F0 Càng Chơi 'hàng Phím' Càng Lỗ, Giao Tiền Cho 'cá Mập' Hay Liều ăn ...

Tự mò mẫm đầu tư chứng khoán theo những tin nhắn "phím hàng" trên các hội nhóm từ nửa cuối năm 2021 nhưng Minh Tú càng mua bán càng lỗ dù chỉ số thị trường chung vẫn đi lên. Nản chí, cô chuyển sang tìm hiểu hình thức đầu tư chứng chỉ quỹ mở. 

Đầu tư chứng chỉ quỹ mở là hình thức đầu tư gián tiếp thông qua quỹ đầu tư. Công ty quản lý quỹ sẽ lựa chọn cổ phiếu, phân bổ tỷ trọng, thay đổi danh mục dựa trên tiêu chí riêng. Người mua chứng chỉ quỹ mở chịu thêm một khoản phí quản lý quỹ.

Tuy nhiên, khi tham khảo bạn bè, Tú lại nhận được lời khuyên trái ngược nhau về hình thức đầu tư này. Có người nói với cô đầu tư thông qua quỹ vừa tốn thêm phí, vừa không lãi bằng tự mua bán cổ phiếu. 

"Tay to" có thắng được thị trường?

Một trong những tiêu chí quan trọng nhất khi đánh giá hiệu quả của quỹ đầu tư là khả năng đánh bại thị trường. Quỹ chỉ được xem là thành công nếu có tỷ suất sinh lời vượt hơn các chỉ số đại diện thị trường như VN-Index hay VN30-Index. Hai chỉ số này lần lượt tăng 36% và 43% trong năm 2021.

Trong năm 2021, VinaCapital tuyên bố quỹ VESAP của mình đứng đầu các quỹ mở trên thị trường với mức sinh lời 67%. Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong VESAF lần lượt gồm FPT, MBB (MBBank), MWG (Thế Giới Di Động), SZC (Sonadezi Châu Đức), KDH (Khang Điền). Ngoài ra, VinaCapital còn vận hành quỹ mở VEOF đạt lợi nhuận 57% trong năm qua. 

Trong khi đó, hai quỹ mở DCDS và DCBC của ông lớn Dragon Capital đạt lợi nhuận lần lượt 54% và 47% trong năm 2021. Danh mục của DCDS bao gồm 80% cổ phiếu và 20% trái phiếu còn quỹ DCBC gồm 100% cổ phiếu. 

Tuy nhiên, không phải "cá mập" nào cũng chiến thắng được thị trường.

Quỹ đầu tư cổ phiếu MAGEF của Mirae Asset Việt Nam và quỹ mở BVFED của Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt trong năm ngoái cùng đạt mức lợi nhuận hơn 41%, thấp hơn so với mức tăng trưởng của VN30-Index. 

Tương tự, quỹ mở VCBF-BCF của Công ty Liên doanh quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank chỉ sinh lời 38% trong năm 2021, thấp hơn mức tăng của VN30-Index.

Quỹ DFVN-CAF của tập đoàn Dai-ichi Life có mức lợi nhuận còn khiêm tốn hơn, chỉ đạt 30% trong năm ngoái. Hay quỹ MBVF của MBCapital chỉ sinh lời 12% năm 2021. Hiệu quả của hai quỹ này thậm chí còn kém hơn cả VN-Index.

Nhà đầu tư cá nhân muốn "lời ăn, lỗ chịu"

Dù nhiều quỹ mở có hiệu suất đầu tư cao hơn so với thị trường chung, nhà đầu tư Việt phần lớn không mặn mà với loại hình này. 

Nhà đầu tư cá nhân đang chiếm khoảng 90% khối lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán Việt Nam, báo cáo của VinaCapital phát hành đầu tháng 2 cho biết. "Số đông dường như chỉ tập trung đầu tư ngắn hạn", ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng của VinaCapital, bình luận.

Tại một hội thảo gần đây, Tổng Giám đốc SGI Capital Lê Chí Phúc cho biết theo khảo sát của công ty này, luôn có hơn 50% nhà đầu tư cá nhân thua lỗ trên thị trường Việt Nam vì nhiều lý do như kỳ vọng lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, mua bán thường xuyên theo cảm tính, không có hệ thống và kỷ luật đầu tư, vay nợ cao. Với những người có lãi, phần lớn cũng có hiệu suất sinh lời kém hơn VN-Index.

Ông Phúc chia sẻ ngay cả ở Mỹ, nơi thị trường chứng khoán rất phát triển và mức độ tiếp cận, kiến thức tài chính của nhà đầu tư nhìn chung rất cao, mức sinh lời bình quân của cá nhân trong 20 năm qua chưa đến 3%/năm. Trong khi đó, mức tăng trưởng bình quân của chỉ số S&P 500 tại thị trường Mỹ trong cùng khoảng thời gian trên đạt 7,5%/năm.

Dù tự đầu tư chứng khoán không phải là một công việc dễ dàng, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), nhìn nhận nhà đầu tư cá nhân Việt Nam phần lớn chưa có thói quen tin tưởng giao tiền cho các công ty quản lý quỹ. Theo ông, đây là đặc điểm của thị trường châu Á nói chung chứ không riêng Việt Nam. Trong khi đó, ở thị trường như châu Âu, các quỹ phát triển mạnh, xu hướng đầu tư thường thiên về dài hạn.

"Ở Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân vẫn muốn tự đầu tư nhiều hơn, lời ăn lỗ chịu. Họ nghe tư vấn rồi tự hành động, chủ động kiểm soát tài khoản của mình thay vì giao tiền cho quỹ đầu tư, vì vậy dịch vụ quản lý quỹ ở Việt Nam chưa phát triển", ông Minh chia sẻ với Dân trí.

Vì khách hàng ưa thích tự giao dịch nên đầu năm ngoái, YSVN công bố danh mục YS30 với 30 cổ phiếu được chọn theo tiêu chí riêng, thay đổi cơ cấu tỷ trọng 3 tháng mỗi lần để nhà đầu tư tham khảo dù chưa triển khai dịch vụ quản lý quỹ. Danh mục YS30 trong 12 tháng gần nhất tăng trưởng hơn 100%. 

F0 càng chơi hàng phím càng lỗ, giao tiền cho cá mập hay liều ăn nhiều? - 1

Ảnh: YSVN.

Ông Phan Duy Khánh, CEO Simplize, công ty chuyên về phân tích dữ liệu chứng khoán, cũng đánh giá dù thị trường bùng nổ trong hai năm vừa qua, thực tế hiểu biết của nhiều nhà đầu tư về chứng khoán ở Việt Nam còn ở mức độ sơ khai. Nhiều người đầu tư vì nghe người quen giới thiệu kiếm được nhiều tiền từ chứng khoán nên kỳ vọng lợi nhuận rất cao trong thời gian ngắn, hy vọng có thể nhân đôi tài khoản. Do đó, dù các quỹ đầu có lợi nhuận bình quân 20-30%/năm, nhiều nhà đầu tư cũng không hứng thú 

Thứ hai, bản thân niềm tin của nhà đầu tư cá nhân với thị trường chứng khoán chưa cao. Do đó, họ không tin tưởng việc gửi gắm tiền của mình cho một tổ chức khác để đầu tư, không biết quỹ sẽ sử dụng tiền của mình thế nào. "Nhiều người khó chấp nhận nếu đưa tiền cho người khác đầu tư mà lại thua", ông Khánh bình luận.

Nên tìm ai để giao tiền? 

Ông Khánh cho rằng để có một danh mục đầu tư hoàn hảo, 10% đến từ việc tìm ra ý tưởng đầu tư, 40% phụ thuộc vào việc tìm hiểu kỹ doanh nghiệp bao gồm tổng hợp thông tin, phân tích, xử lý dữ liệu, 50% còn lại là khả năng phân bổ tỷ trọng vốn cho từng mã cổ phiếu. Đa phần nhà đầu tư cá nhân không đủ khả năng, cũng không có đủ thời gian để làm những công việc này. 

Ngược lại, quỹ đầu tư có nhiều lợi thế hơn so với cá nhân. Các quỹ luôn có nhiều chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, sàng lọc kỹ cổ phiếu trước khi đưa vào danh mục. Họ cũng có nhiều thông tin hơn vì được tiếp cận ban lãnh đạo doanh nghiệp, có chiến lược phân bổ vốn, tỷ trọng hiệu quả với số vốn lớn.

Theo ông Khánh, trừ trường hợp xác định chứng khoán là công việc chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân nên phân bổ một phần nguồn vốn vào các quỹ mở, tiết kiệm thời gian và công sức. Tất nhiên, họ phải chấp nhận một khoản phí quản lý quỹ. "Phần đông nhà đầu tư không có đủ kiến thức, kinh nghiệm, am hiểu nền kinh tế và từng ngành nghề để mang toàn bộ tiền của mình tự đầu tư", ông Khánh chia sẻ với Dân trí.

Tuy nhiên, ông Khánh cũng lưu ý việc lựa chọn quỹ đầu tư nào để giao tiền lại là một câu chuyện khác. Nhà đầu tư chỉ nên chọn một quỹ đầu tư có lịch sử hoạt động hiệu quả qua nhiều năm để rót tiền. Do các quỹ đều phân bổ vốn vào 15-20 cổ phiếu nên nếu đầu tư vào nhiều quỹ khác nhau sẽ danh mục quá đa dạng, loại bỏ điểm mạnh của từng quỹ riêng lẻ, giảm khả năng chiến thắng thị trường. 

Ngoài ra, CEO này nhấn mạnh khi đã đầu tư vào quỹ, nhà đầu tư cần xác định nắm giữ lâu dài, ít nhất 3-5 năm, không mua bán thường xuyên do ngoài phí quản lý, nhiều quỹ còn thu phí mua, bán nên việc liên tục giao dịch chứng chỉ quỹ ngắn hạn không khác gì "cống nạp" tiền phí cho quỹ đầu tư.

Tổng giám đốc SGI Capital Lê Chí Phúc cũng dẫn chứng quỹ Fidelity Magellan của huyền thoại đầu tư Peter Lynch ở Mỹ có hiệu suất sinh lời trung bình 29%/năm nhưng thực tế các nhà đầu tư rót tiền vào quỹ này chỉ có lợi nhuận bình quân 7%/năm. Nguyên nhân là nhà đầu tư cá nhân có xu hướng quan tâm sự dao động trên thị trường trong ngắn hạn, mua bán chứng chỉ quỹ quá thường xuyên, tự tạo thiệt hại không đáng có.

Ông Phúc khuyên nhà đầu tư chọn hình thức quỹ mở nên mua chứng chỉ quỹ định kỳ theo kỳ thu nhập thay vì lo lắng nếu thấy giá trị đầu tư biến động hàng tuần rồi hành động sai. Ông nhấn mạnh quỹ cũng có những lúc lỗ theo sự sụt giảm chung của thị trường chung nên nhà đầu tư cần xác định nắm giữ chứng chỉ quỹ dài hạn. Thời gian lý tưởng để nhà đầu tư có thể hái quả ngọt khi rót tiền vào quỹ là từ 3 năm trở lên.

Ông Nguyễn Thế Minh thì lưu ý nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ hồ sơ hoạt động của các quỹ đầu tư trước khi quyết định rót tiền vì thực tế có nhiều quỹ ở Việt Nam hoạt động kém hiệu quả. Chứng khoán Việt Nam là thị trường cận biên nên có tính đầu cơ cao, chứng kiến chu kỳ lên xuống rất mạnh nên việc đầu tư dài hạn không hề dễ dàng. 

Các quỹ đầu tư dù nắm giữ danh mục dài hạn cũng chưa chắc đã có hiệu suất sinh lời tốt nếu không có sự năng động, tận dụng cơ hội ở từng giai đoạn, công cụ kiểm soát rủi ro trong ngắn và trung hạn. "Chưa chắc cứ quỹ chuyên nghiệp là đầu tư tốt", ông Minh nhấn mạnh. 

(Theo Dân trí) 

Hàng chục quỹ 'lùa gà', giăng bẫy nhà đầu tư tiền số ở Việt Nam

Hàng chục quỹ 'lùa gà', giăng bẫy nhà đầu tư tiền số ở Việt Nam

Nhiều quỹ đầu tư tiền số tại Việt Nam hoạt động không minh bạch, có dấu hiệu "lùa gà". Người tham gia vào các quỹ dạng này có nguy cơ mất tiền, chịu thiệt.

Từ khóa » Chứng Chỉ Quỹ Dcds