Em Là Con Thuyền Cô đơn & Chuyện Sáng Tạo Của Người Trẻ - Nhạc Việt

Điều đáng chú ý nhất từ Em là con thuyền cô đơn không phải là chất lượng nghệ thuật mà là “chủ nhân” của ca khúc này: giọng ca Thái Học.

Phát hành cuối tháng 9, tới nay sau hơn 1 tháng Em là con thuyền cô đơn của Thái Học vẫn tiếp tục đứng thứ vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng #zingchart tuần 44 (1 – 7/11).

Trong khi đó, trên kênh YouTube mang tên Nguyễn Thái Học Official với 341 nghìn lượt theo dõi, tính đến ngày 8/11 Em là con thuyền cô đơn thu hút được hơn 13,2 triệu lượt xem.

Thái Học là ai?

Trên mạng không có nhiều thông tin về Thái Học, chỉ có một dòng ngắn ngủi cho biết giọng ca nam này sinh năm 2000 và hiện là ca sĩ tự do tại Hà Tĩnh. Cộng thêm nữa, Thái Học xuất thân trong gia đình nông dân và không có ai theo đuổi nghệ thuật.

Trước Em là con thuyền cô đơn, Thái Học đã thu hút được nhiều người theo dõi trên mạng xã hội khi thường xuyên cover các ca khúc được giới trẻ yêu thích. Trong khi đó, với Em là con thuyền cô đơn, Thái Học đã có những bước tiến so với chính mình khi không xuất hiện với một bản cover mà với một ca khúc mới toanh được tác giả Chí Hướng viết dành cho giọng ca người Hà Tĩnh này.

Em là con thuyền cô đơn & chuyện sáng tạo của người trẻ - Hình 1 Hình ảnh trong “Em là con thuyền cô đơn”

MV Em là con thuyền cô đơn trên kênh YouTube cá nhân của Thái Học có tới 11.805 bình luận, trong đó có những khán giả ở ngoài biên giới Việt Nam. Chẳng hạn tài khoản mang tên Lao Porya bình luận: “Bài hát cảm xúc lắm, mình thích nghe bài hát Việt lắm… mình theo dõi và nghe bài hát Việt Nam hàng ngày”. Một tài khoản khác bình luận: “Mặc dù tôi là người Lào nhưng mà tôi rất thích nghe bài hát này… Lúc tôi nghe bài hát này tôi cảm thấy tôi khóc trong lòng” và cũng tài khoản bình luận này cho biết lý do khóc khi nghe là bởi “nhớ một cô gái Việt Nam” (tài khoản Phonesavanh SOULINA).

Bấy nhiêu thôi cũng đủ để những người gắn bó với âm nhạc đại chúng, thấy ca khúc Em là con thuyền cô đơn và Thái Học có sự khác biệt so với hầu hết các gương mặt khác cùng nằm trong top 10 BXH #zingchart tuần 44cũng như các gương mặt đình đám của nhạc Việt đại chúng dành cho giới trẻ hiện nay.

Nếu như hầu hết các giọng ca trẻ đang gặt hái được những thành công nhất định thông qua các sản phẩm âm nhạc số đều chọn TP.HCM hoặc Hà Nội làm nơi khởi nghiệp thì Thái Học ở một tỉnh nhỏ, lại trong gia đình không có ai hoạt động âm nhạc. Về giọng hát thì Thái Học đang thể hiện sở trường của mình thiên về bản năng tự nhiên, chưa có sự can thiệp của học thuật. Điều này có thể là điểm yếu của đại đa số các giọng hát muốn đi trên con đường ca hát chuyên nghiệp nhưng đôi khi lại là ưu thế, là điều tiên quyết để những giọng ca lạ bất ngờ được công chúng biết đến và yêu mến.

MV “Em là con thuyền cô đơn”:

Âm hưởng quen

Là ca sĩ hoạt động tự do tại Hà Tĩnh, nhưng nhìn vào kênh YouTube của Thái Học thì thấy hiện kênh này đã được hệ thống và phát triển một cách có chủ ý. Thêm nữa, người thực hiện hòa âm cho sản phẩm Em là con thuyền cô đơn là Nguyễn Nam Minh Thùy – từng thực hiện hòa âm cho nhiều bản hit như Hết thương cạn nhớ (Đức Phúc), Thích thì đến (Lê Bảo Bình), Sai Lầm của anh (Đình Dũng), Có tất cả nhưng thiếu anh (Erik)… Bổ sung thêm rằng Thái Học đã có cả một ê-kíp đứng ở đằng sau chứ không còn hoạt động theo kiểu tự phát.

Dẫu vậy, bản hòa âm Em là con thuyền cô đơn với cá nhân người viết cảm nhận ở mức khá đơn giản, đạt hiệu quả dễ nghe. Bản hòa âm này phù hợp với giọng hát của Thái Hòa.

Em là con thuyền cô đơn là một bản pop ballad viết trên màu của giọng thứ. Trong ca khúc có một vài đoạn có giai điệu mang hơi hướng gần gũi với âm hưởng dân gian Bắc bộ. Vì cấu trúc gọn gàng, giai điệu pop ballad dễ nghe, gần gũi với dân gian nên vòng hòa âm được sử dụng để tạo thành bản phối cũng tương đối đơn giản và bình ổn.

Về nội dung ca khúc như sự suy tư của chàng trai dành cho số phận và tình duyên trắc trở của người con gái: “Đời em giờ như thuyền không bến/ Thuyền cứ mãi lênh đênh giữa biển trời muôn ngàn sóng gió, chẳng bình yên…” hay “Thanh xuân em, còn nữa đâu anh/ Mất nửa đời, em đợi chờ duyên/ Tương lai mịt mù chông gai/ Em hiện tại chẳng thuộc về ai”.

Em là con thuyền cô đơn & chuyện sáng tạo của người trẻ - Hình 2 Giọng ca trẻ Thái Học trong “Em là con thuyền cô đơn”

Có một vài nội dung ca từ có thể hơi sáo rỗng với những khán giả khắt khe trong câu chữ, nhưng với đại đa số công chúng trẻ tuổi lại tìm thấy mình ở trong đó. Tức là, có thể những nội dung ca từ này đã đánh trúng “gu” nghe nhạc của nhiều khán giả trẻ đang độ tuổi yêu đương và đã hay đang sống trong ngập tràn những cung bậc của tình yêu. Chẳng hạn: “Đợi chờ mãi gần hết nửa đời thanh xuân” hay “Thuyền không bến thuyền mãi lênh đênh/ Em cô đơn như con thuyền ấy” hoặc “Nhắn theo sóng thuyền ở ngoài khơi/ Bến nơi nào. Thuyền đỗ nghỉ ngơi”.

Tuy nhiên, Em là con thuyền cô đơn có một âm hưởng rất quen. Âm hưởng quen này không phải đến từ những đặc điểm mà người viết đã nhắc đến ở phía trên mà đến từ những nét tương đồng với một ca khúc đã rất phổ biến ra đời từ trước đó. Đó là ca khúc Tình anh, một bản hit của nam ca sĩ, nhạc sĩ Đình Dũng. Theo cảm nhận của người viết thì sự tương đồng giữa 2 ca khúc này khá đậm đặc, nó đến từ cả màu sắc âm nhạc, cách triển khai hình tượng và nội dung chủ đề, nét tương đồng trong giai điệu âm nhạc.

Tất nhiên, không giống nhau 100% mà chỉ là tương đồng ở mức độ khá cao. Có thể tác giả ca khúc Em là con thuyền cô đơn đã chịu ảnh hưởng lớn cả về nội dung cũng như âm nhạc từ ca khúc Tình anh. Sở dĩ người viết có thể đặt ra giả thiết này là bởi, bản thân Tình anh khi ra mắt công chúng là một ca khúc khác biệt về màu sắc và cách chọn chủ đề so với mặt bằng chung các ca khúc đại chúng được công chúng trẻ yêu thích ở thời điểm đó và kể cả hiện nay.

Em là con thuyền cô đơn & chuyện sáng tạo của người trẻ - Hình 3 Nguyễn Quang Long – Tác giả bài viết

Có điều, Tình anh lạ với công chúng và “gu” âm nhạc trẻ, nhưng nó không lạ so với nhiều người nghe ở lứa tuổi lớn hơn. Nói một cách khác, Tình anh là ca khúc “già” so với những ca khúc tạo được chỗ đứng trong giới trẻ ở thời điểm nó ra đời. Tình anh có màu sắc âm nhạc gần gũi với âm nhạc từ các thế hệ đi trước, hoặc gu thưởng thức âm nhạc đã có từ trên dưới thập niên trước đó, chứ không phải màu sắc âm nhạc của giới trẻ, đặc biệt giới Gen Z hiện nay. Vì thế, nó như một ca khúc thời cũ lạc vào giữa rừng âm nhạc với những điều mới lạ hiện nay.

Chính vì thế, Em là con thuyền cô đơn mang mô-típ tương tự Tình anh đến với đời sống âm nhạc khiến cho chắc chắn không chỉ riêng người viết mà nhiều khán giả quen nghe nhạc trẻ hiện nay cũng sẽ có sự liên hệ về sự tương đồng giữa 2 tác phẩm như vậy. Không chỉ thế, ngay giai điệu của ca khúc ở những phần được coi là quan trọng nhất với một tác phẩm là mở đầu bài và bắt đầu phần điệp khúc ở Em là con thuyền cô đơn đều có sự gần gũi để người nghe liên tưởng hoặc thậm chí vang lên những lời ca của Tình anh.

Vĩ thanh

Rõ ràng nghệ thuật luôn là một bức tranh muôn màu và đa dạng, sự tương đồng hay chịu ảnh hưởng giữa những người đi sau với thế hệ hoặc những người đi trước cũng là điều không lạ. Quan niệm về sự tương đồng bao nhiêu là an toàn trong sáng tạo, quá giới hạn bao nhiêu thì bị coi là đạo nhạc theo thời gian cũng có những thay đổi theo xu hướng nhẹ nhàng hơn.

Mặt khác, khi theo dõi và khảo sát nhiều ca khúc nhạc đại chúng dành cho giới trẻ hiện nay chúng tôi thấy rằng, sự tương đồng giữa tác phẩm này với tác phẩm khác khá phổ biến. Cho dù có thể mức độ tương đồng rất ít. Tuy nhiên, người sáng tạo nghệ thuật không nên quá lạm dụng vào điều này trong sáng tác, vì điều đó vô hình trung sẽ triệt tiêu sự phong phú và cá tính, đặc điểm riêng giữa mỗi tác phẩm, mỗi nhạc sĩ, ca sĩ.

Một mặt khác, thông qua Em là con thuyền cô đơn còn có thể thấy cơ hội để thực hiện ước mơ đến với âm nhạc, chinh phục khán giả giờ đây đã rộng mở với tất cả các bạn trẻ ở rất nhiều nơi khác nhau chứ không nhất thiết phải là ở những thành phố lớn hay phải trải qua quá trình trau dồi, rèn luyện từ các trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để đi đường dài mà vẫn duy trì được sự yêu quý từ khán giả thì dù bất cứ là ai, được biết đến trong trường hợp nào, cũng không nên xem nhẹ quá trình tích lũy và trau dồi kiến thức để hoàn thiện và phát triển bản thân hơn. Quá trình này luôn tồn tại cùng thời gian người nghệ sĩ gắn liền với hoạt động nghệ thuật.

Ê-kíp “Em là con thuyền cô đơn”

Composer: Chí Hướng

Singer: Thái Học

Music Production: Nguyễn Nam Minh Thụy

Record & Mix master: Trịnh Thiên Ân

Editor: Phạm Kỳ Anh

Camera Operator: Thế Thảo

Cast: Nguyễn Thị Loan

Điểm: 6,5/10

Ca khúc âm hưởng dân ca cạnh tranh top đầu #zingchart

Bài hát mang âm hưởng dân ca "Em là con thuyền cô đơn" (Thái Học) đang là đối thủ cạnh tranh vị trí đầu bảng của "Yêu là cưới" (Phát Hồ) trên BXH #zingchart real-time.

Ca khúc Em là con thuyền cô đơn của giọng ca mới Thái Học thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả. Phát hành trên Zing MP3 vào ngày 24/9, bài hát giữ vị trí thứ 2 #zingchart real-time và sắp cán mốc 2 triệu lượt nghe. Em là con thuyền cô đơn đang là đối thủ cạnh tranh top 1 bảng xếp hạng với Yêu là cưới (Phát Hồ).

Thái Học sinh năm 2000, là ca sĩ tự do tại Hà Tĩnh. Anh sinh ra trong gia đình nông dân, không ai theo đuổi nghệ thuật.

Trước khi gây chú ý với Em là con thuyền cô đơn , nam ca sĩ thường cover các ca khúc và sở hữu nhiều bản nhạc đạt lượt nghe khả quan như Tình thương phu thê, Đổi tình đổi áo đổi anh, Người lạ thoáng qua .

Ca khúc âm hưởng dân ca cạnh tranh top đầu #zingchart - Hình 1

Em là con thuyền cô đơn cạnh tranh top 1 #zingchart với Yêu là cưới.

Em là con thuyền cô đơn thuộc thể loại ballad. Thái Học sử dụng kỹ thuật luyến láy và nhấn nhá câu từ mang âm hưởng dân ca.

Bản phối do Nguyễn Nam Minh Thụy thực hiện, sử dụng piano và đàn dây làm nhạc cụ chủ đạo, tạo cảm giác nhẹ nhàng, da diết. Nam producer cũng là người hòa âm phối khí cho nhiều bản hit như Có tất cả nhưng thiếu anh (Erik), Hết thương cạn nhớ (Đức Phúc), Thích thì đến (Lê Bảo Bình), Sai lầm của anh (Đình Dũng)...

Nội dung ví von cuộc đời người con gái như "con thuyền lênh đênh mãi không tìm được bến đỗ". Câu hát gây ấn tượng với người nghe là "Thanh xuân em còn nữa đâu anh, mất nửa đời em đợi chờ duyên". Theo đó, thời thanh xuân của cô gái chỉ đến một lần nhưng lại hy sinh để chờ đợi một người.

Ca khúc âm hưởng dân ca cạnh tranh top đầu #zingchart - Hình 2

Em là con thuyền cô đơn mang âm hưởng dân ca.

Nhiều ý kiến nhận xét Em là con thuyền cô đơn gợi nhớ bản hit Tình anh của Đình Dũng. Cả hai đều là các bản pop ballad kết hợp trữ tình quê hương, ca từ so sánh người phụ nữ với hình ảnh con thuyền. Tuy nhiên, nhân vật nữ trong Tình anh là con thuyền rời bỏ chàng trai. Sản phẩm của Đình Dũng từng giữ hạng 2 #zingchart tuần, đạt 127 triệu lượt nghe trên Zing MP3.

Trong năm nay, ngoài Thái Học, nhiều nghệ sĩ mới của Vpop cũng đạt thành tích nhạc số ấn tượng. Thương Võ có 4 ca khúc trong top 5 #zingchart tuần là Em say rồi, Yêu một người gian dối (hạng 1), Em nào có tội (hạng 2), Lựa chọn của anh (hạng 4). Nal gây chú ý với bản nhạc đám cưới Rồi tới luôn , giữ top 1 #zingchart trong 6 tuần.

Trong khi đó, Thương thầm của NB3 Hoài Bảo giữ top 1 #zingchart suốt 3 tuần. Răng khôn của Phí Phương Anh cũng giữ hạng 2 #zingchart tuần, có thời điểm tiến tới top 1 #zingchart real-time.

Bình lặng, thân thương phố đêm Hà Nội những ngày giãn cách Bình lặng, thân thương phố đêm Hà Nội những ngày giãn cáchNhững ngày tháng 8/2021, Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. Đường phố bớt đông hơn thường ngày và càng bình lặng gấp bội khi thành phố lên đèn. Từng góc phố, con đường vắng lặng, nhìn vừa quen lại vừa như lạ nhưng vẫn rất đỗi thân thương lúc màn đêm buông xuống, chỉ thỉnh thoảng...

Từ khóa » Em Mà Con Thuyền Cô đơn