Đường Vành đai 4, Thành Phố Hà Nội. Tổng Chiều Dài Khoảng 112 ...

Ảnh nguồn: Bắc Ninh TV

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh tại Văn bản số 318/ UBND-XDCB ngày 9/02/2022 về việc báo cáo HĐND tỉnh ban hành nghị quyết chấp thuận triển khai dự án: ĐTXD đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó: Giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu nội dung đề xuất Dự án theo Báo cáo NCTKT được UBND thành phố Hà Nội trình bày tại phiên họp ngày 17/01/2022, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì và kết luận; gửi Báo cáo tham gia ý kiến (quy mô đầu tư, phương án thiết kế sơ bộ, công tác đền bù giải phóng mặt bằng,…) về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh đáp ứng tiến độ đề ra.

Tiến độ dự kiến trình thẩm định, phê duyệt Báo cáo NCTKT. Nguồn: TEDI

Trên cơ sở nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội (theo Tờ trình số 173/TTr-UBND ngày 19/8/2021 của UBND thành phố Hà Nội gửi Chính phủ), ngày 13/10/2021 Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Tờ trình số 296/TTr-UBND xin ý kiến chỉ đạo và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận dự kiến nguồn vốn và phương án huy động vốn tại Văn bản số 241-KL/TU ngày 13/10/2021. Theo đó, ngày 15/10/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có các văn bản: Số 502/UBND-XDCB ngày 30/7/2021 và số 526/UBND-XDCB ngày 11/8/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thống nhất một số nội dung Báo cáo phương án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; Số 689/UBND-XDCB ngày 15/10/2021 về việc cử người và tham gia ý kiến về kế hoạch thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố Hà Nội theo quy định; Sở GTVT đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh tham gia ý kiến thẩm định hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (BC NCTKT) với những nội dung như sau:

- Thống nhất với Báo cáo NCTKT. Dự án cơ bản phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Bắc Ninh có hướng tuyến cơ bản tuân thủ theo Quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050.

- Phạm vi nghiên cứu:

+ Điểm đầu: Khoảng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận huyện Sóc Sơn, Hà Nội);

+ Điểm cuối: Trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Nguồn: Bản đồ hướng tuyến kèm theo Văn bản số 8110/BGTVT-KHĐT

của Bộ GTVT về quy hoạch đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

- Tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long nhằm khép kín tuyến đường theo quy hoạch), quy mô 06 làn xe, đi qua thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, cụ thể như sau:

+ Thành phố Hà Nội (dài 58,2km): Các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông;

+ Tỉnh Hưng Yên (dài 19,3km): Các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm;

+ Tỉnh Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km): Các huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và thành phố Bắc Ninh.

Nguồn: TEDI

- Quy mô mặt cắt ngang đường Vành đai 4 gồm 6 làn xe cao tốc (TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 100-120km/h). Ngoài ra tuân thủ các quy hoạch chi tiết đường vành đai 4, quy hoạch Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh quy mô tổng thể dự án còn bao gồm hệ thống đường song hành hai bên (TCXDVN 104-2007 hoặc TCVN 4054-2005) và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang đoạn thông thường là 120m; đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu tổng chiều rộng mặt cắt ngang 135m; một số vị trí đặc biệt đi qua khu đô thị, khu công nghiệp khó khăn về giải phóng mặt bằng, không có đường sắt đi song hành có thể thu hẹp phần dải dự trữ.

Tuyến nối theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín đường Vành đai 4 có quy mô 04 làn xe cao tốc (TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 100-120km/h).

- Căn cứ trên số liệu dự báo nhu cầu vận tải, các quy hoạch có liên quan và nhu cầu phát triển hai bên tuyến đề xuất quy mô phân kỳ cụ thể như sau:

+ Đường cao tốc đầu tư giai đoạn 1 được đấu nối thông toàn tuyến nhằm đảm bảo tính kết nối với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h (TCVN5729-2012, Quyết định số 5109/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT), bề rộng nền đường Bnền = 17m (Bcầu = 17,5m).

+ Đường song hành giai đoạn 1 đầu tư 02 tuyến chạy dọc Bnền = 12m (TCXDVN 104-2007 và TCVN 4054-2005), chưa xây dựng hệ thống vỉa hè, hệ thống HTKT, ... theo quy hoạch.

+ Đối với tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long phân kỳ đầu tư đồng bộ toàn tuyến đảm bảo quy mô 04 làn xe bề rộng nền đường Bnền = 17m (Bcầu = 17,5m), vận tốc thiết kế 80km/h (TCVN5729-2012, Quyết định số 5109/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT).

- Địa phận tỉnh Bắc Ninh: Trắc dọc đi thấp từ đoạn giáp ranh tỉnh Hưng Yên đến QL.38 (Km77+500-Km87+500) dài khoảng 10km điều chỉnh so với Tờ trình 173/TTr-UBND trắc dọc đi thấp từ giáp ranh tỉnh Hưng Yên đến trước nút giao với QL.17 (Km77+500-Km89+960) dài khoảng 12,46km. Đoạn tuyến là đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh, nhu cầu kết nối ngang không cao, chủ yếu nằm trên địa phận tỉnh Bắc Ninh. Do vậy tỉnh Bắc Ninh thống nhất với phương án trắc dọc tuyến đi thấp.

- Đoạn nối đi theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long đi thấp (theo quy hoạch).

- Thời gian thực hiện dự án dự kiến trong giai đoạn 2021-2027, cụ thể như sau:

+ Chuẩn bị dự án: Năm 2021 - 2023.

+ Giải phóng mặt bằng, tái định cư: dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2024.

+ Thi công xây dựng công trình:

Dự án thành phần số 1, 2: năm 2023 - 2026.

Dự án thành phần số 3: năm 2023 - 2027 (đưa vào khai thác đầu năm 2028).

Nguồn: TEDI

Trên cơ sở “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội” do UBND thành phố Hà Nội đề xuất, để đảm bảo sự phù hợp đối với phương án thiết kế đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, Sở GTVT đề nghị, kiến nghị các nội dung sau:

1. Do đoạn tuyến khoảng 9,7km, từ cuối dự án Vành đai 4 (theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long) đến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, được quy hoạch đi qua khu vực trung tâm đô thị Bắc Ninh. Với phương án đi thấp sẽ chia cắt khu vực trung tâm lõi đô thị Bắc Ninh; chia cắt sự kết nối của các khu đô thị, các khu công nghiệp, khu chức năng lớn của tỉnh, ảnh hưởng rất lớn và hạn chế sự phát triển chung của đô thị Bắc Ninh, cũng như tỉnh Bắc Ninh. Vì vậy, để đảm bảo kết nối về không gian, kết nối giao thông thuận tiện. Đồng thời, nhằm tạo điều kiện để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng quỹ đất hai bên tuyến, Liên ngành Sở KHĐT, Xây dựng, GTVT thống nhất báo cáo UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu, thưc hiện phương án thiết kế đi trên cao (Cầu cạn) đối với đoạn tuyến nói trên.

2. Trong trường hợp việc điều chỉnh phương án thiết kế như đề nghị nêu trên, dẫn tới làm tăng tổng mức đầu tư dự án, gây khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để thực hiện dự án, thì có thể xem xét điều chỉnh phương án thiết kế đường Vành đai 4, đoạn từ cầu Hoài Thượng (cầu bắc qua sông Đuống của tuyến Vành đai 4) đến QL.38 (chiều dài khoảng 8,5÷9,0Km) từ thiết kế đi trên cao sang thiết kế đi thấp, nhằm hạn chế việc tăng tổng mức đầu tư dự án, đảm bảo tính khải thi dự án.

3. Đề nghị rà soát phạm vi, quy mô đầu tư đối với đoạn đi qua địa phận tỉnh Bắc Ninh: Số liệu chính xác dài 24,623Km (Theo bản vẽ, đoạn từ Km77+500 đến Km102+123) và tuyến nối 9,7km, đi qua 03 huyện và thành phố: Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và thành phố Bắc Ninh.

4. Nghiên cứu kỹ Nội dung Văn bản số 689/UBND-XDCB ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, lưu ý đến việc bổ sung các vị trí Nút giao thông giữa đường Vành đai 4 với các đường Quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (Tổng cộng có 11 Nút giao thông). Trước mắt, trong Báo cáo NCTKT đề nghị bổ sung đủ các Nút giao với đường Quốc lộ như: QL.38, QL.17, QL.18 mới, QL.1A (Nút giao Tây Nam & Cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long) là Nút giao thông hoàn chỉnh, thuận tiện cho phát triển Kinh tế - Xã hội (khai thác, phát triển các Khu Công nghiệp, khu đô thị...), và đảm bảo khai thác hiệu quả tuyến cao tốc. Số lượng nút giao phù hợp với tính chất đường vành đai.

Các Nút giao còn lại, đầu tư vào giai đoạn hoàn thiện quy hoạch hoặc địa phương thực hiện đầu tư xây dựng (nếu có nguồn lực phù hợp).

5. Đề nghị rà soát lại, cập nhật tổng mức đầu tư (thay đổi chiều dài tuyến). Đồng thời, cần rà soát kỹ lưỡng phương án GPMB, làm rõ diện tích từng loại đất chuyển đổi sử dụng (Đối với Bắc Ninh: 326 ha); phương án tái định cư.

- Thực hiện công tác GPMB một lần theo quy mô quy hoạch, đầu tư hệ thống đường bên với quy mô phù hợp với từng đoạn tuyến theo nhu cầu vận tải và tốc độ phát triển các khu dân cư, đô thị để đảm bảo phục vụ kết nối dân cư hai bên tuyến, quản lý quỹ đất đã GPMB.

Từ khóa » đường Vành đai 4 đi Qua Bắc Ninh