Ép Con Lấy Chồng Cận Huyết - PLO

Khi biết tôi lên đến huyện biên giới Mường Lát để tìm hiểu thực tế về những trường hợp tảo hôn ở nơi này, thầy Pó Ly, người dân tộc Mông, đang dạy học ở Trường Phổ thông bán trú THCS xã Mường Lý, cho biết tảo hôn là nguyên nhân đói nghèo cho nhiều thế hệ vùng đất này.

Gả con cho cậu để nhà bớt miệng ăn

Theo thầy Pó Ly, không phải trường hợp nào nhà trường cũng phát hiện sớm để có biện pháp ngăn chặn, đa số các trường hợp nghỉ học giữa chừng với lý do như nhà nghèo, đông anh em hoặc về nhà đỡ đần bố mẹ nuôi các em.

Không ít đứa trẻ lớn lên ở nơi này dường như chỉ biết thế giới bên ngoài qua sách vở. Nhiều đứa trẻ học hết cấp 2-3 thì đi lấy chồng nhưng cũng nhiều trẻ bỏ học để lấy chồng chỉ vì bố mẹ ép con cưới sớm để giảm bớt gánh nặng nghèo đói.

Sùng Thị Tú (17 tuổi) chia sẻ về hành trình thoát khỏi hủ tục tảo hôn cận huyết. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Suốt 10 năm qua, khi đi vận động, các thầy đã chứng kiến nhiều em học sinh đi lấy chồng, bỏ lại chuyện học hành. Tuy vậy, không phải không có học sinh vượt qua được hủ tục tảo hôn và cận huyết như trường hợp của em Sùng Thị Tú ở bản Pa Búa bị mẹ ép cưới cậu.

“Đó là một ngày cuối năm 2019, thời điểm đó người dân ở nhiều bản huyện biên giới Mường Lát vẫn đang nỗ lực khắc phục ảnh hưởng của trận lũ lụt lịch sử. Sùng Thị Tú bị mẹ ruột ép cưới cậu họ khi đang học lớp 9. Nghĩ không để học trò từ bỏ ước mơ, tương lai đi lấy chồng nên nhà trường đã cùng với lãnh đạo xã Trung Lý xuống tận gia đình Tú để vận động và yêu cầu mẹ Tú không nên ép cưới học trò của mình. Trường hợp nếu tiếp tục ép cưới, công an sẽ tiến hành xử phạt và xử lý theo quy định của pháp luật. Tú giờ đang là học sinh lớp 11 Trường THPT Mường Lát” - thầy Pó Ly chia sẻ.

Để lắng nghe những chia sẻ, diễn biến tâm lý của Tú trong khoảng thời gian bị ép cưới, tôi tìm đến ngôi trường mà em đang học. Tuy nhiên, các thầy cô ở đây cho biết Tú không theo học ở trường.

Tôi đặt câu hỏi chẳng lẽ Tú đã bị mẹ ruột ép lấy cậu họ khi học hết lớp 9, nếu điều đó xảy ra là lại thêm một “lời ru buồn” ở vùng biên này. Và đã kết hôn thì cuộc sống của Tú bây giờ ra sao, trong khi vừa tảo hôn và cận huyết. Tôi quyết tâm phải tìm sự thật về cuộc hôn nhân cận huyết có thật sự xảy ra với Tú không.

Những đứa trẻ vùng cao huyện biên giới Mường Lát luôn ấp ủ con chữ thoát nghèo nhưng nhiều em đứt gánh vì gia đình quá nghèo. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Cô gái trẻ quyết bẻ gãy hủ tục kết hôn cận huyết

Cuối cùng, qua nhiều mối liên hệ tôi đã gặp được Tú. Tú bắt đầu kể lại hành trình mà theo Tú là thoát khỏi “địa ngục” hôn nhân cận huyết.

Năm đó, Tú đang học lớp 9, một hôm trở về nhà mẹ Tú nói: “Không học hành nữa, về mà lấy chồng đi. Tao tìm được người cho mày lấy làm chồng rồi”. Lúc đó, Tú nghĩ là mẹ chỉ nói đùa, đâu biết mẹ Tú nói rồi làm thật. Mẹ kéo Tú băng rừng ngược núi đến nhà người mà mẹ định gả cưới. Tú nói sao lại đến nhà cậu? Mẹ lúc này mới nói người Tú cưới chính là cậu. Tú bàng hoàng, không đứng vững vì người lâu nay gọi bằng cậu sắp trở thành chồng.

Bị bắt nghỉ học lấy chồng, Tú đau đớn lắm, khóc nhiều nhưng mẹ vẫn ép cưới bằng được. Trở lại trường lớp, Tú không còn tâm trí để học và không biết làm gì để mẹ thôi ép cưới. Giữa lúc chán nản thì thầy Pó Ly hỏi han về việc bỏ bê học hành và em đã kể lại cho thầy biết.

Dẫn Tú đến gặp thầy hiệu trưởng, thầy Pó Ly nói: “Học sinh lớp em bị ép lấy chồng, anh tìm cách giúp với”. Thầy hiệu trưởng sau đó có nói lại rằng: “Nếu mà em không thích lấy chồng thì thầy có thể giúp em”. Tú nói: “Em không thích lấy chồng nhưng mẹ cứ bắt ép em, hơn nữa là lấy người mà em gọi bằng cậu”. Hai thầy bức xúc nói: “Các thầy sẽ giúp em, hãy học cho tốt là được”.

“Em biết cãi lời mẹ là hư nhưng em ám ảnh nỗi sợ lấy chồng sẽ không được đi học nữa và lại giống mẹ, sinh nhiều con, đói ăn” - Tú chia sẻ.

Kết thúc một tuần học ở trường, Tú về nhà trong suy nghĩ mẹ sẽ đuổi nếu như không cưới cậu. Quả nhiên, mẹ đã đuổi Tú đi và không nhận Tú là con. Tú đi đâu được, chẳng lẽ quay lại trường đợi khi nào mẹ bớt giận sẽ về. Tú khóc lóc xin mẹ đừng đuổi mình đi, xin ở lại nhà một ngày rồi mai về lại trường. Một tuần nữa trôi qua, Tú sống trong nỗi buồn không biết nói với ai nhưng nếu trở về thì mẹ lại đuổi đi, Tú phải lấy chồng thôi!

“Cứ nghĩ, trước gọi bằng cậu mà lấy nhau gọi bằng vợ chồng em thấy không đúng nên càng về sau, mẹ ép cưới em càng quyết tâm rời bỏ bản làng. Em muốn học, em muốn có tương lai và mơ đến những điều tốt đẹp hơn” - Tú nói.

Hiện Tú đang học lớp 11 tại một trung tâm giáo dục thường xuyên ở TP.HCM. Tú đi xa để tránh bị mẹ ép cưới và cũng có thể làm thêm để lo cho cha mẹ. Ngoài thời gian học tập ở trường, Tú làm thêm công việc chăm sóc trẻ ở một trường mầm non tại TP Thủ Đức. Dù kinh tế hạn hẹp, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng cô gái bản Mông ngày nào đã ngời lên những niềm tin, hy vọng, ước mơ. Và những mâu thuẫn với mẹ sau những lần bị mẹ ép cưới cũng dần lui vào quá khứ, mẹ Tú đã chấp nhận cho con mình lựa chọn theo đuổi ước mơ.

Tháng 5-2021, từ khi dịch COVID-19 ở TP.HCM bùng phát, Tú về lại Mường Lát và học trực tuyến qua mạng từ đó đến nay. “Sau khi học xong, em sẽ thi vào ĐH Hồng Đức với ước mơ trở thành giáo viên, trở về dạy học ở nơi mình sinh sống, giúp nhiều trẻ em thoát khỏi tảo hôn giống mình để có một tương lai tốt hơn” - Tú chia sẻ.

Đón đọc bài cuối: Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn

ĐẶNG TRUNG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Ep Con Lay Chong