Dứt điểm Viêm Họng Khi Mang Thai Với 5 Cách đơn Giản - Hello Bacsi

Viêm họng là bệnh khá phổ biến và bạn có thể dễ dàng vượt qua. Tuy nhiên, nếu bị viêm họng khi mang thai, mẹ bầu cần hết sức cẩn thận, nhất là khi có ý định dùng thuốc.

Để hiểu rõ nguyên nhân và cách điều trị viêm họng khi mang thai an toàn và hiệu quả, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Viêm họng là bệnh gì?

Viêm họng là tình trạng mà niêm mạc hầu và họng bị viêm. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do virus cảm lạnh hoặc cúm gây ra, đôi khi cũng có thể là do nhiễm khuẩn.

Viêm họng khi mang thai còn có thể xảy ra do sự thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone trong cơ thể, dẫn đến đau họng cùng với các triệu chứng khác như buồn nôn hoặc nhức đầu.

Thực tế, viêm họng không phải là một bệnh quá nghiêm trọng trong thai kỳ và thường nó sẽ biến mất sau khoảng 7 ngày. Tuy nhiên, với những mẹ bầu đang cảm thấy khó chịu, mệt mỏi vì viêm họng, cần có biện pháp điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.

Các triệu chứng của viêm họng khi mang thai

1. Triệu chứng bà bầu bị viêm họng thông thường

Một số triệu chứng thường gặp khi bà bầu bị viêm họng là:

  • Cổ họng sưng đỏ
  • Khó nuốt
  • Thường xuyên đau ở cổ họng
  • Sốt
  • Đau tai
  • Amidan sưng đỏ
  • Khàn tiếng
Có thể bạn sẽ không gặp phải tất cả các triệu chứng này cùng một lúc. Hãy đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng này kéo dài hơn 7 ngày.

2. Triệu chứng bị viêm họng khi mang thai do liên cầu khuẩn

Nếu bà bầu bị viêm họng do liên cầu khuẩn – một chứng viêm họng nghiêm trọng do vi khuẩn streptococcus nhóm A gây ra, rất dễ lây lan – những triệu chứng phổ biến sẽ là:

  • Ớn lạnh
  • Cổ họng sưng đỏ
  • Nhức đầu
  • Mệt mỏi
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Chán ăn
  • Sưng amidan
  • Đau bụng
  • Phát ban.

Đọc thêm

Mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không? Lưu ý khi ho trong thai kỳ

Nguyên nhân gây viêm họng khi mang thai

bà bầu bị viêm họng khi mang thai

Biết được lý do gây viêm họng, bạn có thể tránh được tình trạng này. Nguyên nhân phổ biến gây viêm họng khi mang thai là:

  • Nhiễm virus: Đa số các trường hợp viêm họng là do virus gây ra. Nếu bị viêm họng do virus, mẹ bầu không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh.
  • Nhiễm khuẩn: Viêm họng khi mang thai có thể là do vi khuẩn gây ra. Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng cần đảm bảo uống theo chỉ định của bác sĩ.
  • Dị ứng: Mẹ bầu có thể bị dị ứng với bụi hoặc phấn hoa dẫn đến phản ứng dị ứng như viêm họng, hắt hơi, phát ban…
  • Trào ngược axit: Trào ngược dạ dày là một biểu hiện phổ biến ở phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của mẹ bầu bị chèn ép bởi tử cung. Trào ngược axit có thể gián tiếp khiến bà bầu bị viêm họng.
  • Hội chứng chảy dịch mũi sau: Nếu khoang mũi chảy dịch xuống cổ họng, lâu ngày, vùng họng của mẹ bầu có thể bị viêm, gây đau và ho dai dẳng. Tình trạng này thường xảy ra ở bệnh nhân bị viêm xoang.
  • Sự thay đổi hormone thai kỳ: Sự thay đổi hormone khi mang thai có thể khiến mẹ bầu bị đau họng, khô miệng…
  • Cơ cổ họng bị căng: Nếu thai phụ nói chuyện to, nói chuyện liên tục mà không nghỉ ngơi, cơ vùng họng có thể bị căng, dẫn đến viêm họng khi mang thai.
  • Nhiễm trùng nấm: Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị viêm họng.
  • Chất gây ô nhiễm hoặc hóa chất: Những hóa chất độc hại này khiến niêm mạc họng của thai phụ bị tổn thương, gây sưng viêm, đau đớn.

Đọc thêm

Bà bầu bị đau đầu có sao không? Làm sao điều trị?

Viêm họng khi mang thai có nguy hiểm không?

Mặc dù viêm họng là tình trạng phổ biến và thường không quá nghiêm trọng, nhưng cần hiểu rằng, bất kỳ vấn đề sức khỏe nào xảy ra trong thai kỳ đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thai phụ và thai nhi.

Do đó, dù bà bầu bị viêm họng 3 tháng đầu, 3 tháng giữa hay 3 tháng cuối, điều quan trọng là tuyệt đối không được chủ quan. Cần áp dụng các biện pháp an toàn để nhanh chóng đẩy lùi các triệu chứng đau họng.

Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý dùng thuốc có thể khiến bệnh trầm trọng hơn, và cũng có thể gây hại cho cả mẹ và bé.

Cách giảm viêm họng trong thai kỳ

Viêm họng khi mang thai thường không quá nguy hiểm và có thể cải thiện tại nhà. Những lời khuyên đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn giảm viêm họng trong thời gian mang thai:

  • Tránh đồ uống có ga và nước lạnh khi bị viêm họng bởi những thức uống này có thể khiến tình trạng viêm trở nên trầm trọng thêm.
  • Uống nhiều nước để làm mát cơ thể.
  • Tránh thức ăn nhanh và những loại thực phẩm chế biến, đặc biệt là những món ăn có nhiều màu nhân tạo và chất bảo quản.
  • Uống các loại trà thảo dược như trà chanh hoặc trà xanh để giảm cảm giác đau rát ở cổ họng.
  • Xông hơi giúp giảm nghẹt mũi và đau rát cổ họng.
  • Súc miệng bằng nước muối ít nhất ba lần một ngày vì muối có đặc tính kháng khuẩn. Bạn cũng có thể thêm một ít bột nghệ vào nước muối vì nghệ có tính chất chống viêm và sát trùng tự nhiên.
  • Duy trì một chế độ ăn lành mạnh, giàu vitamin và khoáng chất.
  • Mẹ bầu bị viêm họng cần đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Không dùng chung những vật dụng cá nhân, khăn tắm hoặc ly với người bị viêm họng vì bạn có thể bị lây.
  • Đừng nói quá nhiều, hãy để cổ họng của bạn được nghỉ ngơi.
  • Rửa tay sau khi hắt hơi hoặc ho. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây nhiễm.
  • Tránh hút thuốc lá vì nó có thể làm tình trạng này trở nên xấu đi.

Đọc thêm

Bà bầu bị cảm lạnh nên làm gì để “đối phó” bệnh hiệu quả, an toàn?

Điều trị bằng thuốc cho mẹ bầu bị viêm họng khi mang thai

điều trị viêm họng khi mang thai

Mẹ bầu bị viêm họng khi mang thai có được dùng thuốc? Thực tế, có một số loại thuốc điều trị được cân nhắc cho mẹ bầu dùng trong thai kỳ. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, viêm họng khi mang thai thường tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Nếu tình trạng viêm họng kéo dài liên tục, bạn nên đến bác sĩ để khám. Bác sĩ sẽ kê cho bạn một số loại thuốc để điều trị.

Dưới đây là một số loại thuốc thường được dùng để điều trị viêm họng, nhưng bạn không nên tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ.

  • Cepacol: Dạng xịt
  • Sucrets: Dạng viên
  • Chloraseptic (không dùng quá 2 ngày): Dạng xịt hoặc dạng viên
  • Robitussin: Dạng viên
  • Vicks: Dạng viên

Một số loại thuốc kháng sinh dùng để điều trị chứng viêm họng liên cầu khuẩn:

  • Cephalexin – An toàn cho bà bầu
  • Penicillin – An toàn cho bà bầu
  • Amoxicillin – Chưa chắc an toàn cho bà bầu

Thuốc kháng sinh không được sử dụng để điều trị viêm họng do nhiễm virus. Bất kỳ sơ suất nào về liều lượng trong quá trình dùng thuốc cũng có thể khiến bệnh viêm họng quay trở lại. Do đó, tốt hơn hết, bạn nên sử dụng theo đúng lời khuyên của bác sĩ.

Đọc thêm

Mẹ bầu sử dụng thuốc trong thai kỳ – Những lưu ý quan trọng cần biết

Mách mẹ bầu một số biện pháp điều trị viêm họng tại nhà

1. Nước chanh mật ong

Mật ong giúp làm dịu cổ họng. Còn chanh giúp chống lại vi khuẩn và làm sạch chất nhầy.

Thực hiện: Đun sôi một tách nước, thêm một ít mật ong và chanh, để nguội và uống.

2. Xông hơi giúp giảm viêm họng khi mang thai

Xông hơi giúp làm mát cổ họng và giảm cảm giác đau rát khó chịu. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một chiếc máy làm ẩm để giữ ẩm không khí trong nhà.

Thực hiện: Đun một nồi nước sôi và xông trong khoảng 25 – 30 phút.

Đọc thêm

7 cách trị đau họng cho mẹ bầu an toàn với thảo dược

3. Mẹ bầu đau rát cổ họng nên súc miệng bằng nước muối

viêm họng khi mang thai nên súc miệng bằng nước muối

Đây là một trong những biện pháp điều trị tại nhà an toàn nhất . Nước muối giúp làm dịu cổ họng và giảm cảm giác đau rát.

Thực hiện: Cho một thìa cà phê muối vào 250 ml nước ấm. Khuấy đều để muối tan và súc miệng mỗi giờ 1 lần để làm dịu cơn đau họng.

4. Trà hoa cúc

Trà hoa cúc có rất nhiều lợi ích về sức khỏe. Trong đó, trà giúp giảm đau tự nhiên, có đặc tính kháng khuẩn, giúp giảm các triệu chứng viêm và hạ hỏa.

Thực hiện: Đun sôi một tách nước. Cho một túi trà hoa cúc vào và để khoảng 5 phút. Lấy túi trà ra, cho một ít mật ong vào và thưởng thức.

Đọc thêm

Bà bầu bị ho nên uống gì? Bật mí 10 thức uống trị ho dứt điểm, an toàn

5. Mẹ bị viêm họng khi mang thai nên uống trà gừng

Gừng có khả năng kháng nấm và kháng khuẩn. Do đó, nó giúp điều trị viêm họng.

Thực hiện: Đun sôi một ít nước và cho thêm vào đó vài lát gừng đã bóc vỏ. Ngâm khoảng 5 phút, sau đó thêm mật ong và uống. Bạn cũng có thể cho thêm một ít bạc hà tươi để làm tăng hương vị của thức uống này.

Lưu ý

Nếu tình trạng viêm họng khi mang thai đã trở nên nghiêm trọng và các biện pháp điều trị tự nhiên này không hiệu quả, bạn có thể cân nhắc đến việc đi khám để được chỉ định sử dụng thuốc phù hợp.

Phòng ngừa viêm họng khi mang thai

Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm họng khi mang thai là tăng cường sức đề kháng và tránh xa mầm bệnh:

  • Không tiếp xúc gần với người đã bị đau họng.
  • Giữ đủ nước để hạn chế tình trạng nhiễm trùng khi mang thai.
  • Luôn rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
  • Không ăn uống đồ lạnh, không tắm quá muộn vào buổi tối.
  • Không hút thuốc lá và tránh xa nơi có khói thuốc.
  • Đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi đông người, khi dọn dẹp…

Một số thắc mắc về viêm họng liên cầu khuẩn

1. Viêm họng liên cầu khuẩn có nguy hiểm khi đang mang thai không?

Viêm họng do vi khuẩn streptococcus không gây nguy hiểm nếu bạn được điều trị kịp thời. Nếu bạn thấy mình có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy đến bác sĩ khám ngay nhé. Trường hợp bị nặng, chứng bệnh này có thể làm hư van tim và thận đấy.

2. Viêm họng liên cầu khuẩn và nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm B giống nhau không?

Đây là hai căn bệnh hoàn toàn khác nhau. Viêm họng liên cầu khuẩn là do vi khuẩn streptococcus nhóm A ở cổ họng gây ra, trong khi nhiễm trùng liên cầu khuẩn là do vi khuẩn streptococcus nhóm B ở vùng trực tràng và âm đạo gây ra. Vi khuẩn nhóm B có thể truyền từ mẹ sang con thông qua dịch màng ối.

Đọc thêm

Kẹo ngậm ho: Bà bầu nên hay không nên sử dụng?

Viêm họng không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng trong thời gian mang thai và nó cũng không gây hại cho bạn và bé. Tuy nhiên, viêm họng khi mang thai có thể làm ảnh hưởng đến việc ăn uống của bạn. Dù vậy, hãy cố gắng ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe trong thai kỳ nhé.

[embed-health-tool-due-date]

Từ khóa » Viêm Họng Cấp ở Bà Bầu