ETF Tái Cơ Cấu, Nhiều Cổ Phiếu “sập Giá” - VnEconomy

Thanh khoản đã gia tăng đáng kể trong phiên chiều nhờ hoạt động mua bán mạnh của các quỹ ETF trong kỳ tái cơ cấu. Dĩ nhiên khi cung cầu thay đổi đột ngột, nhiều cổ phiếu cũng xuất hiện biến động giá mạnh. Tuy vậy điều quan trọng hơn cả vẫn là dòng tiền vào nhiều hơn.

Riêng chiều nay tổng giá trị khớp lệnh hai sàn đạt 12.861 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn phiên sáng 2%. Cực kỳ hiếm phiên chiều thanh khoản mạnh hơn phiên sáng, và hôm nay là trường hợp đặc biệt nhờ hoạt động của quỹ.

Do các mã được ETF mua bán chủ đạo tại HoSE, nên sàn này cũng gia tăng thanh khoản tốt: Riêng chiều giao dịch 11.490 tỷ đồng, tăng 6,3% so với phiên sáng, nâng tổng mức khớp lệnh cả ngày lên 22.303 tỷ đồng, tăng 13% so với phiên trước.

Nhiều cổ phiếu bùng nổ thanh khoản mạnh mẽ, chủ đạo trong đợt ATC đóng cửa. Tuy nhiên do cung cầu đột biến nên giá cổ phiếu trở nên khó lường, kể cả những mã được các quỹ mua mạnh cũng chưa chắc giá sẽ tăng tốt hơn. Những mã nhảy tăng khá ấn tượng đợt cuối có thể kể tới là STB bay cao thêm 4 bước giá, chốt phiên tăng 0,91% so với tham chiếu, giao dịch 13,64 triệu cổ; VIC tăng 5 bước giá, tăng trên tham chiếu 0,51%, khớp 2,2 triệu cổ; VHM tụt 11 bước giá, chốt tăng 0,81%, khớp 2,56 triệu cổ; HPG tụt 2 bước giá, đóng cửa tăng 1,2%, khớp 4,23 triệu cổ...

Số cổ phiếu đảo chiều từ đang tăng giá thành giảm do lực ép bán đợt ATC không nhiều, nhưng đủ sức đẩy các chỉ số tụt xuống. MSN bị đánh quỵ tới 58 bước giá, đang từ tăng 3,26% so với tham chiếu thành giảm 0,94%. Trước khi bước vào đợt ATC, MSN là một trong những cổ phiếu trụ mạnh mẽ nhất của VN-Index. Biến động tới trên 4% chỉ trong vài phút cũng gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư. VNM cũng là trụ bị đánh gục từ tăng sang giảm, với mức sụt 7 bước giá và đóng cửa mất 0,52% giá trị. SHB cũng rơi 10 bước giá, thành giảm 2,04% so với tham chiếu...

Nhờ phần lớn các mã bị bán mạnh chỉ là hạ độ cao, cộng với vài trụ bật lên cao hơn như VIC, BID, VJC, VRE, NVL, nên VN-Index trong đợt đóng cửa chỉ mất đi 3,4 điểm so với giá cuối trong đợt khớp lệnh liên tục. Chỉ số vẫn trên tham chiếu 7,76 điểm tương đương 0,53%.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hầu hết vẫn tăng, chỉ là bị hạ độ cao dưới sức ép của ETFs tái cơ cấu.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hầu hết vẫn tăng, chỉ là bị hạ độ cao dưới sức ép của ETFs tái cơ cấu.

Do giao dịch tái cơ cấu khá cân bằng nên mức bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài không đột biến gì lớn trong buổi chiều. Kết phiên sáng khối này đã bán ròng 164,8 tỷ đồng và các giao dịch chiều nay bù trừ nhau chỉ tạo mức bán ròng khoảng 64,4 tỷ đồng nữa.

Vốn ngoại ghi nhận mua ròng STB tới 277,8 tỷ đồng, VJC khoảng 134 tỷ, VRE trên 109 tỷ. Đây đều là các mã được mua mạnh đợt ATC và kéo giá lên rất cao. Ngoài STB, VJC tăng giá từ 142.700 đồng lên 148.200 đồng lúc đóng cửa, tức là nhảy 3,85%, từ giảm đảo thành tăng 2,21% so với tham chiếu. VRE đã tăng sẵn 1,55% so với tham chiếu trước khi bước vào đợt ATC và đóng cửa tăng thêm 0,7% nữa. Phía bán ròng có MSN -235,6 tỷ, VNM -151,3 tỷ, VIC -148,8 tỷ là những mã lớn nhất.

Đợt tái cơ cấu cuối phiên chưa làm tổn hại gì quá lớn đối với ngay cả nhóm blue-chips. VN30 phản ánh tác động chính từ các giao dịch này và để mất 4 điểm, chỉ số vẫn tăng 0,48% so với tham chiếu, độ rộng ghi nhận 17 mã tăng/9 mã giảm. Toàn sàn HoSE vân có 228 mã tăng/195 mã giảm, không quá xấu so với phiên sáng.

Thị trường hai ngày cuối tuần trải qua phiên đáo hạn phái sinh và tái cơ cấu ETF khá bình yên, xu hướng tăng vẫn được bảo toàn. Tuy vậy thanh khoản tụt giảm khá lớn, tới 25% so với tuần trước ngay cả khi có phiên ETF mua bán mạnh hôm nay. 4/5 phiên của tuần chỉ số tăng điểm và bù đắp lại hết cú sụt giảm lớn đầu tuần. VN-Index chốt tuần vẫn tăng nhẹ 2,56 điểm. Tín hiệu tích cực hơn từ mức tăng rất nhẹ này là thị trường có phản ứng với ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn.

Từ khóa » Cơ Cấu Quỹ Etf ảnh Hưởng Như Thế Nào