Gà Hồ Vang Tiếng – Hội Thi - Huyện Thuận Thành

Có một giống gà được coi là quý hiếm bậc nhất trong thiên hạ. Nó đẹp như một bức tranh, có nhiều người còn nhìn nhận đánh giá nó như một kiệt tác nghệ thuật mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta. Đó chính là giống gà Hồ ở làng Lạc, Thổ Thị Trấn Hồ (Thuận Thành - Bắc Ninh).

Khi con gà trống Hồ trưởng thành hội tụ đủ năm phẩm chất của bậc quân tử: Văn, Vũ, Dũng, Nhân, Tín, nó vừa đẹp mã lại có dáng vẻ của một dũng tướng. Trọng lượng của nó có thể đạt tới 6 đến 6,5 kg. Thịt gà Hồ hồng mà thơm ngon- săn, chắc mà giòn và ngọt. Ngày xưa người làng Lạc Thổ đã chọn gà Hồ làm vật phẩm để tiến vua, được coi là giống gà có gia phả hiển hách.

Từ xưa tới nay người dân làng Lạc Thổ, hay còn gọi là làng Hồ coi gà Hồ là một loài vật nuôi quý nhất trong gia đình, đã chọn làm lễ vật dâng thành hoàng làng vào ngày hội làng mùng 10/2 âm lịch hàng năm. Bao giờ cũng vậy bên cạnh mâm ngũ quả, người làng Hồ không thể thiếu bày một con gà luộc giàng tuyệt đẹp để tỏ lòng hiếu lễ đối với tổ tiên vào ngày tết nguyên đán. Hình tượng gà Hồ ở tranh Đông Hồ còn được thể hiện sự đại cát, xung túc, thịnh vượng, an lành. Người dân làng Hồ vô cùng tự hào về gia phả của giống gà quý hiếm này.

Con gà Hồ đẹp đến mức: Vào thời kỳ Pháp thuộc có tên lính Pháp mua 1 con gà Hồ của người họ Nguyễn Hữu biếu gã quan Pháp. Thích quá gã quan Pháp đã thăng ngay cho hắn 1 cấp. Chính vì gà Hồ đẹp và quý là thế, nên trong khi chạy loạn có người chỉ cần ôm duy nhất đôi gà Hồ trống mái, có người cố mang theo ổ trứng gà mái đang ấp cốt để giữ lấy giống. Và càng tự hào hơn được biết sau trâu vàng, hình ảnh gà Hồ đã trở thành linh vật của Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 được diễn ra tại Hà Nội.

Gà Hồ có những nét đẹp riêng mà các giống gà khác không thể có được “Đầu công, mình cốc, cánh trai”. Đó là câu truyền miệng nhận biết về giống gà Hồ lúc còn là gà con ( từ lúc mọc lông cánh đến gà choai). Khi con gà trống Hồ trưởng thành có cái đầu rất to (đầu gộc) vẫn là mình cốc cánh trai. Với thân hình cân đối cường tráng, vạm vỡ, uy phong đầy sức mạnh. Toàn bộ mặt, mào, nhách có mầu đỏ hoặc đỏ hồng như hoa mẫu đơn, lại được gắn cặp mỏ màu ngà, mào xít hoặc mào nụ. 2 nhách cân và đều, đôi chân và đùi thường to tròn và cân đối, vẩy chân mịn màu vỏ đậu nành hoặc màu vàng tươi. Gà trống Hồ chỉ có 2 màu lông chính đó là mã mận ( màu mận chín) và mã lĩnh ( màu đen) thường không có lông trắng. Trước lúc gáy nó ưỡn ngực ra dang hai cánh vỗ phành phạch trông như lực sĩ thể hình trên sàn diễn. Khi gà trống vươn cái cổ dài cất tiếng gáy âm vang cả làng nghe thấy, thường là lúc đó cái đuôi nơm được khoe ra với những chiếc lông đều nhau trông đã đẹp lại càng tuyệt vời hơn. Gà trống thường có trọng lượng từ 4kg trở lên. Còn con gà mái Hồ cũng hội tụ đủ các đặc điểm của con gà trống nhưng chỉ khác là có 3 màu lông, đẹp nhất là mã thó ( trắng màu đất thó), rồi đến mã sẻ ( màu lông chim sẻ) và mã nhãn (màu quả nhãn chín). Gà mái thường có trọng lượng từ 3kg trở lên và trông có dáng vẻ đầy đặn hiền lành. “Con gà Hồ chạy vỡ viên gạch bát, con gà Hồ không nhảy qua 3 bậc thềm” đó chính là câu truyền miệng muốn nói đến trọng lượg (sức nặng) của nó. Nếu ai đã từng đến làng Hồ, lúc cầm canh sẽ thấy khi có 1 con gà cất tiếng gáy thì tất cả các con gà trống Hồ khác trong làng cùng gáy theo, nó được vang lên như một bản đồng ca hùng tráng và nếu ai đã được thưởng thức một miếng thịt gà Hồ thì nhớ mãi không quên. Trải qua bao chiến tranh, loạn lạc, biến cố thăng trầm của thời gian, nhất là những đợt cúm gia cầm vừa qua, thì số phận của những chú gà Hồ cũng thật mong manh, nhưng đến nay giống gà quý hiếm này vẫn được duy tồn.

Được sự quan tâm của Đảng, các cấp lãnh đạo từ địa phương đến trung ương, trường Đại học Nông nghiệp I và Viện chăn nuôi quốc gia đã tài trợ kinh phí, đầu tư giúp đỡ đưa cán bộ về nằm vùng, theo dõi, gìn giữ, nuôi sinh sản để bảo tồn giống gà Hồ có nguồn gen quý hiếm này và tổ chức hội thi gà Hồ.

Nhân dịp lễ hội làng Lạc Thổ ngày mùng 10 tháng 2 Âm lịch vừa qua, ngày mùng 9 tháng 2 Quý Tỵ vào ngày 20/3/2013, Hội thi gà Hồ được diễn ra với thể thức hoàn toàn mới. Để có sự chính xác và công minh, mỗi bàn chấm thi gồm 3 giám khảo, một giám khảo của địa phương, một giám khảo của trường Đại học Nông nghiệp I, một giám khảo của Viện chăn nuôi quốc gia. Điểm cho trọng lượng của mỗi con gà là 50%, điểm cho hình thức các chi tiết như: Mã, đầu, mào, đuôi và chân chiếm 50%. Lấy 3 cặp đôi trống-mái có số điểm cao nhất vào chung kết rồi 2 bàn giám khảo đánh giá toàn diện về hình thức, độ thuần chủng và cả độ tuổi của gà, về tiềm năng khai thác sinh sản...để treo giải nhất, nhì, ba sau đó chọn ra 3 đơn trống, 3 đơn mái trong số còn lại (không kể 3 cặp đã đạt giải trên) rồi trao giải nhất, nhì, ba cho từng loại. Cuộc thi được diễn ra trong không khí tưng bừng của ngày hội làng với sự sôi nổi, hồ hởi, phấn khởi của nhân dân trong làng và khách thập phương. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, căng thẳng và hồi hộp, cuộc thi đã kết thúc thành công tốt đẹp.

589dcad30_1.jpg

Con gà trống của anh Đỗ Tá Sĩ to nhất hội thi năm nay, cân lúc diều chay (lúc đói) nặng xấp xỉ 6kg.

Trong nhiều năm liền, gia đình ông Đỗ Tá Dũng (xóm Ngõ Trại- Lạc Thổ) được coi là gia đình có giống gà đẹp nhất làng. Vì vậy mấy người mua gà của gia đình ông đem ra thi đều có giải. Năm nào ông Dũng cũng đem gà ra trưng bày hiện diện ở hội xuân của làng. Ông và các con trai ông nuôi nhiều gà Hồ nhất hiện nay, đồng thời bảo tồn giống, cung cấp cho bà con trong làng và khách phương xa. Bố con ông suốt ngày chăm sóc, nâng niu những chú gà Hồ mà không thấy chán. Ngược lại những chú gà Hồ cũng hiền lành như những đứa trẻ, suốt ngày quấn quít với bố con ông và chơi đùa cùng các cháu ông và trẻ con hàng xóm đến chơi. Toàn bộ dân làng và khách thập phương đến dự hội thi đều công nhận ông Dũng đạt giải nhất cặp đôi hoàn hảo là hoàn toàn xứng đáng.

Ông Dũng phát biểu: “Tôi rất phấn khởi tự hào, vinh dự khi được nhận giải nhất này. Đây cũng là nguồn động viên lớn đối với tôi và gia đình, đồng thời nó cũng như một điều nhắc nhở gia đình tôi luôn luôn giữ được lòng tin đối với mọi người và cao hơn cả là trách nhiệm bảo tồn, phát triển giống gà Hồ quý hiếm này để thương hiệu gà Hồ- Lạc Thổ ngày càng vang xa.”

Mọi người cho là gà Hồ khó nuôi, khó chăm sóc, nhưng ông Dũng khẳng định: “Điều đó chỉ đúng một phần, thực ra nuôi gà Hồ không khó điều quan trọng chuồng trại luôn vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên khử trùng, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Thức ăn nước uống đầy đủ chất, hợp vệ sinh, luôn luôn để ý khi gà mái đẻ, ấp trứng và nuôi con, phòng dịch tốt. Nhất định sẽ cho ta nhiều gà và có chất lượng tốt nhất.”

Giờ đây chăn nuôi gà Hồ không những chỉ để sinh sản, bảo tồn giống mà còn có thể phát triển kinh tế gia đình bởi gà Hồ thương phẩm ở làng hiện nay có giá bán thấp nhất 500.000đ/kg. Có những cặp gà giống đẹp, khách đã trả lên tới 30.000.000đ mà chủ gà cũng không bán. Hiện nay nhiều người còn nuôi gà Hồ là để sưu tầm giống gà quý và còn để làm cảnh bởi cái vẻ đẹp mê hồn của nó. Chả thế mà có một số người được biếu gà Hồ để ăn Tết, thấy đẹp quá quyết định không thịt mà sắm cho chúng một cái chuồng thật đẹp, bày để làm cảnh. Rồi còn tìm đến đúng địa chỉ nhà ông Dũng mua thêm về nuôi.

Thanh Lịch

Từ khóa » Giá Gà Hồ Giống