Forbes Việt Nam Vinh Danh 50 Công Ty Niêm Yết Tốt Nhất Năm 2021

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam cũng suy giảm, 50 công ty trong danh sách vẫn gặt hái được những kết quả tích cực: mang lại tổng doanh thu hơn 1.219 triệu tỉ đồng, tăng 8,7% so với năm 2020 và thiết lập kỷ lục mới về lợi nhuận sau thuế với 174.510 tỉ đồng, tăng 25,8% so với danh sách công bố năm trước.

Kết quả này thể hiện khả năng chống chịu, xoay trở của các doanh nghiệp, cho thấy bản lĩnh chèo chống của các doanh nhân, đã mạnh dạn đầu tư để tìm kiếm cơ hội, giữ vững hiệu quả kinh doanh và đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế.

Forbes Việt Nam ghi nhận 10 công ty giữ vững tên trong suốt chín lần thực hiện danh sách: gồm CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk; CTCP Dược Hậu Giang; công ty cổ phần FPT; ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank; tập đoàn Bảo Việt; tổng công ty Khí Việt Nam – PV Gas; tập đoàn Vingroup; CTCP Tập đoàn Hòa Phát; CTCP Tập đoàn Masan và CTCP Cơ điện lạnh – REE. Hầu hết các công ty giữ vững vị thế trong danh sách chín năm qua đều giữ vững vị thế đầu ngành mà họ hoạt động.

Danh sách 50 công ty tốt nhất của năm 2021 còn ghi nhận 11 doanh nghiệp lần đầu góp mặt nhờ thay đổi vị thế kinh doanh trong năm 2020, có những doanh nghiệp hưởng lợi từ làn sóng FDI, từ sự tăng trưởng của thị trường tài chính hoặc bứt phá theo chu kỳ tăng trưởng hàng hóa…

Là thành viên chủ chốt của tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV Gas là nhà sản xuất công nghiệp quy mô lớn, có mặt trong danh sách 9 lần liên tục.
Là tập đoàn tài chính đa năng, Bảo Việt dẫn đầu trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, thương hiệu Bảo Việt còn xuất hiện trong các lĩnh vực chứng khoán, quản lý quỹ và ngân hàng.
Phát triển theo thế chân kiềng, REE hoạt động với ba mảng chính: cơ điện – văn phòng cho thuê và đầu tư vào lĩnh vực tiện ích năng lượng.
Vinamilk là doanh nghiệp thành công điển hình nhất của công cuộc cổ phần hóa. Thương hiệu Vinamilk được biết đến rộng rãi với vị thế doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong ngành sữa.
Vingroup là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam nổi bật với các sản phẩm bất động sản thương hiệu Vinhomes. Thương hiệu xe Vinfast của tập đoàn đang vươn ra toàn cầu.
Dược Hậu Giang là nhà sản xuất thuốc nội địa có doanh thu lớn nhất và là doanh nghiệp địa phương duy nhất 9 lần có mặt trong danh sách.
Là công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, FPT đang thúc đẩy và hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ tại Việt Nam.
Vietcombank là ngân hàng quy mô hàng đầu của Việt Nam, dẫn đầu hệ thống cả về lợi nhuận và chất lượng tài sản.
Hoạt động đa ngành với các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, khai khoáng và dịch vụ tài chính, Masan Group là một trong những công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Nhà sản xuất tư nhân lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp, năm 2021 Hòa Phát phát triển rực rỡ với lợi nhuận sau thuế dự báo đạt gần 40.000 tỉ đồng.
Là nhà phát triển dự án bất động sản lớn nhất khu vực phía Nam, Novaland đang phát triển các sản phẩm bất động sản tại TP.HCM và cả các khu vực kinh tế năng động khác.
Nam Long là nhà phát triển dự án bất động sản lớn có bề dày gần 30 năm. Sản phẩm của công ty không chỉ tập trung tại TP.HCM mà ở nhiều địa phương khác.
Là nhà phát triển các dự án bất động sản lớn phía Nam, Khang Điền có lợi thế quỹ đất sạch tập trung tại các khu vực đang phát triển năng động của TP.HCM
Dabaco là nhà cung cấp sản phẩm chất đạm quy mô lớn tại phía Bắc với chuỗi sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
Sabeco – thương hiệu bia nổi tiếng của Sài Gòn với lịch sử hàng trăm năm phát triển. Sau khi chuyển đổi sở hữu, Sabeco mang một diện mạo mới, phát triển tích cực và năng động hơn.
Viglacera là công ty vật liệu xây dựng quy mô lớn tại phía Bắc. Trước khi vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất 2021, công ty đã nhiều lần xuất hiện trong danh sách các thương hiệu giá trị nhất của Forbes Việt Nam.
Bất động sản công nghiệp khởi sắc từ làn sóng đầu tư FDI đưa Kinh Bắc trở thành một trong các tên tuổi bất động sản công nghiệp lớn nhất ở phía Bắc được hưởng lợi.
Đi vào thị trường ngách với sản phẩm phốt pho vàng, kết quả kinh doanh của Hóa chất Đức Giang năm 2021 tốt nhất từ trước đến nay khi các thị trường nhập khẩu có nhu cầu cao.
Thành viên của tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV Power là nhà cung cấp điện khí lớn nhất nước, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực an ninh năng lượng quốc gia.
Hoạt động từ thượng nguồn, tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam-PTSC, thành viên của tập đoàn Dầu khí Việt Nam, là nhà cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ thăm dò dầu khí.
Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí – PVD là nhà cung cấp thiết bị giàn khoan trên thềm lục địa Việt Nam. Hoạt động của công ty được hưởng lợi khi giá dầu thô phục hồi
Vinaconex, lần đầu tiên có mặt trong danh sách, là nhà xây lắp hạ tầng quy mô hàng đầu Việt Nam. Tiền thân là công ty nhà nước, Vinaconex chuyển đổi sở hữu và đang phát triển ngày một năng động hơn.
Lần đầu có mặt trong danh sách, tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển xây dựng – DIC Corp là doanh nghiệp bất động sản lớn tại Vũng Tàu. Công ty đứng trước cơ hội phát triển nhờ lợi thế quỹ đất lớn khi hạ tầng từ TP.HCM đi các địa phương lân cận ngày càng tiện lợi.
Habeco là thương hiệu đồ uống nổi tiếng từ phía Bắc. Với truyền thống sản xuất bia kể từ năm 1890, sản phẩm công ty gắn với một phần văn hóa ẩm thực độc đáo của Hà Nội.
SBT hay Thành Thành Công Biên Hòa đang chiếm 46% thị phần mía đường nội địa. Công ty đã gia tăng vị thế qua chiến lược sáp nhập.
Hoạt động đa ngành, công ty cổ phần tập đoàn GELEX đang mở rộng không ngừng, vươn ra các lĩnh vực mới theo chiến lược mua bán sáp nhập.
Là một trong hai công ty sản xuất phân đạm lớn nhất Việt Nam, 2021 là năm đột phá về lợi nhuận của Đạm Cà Mau. Công ty đang được hưởng lợi nhờ giá bán tăng.
Techcombank là nhà băng hoạt động hiệu quả nhất trong hệ thống. Ngân hàng tư nhân này đã vươn lên đứng thứ hai về con số lợi nhuận tuyệt đối.
Là một trong các ngân hàng tư nhân có bề dày thương hiệu, ACB sở hữu nhiều tập khách hàng trung thành. Ngân hàng phát triển với chiến lược bán lẻ, hướng đến sự hiệu quả.
Với bề dày hơn 30 năm, HDBank là ngân hàng tư nhân đang phát triển năng động trong hệ thống.
Lần đầu có mặt trong danh sách, VIB là ngân hàng có quy mô hạng trung, trong quá trình phát triển VIB giữ khẩu vị kinh doanh hiệu quả, đề cao sự an toàn và bền vững.
Sở hữu các cảng biển có vị trí đắc địa, công ty cổ phần Gemadept là nhà cung cấp dịch vụ logistics tên tuổi ở thị trường Việt Nam.
KIDO, tập đoàn tư nhân lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh. Công ty chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực dầu ăn qua các hoạt động M&A.
Năm 2021, ngành thép phát triển rực rỡ. Một công ty có lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng nhất là Hoa Sen.
Ngân hàng Quân đội phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính đa năng với hoạt động lõi là ngân hàng cùng các mảng hoạt động bổ trợ: chứng khoán, bảo hiểm, quản lý tài sản.
Là nhà bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam, PNJ từng gặp nhiều thách thức trong đại dịch COVID-19. Dài hạn, công ty có cơ hội mở rộng thị phần khi thị trường trang sức còn phân mảnh
BIDV là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về quy mô tài sản, dư nợ tín dụng và mạng lưới hoạt động. Ngân hàng đã nhiều lần vào danh sách Global 2000 (2000 công ty lớn nhất thế giới của Forbes US)
Là nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, hoạt động kinh doanh của Thế Giới Di Động vừa gặp thách thức, vừa có những cơ hội bứt phá trong đại dịch Covid-19
Thị trường chứng khoán lập kỷ lục mới đưa lợi nhuận của công ty Chứng khoán TP.HCM vươn lên các đỉnh cao mới.
Becamex IDC là nhà phát biển bất động sản công nghiệp quy mô lớn khu vực phía Nam. Công ty đang được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư FDI.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam là một trong hai ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam xét về quy mô tài sản, dư nợ tín dụng và mạng lưới
SSI là một trong ba công ty chứng khoán ra đời sớm nhất tại Việt Nam. Từ vốn góp 6 tỉ đồng ban đầu đến năm 2021 này giá trị công ty đã tăng lên 2,3 tỉ USD.
  • Để thực hiện Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất 2021, Forbes Việt Nam đánh giá các công ty niêm yết trên HSX và HNX qua nhiều bước. Ở vòng sơ loại, các công ty đáp ứng các điều kiện về lợi nhuận năm tài chính 2020, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỉ đồng. Các công ty con hoạt động phụ thuộc công ty mẹ hoặc có vị thế kinh doanh quá thấp không được xem xét.
  • Ở vòng kế tiếp, đánh giá định lượng theo tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2016-2020. Bước tiếp theo, thực hiện điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị, triển vọng phát triển ngành…
  • Danh sách có sự hỗ trợ tính toán định lượng của công ty IFRC Việt Nam. Vốn hóa được chốt vào cuối tháng 5.2021.

Xem thêmPhát triển bền vững là bệ phóng cho tăng trưởng xuất khẩu dài hạnBusiness Forum 2021: Doanh nghiệp linh hoạt trong biến độngDự báo tương lai kinh tế Việt Nam hậu đại dịchForbes Việt Nam khai mạc Diễn đàn Kinh doanh 2021: Hướng tới tương laiDanh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2021Trang thông tin chính thức của sự kiện Diễn đàn Kinh doanh 2021

Từ khóa » Top 50 Thương Hiệu Giá Trị Nhất Việt Nam 2021