[Emagazine] Bộ Trưởng Lê Minh Hoan: Tôi Luôn Muốn Là Bạn đồng ...

Thưa Bộ trưởng, không ít lần trong các bài viết hoặc trả lời báo chí, ông trích dẫn lời đề từ: “Bố mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn” trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Sinh ra ở nông thôn, nay lại là Tư lệnh ngành nông nghiệp, hẳn ông luôn trăn trở làm sao để người nông dân hạnh phúc, vươn lên trên chính quê hương của mình?

Có đôi khi chúng ta bi kịch hóa ngành nông nghiệp, bi lụy hóa nông thôn và bi thương hóa người nông dân. Ở đâu đó, người nông dân bỏ ruộng vườn, rời quê hương, đến các thành phố lớn tìm kế sinh nhai.

Hiện, sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, chủ yếu được đánh giá qua tiêu chí về thu nhập. Nhưng tôi cho rằng, đánh giá về cuộc sống người nông dân, thì thu nhập chưa phản ánh hết, mà còn phải nhìn nhận cả chất lượng sống, niềm hạnh phúc. (giọng ông trầm xuống)

Chúng ta xác định nông dân là chủ thể phát triển, chủ thể của tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới. Do đó, vai trò chủ thể của người nông dân cần được khơi gợi, phát huy.

Tôi quan tâm đến việc nâng cao vị thế của người nông dân, để người nông dân thực sự là trung tâm của sự phát triển. Nói cách khác, chúng ta cần định vị lại vị thế của người nông dân, bảo đảm mỗi tiếng nói, nguyện vọng đều được cầu thị ghi nhận, lắng nghe, khuyến khích tinh thần tự nguyện, tự lực, tự chủ.

Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tri thức hóa người nông dân bằng một hệ thống cơ chế, chính sách, huấn luyện, đào tạo, với những lộ trình cụ thể, nội dung phù hợp, gần gũi, đời thường. Không để người nông dân bị đơn độc trong ốc đảo của mình, trong mảnh vườn, thửa ruộng, ngôi nhà của mình.

Người nông dân thực sự bước ra và chủ động hòa nhập với không gian lớn hơn, không gian cộng đồng, không gian làng xã. Người nông dân cùng nhau hợp tác, quây quần bàn luận, quyết định vận mệnh của mình, với sự hỗ trợ, đồng hành của xã hội, cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp.

Phải tạo ra nhịp cầu để người nông dân sẵn sàng và sẵn lòng thay đổi, vượt qua những vùng quen thuộc. Nhờ mối quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng bền chặt, khăng khít, người nông dân không còn cảm giác lẻ loi, đơn độc. Vai trò trung tâm của người nông dân được thể hiện qua chất lượng sống, niềm hạnh phúc, tri thức, và nhất là tinh thần hợp tác, liên kết.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, có phải vì thế nên khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông đã rất quan tâm đến mô hình hội quán nông dân?

Ồ! Từ những ngày đầu tiên của tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp, chúng tôi không nghĩ tới việc phải trồng cây gì và nuôi con gì; không nghĩ phải trồng bao nhiêu, nuôi bao nhiêu. Đồng Tháp đi theo 6 mục tiêu: “Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến”.

Dù nuôi, trồng bất cứ cây, con gì thì người nông dân phải hợp tác với nhau để giảm chi phí, nâng chất lượng, thay đổi quy trình canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nhà nước không hỗ trợ người nông dân cụ thể mà hỗ trợ hạ tầng chung cho mô hình. Mỗi người nông dân sẽ hưởng lợi ở cái chung chứ không hưởng lợi ở cái riêng. Qua đó, không để người nông dân nào ở bên ngoài. Nếu càng có cái riêng thì càng có sự cạnh tranh, người này kéo người kia, đầu vào thiệt mà đầu ra cũng thiệt.

Ngược lại, nếu những người nông dân hợp vào hợp tác xã, hội quán thì sẽ có chung tiếng nói. Tổ chức của nông dân có thể mua thẳng sản phẩm từ nhà máy, chứ không cần qua nhiều cầu trung gian. Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống... sẽ rẻ hơn. Mặt khác, doanh nghiệp phải mua nông sản của xã viên với cùng một mức giá trên cơ sở tính toán phù hợp lợi ích giữa người sản xuất và doanh nghiệp.

Để thuyết phục nông dân hòa mình vào kinh tế tập thể, chúng ta phải chứng minh cho nông dân thấy “cái gì chia thì nhỏ, chứ chia kiến thức, chia niềm tin, chia sức mạnh thì càng chia càng lớn”. Từ đó, bài toán chia biến thành phép toán nhân. Muốn hợp tác trong làm ăn, trước tiên cần hợp tác trong cuộc sống, bớt so đo, biết nhường nhịn nhau, tôn trọng nhau.

Từ đó, ở Đồng Tháp sinh ra thiết chế mới là Hội quán. Trong đó, nông dân cùng tự nguyện sinh hoạt với nhau, bàn bạc, thảo luận và tự chủ vận mệnh của mình. Các thành viên trong hội quán tự bầu thủ lĩnh. Và thủ lĩnh không có lương bổng, phụ cấp, họ tự nguyện hy sinh một chút quyền lợi để dẫn dắt cả tập thể cùng phát triển. Việc của chính quyền là lắng nghe, kết nối, tạo thuận lợi để hội quán hoạt động tự lực, tự chủ, tự quản thông qua hỗ trợ hạ tầng thông tin, bàn ghế, kiến thức. Khi nông dân thoát ra khỏi tâm lý trông chờ sự hỗ trợ thì sẽ kích hoạt được sự năng động, sáng tạo.

Khi đứng một mình, nông dân sẽ khó thu hút được nguồn lực từ bên ngoài. Ở Việt Nam, mô hình hợp tác xã cũng rất phát triển. Nhưng ở nhiều nơi, mô hình này vẫn yếu kém về năng lực quản trị, song chúng ta còn thiếu cơ chế để hỗ trợ, thưa Bộ trưởng?

“Hợp quần gây sức mạnh”, “đoàn kết làm nên sức mạnh”, chắc chắn là thế. Thời gian qua, chúng ta thành lập nhiều hợp tác xã. Tuy nhiên, hoạt động của các hợp tác xã mới chỉ làm được chức năng thu mua nông sản của nông dân và kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Đó chỉ là phần công việc nhỏ, giống vai trò của thương lái, chứ chưa phải bản chất đầy đủ của mô hình hợp tác xã.

Trên thế giới, hợp tác xã hướng tới những giá trị khác của một ngành hàng, một vùng nông sản; nâng tầm từ chuỗi liên kết lên chuỗi giá trị. Bởi, nếu là chuỗi liên kết bao tiêu nông sản, thì sản phẩm từ nông dân đến nơi tiêu thụ vẫn là một, chỉ chênh lệch về mức giá.

Nhưng khi phát triển thành chuỗi giá trị, từ một hạt lúa, hợp tác xã sẽ tổ chức từ khâu bảo quản, chế biến, đóng gói, phát triển thương mại điện tử... Qua đó, vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn.

Người nông dân thay vì chỉ hưởng lợi từ thành quả của hoạt động sản xuất, họ còn được hưởng lợi thêm từ việc tham gia hoạt động dịch vụ của hợp tác xã. Tại sao lao động nông thôn phải lên thành phố để xin làm việc tại các nhà máy chế biến nông sản, trong khi không thể làm được những công việc đó ở chính quê hương mình?

Nếu chú trọng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chỉ có số ít người được hưởng lợi. Nhưng khi chúng ta đầu tư, hỗ trợ, nâng cao năng lực hợp tác xã, lợi ích sẽ thuộc về số đông - là hàng chục triệu nông dân.

Một thời gian, chúng ta chú trọng doanh nghiệp lớn. Cái đó là quan trọng vì doanh nghiệp lớn mới định hình được thị trường, dẫn dắt chuỗi giá trị. Nhưng có đôi lúc, chúng ta thiếu mặn mà với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Trong tự nhiên, một cây cổ thụ không thể trụ vững được với phong ba, bão táp mà cần phải có những cây thấp bé hơn, thậm chí là thảm thực vật phía dưới. Tất cả thành tố trên tạo nên hệ sinh thái. Không có cái nào gọi là quan trọng tuyệt đối. Cả con voi và con kiến đều có sứ mạng, vai trò như nhau.

Hợp tác xã là triết lý tư tưởng của nhân loại, chứ không phải của chúng ta. Nó xuất phát từ Anh, là tập hợp những người yếu thế trong xã hội thành số đông để đương đầu với những rủi ro của thị trường.

Rất nhiều quốc gia thành công về xây dựng hợp tác xã, kể cả các quốc gia gần ta như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Thậm chí, Thái Lan có hẳn một bộ là Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã.

Việc “lót ổ” cho những con “chim sẻ”, giúp đàn “chim sẻ” lớn mạnh như “đại bàng” đặt ra thật cấp thiết, vậy nhiệm vụ này cần được tiến hành như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Trước khi “lót ổ”, chúng ta cần đặt mình là người nông dân để hiểu suy nghĩ của họ. Chúng ta thuyết phục nông dân đừng bán trái xoài tươi mà chuyển sang làm mứt xoài, nước ép xoài. Khi họ chấp nhận sự thay đổi, thách thức mới bắt đầu nảy sinh. Bởi khi ấy, người nông dân vẫn mơ hồ, làm thế nào để chế biến được trái xoài tươi thành các sản phẩm nói trên? Làm thế nào để có vốn tái đầu tư cho vụ sau, khi sản phẩm vẫn đang bảo quản trong kho lạnh để phục vụ chế biến?

Khi tôi làm lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, nông dân vẫn thường nói câu: “Cán bộ nói vậy nhưng chưa chắc đã phải vậy”. Thực tế, thương lái quá hiểu nông dân, đến vụ thu hoạch là họ đến tận vườn thu mua, bán rất nhanh chóng. Nhưng thông qua sản phẩm chế biến, nông dân không biết bán ở đâu.

Do đó, Nhà nước phải là người dẫn dắt, kết nối, định hướng và cung cấp thông tin thị trường cho nông dân. Chúng ta phải hiểu trăn trở của nông dân để cùng giải mã những câu hỏi đó, chứ không phải đồng hành chung chung. Vì để vượt qua được sự thay đổi là cả một hành trình. Khi chuyển qua sản phẩm mới, đâu phải thị trường chấp nhận ngay.

Ngày xưa, chúng ta lấy năng suất và sản lượng là mục tiêu phấn đấu thì các cấp ủy, ban ngành, cơ quan chuyên môn tập trung hỗ trợ người sản xuất. Nhiều khi chúng ta không để ý chi phí đầu tư là bao nhiêu. Đó không phải là bản chất của tư duy kinh tế.

Có hai chữ gần như nhau, trong đó có một chữ chúng ta hay dùng và ngộ nhận đó là “hiệu quả”. “Hiệu quả” là ta đạt được mục tiêu đã đề ra. Nhưng từ ít dùng hơn là “hiệu năng” - anh đạt hiệu quả nhưng với chi phí thấp nhất.

Cả hai người làm việc đều tạo ra sản lượng như nhau, nhưng ai bỏ ra chi phí thấp nhất thì “hiệu năng” cao hơn. Bởi vậy, Nhà nước đề ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ để làm sao người nông dân sản xuất thực hiện được đồng thời hai mục tiêu: chi phí thấp nhất và giá bán cao nhất. Đó mới là tư duy kinh tế.

Vấn đề hiệu quả và hiệu năng Bộ trưởng vừa đề cập dường như được thể hiện rất rõ trong năm 2021, khi xuất khẩu tăng trưởng kỷ lục, nhưng giá vật tư đầu vào cũng tăng rất cao?

Đúng vậy. Năm 2021, cơn bão giá vật tư đầu vào xuất hiện ở cả trồng trọt và chăn nuôi. Thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón… tất cả đều tăng giá.

Xuất khẩu tăng nhưng nhập khẩu cũng tăng theo. Trong đó, mặt hàng chúng ta nhập khẩu chủ yếu là vật tư đầu vào. Điều đó nói lên 2 điều. Thứ nhất, chuỗi cung ứng trong ngành nông nghiệp thời gian qua chưa được chú trọng. Dường như, chúng ta cắt khúc giữa sản xuất với thị trường. Đặc biệt, chúng ta thiếu đầu tư cho chuỗi logistics cho thị trường nội địa nên dễ đứt gãy.

Thứ hai, chúng ta có một ngành nông nghiệp sản lượng cao nhưng chi phí cũng cao. Hay nói cách khác, giá trị gia tăng không tăng tỷ lệ thuận với con số tăng trưởng xuất khẩu. Đây là hai vấn đề lớn của ngành nông nghiệp bộc lộ qua đại dịch Covid-19 năm 2021.

Đó có phải lý do vì sao những quả xoài được bán với giá cao chót vót ở siêu thị nước ngoài, nhưng do chi phí đầu vào, logistic lớn nên vẫn khiến Bộ trưởng cảm thấy “Vui thật, cảm xúc thật. Nhưng buồn lắm”?

- (Ông trầm tư) Nông sản mình bán ra nước ngoài vẫn còn ít lắm. Vừa qua tôi đi châu Âu với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhiều đại sứ có nói thanh long của mình bán ở cửa hàng Thái Lan, nghĩa là chúng ta chưa đi đàng hoàng đường bệ mà còn rất rụt rè ở phân khúc gặp nhiều rủi ro hoặc là bán trong cộng đồng người Việt.

Quả thanh long “mặc áo” Thái Lan không chỉ là chưa đàng hoàng, đường bệ, mà phải nói là còn rất mặc cảm, tự ti. Nó có ngon cách mấy thì hẳn nhiên vẫn định vị trong mắt người tiêu dùng đó là hàng Thái Lan.

Tôi buồn. Người Việt mình buồn. Nông dân thì đương nhiên là không thể vui. Bao mồ hôi nước mắt, bao công sức chăm bẵm để có được một thứ nông sản. Trong khi bán thì rất hẻo ở những thị trường lớn.

Khi báo chí đưa tin giá vải thiều trên quầy, kệ ở Nhật Bản hay Mỹ rất cao, bà con nghe thấy thích lắm, vì nông sản được giá, nhưng thực tình, chi phí logistics trong đó rất lớn. Vui là nông sản của chúng ta được thị trường nước ngoài chấp nhận nhưng còn rất nhiều việc phải làm.

Vậy làm sao để định vị thương hiệu nông sản Việt, để nông sản Việt Nam có thể đường hoàng nằm trong các hệ thống phân phối lớn, uy tín ở thị trường nước ngoài, thưa Bộ trưởng?

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây đựng đề án, tham vấn các đại sứ quán, cơ quan thương mại ở nước ngoài, trước tiên là EU và Trung Quốc để xây dựng chiến lược, đề án xuất khẩu nông sản bền vững. Xuất khẩu nông sản không phải tới vụ rồi thu mua nông sản để bán ra nước ngoài mà phải khởi tạo từ những vùng nguyên liệu được chuẩn hóa.

Bởi lẽ, xu thế tiêu dùng xanh quyết định phương cách sản xuất và giá trị gia tăng chứ không phải sản lượng quyết định nữa. Đề án phải bắt đầu từ vùng nguyên liệu, từ địa phương, từ người nông dân và được chuẩn hóa theo quy trình canh tác. Vì nguyên liệu không sạch thì chế biến cũng không sạch.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Đề án cũng cần sự tham gia của các doanh nghiệp về logistics để làm sao giảm phí vận chuyển nông sản, nhằm tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn. Khi có Đề án về xuất khẩu, việc giá trị xuất khẩu nông sản đạt 47 tỷ USD hay cao hơn cũng sẽ chắc chắn hơn, bền vững hơn.

Xưa nay, chúng ta chỉ làm để phục vụ xuất khẩu, bây giờ, kể cả nông sản phục vụ nội địa cũng phải được truy xuất nguồn gốc, để định vị cho Việt Nam hình ảnh nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm với thị trường, với người tiêu dùng.

Tháng 12/2021, trong chuyến công tác tại Móng Cái (Quảng Ninh), tôi nhận thấy trái cây Thái Lan được nhập vào Việt Nam rất nhiều. Thanh long, chuối, xoài,… phải chở xuyên Lào rồi qua Móng Cái, rõ ràng, chi phí logistics không nhỏ, nhưng vẫn bán được ở Việt Nam. Trong khi, nông sản Việt bán trên đất Việt lại có giá cao hơn. Điều đó chứng tỏ nông sản Việt Nam đang sản xuất với chi phí cao hơn nông sản Thái Lan.

Bởi vậy, năm 2022, một trong những mục tiêu Bộ phải thực hiện là tìm giải pháp giúp bà con giảm chi phí đầu vào. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ doanh nghiệp nội địa chế biến, sản xuất vật tư đầu vào có thể dùng nguyên liệu trong nước để giảm phụ thuộc. Tất nhiên có những loại nông sản vì lợi thế cạnh tranh chúng ta không bằng họ thành ra mãi mãi phải nhập. Vì chuỗi cung ứng toàn cầu chúng ta không thể khép mình được, mình lệ thuộc họ cái này thì họ cũng lệ thuộc mình cái khác. Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra nhiều ngành hàng, lĩnh vực mới để phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh.

Bộ trưởng vừa nhắc tới việc hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, sản xuất vật tư đầu vào. Làm thế nào để thu hút những doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, ứng dụng đổi mới sáng tạo, thưa Bộ trưởng?

Trong tiến trình phát triển, muốn chuyển đổi nền nông nghiệp thì doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt. Chúng ta hay nói đến bài toán thị trường, thì giải quyết vấn đề thị trường chính là ở doanh nghiệp. Hơn ai hết, doanh nghiệp thông hiểu quy luật thị trường, am tường cách phát triển thị trường.

Nếu không có doanh nghiệp thì người nông dân bơ vơ, lạc hướng trên thị trường. Tôi cho rằng để ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thì cần chuyển từ chuỗi liên kết sang chuỗi giá trị ngành hàng. Chuỗi giá trị ngành hàng có nhiều công đoạn, quy trình để tạo ra một sản phẩm, cần sự tham gia của từ đơn vị chuyên nghiên cứu giống, đơn vị nghiên cứu cải tiến quy trình canh tác, đơn vị nghiên cứu bảo quản…, đến đơn vị chế biến, đơn vị phân phối…

Người nông dân có thể đảm nhận một công đoạn trong chuỗi giá trị, nhưng doanh nghiệp sẽ là người đảm nhận những công việc khó khăn hơn, tạo ra giá trị đột biến hơn.

Khi tạo ra được chuỗi giá trị trong ngành hàng, nhiều doanh nghiệp ở nhiều công đoạn khác nhau cũng sẽ thu hút được đội ngũ thu hút lao động trình độ cao cho ngành nông nghiệp, tạo ra nhiều vị trí việc làm.

Chúng ta cùng nhau hợp tác để làm cho “chiếc bánh” thị trường ngày càng lớn hơn bằng chuỗi giá trị, thay vì tranh phần trong một chiếc bánh quá nhỏ bé.

Nhưng làm thế nào để “chiếc bánh” thị trường ngày càng lớn hơn thật không hề đơn giản, thưa Bộ trưởng?

Nền nông nghiệp đang đứng trước 3 cái “biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế của thế giới. Xu hướng của tương lai chính là tăng trưởng xanh, sản phẩm xanh và xu thế tiêu dùng xanh. 3 cái đó sẽ thay đổi cách vận hành nền kinh tế nói chung và vận hành nền nông nghiệp theo xu thế kinh tế xanh đúng với thông điệp và cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26 ở Anh vừa qua, rằng Việt Nam cam kết sẽ cân bằng carbon.

Rõ dàng, đây là vấn đề mới xuất hiện, nhưng không còn con đường nào khác, bởi xu thế tiêu dùng sẽ quyết định cách chúng ta sản xuất. Vì thế, câu chuyện nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần hướng nền nông nghiệp Việt Nam trở thành nền nông nghiệp xanh.

Đã đến lúc chuyển đổi từ nền “nông nghiệp nâu” thâm dụng tài nguyên thiên thiên và sức lao động của con người sang một nền “nông nghiệp xanh” khởi nguồn từ khoa học, tri thức. Phải chuyển đổi từ nền nông nghiệp chạy theo sản lượng sang một nền kinh tế đa giá trị. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế - xã hội chứ không phải ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Trong đại dịch, chúng ta vẫn có thể tạo ra bức tranh nông nghiệp tăng trưởng dương. Sức sống của các hộ nông dân là niềm tin để nông nghiệp - nông dân - nông thôn ngày càng phát triển.

Khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, với nền tảng tốt, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục có cơ hội khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế là trở thành nhà sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm, minh bạch, trách nhiệm bền vững.

Tuy nhiên, từ câu chuyện xử lý tình huống trong đại dịch, chúng ta nhận ra rằng, thông tin kết nối thị trường trong thời gian vừa qua gần như bỏ ngỏ, người trồng thì cứ trồng, người mua cứ mua. Thị trường chưa có sự kết nối từ đầu cung sang đầu cầu.

Do vậy, Bộ đã thành lập Diễn đàn kết nối nông sản 970, qua đây từng bước tích hợp lại thông tin sản xuất và tiêu thụ, để năm 2022 từng bước hướng tới một nền nông nghiệp minh bạch về thông tin sản xuất và thông tin thị trường, phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Với định hướng dài hạn, Bộ đang hoàn chỉnh Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược vừa kế thừa những thành tựu đã đạt được, vừa tổng hợp những quan điểm tiếp cận mới, xu thế mới, giá trị mới phù hợp với bối cảnh mới, xoay quanh 3 trụ cột: “nông nghiệp sinh thái”, “nông thôn hiện đại”, “nông dân thông minh”.

Bình luận bài viết này Hạnh Phúc 04/02/2022 09:33

Từ khóa » Bố Mẹ Tôi Là Nông Dân Dịch Ra Tiếng Anh