đường sở chỉ huy cơ bản, Bộ Tư lệnh 559 chuyển về đặt tại Hiền Ninh (Lệ Ninh). Ở đây, có nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương đến thăm và giao nhiệm vụ (như đồng chí: Lê Duẫn, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Hoàng Văn Thái, Tố Hữu), ở đây cũng đã đón tiếp nhiều vị khách qúy, nhiều đoàn khách nước ngoài.

Cùng với Sở chỉ huy cơ bản, Bộ Tư lệnh 559 là trạm thông tin bãi ba, luôn bám sát chỉ huy truyền và nhận nhiệm vụ giữa Trung ương với Bộ Tư lệnh 559 và giữa Bộ Tư lệnh 559 với các đơn vị.

Ở khu di tích này còn có nơi chỉ huy sở của Sở chỉ huy chiến dịch đường 9 Nam Lào (tháng 9-1971), mà Bộ chỉ huy cánh Đông đã dùng tổng trạm A72 để chỉ huy quân đoàn I, II và sư đoàn III giải phóng Huế, Đà Nẵng. Tổng trạm thông tin A72 ở vùng lèn núi Ngân Sơn (Lệ Thủy).

Ngoài ra còn có các tuyến đường giao thông quan trọng nhất là tuyến đường 16, đường 10, các tổng kho Bang, Ho, tổng kho Đồng Tư, Trà Vinh, binh trạm 171 đường ống xăng dầu.

Từ lúc còn vận tải thô sơ đến cả quá trình thời gian vận tải cơ giới hiện đại và kết hợp vận tải thô sơ với vận tải cơ giới hiện đại, Quảng Bình luôn là căn cứ xuất phát là cửa ngõ vào Nam, cửa ngõ đến cả chiến trường Đông Dương, là bàn đạp tấn công, là vùng hội tụ các nguồn chi viện, là khu tập kết chiến dịch và vùng tập kết chiến lược của hậu phương miền Bắc XHCN đối với tiền tuyến lớn miền Nam và Trị Thiên ruột thịt.

Con đường tồn tại bằng mồ hôi, xương máu bằng sự chiến đấu dũng cảm, sức lao động sáng tạo của các chiến sĩ, đồng bào, bằng sự chăm lo nuôi dưỡng của cả một dân tộc đã từng biết tựa vào thế của núi rừng Trường Sơn và địa hình sông, biển để đánh giặc ngoại xâm.

Con đường tồn tại và phát triển bằng nghệ thuật ’’đánh địch mà đi, mở đường mà tiến’’ là ’’thành công kiệt xuất về đường lối chính trị và quân sự của Đảng ta, là những kinh nghiệm qúy báu làm phong phú thêm nền khoa học nghệ thuật quân sự của nước ta" (Võ Nguyên Giáp).

Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng, là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đó là con đường nối liền Nam - Bắc thống nhất một nhà, con đường nối tình đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Đông Dương.

Với nội dung lịch sử và đặc điểm hình loại, di tích đường Trường Sơn ở Quảng Bình có giá trị lịch sử và ý nghĩa to lớn trong công tác giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thụ khoa học về lịch sử và nghệ thuật quân sự, về chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân.

Ngoài giá trị vô cùng qúy báu nói trên, di tích đường Trường Sơn ở Quảng Bình còn nhiều giá trị khác về kỳ tích danh thắng và kinh tế du lịch, về phát triển giao thông với kinh tế - xã hội miền núi.

Trước mắt và mãi mãi trong tương lai, di tích đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) ở Quảng Bình cũng như trên địa bàn các tỉnh khác, sẽ đi vào lòng người với những tình cảm quý trọng, thiêng liêng. Qua di tích đường Trường Sơn, những truyền thống tốt đẹp quý báu của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ và cứu nước sẽ là bất tử và trở thành một động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững bước tiến lên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.

(Nguồn: quangbinh.gov.vn)

Từ khóa » đường Trường Sơn Dài Bao Nhiêu Km