Gà Lạc Thủy – Wikipedia Tiếng Việt

Gà Lạc Thủy là một giống gà bản địa của Việt Nam, đây được coi là một giống gà đặc hữu và quý hiếm có nguồn gốc từ huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình và được nuôi từ khá lâu đời[1][2], chúng được đưa vào đối tượng để bảo tồn nguồn gen.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi phát hiện đây là giống gà quý, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và Chăn nuôi Việt Nam đã quyết định đặt tên cho giống gà này theo địa danh Lạc Thủy và đề xuất đề tài khoa học bảo tồn, chọn lọc nhân giống, đây là giống gà ri bản địa có từ lâu đời tại xã Phú Thành huyện Lạc Thủy và xã An Phú huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đang được nuôi phổ biến ở huyện Lạc Thủy[3][4].

Đây là một giống gà đặc hữu của Việt Nam chưa được nhiều người biết đến, không chỉ người dân bình thường ít biết đến loại gà quý hiếm ở Việt Nam, Gà Lạc Thủy có nguồn gốc xa xưa ở Lạc Thủy, ngoài địa phương này ở nơi khác chưa tìm thấy. Ngay khi loài gà này được phát hiện, các nhà khoa học đã lập tức đưa chúng vào diện cần phải bảo tồn. Giống gà có nguồn gen đặc hữu còn tiềm ẩn này. Giống gà lạ, đã tồn tại từ lâu trong dân địa phương nhưng lại chưa có trong danh mục bảo tồn.

Đặc điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Giống gà này có đặc điểm ngoại hình khác với gà Đông Tảo, gà Hồ, gà Móng, nhưng mới nhìn qua thì giống với gà Mía. Tuy nhiên qua từng giai đoạn, giống gà này có sự thay đổi và không còn giống với gà Mía. Đây là một trong những giống gà nội thuần nhất, đồng nhất về ngoại hình và có nguồn gen đặc hữu còn tiềm ẩn. Chúng là giống gà có mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, dễ nuôi, được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao, gà Lạc Thủy có khả năng chống chịu bệnh, thời tiết khí hậu, nhất là vào mùa lạnh khá tốt, dễ nuôi, lớn nhanh[3].

Gà con

[sửa | sửa mã nguồn]

Gà con 1 ngày tuổi có bộ lông đồng nhất màu trắng ngà, da vàng, mỏ và da chân màu vàng, tốc độ mọc lông nhanh, chỉ sau 1 tuần tuổi đã mọc hết lông cánh, sau 4 tuần tuổi có thể phân biệt trống, mái qua đặc điểm ngoại hình. Đây là đặc điểm nổi bật nhất của giống gà này, mà không giống gà nào khác có được. Khi 4 tuần tuổi, con mái có lông trắng, hồng nhạt, con trống lông đã bắt đầu ngả màu đỏ tía. Gà Lạc Thủy trước 4 ngày tuổi có bộ lông trắng hồng, chưa phân biệt trống/mái.

Trưởng thành

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi trưởng thành con mái có lông màu lá chuối khô, hơi giống với gà Mía, nhưng con trống thì hoàn toàn khác, rất đẹp với bộ lông màu mận chín, đỏ tím, da chân vàng, mào đơn, dái tai dài. Gà trống Lạc Thủy có đặc điểm hình dáng nổi bật với mào đỏ, dái tai dài và bộ lông màu tía[5]. Không chỉ có ngoại hình đẹp mà chất lượng thịt cũng có chất lượng cao. Nhìn chung, khi trưởng thành quần thể gà có màu lông giống nhau. Con mái màu lá chuối khô, con trống có màu đỏ mận chín, rất thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhất là vào các dịp lễ, tết.

Chăn nuôi

[sửa | sửa mã nguồn]

Nuôi gà Lạc Thủy cũng như nuôi con mọn, khi đưa giống gà này về nuôi, mỗi ngày không dưới 4 lần phải đi kiểm tra xem đàn gà có đủ nhiệt độ giữ ấm không, tình hình ăn uống của chúng có đúng theo giai đoạn phát triển hay không. gà Lạc Thủy 4 tuần tuổi, nơi những con gà trống và gà mái đã có thể phân biệt rõ nhờ đặc điểm ngoại hình, đến thời điểm này gà trống, mái sẽ nuôi nhốt riêng để đảm bảo chế độ ăn khác nhau.

Phải dựa vào đặc tính của từng giống gà để theo dõi tốc độ sinh trưởng và cho chế độ ăn phù hợp. Với gà thịt thời gian nuôi từ 3 - 3,5 tháng có thể cho ăn vỗ béo khi vào giai đoạn thu hoạch, nhưng đối với gà đẻ thì từ tuần 11 - 20 phải hạn chế cho ăn, thường chỉ 50 - 70g/ngày. Hiện gà Lạc Thủy nhân, nuôi, bảo tồn ở trung tâm phát triển tốt, chất lượng đảm bảo, có thể chuyển giao giống đi nhiều tỉnh thành để phát triển[6]

Nhìn chung. thời gian nuôi gà thịt khoảng 4 - 4,5 tháng, tỷ lệ sống khoảng 90 - 93%[2], tỷ lệ tiêu tốn khoảng 3,3 kg thức ăn cho 1 kg tăng trọng. Nuôi lấy thịt trong 15 tuần đạt gà mái 1700g và gà trống 2000g với TTTA/kg tăng khối lượng cơ thể là 3,3 kg[1]. Gà Lạc Thủy mọc lông sớm và nhanh nên có khả năng thích nghi và chống chịu thời tiết tốt, thích hợp nuôi cả bốn mùa trong năm. Có thể chăn nuôi theo phương thức nuôi nhốt, bán chăn thả, thích hợp với quy mô hộ gia đình, trang trại và bán trang trại[4][7]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “Giới thiệu một số giống gia cầm chủ lực hiện có của Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi”. Viện chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 10 năm 2016. Truy cập 12 tháng 5 năm 2015.
  2. ^ a b “Hội thảo đề tài khoa học: "Nghiên cứu nhân thuần, chọn lọc và bảo tồn nguồn gen gà Lạc Thủy"”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 5 năm 2015. Truy cập 12 tháng 5 năm 2015.
  3. ^ a b “Bảo tồn giống gà Lạc Thủy”. Báo Nông nghiệp Việt Nam. 28 tháng 11 năm 2014. Truy cập 12 tháng 5 năm 2015.
  4. ^ a b “TrangChu”. Báo Hòa Bình. Truy cập 12 tháng 5 năm 2015.
  5. ^ “Giống gà quý hơn gà Đông Tảo ở Việt Nam”. Viện chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 10 năm 2015. Truy cập 9 tháng 11 năm 2015.
  6. ^ “Giống gà quý hơn gà Đông Tảo ở Việt Nam”. Viện chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 10 năm 2015. Truy cập 15 tháng 11 năm 2015.
  7. ^ “TrangChu”. Báo Hòa Bình. Truy cập 12 tháng 5 năm 2015.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Dữ liệu liên quan tới Gà Lạc Thủy tại Wikispecies
Hình tượng sơ khai Bài viết Bộ Gà này vẫn còn sơ khai. Bạn có thể giúp Wikipedia mở rộng nội dung để bài được hoàn chỉnh hơn.
  • x
  • t
  • s

Từ khóa » Gà Thuỷ