Duyên Dáng áo Dài Nơi Công Sở - Báo Đắk Lắk điện Tử

Duyên dáng áo dài nơi công sở 09:10, 23/02/2020

Từ năm 2015 đến nay, nữ cán bộ, công chức phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) luôn duy trì việc mặc áo dài đi làm vào ngày thứ hai hằng tuần.

“Cán bộ, công chức cấp phường là những người gần dân nhất.Để xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ người dân tốt hơn, bên cạnh việc nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, đội ngũ cán bộ, công chức còn phải thay đổi tác phong, lề lối làm việc, trước tiên là phong cách ăn mặc nơi công sở thể hiện tinh thần hòa đồng, đoàn kết, tính chuyên nghiệp, từ đó tạo môi trường làm việc tốt”, chị Trịnh Như Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho hay.

Vì vậy, Công đoàn cơ sở phường Thống Nhất đã phát động cán bộ, công chức mặc đồng phục đi làm, riêng nữ cán bộ, công chức mặc áo dài vào ngày thứ hai hằng tuần. Qua một thời gian thực hiện, giờ đây hình ảnh nữ cán bộ, công chức phường thanh lịch, nhã nhặn trong tà áo dài, cùng phong cách làm việc chuyên nghiệp đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân. “Chị em phụ nữ cơ quan nói với nhau: không cần đến Tết hay có dịp cưới hỏi mới mặc áo dài, giờ đây mỗi ngày đều là Tết”, chị Ngô Thị Đoan Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thống Nhất tự hào.

Phụ nữ Sở Kế hoạch - Đầu tư duyên dáng trong tà áo dài ngày thứ hai.
Phụ nữ Sở Kế hoạch - Đầu tư duyên dáng trong tà áo dài ngày thứ hai.

Tương tự, gần 5 năm nay, nữ cán bộ, công chức xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) cũng mặc áo dài đi làm vào ngày thứ năm hằng tuần, xem đây là nét đẹp văn hóa của cơ quan. Bên cạnh việc ý thức được trách nhiệm, trình độ chuyên môn đối với công việc, đa số chị em phụ nữ khi mặc áo dài đi làm đều muốn mình nữ tính, chuyên nghiệp, trang trọng trong mắt các đồng nghiệp và tự tin hơn trong công việc. “Không chỉ vào thứ năm hằng tuần, từ tháng 2-2020, nữ cán bộ, công chức của xã còn mặc áo dài đi làm vào này thứ hai nhằm gìn giữ, tôn vinh giá trị văn hóa của áo dài cũng như vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam”, chị Trương Thị Vân, công chức văn hóa - xã hội, Trưởng Ban Nữ công xã Hòa Thắng trò chuyện.

“Tuyên truyền, vận động nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong tỉnh mặc áo dài đi làm hưởng ứng hoạt động "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, đề nghị UNESCO đưa áo dài Việt Nam vào mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu Nguyệt

Áo dài là trang phục quen thuộc của phụ nữ Việt Nam, bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mặc với niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Nữ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị sự nghiệp hành chính tự tin trong chiếc áo dài truyền thống để lại ấn tượng đẹp, sự thiện cảm đối với nhân dân.

Ông Lê Xuân Xanh (tổ 6, thôn 11, xã Hòa Thắng) nhận xét: “Nữ cán bộ, công chức mặc áo dài đi làm rất lịch sự, văn minh, phong cách làm việc chuyên nghiệp. Sự thay đổi nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả lớn”. Còn với bà Hà Thị Thủy (thôn 4, xã Hòa Thắng) thì: "Tôi sinh sống ở địa phương lâu rồi, thường xuyên đến UBND xã giao dịch. Hôm nay, thấy nữ công chức xã rất dễ thương, duyên dáng trong chiếc áo dài khi đi làm. Tôi thích như vậy!”.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, nhằm khẳng định, tôn vinh giá trị văn hóa của áo dài cũng như vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong trang phục áo dài, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Ban Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh) triển khai, vận động nữ cán bộ, công chức, viên chức, hội viên phụ nữ mặc áo dài vào thứ hai hằng tuần (bắt đầu từ tháng 2-2020), riêng trong tháng 3 có “Tuần Áo dài” (từ ngày 2 đến 9-3).

Nữ cán bộ, công chức xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) duy trì việc mặc áo dài đi làm thường xuyên.
Nữ cán bộ, công chức xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) duy trì việc mặc áo dài đi làm thường xuyên.

Ban đầu không ít nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động, hội viên e ngại khi mặc áo dài đi làm vì sợ ảnh hưởng đến hiệu suất, hiệu quả công việc, nhưng qua theo dõi của Hội LHPN tỉnh, chỉ trong thời gian ngắn, Ban Nữ công nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng. "Việc mặc áo dài đi làm đã giải quyết được nhiều vấn đề thực tế đặt ra, nhất là tạo ấn tượng tốt về tính chuyên nghiệp, môi trường làm việc thân thiện, cởi mở thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn", bà Nguyệt khẳng định. Sắp tới, Hội LHPN tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh) triển khai sâu rộng, quyết liệt hơn để việc mặc áo dài vào thứ hai hằng tuần của nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong toàn tỉnh trở thành nền nếp, là nét đẹp văn hóa công sở; từ đó bảo vệ, gìn giữ, phát huy trang phục truyền thống - quốc phục của Việt Nam.

Gia Nguyên

Từ khóa » Hình ảnh áo Dài Nơi Công Sở