“Gã Khổng Lồ” Bên Trong Họa Sĩ Đoàn Quốc - Phunuonline
Ở tuổi 26, với triển lãm cá nhân đầu tiên được đánh giá cao, họa sĩ Đoàn Quốc trở thành “tân binh” tiềm năng của làng hội họa Việt. Tranh anh vẽ đa dạng biểu đạt. Có bức thể hiện chiều sâu ý tứ, câu chuyện lớp lang. Có bức lại đơn thuần ngợi ca vẻ đẹp thuần khiết của hoa lá, chim chóc hay ánh nắng ban sơ trong ngày. Đoàn Quốc uyển chuyển theo cảm xúc, tùy những hỗn độn hay bình yên bên trong, mà tranh vẽ ra nặng thông điệp hay thong dong, nhẹ bẫng.
Họa sĩ Đoàn Quốc bên cạnh bức Góc thư phòng mà anh tâm đắc |
21 bức tranh trong triển lãm Như một hoài niệm có nhiều kích thước khác nhau, thể hiện phong phú ý tứ. Thưởng tranh Đoàn Quốc không khó, nhưng chạm vào tranh nông hay sâu là tùy vào cảm xúc và trình độ thưởng thức của người xem. Dù độ rung cảm có thể khác nhau, nhưng sự gần gũi, thân thuộc là cảm giác mà tất cả người xem đều có thể cảm nhận được.
Trong tranh, Đoàn Quốc vẽ một số “dòng” gốm sứ Việt danh tiếng, như gốm Bát Tràng - gốm Chu Đậu... Bên cạnh đồ gốm là những tủ, kệ được chạm khắc gỗ tinh xảo của làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định), Canh Nậu, Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội)... Không gian mở ra xung quanh, rộng hơn với những bức trướng, tranh cổ, cửa gỗ được chạm khắc. Một không gian gần gũi tựa như nếp nhà Á Đông trong ký ức, được Đoàn Quốc vẽ lại một cách tỉ mẩn. Nhưng chúng không dừng lại ở việc thể hiện vẻ đẹp giàu hoài niệm, đôi bức cho thấy thông điệp, phản ánh hiện thực xã hội.
“Tôi là người thích truyền thống, thích những câu chuyện xưa cũ, nên khi khai thác chủ đề này lên tranh, mọi thứ khá tự nhiên. Với bộ tranh này, tôi mượn đồ vật, con vật, hoa lá để diễn giải câu chuyện của con người. Tôi nghĩ mỗi đồ vật đều có linh hồn, và nó có thể tự kể một câu chuyện. Tôi dùng hình ảnh cánh bướm hay cánh chim, để thể hiện khát khao của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Vẽ về góc đèn sách của một sĩ tử để nhìn vào đó, người xem cảm nhận được những áp lực về chuyện công danh, sự nghiệp của một đấng nam nhi. Những bức tranh của tôi thể hiện góc nhìn cá nhân, không phải ghi chép lại một giai đoạn hay thể hiện nét kiến trúc, văn hóa cụ thể của thời đại nào. Chúng chỉ hơi hướm hoài cổ”, Đoàn Quốc chia sẻ.
Bức Bản giao hưởng mùa xuân được Đoàn Quốc hoàn thiện năm 2022. |
Tranh của Đoàn Quốc có sự xuất hiện của một số loài hoa như cúc, sen, hồng, và đa phần đều màu trắng. Anh cho biết: “Tôi thích vẽ hoa. Tôi thích sự mong manh, tinh khôi của những bông hoa màu trắng. Hoa cúc, hoa sen lại là loài hoa gắn với truyền thống người Việt. Tôi vẽ hoa như một cách tôn vinh vẻ đẹp, và cho thấy sự hiện diện của hoa trong nhiều hoạt động đời sống”.
Đoàn Quốc (tên đầy đủ Đoàn Cao Quốc), sinh năm 1996 tại Quảng Ngãi, học Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Hiện anh là thành viên Hội Mỹ thuật TP.HCM; thành viên International Watercolor Society; sáng lập và quản lý Vietnam Watercolor Art. Hoạt động mỹ thuật từ năm 2014, đến nay, họa sĩ Đoàn Quốc nhận được một số giải thưởng: giải nhì tại giải thưởng Mỹ thuật TP.HCM 2022; giải thưởng xuất sắc tại cuộc thi Goddess of Beauty International Watercolour Flowers Exhibition 2022; giải A tại trại sáng tác của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM 2021; Đại diện họa sĩ trẻ dưới 30 tuổi của Việt Nam tham gia Festival màu nước Fabriano Ý tại Milan tháng 1/2020... |
Họa sĩ Đoàn Quốc đã thử qua nhiều chất liệu trước khi chọn màu nước để biểu đạt ngôn ngữ hội họa cá nhân. Anh cho biết thời gian qua, anh cùng một số họa sĩ khác đã tổ chức các sự kiện, hoạt động vẽ tranh màu nước để đưa chất liệu này đến gần hơn với công chúng. Ngoài ra, bằng những tác phẩm đã thực hiện, Đoàn Quốc muốn chứng minh rằng màu nước hoàn toàn có thể vẽ nên những tác phẩm lớn, không hề bị hạn chế về kỹ thuật hay kích thước.
“Đoàn Quốc trẻ trung về tuổi đời và cả tính cách, nên không muốn bị trói buộc vào một hoài niệm cụ thể, nhưng cũng không muốn khước từ nó. Vì với quá khứ và hoài niệm, dù ta muốn phớt lờ hay khước từ, thì nó vẫn hiện diện trong ta, bằng cách này, cách khác. Đoàn Quốc vẽ về sự hiện diện này, đôi khi rõ ràng, đôi khi mờ ảo, đôi khi ước lệ, đôi khi biểu trưng, đôi khi hư cấu…”, nhà nghiên cứu Lý Đợi - giám tuyển của triển lãm Như một hoài niệm - chia sẻ.
Ngay khi triển lãm đầu tiên đang diễn ra, họa sĩ Đoàn Quốc đã lên ý tưởng cho bộ tranh sắp thực hiện. Anh cho biết thời gian này, anh vẫn đang tìm thấy nguồn cảm hứng lớn lao từ những nét văn hóa xưa cũ, gần gũi, nên bộ tranh mới vẫn sẽ quanh quẩn ở hoài niệm cá nhân, những rung động từ trong hồi ức.
Diễm Mi
Từ khóa » Họa Sĩ Ko O
-
5 Họa Sĩ Giàu Có Nhất Thế Giới - Báo Lao Động
-
Họa Sĩ Hướng Nội Choi Woong (Our Beloved Summer) Lại Là Một ...
-
Top 10 Họa Sĩ Huyền Thoại Nổi Tiếng Nhất Thế Giới | Mỹ Thuật Bụi
-
10 Nữ Họa Sĩ Châu Âu ấn Tượng Nhất Bạn Không Thể Không Biết
-
Vincent Van Gogh – Wikipedia Tiếng Việt
-
8 Họa Sĩ Tự ẩn Giấu Chính Mình Vào Tranh Họ - Vanvi Gallery
-
Họa Sĩ Mai Tạ: Không Cần Phải Tránh Nỗi Buồn - Tạp Chí Đẹp
-
Họa Sĩ Claudie Vân: "Tôi Không Vẽ để Bán Tranh"
-
Bức Tranh Cuối đời Của Những Họa Sĩ Lừng Danh - Báo Tuổi Trẻ
-
Những Họa Sĩ Không… Cầm Cọ | VTV.VN
-
Nhà Văn, Họa Sĩ Trần Thị Trường: Cho đến Một Khi Nào Không Biết ...
-
Họa Sĩ đẹp Nhất Nhật Bản Vẽ Những Bức Tranh Không Ai Dám Nhìn ...
-
Báo Anh Viết Về "thần đồng Hội Họa" Việt: 14 Tuổi, Bán Tranh Vài Tỷ đồng