F0 Vừa Khỏi Bệnh, đi Làm Vô Tình Tiếp Xúc Với F0 Mới Có Bị ... - Medinet

Các chuyên gia nhận định, F0 mới khỏi bệnh thì khả năng tái nhiễm ngay sau đó là rất thấp. Song vẫn có khả năng (dù rất nhỏ) sẽ bị tái nhiễm khi tiếp xúc với các F0 khác nhất là tiếp xúc trực tiếp (ăn chung, nói chuyện không đeo khẩu trang).

Sau 1 tuần trở thành F0 và cách ly điều trị tại nhà có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, anh N.V.H (32 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) quay trở lại công việc. Tuy nhiên, vừa đi làm lại được 3 hôm, anh H hay tin đồng nghiệp cùng phòng có kết quả test nhanh "2 vạch" mà trước đó, anh có ngồi ăn cơm trưa với nam đồng nghiệp này tại căng tin của công ty.

Vừa mới khỏi bệnh, các cơn ho vẫn chưa dứt, lại tiếp xúc gần với một F0 khác cũng khiến anh H băn khoăn, lo lắng liệu anh có bị tái nhiễm COVID-19 luôn không. Và đây cũng là nỗi lo của không ít F0 "cũ" khi vô tình "va" phải các F0 mới nhiễm bệnh.

F0 vừa khỏi bệnh, đi làm vô tình tiếp xúc với F0 mới có bị lại luôn không? - 1

Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề này, theo BS Lê Quang Mỹ - Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM, F0 khỏi bệnh sẽ có miễn dịch nhưng không bảo vệ trọn đời, không bảo vệ được các biến chủng khác.

Trường hợp là F0 mới khỏi bệnh thì khả năng tái nhiễm ngay sau đó là rất thấp. Song vẫn có khả năng (dù rất nhỏ) sẽ bị tái nhiễm khi tiếp xúc với các F0 khác nhất là tiếp xúc trực tiếp (ăn chung, nói chuyện không đeo khẩu trang).

Tương tự, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi - Trường Đại học Y Dược TP HCM cũng cho rằng, đối với những F0 vừa khỏi bệnh dưới 1 tháng, khả năng nhiễm lại là rất thấp (dưới 2%). Tuy vậy, tốt nhất vẫn nên hạn chế tiếp xúc, trong trường hợp cần phải tiếp xúc thì nên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và rửa tay thường xuyên.

Với một số trường hợp mắc COVID-19 trong vòng 1 tháng đã tái nhiễm, các chuyên gia y tế nhận định, điều này rất khó xảy ra trên cùng một biến chủng bởi sau 1 tháng mắc COVID-19, hệ miễn dịch đang ở trạng thái đủ khả năng bảo vệ. Tuy nhiên, không loại trừ vì có những người hệ miễn dịch yếu, các virus khác hoặc biến thể mới có thể xâm nhập gây bệnh.

F0 khỏi bệnh sau bao lâu có nguy cơ bị tái nhiễm cao nhất?

Một công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào cuối tháng 12/2021 cho thấy, xuất hiện tình trạng tái nhiễm SARS-CoV-2 nhiều hơn 1 lần trên cùng một chủng hoặc khác chủng ở bệnh nhân COVID-19 được cho là đã khỏi bệnh tại nhiều quốc gia. Cũng theo WHO, vẫn có khoảng 2% số người từng nhiễm COVID-19 tái nhiễm nhiều hơn 1 lần.

BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP HCM cho biết, việc tái nhiễm COVID-19 trong một thời gian ngắn sau khi mắc là hoàn toàn có thể xảy ra vì người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau (mắc biến chủng Delta và tái nhiễm biến chủng Omicron và ngược lại).

Thông thường, sau 1 đến 2 tháng từ khi khỏi COVID-19, người bệnh có khả năng tái nhiễm và nguy cơ tái nhiễm sẽ cao hơn sau khoảng 3 tháng do nồng độ kháng thể sẽ suy giảm theo thời gian.

Theo WHO, nguy cơ tái nhiễm phụ thuộc vào một loạt các yếu tố như: Chưa được tiêm chủng hoặc có khả năng xảy ra ở những người từng nhiễm virus trước đó với phản ứng miễn dịch thấp hơn.

Làm gì để không bị tái nhiễm COVID-19?

Các chuyên gia khuyến cáo, F0 khỏi bệnh sẽ có kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền.

Tuy nhiên, nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh lại chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc một F0 khác mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm. Do đó, điều quan trọng để hạn chế tái nhiễm là mọi người cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh.

Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, cho dù đã là F0 khỏi bệnh, vẫn phải tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế để tăng khả năng bảo vệ, tránh tái nhiễm.

Trung Tâm Y tế Quận 6

Từ khóa » Các Bệnh Nhân Covid đã Khỏi Bệnh