Em Dũng – Ký Của Biên Linh ở Bình Phước - Hội Nhà Văn Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Vanvn- “Thưa cô, em rất cảm ơn cô và các bạn nhưng em không thể nào đi học tiếp được đâu. Vì ngồi trong lớp, em chỉ toàn nghĩ về việc: Làm thế nào để có gạo ăn? Em không nghe được thầy cô giảng bài gì. Cô cho em nghỉ học thôi cô nhé!”.
Trong lớp tôi chủ nhiệm, mỗi học sinh một vẻ, một hoàn cảnh; đứa nào cũng đáng yêu. Nhưng một học trò tôi nhớ và thương hơn cả là Dũng.
Nhà Dũng nghèo, bố bỏ mẹ con em đi theo người đàn bà khác khi đứa em thứ ba của Dũng chưa đầy một tuổi. Mẹ Dũng phải làm rẫy nuôi ba đứa con thơ.
Thấy Dũng hay nghỉ học. Tôi hỏi thăm nhà, rồi rủ mấy em trong ban cán sự lớp đến nhà thăm. Cô trò tôi đi bộ gần 3km đường trơn,vượt qua mấy con dốc đến một khu dân cư gần bên hồ nước rộng. (Vốn là vùng đất trũng dưới chân mấy quả đồi. Mùa khô thì cạn, có thể trồng cây được, mùa mưa thì nước dâng đầy như một cái hồ.) Nhà Dũng nhỏ bé chênh vênh trên lưng chừng dốc. Thấy tôi và các bạn Dũng đến, bà Miêng – mẹ Dũng, một người đàn bà còn trẻ, khá đẹp nhưng dáng vẻ lam lũ, vừa khóc vừa kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của gia đình. Tôi hứa sẽ giúp đỡ Dũng; xin miễn học phí, xin hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết,… cho em nghỉ các buổi lao động,… Cuối cùng mẹ Dũng cũng đồng ý cho em đi học lại.
Ở lớp, tôi dành thời gian dạy lại cho Dũng những bài học khi em vắng, phân công cho các bạn chép bài, trao đổi bài cho Dũng. Cứ tưởng mọi việc sẽ suôn sẻ và nó có thể học hết được cấp II. Nhưng chỉ một tuần sau, Dũng lại liên tục nghỉ. Tôi bắt đầu thấy lo. Cương (bạn gần nhà Dũng) đưa cho tôi một tờ giấy gấp tư. Tôi mở ra, đó là lá thư Dũng viết. Chữ rất to và nhiều lỗi chính tả. Đọc được vài dòng nước mắt tôi đã ướt nhòe trang giấy: “Thưa cô, em rất cảm ơn cô và các bạn nhưng em không thể nào đi học tiếp được đâu. Vì ngồi trong lớp, em chỉ toàn nghĩ về việc: Làm thế nào để có gạo ăn? Em không nghe được thầy cô giảng bài gì. Cô cho em nghỉ học thôi cô nhé!”.
Bao nhiêu nỗi lo của tôi bây giờ đã biến thành niềm xót thương vô bờ bến. Tôi biết rằng dù có cố bao nhiêu, tôi cũng đành bất lực vì khó khăn của gia đình em quá lớn! Trong khi tôi cũng như các thầy cô trong trường hầu như ai cũng còn phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình (Vì lương giáo viên rất thấp, ngành giáo dục lại nợ lương liên tiếp từ năm này sang năm khác. Có nhiều người không chịu nổi nữa đã bỏ nghề đi buôn quần áo cũ để mưu sinh, có người mở quán vá xe ngay đầu ngõ, có người lỡ tiêu vào tiền đóng học phí của trò, chưa kịp nộp đủ thì bị bắt lên phòng giáo dục xa vài chục km ngồi làm kiểm điểm.).
Tuy Dũng không còn là học sinh của tôi nữa, nhưng hình ảnh một học trò lam lũ với chiếc áo vá vai và đôi chân không dép, vẫn làm tim tôi nhói thương mỗi khi lên lớp nhìn vào khoảng trống đầu bàn thứ hai chỗ Dũng vẫn ngồi.
Tết năm ấy, tôi xin bố mẹ hai cái bánh chưng, phong kẹo, rồi rủ thêm mấy đứa trò trong lớp đến nhà Dũng. Cô trò tôi lội qua con suối Đá bằng mát rượi, nước trong như gương chảy tràn trên nền đá xanh, đi qua những lô cao su đang mùa nở hoa. Hoa cao su vàng thắm lên màu vàng tha thiết. Tiếng chim ríu rít trên những vòm lá xanh. “Cảnh vật đẹp vô cùng nhưng sao trong cuộc đời này còn nhiều nỗi khổ, niềm đau quá!”. Tôi vừa đi, vừa nghĩ lan man. Nhà Dũng vẫn như mọi ngày, hình như dấu hiệu ngày tết chỉ có ở một nải chuối quả chín, quả xanh đặt trên cái đĩa cũ kỹ trên bàn thờ. Nhận quà từ tôi và các bạn, Dũng ngạc nhiên và xúc động. Nó nghẹn ngào nói:
– Em cứ nghĩ cô và các bạn quên em rồi!
Tôi rưng rưng bảo:
– Lớp mình ai cũng nhớ em!
Mấy tuần sau, tôi bị sốt, không ra trường được. Bố mẹ tôi lo lắng phải nhờ cô y tá gần nhà đến tiêm thuốc mấy ngày liền tôi mới đỡ. Vừa đi lại được, tôi lại chuẩn bị ra trường. Chưa kịp đi thì thấy Dũng đến. Vẫn chiếc áo xanh bạc màu với miếng vá trên vai, vẫn chiếc nón lá mà quai nón buộc bằng dây chuối. Chỉ có khác là chân đi dép nhựa màu vàng, tay nó xách một cái giỏ đan bằng cói. Thấy Dũng đến, tôi mừng quá, cứ tưởng nó đến xin học trở lại. Thế là tôi luôn miệng bảo:
– Em đi học đi! Cô sẽ nói mấy thầy cô bộ môn giảng lại bài cho em. Cô sẽ báo các bạn chép bài cho em nữa,…
Dũng đứng im, một lát nó khe khẽ bảo:
– Cô ơi ! Em không học được nữa đâu ạ.
– Thế nay em đến….
Không để tôi nói hết, nó vội vàng giải thích:
– Em nghe bạn Lương nói cô bị ốm phải nghỉ dạy, nên em đến thăm cô!
Tôi ngỡ ngàng và xúc động không kìm được nước mắt.
Tôi lấy nước cho Dũng uống rồi bảo em ngồi chờ, tôi chạy ra mảnh vườn trước nhà nhổ một ít rau và ghé vào bếp lấy vài quả trứng gà (Nhà tôi nuôi nhiều gà đẻ lắm). Tôi bảo Dũng đưa cái giỏ cói cho tôi bỏ trứng và rau cho. Tôi giỗ cái giỏ định bỏ rau thì thấy vài hạt gạo rơi ra trên nền đất. Tôi rủ Dũng:
– Bây giờ cô ra trường, em đi cùng cô nhé!
– Vâng ạ, em cũng về cùng đường ấy mà cô!
Tôi với tay lấy cái cặp giáo án và cái nón lá úp sẵn trên bàn. Tôi bất ngờ thấy mấy quả cam được có sẵn trong cái nón. (Cam không còn tươi nữa vì ở chỗ tôi ở ngày ấy chưa có chợ. Chỉ có vài cái quán nhỏ bán các hàng hóa người ta mua từ chợ Phước Bình về. Vài ngày, chủ quán mới đi cất hàng về một chuyến.) Tôi nhìn mấy quả cam và nhớ đến mấy hạt gạo lúc nãy rơi trên đất. Tôi đã hiểu rằng thằng bé vừa đi bán gạo lấy tiền mua cam này đến thăm tôi. Lại nghẹn lòng và cố giấu những dòng nước mắt. “Trời ơi đứa học trò tội nghiệp và tình nghĩa của tôi!”.Sau này, tôi chuyển đi nơi khác, dạy ở những ngôi trường to lớn, khang trang với đầy đủ tiện nghi. Học sinh của tôi phần đông là cán bộ đủ mọi ngành nghề: là công an, cảnh sát, giáo viên, giám đốc sở này, trưởng phòng Sở nọ,… Đương nhiên những món quà họ tặng tôi ngày 20/11 hoặc các ngày lễ Tết cũng rất giá trị,… Nhưng trong lòng tôi, những quả cam héo mà đứa học trò nghèo vùng sâu mang đến cho tôi năm ấy mãi là món quà tôi khắc ghi trân trọng. Đến bây giờ viết lại những dòng này, mắt tôi vẫn giàn giụa nước.
Mùa mưa đến, cũng là mùa trỉa lúa, gieo bắp. Tôi thầm mong sao mưa gió thuận hòa để nhà tôi và nhà học trò tôi thu hoạch được nhiều lúa, bắp để học trò của tôi đừng thêm đứa nào phải bỏ học giữa chừng như Dũng.
Một buổi trưa, vừa tan trường, một em học sinh lớp 7 chạy theo tôi gọi:
– Cô giáo ơi! Có người gửi cho cô cái gói này!
Tôi đứng lại ngạc nhiên nhìn con bé móc trong túi xách của nó ra một gói vuông vuông bọc bằng giấy báo.
– Anh Dũng ở cạnh nhà em nhờ em đưa cho cô đấy ạ.
Tôi tò mò cầm cái gói lên: Một quyển sách! Mở lần giấy báo ra, tôi bật kêu lên ngạc nhiên. Quyển thơ Tố Hữu. Trang đầu tiên là chữ Dũng (vẫn rất to): “Cô ơi ! Em đi chợ Bù Nho thấy hiệu sách bán quyển này. Em mua tặng cô. Em: Dũng.”
Tôi lặng đi. “Đứa học trò tội nghiệp và tình nghĩa của tôi !” Và tôi lại thổn thức trong lòng.
Con bé đi bên cạnh tôi vẫn hồn nhiên trò chuyện. Nó bảo:
– Anh Dũng là con nhà bác họ em. Anh ấy làm giỏi lắm cô ạ. Anh ấy trồng được rất nhiều khoai lang. Hôm qua anh ấy còn chở ra tận chợ Bù Nho bán đấy!
Tôi ngậm ngùi, xót thương và xúc động. Quyển thơ Tố Hữu này, Dũng đã mua bằng tiền bán khoai lang của nó đây. Chắc là tại khi cô trò chuyện trò với nhau về sở thích, tôi đã bảo với các trò rằng tôi rất thích đọc thơ. Khi dạy thỉnh thoảng tôi cũng hay đọc cho chúng nghe những câu thơ Tố Hữu, thơ Trần Đăng Khoa, Xuân Diệu.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, cuộc sống cứ cuốn tôi đi cùng bao công việc: việc trường, việc nhà, việc ngoài xã hội. Tôi tin vào luật nhân quả khi thấy em học trò tình nghĩa của tôi – cậu bé Dũng năm xưa cũng đã trưởng thành.
Thật vậy. Bây giờ Dũng đã trở thành chàng trai cao lớn, mạnh mẽ, là trụ cột gia đình để mẹ và các em có đủ áo mặc cơm ăn. Dũng làm đổi công với những người trong xóm, tự xẻ gỗ, dựng được căn nhà rộng rãi, khang trang. Thỉnh thoảng, Dũng vẫn cùng mấy đứa bạn thân trong lớp ngày nào ghé thăm tôi. Tôi vui mừng trước sự trưởng thành của đàn trò nhỏ, cực khổ mà tình nghĩa; đặc biệt là Dũng.
Thời gian cuốn đi nhiều muộn phiền, ưu tư cũng như những niềm vui hạnh phúc của con người. Nhưng nghĩa tình chân thành thì vẫn mãi còn, cứ mãi xanh tươi, lung linh, dịu ngọt. Giữa hàng ngàn học trò mình từng dạy, tôi vẫn nhớ về Dũng – Người học trò tình nghĩa của tôi!
BIÊN LINH
Xem thêm:- Chuyện tình ở Hầm Hinh – Tiểu luận của Bùi Công Thuấn
- Cao Bá Quát và Lý Bạch: Tương đồng kỳ lạ
- Nhà thơ, nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Mỹ: “Như không hề có cuộc chia ly”
- Nhà văn Văn Giá & những “vụn vỡ” của số phận
- Trò chuyện với Chích Chòe – Truyện ngắn Đào Phạm Thùy Trang
Từ khóa » Em Dũng
-
EM DŨNG MỒ CÔI Người Đầu Tiên Được Số Quà KHỔNG LỒ Này
-
Em DŨNG MỒ CÔI Khiến Mọi Người BẤT NGỜ Về Trình ĐỘ HỌC
-
EM DŨNG “EM DÍNH MỒ CÔI " LẦN ĐẦU BÁT PHỞ ĐẦU TIÊN ...
-
EM DŨNG MỒ CÔI Bất Ngờ Lớn Nhận Được Món Quà Khủng Này
-
Em Cứ Bước Tiếp Đi (feat. Dũng Mario)
-
Em Dũng | Facebook
-
Cho Em Dũng Khí Để Bên Anh - Enovel
-
Nhờ Nắng Gửi Em - Single By Dũng Zest | Spotify
-
Khẩu Trang Trẻ Em Dũng Công Chất Lượng, Giá Tốt 2021
-
Dũng Khí Để Yêu Em - Huy Vạc - Zing MP3
-
Hợp âm Ngày Có Em - Dũng Zest (Hợp âm Nâng Cao)
-
Ba Anh Chị Em Dũng Lan Và Hương Cùng Làm 1 Công Việc .Lúc đầu ...
-
Hai Anh Em Dũng Cảm Cứu Người Trong Lũ - ISchool
-
Bà Và Mẹ Qua đời, Cậu Bé 8 Tuổi ở Yên Dũng Gồng Mình Chăm Em