FTP – Giá đỡ Rủi Ro Kỳ Hạn | Tài Chính Tiền Tệ - Thời Báo Ngân Hàng

Câu chuyện quản trị vốn của các ngân hàng xem ra không chỉ chăm chăm vào việc bảo đảm chất lượng tín dụng, lựa chọn cho vay vào những lĩnh vực, dự án đem lại những lợi ích cho xã hội, cho tăng trưởng kinh tế. Thực tế thời gian qua cho thấy, một rủi ro khác đang phổ biến ở các NHTM đó chính là mất cân đối kỳ hạn. Việc không có sự gắn kết nhịp nhàng giữa bộ phận nguồn vốn và bộ phận tín dụng dẫn đến việc các hợp đồng tín dụng được ký kết tới tấp, chỉ đến khi đến thời điểm giải ngân mới té ngửa, nội lực huy động không đủ. Điều này đã tạo ra những cơn sốt thanh khoản của các NHTM nhất là trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012.

Ảnh: MH

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh – Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nhấn mạnh “Đảm bảo thanh khoản của nguồn vốn huy động, điều đó có nghĩa phải đảm bảo cân đối kỳ hạn - kỳ hạn của nguồn vốn huy động cần phải cân đối với kỳ hạn sử dụng vốn (kỳ hạn vốn cho vay và vốn đầu tư vào các giấy tờ có giá). Theo kinh nghiệm của một số NHTM trên thế giới, cơ chế quản lý vốn tập trung thông qua hệ thống định giá vốn điều chuyển nội bộ FTP (Fund Transfer Pricing) được xem là rất hiệu quả. Giá chuyển vốn nội bộ, là lãi suất do phòng nguồn (Ủy ban Alco) công bố cho từng thời kỳ đối với việc “mua” vốn và “bán” vốn giữa trụ sở chính với các chi nhánh (CN). Theo đó, các CN trở thành các đơn vị kinh doanh, thực hiện mua và bán vốn với trụ sở chính thông qua phòng nguồn. Thu nhập và chi phí của từng CN được xác định thông qua chênh lệch mua bán vốn với trụ sở chính, tập trung rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất về trụ sở chính.

Trong khi đó, một hệ thống FTP được xây dựng tốt sẽ giúp ngân hàng xác định được, định giá được và quản lý rủi ro lãi suất, đưa ra những động lực phù hợp cho các đơn vị kinh doanh, đồng thời nhận diện được tác động của chuyển giao rủi ro lãi suất trong bộ phận cân đối nguồn vốn.

Để xây dựng được một hệ thống định giá vốn điều chuyển nội bộ FTP, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng, ngân hàng phải xây dựng được các nguyên tắc cơ bản dựa trên các đặc trưng của hệ thống như: Tất cả các mục trong bảng cân đối kế toán đều phải được định giá vốn điều chuyển. Có nghĩa là, toàn bộ tài sản có (TSC) sẽ phải trả chi phí điều chuyển vốn và toàn bộ tài sản nợ (TSN) và vốn tự có sẽ nhận được thu nhập từ điều chuyển vốn. Các mức lãi suất FTP sẽ do bộ phận quản lý vốn tính toán xác định bởi đây là bộ phận hiểu rõ những giá trị thị trường (hay chi phí cơ hội) của vốn. Mặc dù vậy việc định giá vốn điều chuyển phải được Ủy ban quản lý TSC/TSN (thường là Ủy ban Alco) rà soát định kỳ về độ chính xác, tránh những rủi ro không đáng có.

Tuy nhiên, các TCTD cần hạn chế tối đa tình trạng “tự sử dụng vốn” với giá chênh lệch trong hệ thống bởi thực tế cho thấy có CN tự thực hiện các giao dịch nội bộ để “qua mặt” phòng quản lý vốn và tránh sự điều tiết của cơ chế định giá vốn điều chuyển.

Đặc biệt, cần thành lập Ủy ban quản lý vốn nhóm họp ít nhất mỗi tháng một lần. Ủy ban này có trách nhiệm xác định việc phân bổ các nguồn lực vốn một cách hiệu quả nhất trên cơ sở xem xét trạng thái thanh khoản của ngân hàng; tổng dư nợ tín dụng và margin lãi ròng. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các loại hình đầu tư phù hợp, như kỳ hạn đầu tư và số tiền phân bổ cho đầu tư căn cứ trên tính sẵn sàng của nguồn vốn huy động được. Kế hoạch dự phòng cần được xây dựng cụ thể trong trường hợp nguồn vốn có những diễn biến bất thường (thiếu hụt, mất thanh khoản…), chi tiết hóa các nội dung liên quan đến dự phòng nguồn và các quỹ dự phòng trong ngắn hạn.

Nhất Thanh

Từ khóa » Giá Ftp Là Gì