EVFTA Và Cam Kết Về Nhập Khẩu Hàng Hóa Giữa Việt Nam Và Đức

Cam kết về thuế nhập khẩu

Tương tự như Việt Nam, trong EVFTA, EU có cam kết thuế quan nhập khẩu ưu đãi cụ thể cho từng dòng thuế, theo đó EU (trong đó có Đức) sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu cho phần lớn hàng hóa Việt Nam ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (01/08/2020), số còn lại sẽ loại bỏ thuế quan theo lộ trình hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Cam kết EVFTA về xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức doanh nghiệp  cần lưu ý

Cụ thể, thuế quan ưu đãi EVFTA mà Đức dành cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam như sau: Tại thời điểm 01/08/2020 khi EVFTA có hiệu lực: xoá bỏ thuế quan đối với 85,6% số dòng thuế; Đến thời điểm 01/01/2027, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tổng cộng 99,2% số dòng thuế; Đối với khoảng 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được áp dụng hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Các sản phẩm của Việt Nam được áp dụng hạn ngạch trong EVFTA là: Trứng và lòng đỏ trứng gia cầm; tỏi; ngô ngọt; gạo đã xát; gạo đã xay; gạo đã xay đáp ứng yêu cầu đúng chủng loại; tinh bột sắn; cá ngừ; surimi; đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao; đường đặc biệt; nấm; ethanol; và mannitol, sorbitol, dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác.

Lưu ý cơ chế phân bổ hạn ngạch cho Việt Nam theo EVFTA sẽ do EU quy định chung cho toàn lãnh thổ EU theo từng sản phẩm/nhóm sản phẩm cụ thể. Vì vậy sẽ không có hạn ngạch riêng cho thị trường Đức đối với bất kỳ sản phẩm nào. Cho tới trước EVFTA, EU chưa có FTA nào với Việt Nam. Do đó về nguyên tắc hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Đức – thành viên EU phải chịu mức thuế MFN mà EU áp dụng cho các nước thành viên WTO. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, EU (trong đó có Đức) đã và đang duy trì cơ chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) dành cho các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam.

Theo cơ chế này, nhiều sản phẩm xuất khẩu đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như may mặc, da giày, thủy sản… thuộc diện GSP được hưởng mức thuế ưu đãi thấp hơn đáng kể so với mức thuế MFN khi nhập khẩu vào thị trường Đức (năm 2021, mức thuế MFN trung bình áp dụng của EU là 4,71%, còn thuế GSP trung bình là 2,35%). Tuy nhiên, EU có quy định về “ngưỡng trưởng thành” đối với các nước/các sản phẩm được hưởng GSP. Quy định này hiểu đơn giản là khi tổng thu nhập quốc gia hoặc kim ngạch xuất khẩu một loại hàng hóa nào đó của Việt Nam đạt đến một ngưỡng nhất định thì không được hưởng ưu đãi GSP nữa.

Cho đến thời điểm hiện tại, mức thuế GSP mà EU đơn phương dành cho Việt Nam ở mức tương đối thấp. Trong so sánh ở giai đoạn đầu thực hiện EVFTA, một số sản phẩm xuất khẩu có lộ trình xóa bỏ thuế quan dài (5-7 năm) nên thuế EVFTA áp dụng đối với các sản phẩm này có thể cao hơn so với thuế GSP hiện tại mà sản phẩm đó đang được hưởng. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, trong EVFTA, EU cam kết xóa bỏ tới 85,6% dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 99,2% số dòng thuế được xóa bỏ sau 7 năm. Như vậy, đến cuối lộ trình gần như toàn bộ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU (trong đó có Đức) sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thuế quan, trong khi GSP chỉ có ưu đãi với một số nhóm sản phẩm và mức ưu đãi không phải lúc nào cũng là 0%. Do đó, xét về lâu dài, so với thuế GSP thì thuế EVFTA sẽ có lợi hơn cho doanh nghiệp.

Theo quy định của EU về GSP khi có FTA, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng cơ chế GSP song song cùng EVFTA trong thời gian 02 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực (tức là đến hết 31/12/2022). Đồng thời, theo quy định trong EVFTA thì mức thuế ưu đãi EVFTA áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam sẽ không cao hơn các mức thuế mà EU áp dụng đối với hàng hóa đó tại thời điểm ngay trước khi EVFTA có hiệu lực.

Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA: Thách thức và giải pháp

Điều này có nghĩa là: Trong khoảng thời gian từ 01/08/2020 đến 31/012/2022: Doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng EVFTA hay GSP tùy thuộc vào thuế quan ưu đãi theo cơ chế nào có lợi cho doanh nghiệp. Trường hợp chọn ưu đãi GSP thì sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ của GSP; trường hợp chọn ưu đãi thuế quan theo EVFTA thì sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA.

Kể từ ngày 01/01/2023: Cơ chế ưu đãi thuế quan GSP sẽ tự động chấm dứt, doanh nghiệp áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Tuy nhiên EVFTA cho phép trong trường hợp thuế EVFTA cao hơn thuế GSP thì vẫn được hưởng thuế GSP. Dù chọn mức thuế ưu đãi nào, sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA. Đây là cam kết linh hoạt, rất có lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU do được đảm bảo rằng mức thuế EVFTA áp dụng sẽ luôn là mức thuế thấp hơn hoặc ít nhất là bằng mức thuế GSP tại thời điểm 01/08/2020.

Có thể thấy với các nhóm sản phẩm đang có thuế MFN hoặc GSP ở mức trung bình thấp thì sẽ được Đức xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (đối với tất cả hoặc phần lớn các dòng sản phẩm). Còn đối với các nhóm sản phẩm hiện vẫn đang duy trì mức thuế MFN và GSP cao thì khoảng phân nửa được xóa bỏ thuế ngay khi có hiệu lực, còn lại là xóa bỏ theo lộ trình (riêng một số sản phẩm quả và quả hạch thuộc Chương 08 chỉ xóa bỏ thuế %, vẫn giữ thuế tuyệt đối). Như vậy, so với các mức thuế quan MFN và GSP mà Đức đang áp dụng thì thuế quan EVFTA đem lại các lợi thế lớn cho các nhóm sản phẩm xuất khẩu sau của Việt Nam: Giày dép (Chương 64), Quần áo (Chương 61,62), Thủy sản (Chương 3), Nhựa (Chương 39), Quả và quả hạch (Chương 08).

Cam kết về thuế xuất khẩu Khác với Việt Nam, EU cam kết loại bỏ hoàn toàn thuế xuất khẩu đối với tất cả các hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam. Do đó, sẽ không có loại hàng hóa nào từ Đức xuất khẩu sang Việt Nam theo EVFTA bị áp thuế xuất khẩu.

Việt Nam có cam kết thuế quan như thế nào cho hàng hóa của Đức?

Cam kết về thuế quan của Việt Nam trong EVFTA bao gồm (i) cam kết về thuế nhập khẩu (áp dụng đối với hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam), và (ii) cam kết về thuế xuất khẩu (áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước EU). Cam kết về thuế nhập khẩu Trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam đưa ra cam kết thuế nhập khẩu ưu đãi cho từng loại hàng hóa (từng dòng thuế HS). Với mỗi hàng hóa, mức ưu đãi thuế quan được áp dụng thống nhất cho tất cả nước thành viên EU, trong đó có Đức.

Cụ thể, thuế quan ưu đãi EVFTA mà Việt Nam dành cho các sản phẩm nhập khẩu từ Đức như sau: Loại bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực (01/08/2020) đối với 48,5% số dòng thuế; Sau 07 năm (hết ngày 31/12/2026), loại bỏ thuế quan đối với tổng cộng 91,8% số dòng thuế; Sau 10 năm (hết ngày 31/12/2029), sẽ loại bỏ thuế quan đối với tổng cộng 98,3% số dòng thuế; Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại Việt Nam cam kết dành hạn ngạch thuế quan (đường, muối, trứng gia cầm, thuốc lá…), hoặc không cam kết cắt giảm thuế quan (một số sản phẩm ô tô).

Trước EVFTA, Việt Nam và EU chưa có chung FTA nào. Do đó, hàng hóa của Đức nhập khẩu vào Việt Nam trước khi có EVFTA phải chịu mức thuế nhập khẩu chung (thuế MFN, áp dụng cho các nước thành viên WTO). Mức thuế nhập khẩu MFN của Việt Nam năm 2021 trung bình là 11,93%. Mức MFN cụ thể đối với từng mặt hàng cũng tương đối cao, thậm chí một số mặt hàng bị đánh thuế lên tới 135%. Với mức cam kết thuế quan trong EVFTA, hàng hóa của Đức nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể.

Có thể thấy hơn phân nửa các sản phẩm này của Đức được Việt Nam xóa bỏ ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, còn lại là xóa bỏ theo lộ trình trừ một số sản phẩm thuộc Chương 87 không có cam kết về thuế quan. So với mức thuế MFN hiện hành mà Việt Nam đang áp dụng thì có thể thấy các nhóm hàng hóa của Đức được lợi đáng kể từ cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong EVFTA là: Xe cộ (Chương 87), Máy móc thiết bị điện (Chương 85), Các sản phẩm nhựa (Chương 39), Sắt thép (Chương 73), Nhiên liệu dầu khoáng (Chương 27).

Từ khóa » Tính đến 2021 Eu Có Bao Nhiêu Thành Viên