Đường Võ Nguyên Giáp Là Cửa Ngõ Phía Bắc Vào TP.HCM

h7PBEvuN.jpgPhóng to
Xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Rạch Chiếc - đoạn đường dự kiến sẽ mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Bà Vũ Kim Anh nói: “Con đường mang tên Võ Nguyên Giáp sẽ là cửa ngõ phía bắc để vào TP.HCM. Toàn bộ 7.117m đường này đều là xa lộ cao tốc, cảnh quan rất đẹp và nhiều công trình hiện đại của TP.

Việc chọn con đường hiện đại này để mang tên Đại tướng là một cách tri ân của người dân và chính quyền TP với Đại tướng.

Đồng thời, đường Võ Nguyên Giáp sẽ là một điểm tiếp nối về giao thông khi nối đường Điện Biên Phủ và xa lộ Hà Nội.

Như vậy, sẽ rất trọn vẹn về ý nghĩa lịch sử, khi con đường là một gạch nối liền lạc quá trình đấu tranh giải phóng đất nước đã ghi đậm dấu ấn của Đại tướng”.

* Kế hoạch đặt tên đường Võ Nguyên Giáp đã được bàn thảo như thế nào, thưa bà?

KlWJKWVm.jpg
Bà Vũ Kim Anh - Ảnh: Viễn Sự

- Kế hoạch này đã có từ rất lâu, không phải đến khi Đại tướng mất TP mới nghĩ đến việc đặt tên đường mang tên Đại tướng.

Hơn mười năm trước, khi có con đường Điện Biên Phủ nối dài, các thành viên thường trực trong Hội đồng đặt đổi tên đường của TP đã có ý tưởng và chuẩn bị cho việc đặt tên Đại tướng cho con đường này vì mọi người đều thống nhất Đại tướng có nhiều công trạng, nhưng được nhắc nhiều nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chúng tôi đã đi khảo sát tất cả các đoạn đường dự kiến sẽ mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đều nhận được sự ủng hộ của người dân, các cựu chiến binh, các vị lão thành cách mạng về lựa chọn này.

* Có ý kiến cho rằng nên chọn hẳn xa lộ Hà Nội để đặt tên đường Võ Nguyên Giáp. Như con đường sẽ dài hơn, đúng với tầm vóc của Đại tướng, ý kiến của bà thế nào?

- Chúng tôi cũng nhận được những ý kiến như vậy. Thật ra năm 1985, khi TP.HCM quyết định đặt tên con đường này là xa lộ Hà Nội cũng có ý nghĩa rất lớn vì khi đó là dịp 10 năm giải phóng TP, 30 năm giải phóng thủ đô.

Đó là những ý nghĩa rất đáng trân trọng và thiêng liêng. Ngoài ra như đã nói, con đường mang tên Đại tướng sẽ là gạch nối lịch sử giữa Điện Biên Phủ và Hà Nội nên không cần thay đổi toàn tuyến mà chỉ cần nối tuyến.

Việc nối tuyến này còn rất thuận về giao thông vì toàn bộ tuyến đường Võ Nguyên Giáp mới sẽ là hai chiều. Phần đường Điện Biên Phủ còn lại là đường một chiều, thay vì như hiện nay đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng về hướng quận 10 là một chiều, còn đoạn Điện Biên Phủ nối dài thì hai chiều, không thuận tiện về giao thông.

* Nhiều người đặt vấn đề sao TP không chọn con đường mới đặt tên Đại tướng để xứng tầm và tránh xáo trộn đời sống của người dân trên đoạn đường được chọn nói trên, do việc thay đổi địa chỉ, giấy tờ khi thay đổi tên đường?

- Như tôi đã nói, từ khi có đường Điện Biên Phủ nối dài, các thành viên thường trực trong Hội đồng đặt đổi tên đường của TP đã có ý tưởng và chuẩn bị việc đặt tên Đại tướng cho con đường này vì những ý nghĩa mà tôi đã trình bày ở trên nên chúng tôi không nghĩ đến khả năng chọn con đường mới.

Còn việc xáo trộn đời sống của người dân do thay đổi số nhà, hộ khẩu, giấy tờ khi thay đổi tên đường là có, nhưng tuyến đường này không dài, đoạn ảnh hưởng nhất là trên tuyến Điện Biên Phủ nối dài.

Còn từ cầu Sài Gòn đến cầu Rạch Chiếc thì nhà cửa không nhiều, các công trình hiện cũng đã di dời giải tỏa nên không ảnh hưởng. UBND TP đang giao Sở Văn hóa - thể thao và du lịch lấy ý kiến người dân trên đoạn đường dự tính sẽ đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp.

Tôi tin là người dân sẽ ủng hộ việc này vì nhiều người dân TP đã gửi gắm đến chúng tôi việc chọn đoạn đường này mang tên Đại tướng...

Sẽ thận trọng khi đổi tên đường Cộng Hòa

Theo đề xuất của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM, sẽ có thêm ba tuyến đường được đề xuất đổi và đặt tên. Cụ thể, đặt tên Võ Chí Công cho đường vành đai 2 - phía đông, từ chân cầu Phú Mỹ (Q.2) đến xa lộ Hà Nội (Q.9); đặt tên đường Võ Trần Chí cho đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương, từ nút giao Tân Tạo (Q.Bình Tân) đến nút giao Chợ Đệm (H.Bình Chánh). Đổi tên toàn bộ đường Cộng Hòa thành đường Văn Tiến Dũng (dài hơn 3km). Trong các con đường này, bà Vũ Kim Anh cho biết việc đề xuất đổi tên đường Cộng Hòa thành đường Văn Tiến Dũng được Hội đồng đặt đổi tên đường rất lưu ý về việc sẽ làm xáo trộn đời sống người dân. “Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến người dân một cách kỹ càng, sẽ làm việc thêm với các quận trên tuyến đường này” - bà Kim Anh nói.

Theo bà Vũ Kim Anh, việc đề xuất đổi tên đường Cộng Hòa thành đường Văn Tiến Dũng là hợp lý vì đường Văn Tiến Dũng lúc đó sẽ nối tiếp với đường Trường Chinh - hai con đường này mang tên hai nhà lãnh đạo, vị tướng từng kề vai sát cánh trong hai cuộc kháng chiến. Đối với đường Võ Trần Chí, nối vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng rất ý nghĩa vì đây là con đường hiện đại, nối về quê hương Long An của nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM. Tương tự, đường vành đai 2 - phía đông là con đường cao tốc, hiện đại, đúng với tầm vóc của cố Chủ tịch nước Võ Chí Công.

Đà Nẵng: 2 phương án đặt tên đường Võ Nguyên Giáp

UBND TP Đà Nẵng vừa thông báo rộng rãi dự thảo đề án đặt, đổi tên đường đợt 2 năm 2013 để người dân TP góp ý trước khi trình HĐND TP Đà Nẵng thông qua tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào ngày 11-12. Theo đó, UBND TP Đà Nẵng đưa ra hai phương án để người dân góp ý.

Phương án 1, đặt tên đường Võ Nguyên Giáp ở quốc lộ 1, đoạn đường có điểm đầu là cầu vượt Hòa Cầm, điểm cuối là giáp Quảng Nam (mặt đường bằng bêtông nhựa, dài 8.530m, rộng 2x10,5m + 2m dải phân cách, vỉa hè mỗi bên rộng 5m). Phương án 2, cắt đoạn đường ở giữa trục đường Hoàng Sa và Trường Sa để đặt tên Võ Nguyên Giáp. Đoạn đường này có điểm đầu là đường Nguyễn Huy Chương, điểm cuối là đường Hồ Xuân Hương (mặt đường bằng bêtông nhựa, dài 5.340m, rộng 2x15m, vỉa hè mỗi bên rộng 9m).

Từ khóa » đường Võ Nguyên Giáp Tp Hcm