FLC Chi Hơn 1.800 Tỷ đồng để Trả Nợ Gốc Trong Nửa đầu Năm

FLC chi hơn 1.800 tỷ đồng để trả nợ gốc trong nửa đầu năm - Ảnh 1.

Khách sạn FLC Grand Hotel Samson tại Thanh Hóa. (Ảnh: Đức Quyền).

Dòng tiền của FLC

Tập đoàn FLC mới công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 cho thấy lượng tiền và tương đương tiền tại ngày 30/6 năm nay là 132 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ so với số đầu năm.

Trong đó, dòng tiền từ hoạt động tài chính diễn biến khả quan nhất khi dương gần 1.500 tỷ. Cụ thể, tiền thu từ đi vay là 3.302 tỷ còn chi để trả nợ gốc là 1.801 tỷ.

So với cùng kỳ năm ngoái, FLC đi vay nhiều hơn, đồng thời giảm số trả nợ, dẫn tới dòng tiền từ hoạt động tài chính tăng thêm gần 1.900 tỷ và chuyển từ âm sang dương.

Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 2.665 tỷ, chủ yếu do FLC chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định, cho vay và góp vốn vào đơn vị khác. So với báo cáo tự lập, số liệu sau soát xét chênh lệch 533 tỷ.

FLC chi hơn 1.800 tỷ đồng để trả nợ gốc trong nửa đầu năm - Ảnh 2.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh sau soát xét dương 94 tỷ đồng, trái ngược với con số âm 441 tỷ trong báo cáo tự lập. Nguyên nhân chính của sự chênh lệch này là thay đổi trong các khoản mục vốn lưu động như hàng tồn kho, phải thu và phải trả trên bảng cân đối kế toán.

Như chúng tôi đã đưa tin, tổng tài sản cũng như tổng nợ của FLC giảm gần 1.200 tỷ đồng sau soát xét, biến động chủ yếu ở các tài khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho, phải trả ngắn hạn và phải trả dài hạn.

  • Tổng tài sản của FLC giảm gần 1.200 tỷ đồng sau soát xét

Khi các khoản phải thu giảm đi và phải trả tăng lên, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh sẽ đi lên.

Những biến động trên bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ sau soát xét không làm thay đổi giá trị lưu chuyển tiền thuần trong kỳ hay giá trị tiền mặt tại ngày cuối tháng 6 nhưng đã làm thay đổi dòng tiền của từng mảng hoạt động. Đáng chú ý nhất là việc dòng tiền kinh doanh chuyển từ âm trước soát xét sang dương sau soát xét.

Tổng cộng dòng tiền dương của hoạt động kinh doanh và tài chính chưa đủ để bù lại dòng tiền âm của hoạt động đầu tư, dẫn tới lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 1.083 tỷ.

Giảm vay ngắn hạn, tăng vay dài hạn

Một trong những thay đổi lớn trong cơ cấu nguồn vốn của Tập đoàn FLC trong nửa đầu năm nay là nợ vay ngắn hạn giảm từ khoảng 4.300 tỷ còn 2.100 tỷ, còn nợ vay dài hạn tăng từ gần 2.200 tỷ lên 3.750 tỷ.

Cụ thể, FLC đã trả hết gần 600 tỷ đồng nợ ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID), giảm dư nợ ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB) từ hơn 1.100 tỷ còn 451 tỷ, …

Trong khi đó, FLC đã vay mới hơn 1.800 tỷ đồng kỳ hạn dài từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã: STB). Tại ngày 30/6 năm nay, Sacombank là chủ nợ lớn nhất của FLC. Ngôi vị này trước đó thuộc về BIDV.

Dư nợ của FLC tại Sacombank tăng lên đáng kể trong quý II khi Bamboo Airways (hãng hàng không do Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết nắm đa số vốn) ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Sacombank.

Theo thỏa thuận này, Sacombank cung cấp các dịch vụ tài chính doanh nghiệp liên quan tới tín dụng, bảo lãnh ngân hàng, các dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế, quản lý dòng tiền, dịch vụ ngoại hối … đáp ứng các nhu cầu sản xuất kinh doanh của Bamboo Airways cũng như hệ sinh thái liên quan.

FLC chi hơn 1.800 tỷ đồng để trả nợ gốc trong nửa đầu năm - Ảnh 4.

Đa số khoản vay của FLC được bảo đảm bằng nhiều loại tài sản như ô tô, quyền sử dụng đất, hàng triệu cổ phần BAV tại hãng hàng không Bamboo Airways, cổ phần ROS tại CTCP Xây dựng FLC Faros, các tài sản khác được hình thành từ vốn vay, ...

Từ khóa » Flc Nợ Bao Nhiêu Tiền