Gai Gót Chân Là Gì? Điều Trị Gai Gót Chân Như Thế Nào? - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Gai gót chân là gì?
  • 2. Nguyên nhân của gai gót chân là gì?
  • 3. Nhầm lẫn về gai gót chân
  • 4. Ai dễ bị gai gót chân?
  • 5. Triệu chứng của gai gót chân là gì?
  • 6. Gai gót chân bao lâu thì khỏi?
  • 7. Các phương pháp điều trị gai gót chân
  • 8. Gai gót chân điều trị tại nhà được không?
  • 9. Gai gót chân nên ăn gì không nên ăn gì?
  • 10. Các biện pháp phòng ngừa gai gót chân

Gai gót chân thực ra là cách gọi đơn giản cho một thuật ngữ y khoa dài dòng, chuyên biệt hơn. Đó là “viêm cân gan chân”. Đây là tình trạng thường xảy ra ở độ tuổi trung niên, người lao động nặng, vận động viên, người thừa cân…

Bệnh có biểu hiện điển hình là đau thốn gót chân khi chạm chân xuống đất vào buổi sáng sau khi thức dậy. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng cuộc sống. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp điều trị bệnh viêm cân gan chân trong bài viết dưới đây nhé!

1. Gai gót chân là gì?

Ở mặt lòng bàn chận, cân gan chân là một cấu trúc bám từ gót chân đến phía trước bàn chân. Cân gan chân là một bệ đỡ quan trọng cho vòm dọc bàn chân. Cân gan chân giúp hấp thụ lực, hỗ trợ vòm bàn chân, giúp bạn đi lại dễ dàng.

Khi bàn chân của bạn phải chịu quá nhiều áp lực, cân gan chân sẽ bị viêm
Khi bàn chân của bạn phải chịu quá nhiều áp lực, cân gan chân sẽ bị viêm

>>>Có thể bạn quan tâm:

Chứng đau tại vùng gót chân là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Người bệnh thường than phiền đau xảy ra sau khi ngủ dậy, phải đi lại một lúc mới hết. Nó luôn gây khó chịu, phiền toái trong sinh hoạt và công việc hằng ngày của người bệnh. Vậy đau gót chân thường do những nguyên nhân gì gây ra? Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ? Bài viết “Đau gót chân: Những nguyên nhân thường gặp” sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.

2. Nguyên nhân của gai gót chân là gì?

Thường xuyên chịu áp lực, cân gan chân sẽ bị căng quá mức, và các vi chấn thương. Theo thời gian hình thành phản ứng viêm tại đây.

Khi đó, cơ thể sẽ bù trừ bằng cách lắng đọng canxi bao bọc tại các vị trí tổn thương. Do đó, ta sẽ thấy hình ảnh gai gót chân trên X quang.

Hình ảnh gai gót chân trên X quang
Hình ảnh gai gót chân trên X quang

3. Nhầm lẫn về gai gót chân

Gai gót chân không gây đau trong bệnh viêm cân gan chân. Thay vào đó, đau là do viêm nhiễm và những vệt rách li ti của cân gan chân.

>>>Xem thêm: “Đứt gân gót chân có thể phục hồi được không?

4. Ai dễ bị gai gót chân?

  • Tuổi: Thường gặp ở độ tuổi 40 – 70
  • Tập luyện thể thao. Những môn thể thao đòi hỏi vận động chân nhiều như: múa ballet, nhảy hiện đại, chạy bộ, Tennis,
  • Bất thường cấu trúc giải phẫu. Bàn chân bẹt, bàn chân vòm, một số tình trạng bất thường cấu trúc bàn chân hoặc mất cân bằng 2 chân.
  • Béo phì.
  • Nghề nghiệp. Nghề nghiệp đòi hỏi phải đứng lâu như giáo viên, phẫu thuật viên..

5. Triệu chứng của gai gót chân là gì?

Đau là triệu chứng thường gặp và nổi bật nhất. Đau nhiều vào buổi sáng khi bước xuống giường hoặc sau khi ngồi nghỉ ngơi lâu. Khi đặt chân uống đất, cảm giác đau thốn như đạp lên gai ở vùng gót chân. Đau có thể âm ỉ, thường xuyên.

Đau tăng khi đi lại nhiều. Thông thường, bạn sẽ không thấy đau khi hoạt động, mà chỉ thấy đau khi nghỉ ngơi.

6. Gai gót chân bao lâu thì khỏi?

Nhìn chung, gai gót chân có thể tự khỏi. Thời gian lành thường kéo dài khá lâu từ 6 – 18 tháng. Tuy nhiên con số này chỉ mang tính chất tham khảo.

7. Các phương pháp điều trị gai gót chân

Quá trình điều trị tập trung vào Giảm đau- Giảm viêm- Tập luyện- Điều chỉnh các rối loạn cấu trúc và thói quen sinh hoạt. Phẫu thuật giải phóng cân gan bàn chân được cân nhắc khi điều trị bảo tồn thất bại                                                                  

7.1 Thuốc

Các thuốc giảm đau kháng viêm như: Meloxicam, Celecoxib, Diclofenac… sẽ có hiệu quả trong trường hợp này. Một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể tư vấn tiêm Corticoid vào vùng viêm.

7.2 Vật lí trị liệu

  • Bạn cần nghỉ ngơi ngừng chạy, nhảy và các hoạt động thể thao. Bảo vệ gan bàn chân khi hoạt động bằng băng cổ chân, không đi chân không.
  • Chườm đá vào vùng viêm. Bọc đá vào một cái khăn ẩm rồi chườm lên vùng đau. Không chườm đá lạnh trực tiếp lên da, tránh bỏng da. Thực hiện 4 lần/ngày, mỗi lần 15 – 20 phút.
  • Ngoài ra, bạn có thể được cho làm siêu âm, kích thích điện, sóng xung kích… Các bài tập kéo dãn, massage… cũng tỏ ra hiệu quả.

7.3 Chế độ sinh hoạt

  • Nghỉ ngơi, tránh mang xách vật nặng, tránh đứng lâu, đi lại khi đang đau nhiều, có thể thư giãn bằng cách gác chân cao, mang băng thun, chườm lạnh…
  • Người bệnh nên mang giày vừa với kích cỡ chân, đế giày không quá mềm hay quá cứng. Nên chọn giày nâng đỡ vòm bàn chân.

7.4 Phẫu thuật

Phương pháp này được thực hiện khi tình trạng đau kéo dài mà các biện pháp điều trị khác thất bại. Bác sĩ sẽ cắt lọc mô viêm, có thể kết hợp khâu lại điểm bám gân gót hoặc giải ép cân gan chân. Tỉ lệ phẫu thuật thành công 70%- 90%.

8. Gai gót chân điều trị tại nhà được không?

Điều trị tại nhà như nghỉ ngơi, chườm đá, sử dụng nẹp, thuốc kháng viêm, các bài tập thường là phương pháp điều trị đầu tay.

9. Gai gót chân nên ăn gì không nên ăn gì?

Đối với bệnh này, chế độ ăn uống hoàn toàn bình thường. Cần ăn uống đủ chất, đủ bữa. Nhiều người nghĩ, gai gót là canxi nên tránh ăn thực phẩm chứa canxi. Điều này là hoàn toàn sai. Bởi căn nguyên của bệnh là phản ứng viêm tại cân gan chân mà thôi.

10. Các biện pháp phòng ngừa gai gót chân

  • Khởi động thật kỹ và thực hiện các động tác kéo căng trước khi chơi thể thao.
  • Mang giày, dép kích cỡ phù hợp, có miếng đệm êm.
  • Tránh chơi trên mặt sân cứng.
  • Tránh đứng lâu, mang vác nặng.
Nên mang giày dép có miếng đệm hỗ trợ gan bàn chân
Nên mang giày dép có miếng đệm hỗ trợ gan bàn chân

Tóm lại, gai gót chân hay còn gọi là viêm cân gan chân. Bệnh khá thường gặp và gây không ít khó chịu, phiền toái cho bạn. Khi có những triệu chứng đau thốn ở gót chân, bạn cần được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bị bệnh gì. Từ đó, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị phù hợp với bạn. Nếu có thắc mắc gì về bài viết, hãy để lại thông tin bên dưới. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Bác sĩ : Nguyễn Thanh Xuân

Từ khóa » Cách Chữa Bệnh Gai Gót Chân