F0 Tăng Hơn 81.000 Ca Một Ngày, Y Tế Chống đỡ Thế Nào - VnExpress
Có thể bạn quan tâm
Trong một tuần, cả nước ghi nhận hơn 81.000 ca mắc mỗi ngày, riêng hôm qua đến hơn 122.000 trường hợp. Tại Hà Nội, trung bình mỗi ngày ghi nhận 10.000 ca mới - tăng 135% so với hai tuần trước. Những ngày qua, F0 một số nơi không liên lạc được y tế phường, người dân phải xếp hàng xin xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly hoặc chưa được chuyển tầng kịp thời khi trở nặng. Có phường số F0 lên đến hàng nghìn trong khi nhân viên y tế chỉ 8-10 người, nhiều y bác sĩ mắc bệnh không tiếp tục làm việc. Chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh đánh giá "hai tuần tới là thách thức rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp đưa ra giải pháp phù hợp".
Hiện, bốn bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, Đa khoa Đức Giang, Xanh Pôn, Hà Đông là tuyến đầu được Sở Y tế Hà Nội giao phụ trách điều trị và phối hợp các bệnh viện tuyến dưới chuyển tầng. Trong đó, Thanh Nhàn đang điều trị gần 350 F0, bao gồm 70% là bệnh nhân nặng, mỗi ngày trung bình tiếp nhận 20 ca; 250 giường ICU tầng 3 và 100 giường ICU tầng 2; Đức Giang đang điều trị hơn 400 bệnh nhân (150 bệnh nhân nặng); Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Hà Nội điều trị khoảng 170 F0 nặng.
Lãnh đạo các bệnh viện này cho rằng, hầu hết người nhập viện đều cao tuổi, nhiều bệnh lý nền, chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều. Họ đang được nhân viên y tế dồn lực điều trị, chăm sóc. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của các bệnh viện hiện nay là nhân viên y tế bị mắc Covid-19 khá nhiều. Riêng Bệnh viện Đức Giang ghi nhận hơn 200 y bác sĩ nhiễm, Thanh Nhàn khoảng 9%, nhiều trung tâm y tế cũng đang hao hụt nhân sự... "Nhân viên y tế là F0 tiếp tục tăngkhiến lượng công việc vốn dĩ quá tải nay càng thêm áp lực", bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang, nói.
Để giảm tải công việc cho nhân viên y tế, các quận huyện trên địa bàn Hà Nội đang linh hoạt áp dụng hình thức khai báo xét nghiệm dương tính như gọi video test hoặc gửi video test vào nhóm liên lạc trực tuyến F0 của phường. Các phường mở nhiều kênh hỗ trợ F0 từ xa, như Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc tại nhà, đội y tế cố định hoặc mô hình các nhóm chăm sóc F0 tại từng tổ dân phố... Các nhóm này phối hợp trạm y tế phường hỗ trợ F0. Phường vận động thêm tình nguyện viên tham gia hỗ trợ, trực 24/24 để giải quyết vấn đề của người dân.
Trả lời VnExpress, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết F0 điều trị tại nhà chiếm 96% tổng ca nhiễm, số còn lại đang điều trị ở bệnh viện tầng 2 và 3. Tỷ lệ bệnh nhân nặng đã giảm so với trước nhưng sắp tới có thể tăng (do F0 mới tăng nhanh), đồng nghĩa với việc phải chuẩn bị thêm giường bệnh.
Về việc này, chiều hôm qua, Sở Y tế Hà Nội đã họp với 35 bệnh viện điều trị Covid-19 để đánh giá năng lực ở tầng 2, 3. Bên cạnh các bệnh viện thành phố, Hà Nội cũng huy động thêm cơ sở y tế của Trung ương, trực thuộc bộ, ngành. Tổng cộng 2.180 giường cho bệnh nhân tầng 2, 3, hiện mới sử dụng khoảng 1.000 giường - như vậy hạ tầng y tế đủ sức chăm sóc F0.
Chiến lược chống dịch của thủ đô hiện không tập trung quá nhiều vào ngăn chặn lây nhiễm, mà chuyển hướng sang điều trị sớm ca chuyển nặng, qua đó giảm tỷ lệ tử vong. Để tránh việc quá tải, Hà Nội đã hạ tầng điều trị F0 theo tiến triển bệnh. Tức là, bệnh nhân tầng 2 và 3 chuyển biến tốt sẽ được cho về nhà tự cách ly, điều trị thay vì phải chờ đủ 10 ngày để xuất viện như quy định của Bộ Y tế. Việc này giúp tiết kiệm được giường bệnh cho F0 mới nhập viện, cũng như giảm tải cho nhân viên y tế.
"Theo tính toán về khả năng đáp ứng thu dung bệnh nhân, Sở Y tế khẳng định vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải", bà Hà nói và cho rằng kể cả đối với kịch bản số ca nhiễm tăng gấp đôi như hiện nay, thành phố cơ bản vẫn đáp ứng được.
Ngoài Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh... dẫn đầu cả nước về số mắc mới. Đây được xem là hệ quả tất yếu khi mở cửa tất cả hoạt động kinh tế - xã hội cũng như học sinh trở lại trường sau Tết. Y tế nhiều nơi đang quá tải, không đáp ứng được nhu cầu của F0 tại nhà, buộc địa phương phải điều chỉnh kế hoạch ứng phó.
Ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Quảng Ninh, cho biết đã chuẩn bị kịch bản 10.000 ca một ngày (trung bình những ngày qua ghi nhận khoảng 2.700 ca, riêng ngày 28/2 bổ sung hơn 28.000 ca xét nghiệm từ trước), đào tạo nhân viên y tế, cơ sở vật chất, thuốc, máy thở, oxy đầy đủ. Gần đây số F0 nhập viện 100-200 ca, khoảng 14 ca nặng, đa số F0 nhẹ không triệu chứng điều trị tại nhà, tổng số ca điều trị là hơn 47.000. Trung tâm y tế phường đảm bảo cấp thuốc và hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cho biết trạm y tế lưu động đang quá tải, nhiều nhân viên F0. Thành phố đã huy động hơn 1.600 sinh viên trường y đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, bữa ăn cho cán bộ y tế để động viên. Tổng F0 đang điều trị là hơn 60.000, tử vong hơn 100 người.
Bắc Ninh đang điều trị hơn 25.000 F0, trong đó 47 ca nặng; Bắc Giang điều trị hơn 32.000 F0, có 12 bệnh nhân nặng. Tỉnh đề xuất phương án thành lập, mở rộng thêm cơ sở điều trị F0 mức độ nặng, tăng cường nhân lực, hỗ trợ chuyên môn cho trạm y tế xã, trạm y tế lưu động, đảm bảo điều trị người mắc Covid-19 tại nhà theo đúng phác đồ và kịp thời xử lý khi có dấu hiệu chuyển nặng.
Trong khi đó, tại các tỉnh phía Nam, số ca mắc mới mỗi ngày thấp hơn, song vẫn đang gia tăng nhanh. TP HCM tuần qua ghi nhận hơn 13.000 ca, cao hơn so với 3.000-4.000 ca cách đây ba tuần. Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, số lượng học sinh mắc bệnh đang tăng, song số ca nhập viện không tăng mà có xu hướng giảm. Các ca nặng, thở máy, tử vong cũng giảm ở mức thấp nhất trong đợt dịch thứ 4 này, có hôm không ghi nhận tử vong.
Trong bối cảnh chủng Omicron chiếm ưu thế, TP HCM đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, xây dựng quy trình chống dịch tới cơ sở như pháo đài. Hiện, thành phố duy trì hoạt động các bệnh viện dã chiến đa tầng 13, 14 và 16. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Chợ Rẫy chuẩn bị 200 giường bệnh hồi sức mỗi đơn vị. Nếu F0 tiếp tục tăng cao, các bệnh viện dã chiến sẽ được kích hoạt trở lại trong vòng 24 giờ.
Thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ, mở rộng các đối tượng, từ trên 65 tuổi xuống trên 50 tuổi, đồng thời nâng chiến lược bảo vệ trẻ em. Ngành y tế họp các chuyên gia nhi khoa, xây dựng kế hoạch thu dung theo từng kịch bản, tăng cường tập huấn cho nhân viên y tế, giáo viên nhà trường, lập kênh tư vấn từ xa, sẵn sàng tổ chức tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế.
Tổng số ca nhiễm tại Việt Nam hiện hơn 3,4 triệu ca, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, trung bình tuần qua số ca nặng là hơn 3.200 - chỉ bằng gần một nửa vào cuối năm ngoái; số tử vong là khoảng 92 (tháng 8-9/2021 thường dao động khoảng 300-400 ca/ngày). Tỷ lệ tử vong tại Việt Nam là 1,2%, với hơn 40.200 trường hợp, đứng thứ 24 thế giới.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nguyên nhân số ca tăng là sau Tết người lao động trở lại thành phố để tiếp tục làm việc; học sinh, sinh viên đến trường dẫn đến nhu cầu xét nghiệm cao hơn, mà càng xét nghiệm càng phát hiện ca nhiễm mới. Ngoài ra, Việt Nam đang nới lỏng toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội, thích ứng linh hoạt, an toàn hơn với dịch bệnh. Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên cho thấy biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế tại TP HCM; hoặc Hà Nội đã xuất hiện các ca Omicron trong cộng đồng, là dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm sẽ tăng nhanh hơn.
Các chuyên gia đánh giá Việt Nam kiểm soát được tỷ lệ nặng và tử vong là nhờ độ phủ vaccine cả nước rất cao cùng với kinh nghiệm phòng chống dịch, điều trị bệnh qua các đợt. Hiện, hầu hết dân số trên 18 tuổi được tiêm vaccine mũi một, gần 98% tiêm mũi hai, hơn 34% tiêm mũi ba.
Bộ Y tế nhận định Covid-19 vẫn được kiểm soát. Tuy nhiên, trong bối cảnh trường học mở cửa trở lại và chính phủ thống nhất chủ trương mở cửa du lịch từ ngày 15/3, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và những biến chủng mới khác.
Về việc số ca nhiễm vẫn tăng mạnh mỗi ngày, Bộ Y tế cảnh báo sẽ làm gia tăng số nhập viện, gây áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền) nên phải bảo vệ nhóm này. Ngành y tế các địa phương cần tổ chức phân tầng điều trị, ưu tiên hàng đầu là giảm tối đa trường hợp tử vong.
Lê Phương - Thùy An
- Ca Covid-19 tăng gấp ba, TP HCM bảo vệ nhóm nguy cơ
- TP HCM 'xây pháo đài' khi Omicron chiếm ưu thế trong cộng đồng
- Nhiều nhân viên thành F0, y tế phường khủng hoảng nhân lực
- Vì sao F0 phải xếp hàng dài chờ xét nghiệm?
Từ khóa » Số Ca F0 Tăng
-
Ngày 22/6: Ca COVID-19 Tiếp Tục Tăng, Có 888 F0 Tại 43 Tỉnh, Thành
-
Số Ca F0 Tăng Mạnh Sau Tết Xuất Phát Từ Tâm Lý “ai Rồi Cũng Mắc” | Y Tế
-
F0 Tăng Lên Gần 1.000 Ca Mắc Mới, 1 Bệnh Nhân Tử Vong
-
Số Ca Mắc COVID-19 Mới Tăng Cao Chưa Từng Thấy, Hà Nội Rà Soát ...
-
TPHCM: Số F0 Tăng Gấp 3 Lần; Phát Hiện Những Ca Mắc Omicron ...
-
Số Ca Mắc Tiếp Tục Gia Tăng; đa Dạng Hình Thức Hỗ ... - Dịch COVID-19
-
Số Mắc Mới Tăng Nhẹ, Nhiều địa Phương Dưới 10 ... - Dịch COVID-19
-
Tầm Soát, Phát Hiện Nhiều F0 Trong Cộng đồng: Sẵn Sàng Phương ...
-
F0 ở Trường Học Liên Tục Tăng, Nhiều địa Phương Dừng Học Trực Tiếp
-
Số Ca COVID-19 Vẫn Tăng, Không Có F0 Tử Vong - Báo Lao Động
-
Dịch Covid-19 Hôm Nay: Số Ca Mắc Lại Tăng, Thêm 956 F0
-
Ngày 11/3: Số Mắc COVID-19 Mới Tăng Lên 169.114 Ca; Vĩnh Phúc ...
-
Số Ca Mắc COVID-19 Mới Tăng Nhanh 10 Ngày Nay, Có đáng Lo?