Gà Thải Loại ăn Mòn Sức Khỏe

(SKDS) -Từ lâu Việt Nam được coi là thị trường béo bở cho những sản phẩm tạp nham từ cổ, cánh gà và gần đây là gà dai loại thải từ Trung Quốc, Hàn Quốc, do tâm lý người tiêu dùng chuộng gà dai hơn gà công nghiệp, thêm vào đó, giá của các loại gà này cũng rẻ hơn so với gà tươi trong nước. Đây là những sản phẩm chỉ được các nước sử dụng để chế biến thức ăn gia súc do chất lượng kém, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Gà thải tràn ngập thị trường

Chợ gà Hà Vĩ (xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) mới 3 giờ sáng đã ồn ào tấp nập. Gà công nghiệp bán tại chợ giá chỉ dao động từ 20 - 25 nghìn đồng/kg. Gà mía Bắc Giang giá 65 nghìn đồng/kg. Gà mía Trung Quốc có giá 45 - 50 nghìn đồng/kg. Gà công nghiệp lông ít, mỡ nhiều, nấu lên nhiều nước, thịt bở nên rất dễ phân biệt với gà ta. Còn gà mía Trung Quốc da giòn, thịt dai, trọng lượng lại thấp rất giống với đặc điểm gà ta nên người tiêu dùng khó phân biệt được. Đến cuối ngày giá loại gà này chỉ còn 38 nghìn đồng/kg.

Gà lậu mang chủng virut mới nguy hiểm đang ồ ạt tràn vào nội địa.

Trong khi đó, tại TP. HCM, mặt hàng gà thải Hàn Quốc có mặt ở nhiều nơi với giá khá cao so với sản phẩm gà công nghiệp trong nước. Tại quầy thịt gà chế biến sẵn của một siêu thị trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) các nhân viên giới thiệu: “Tất cả gà quay ở đây đều là gà nhập từ Hàn Quốc”. Sản phẩm gà dai quay (của Hàn Quốc) bán trong siêu thị có giá 61.900 đồng một con, gà dai luộc có giá 74.000 đồng. Ngoài bán nguyên con, sản phẩm này còn được chặt nhỏ, bán từng phần với giá dao động từ 75.000 - 100.000 đồng mỗi kg tùy từng bộ phận như cánh gà, đùi gà, ức gà…

Hầu hết các sản phẩm chế biến sẵn đều không có nhãn mác, nguồn gốc nguyên liệu, nơi chế biến… Khách hàng chọn mua sẽ được nhân viên quầy hàng gói vào một túi nilon, kèm theo vài gói gia vị như tương ớt, tương cà.

Chỉ dùng làm thức ăn chăn nuôi

Tại những trại gà ở Trung Quốc, gà đẻ đã khai thác hết trứng, gà bệnh, gà có dị tật bẩm sinh… đều được xếp vào loại gà thải loại. Loại gà này, sau khi khai thác hết trứng, thường bị thải ra để cho lớp gà tơ thế chỗ. Thông thường, thịt của loại gà thải loại, được các trại nhập cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Loại thịt này được băm nhỏ, trộn với nhiều hợp chất khác, sau đó được xuất sang các nước châu Âu làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là dùng làm thức ăn cho chó. Không chỉ có ở Trung Quốc, nước xuất khẩu gà lớn trong khu vực châu Á là Hàn Quốc cũng xử lý gà thải loại theo hình thức tương tự.

Mặc dù, có giá thành rất rẻ, nhưng người tiêu dùng nội địa của Trung Quốc hay Hàn Quốc không ăn loại thịt gà này vì rất nhiều lý do. Thứ nhất, loại gà thải loại thường trải qua nhiều lần đẻ trứng, nên thịt gà rất dai, không hợp khẩu vị của người tiêu dùng. Thứ hai, gà đẻ chỉ dùng để khai thác trứng, nên họ không chú ý đến chất lượng thịt, có thể trong quá trình nuôi, họ tiêm thuốc kích thích tạo trứng vào gà. Vì thế, mới có cái giá nhập khẩu rẻ gần như cho không vào nước ta như vậy. Khi ăn phải loại gà này, các chất tồn dư như kháng sinh có thể làm giảm sức đề kháng của người tiêu dùng, dị ứng nếu người ăn dị ứng với kháng sinh, gây ra kháng thuốc, kháng kháng sinh ở người.

Cho dù việc trộn hormon tăng trọng đã bị cấm nhưng có thể người chăn nuôi vẫn lén lút sử dụng, vì thế, trong vật nuôi lâu năm có thể có dư lượng từ các chất tăng trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hormon của con người… Ngoài ra còn nhiều chất gây ung thư, tim mạch… có tác hại rất lớn đến sức khỏe con người.

Ảnh minh họa.

Cần có chế tài ngăn

nhập khẩu

Số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước đã nhập khẩu 45.000 tấn thực phẩm các loại, trong đó có tới 90% là thịt gà, còn lại là thịt lợn. Phần lớn các sản phẩm thịt gà được nhập về Việt Nam chủ yếu là các dạng “phế phẩm” như đùi, cổ, cánh, chân. Tình trạng gà lậu đổ vào nước ta để tiêu thụ, không những tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn khiến ngành chăn nuôi trong nước đã khó lại càng khốn đốn. Nhiều chủ trang trại đã phải bỏ chuồng, không dám đầu tư tái đàn vì thua lỗ. Tiền mua gà, vịt giống giá cao, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá, song đến khi xuất chuồng, gà vịt khó bán, giá lại thấp khiến người chăn nuôi chịu lỗ quá nhiều.

Trên thực tế, khi Trung Quốc tạm dừng nhập gia súc thì gia súc, gia cầm không qua được biên giới của họ. Trong khi mặc dù các cơ quan chức năng cùng các lực lượng, địa phương vào cuộc nhưng gà Trung Quốc siêu rẻ vẫn tràn vào Việt Nam. Chính vì vậy cần có chế tài đủ mạnh để ngăn việc nhập khẩu gà thải loại. Cần có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các địa phương khu vực biên giới đối với thực phẩm đưa vào thị trường Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Bởi, một xe gà lậu trót lọt qua biên giới, đi vào nội địa, để có thể bắt được rất mất thời gian, công sức và khó khăn. Làm như vậy chỉ giải quyết phần ngọn, trong khi, gốc rễ vẫn phát triển.

Gà loại thải Trung Quốc nếu không có giấy tờ kiểm dịch, sẽ bị xử lý tiêu huỷ, tuy nhiên, cái khó là loại gà này nhập về Lạng Sơn, Bắc Giang... và chỉ cần nuôi gần một tháng, sau đó làm giấy tờ kiểm dịch thú y thì không thể xử lý, vì lúc này con gà thải loại đã hô biến thành gà ta “xịn”.

Tại một cuộc họp mới đây, một lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải thừa nhận, loại gà này thải này không có giá trị dinh dưỡng gì. Vì thế, chúng ta cần có các quy chuẩn, hàng rào để kiểm soát việc nhập khẩu gà loại thải từ Hàn Quốc, nếu không sẽ giết chết ngành chăn nuôi trong nước. Và ngay từ bây giờ, người chăn nuôi cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa để vừa đảm bảo thu nhập cho chính họ, vừa đảm bảo an ninh thực phẩm quốc gia.

Nam Khánh

Từ khóa » Gà Loại Thải