F0 điều Trị Tại Nhà Cần Làm Gì để Hưởng Chế độ ốm đau?

Người lao động F0 điều trị tại nhà cần làm gì để hưởng chế độ ốm đau? Nếu chưa nắm rõ được những lưu ý sau rất có thể người lao động sẽ bỏ lỡ rất nhiều quyền lợi của mình.

1. Chế độ ốm đau đối với người lao động

Căn cứ theo quy định tại Điều 24, 25, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, căn cứ theo Khoản 1, Điều 3, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động F0 (mắc Covid-19) tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc sẽ được hưởng chế độ ốm đau gồm có:

  • Trợ cấp ốm đau;

  • Trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau;

  • Nghỉ hưởng chế độ ốm đau, chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau.

Người lao động bị F0 do Covid sẽ được hưởng chế độ ốm đau

F0 điều trị tại nhà thực hiện khai báo y tế để được hưởng chế độ ốm đau.

Để được hưởng chế độ ốm đau này người lao động phải lưu ý các quy định về điều kiện, hồ sơ và thủ tục hưởng chế đau theo quy định của pháp luật.

2. Lưu ý đối với F0 điều trị tại nhà để hưởng chế độ ốm đau

Căn cứ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, căn cứ theo hướng dẫn tại Công văn số 1492/KCB-PHCN&GĐ ngày 19/11/2021 và Công văn số 238/BYT-KCB ngày 14/1/2022 về hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động điều trị Covid-19 để được hưởng chế độ ốm đau F0 điều trị tại nhà lưu ý:

2.1 Thông báo với cơ quan chính quyền, cơ sở y tế tại địa phương

Người lao động ngay khi phát hiện ra mắc Covid-19 cần thông báo với cơ quan chính quyền hoặc cơ sở y tế theo quy định. Việc thông báo này không chỉ giúp cơ quan chính quyền và cơ sở y tế có các biện pháp khuyến cáo và cách ly phù hợp mà còn là cơ sở để cấp cho người lao động các loại giấy tờ như:

  • Quyết định cách ly

  • Giấy chứng nhận hoàn thành cách ly

Các loại giấy tờ trên là căn cứ để người lao động F0 xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (bắt buộc phải có trong hồ sơ hưởng chế độ ốm đau theo quy định hiện hành).

2. 2 Xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

Tại Khoản 1, Điều 100, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về hồ sơ hưởng chế độ ốm đau nêu rõ thành phần hồ sơ hưởng chế độ ốm đau phải có:

“Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội”.

Mẫu giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Mẫu giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, người lao động F0 điều trị tại nhà buộc phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp. Mẫu giấy được được cấp theo theo quy định tại Điều 20, Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ y tế.

Như vậy, sau khi hết thời gian cách ly người lao động F0 điều trị tại nhà cần xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tại trạm y tế xã/phường nơi người lao động đang cư trú/tạm trú để làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau.

2.3 Nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau theo quy định

Trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động F0 điều trị tại nhà cần nộp lại cho đơn vị sử dụng lao động 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau. Hồ sơ gồm có:

(1) Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với trường hợp điều trị ngoại trú: Lưu ý: Người lao động nộp Đề nghị cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (hồ sơ gồm: bản chụp CMT/CCCD; quyết định cách ly; giấy xác nhận hoàn thành cách ly; thẻ bảo hiểm y tế).

(2) Các giấy tờ khác làm căn cứ hưởng BHXH

Đối với người lao động là F0 điều trị ngoại trú sau khi điều trị nội trú cần có Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Sau khi nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho đơn vị sử dụng lao động, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ và gửi cơ quan BHXH. Tối đa trong 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định Cơ quan BHXH tiếp nhận giải quyết chế độ cho người lao động. Người lao động có thể lựa chọn nhận tiền qua một trong các hình thức sau: Thông qua tài khoản cá nhân hoặc thông qua đơn vị sử dụng lao động.

3. Làm hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau

Theo quy định tại Điều 29, Luật Bảo hiểm xã hội và Điều 7, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì sau khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau (đã đủ thời gian nghỉ trong một năm), trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 - 10 ngày trong một năm.

F0 mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 - 10 ngày

Trong vòng 30 ngày đầu trở lại làm việc bệnh nhân F0 mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 - 10 ngày.

Trường hợp nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi điều trị bệnh, người lao động cần xin giấy xác nhận của bác sĩ về tình trạng sức khỏe theo quy định.

Cụ thể, thời gian nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe của F0 do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Tuy nhiên đảm bảo:

  • Thời gian nghỉ tối đa không quá 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;

  • Thời gian nghỉ tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;

  • Thời gian nghỉ tối đa bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Bên cạnh đó, mức tiền được hưởng của F0 một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính bằng 30% mức lương cơ sở.

4. Chưa có các có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH

Căn cứ theo Công văn số 238/BYT-KCB ngày 14/1/2022 hướng dẫn hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH cho người lao động hiện nay chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Đồng thời chưa có quy định chấp nhận những giấy tờ cấp chưa đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị để cơ quan BHXH làm cơ sở quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động. Do đó, F0 điều trị tại nhà vẫn phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương số lượng F0 tăng nhanh, việc xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH còn nhiều khó khăn vì vậy Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất các nội dung chưa được quy định trong các văn bản Luật để báo cáo, đề xuất với Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để giải quyết các vấn đề nêu trên, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Trên đây là thông tin F0 điều trị tại nhà cần làm gì để hưởng chế độ ốm đau. Nếu có thắc mắc hoặc cần hướng dẫn thêm người lao động F0 có thể trực tiếp đến tại các cơ quan BHXH tại địa phương hoặc đến tại cơ sở y tế để được hướng dẫn xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

INFOGRAPHIC >>> Người lao động là F0 cần làm gì để được hưởng trợ cấp ốm đau?

Từ khóa » Các Chế độ Cho F0 điều Trị Tại Nhà