Gai Xanh - Lựa Chọn Tiềm Năng: Đẩy Nhanh Tiến ... - Báo Nông Nghiệp

Thanh Hóa hiện đã trồng được 670ha cây gai xanh, đạt 10% kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu. Ảnh: Võ Dũng.

Thanh Hóa hiện đã trồng được 670ha cây gai xanh, đạt 10% kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu. Ảnh: Võ Dũng.

Doanh nghiệp đủ tầm, địa phương quyết tâm

Tháng 10/2020, Tập đoàn An Phước Viramie khánh thành Nhà máy Dệt sợi An Phước. Nhà máy được đặt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, một địa phương có nhiều ưu thế để phát triển vùng nguyên liệu và liên kết với các vùng nguyên liệu phụ cận.

Sự kiện này đánh dấu một bước chuyển mới trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, khẳng định hướng đi đúng trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ưu tiên các dự án đầu tư chế biến nông lâm sản gắn với vùng nguyên liệu.

Nhà máy Dệt sợi An Phước là dự án gắn trồng trọt và chế biến, gắn nông nghiệp với công nghiệp có công suất 10.000 cọc sợi/năm, tương ứng với 1.700 tấn sợi gai/năm và 1.400 tấn bông gai/năm.

Nhà máy đi vào hoạt động tạo cho ngành nông nghiệp và công nghiệp của tỉnh một sản phẩm mới, góp phần hiện thực hóa chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

Bài liên quan Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Những người tiên phong ở xứ Thanh Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Cây chủ lực cho nông dân miền núi

Trước đó, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án phát triển 6.500ha nguyên liệu thuộc 12 huyện trong tỉnh để trồng cây gai xanh đáp ứng nhu cầu chế biến, hoạt động của nhà máy sản xuất sợi dệt đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Hiện nay nhà máy đang sản xuất, cho ra đời các lô sản phẩm đạt tiêu chuẩn và được kiểm định chất lượng. Quý I/2021, nhà máy chính thức đi vào hoạt động, đạt 30% công suất và vận hành 100% công suất vào quý IV/2021.

Trước hiệu quả bước đầu của cây gai lấy sợi, cuối năm 2021 UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định bổ sung, mở rộng phạm vi thực hiện Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy Dệt sợi An Phước tại huyện Cẩm Thủy đến 2025, định hướng đến 2030. Theo đó, Thanh Hóa bổ sung các huyện Yên Định, Thạch Thành, Hậu Lộc, Nông Cống, Như Thanh, Mường Lát vào phạm vi thực hiện Đề án.

Năm 2021, theo kế hoạch, huyện Cẩm Thủy phát triển khoảng 300ha cây gai xanh, cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Dệt sợi An Phước. Để phát huy lợi thế có nhà máy đóng trên địa bàn, huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi đất đang trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu và xác định đây là cây trồng chủ lực của địa phương, thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nhà máy.

Huyện cũng đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về trồng cây gai xanh AP1 và tạo điều kiện cho cán bộ, nông dân trên địa bàn đi tham quan nhà máy và các mô hình trồng cây gai xanh hiệu quả trong và ngoài huyện, từ đó áp dụng vào sản xuất tại địa phương. Đến nay, huyện Cẩm Thủy đã trồng mới được trên 350ha cây gai xanh.

Cây gai xanh được kỳ vọng sẽ làm đổi thay cuộc sống của hàng nghìn hộ nông dân tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

Cây gai xanh được kỳ vọng sẽ làm đổi thay cuộc sống của hàng nghìn hộ nông dân tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh của huyện Cẩm Thủy sẽ đạt khoảng 800ha. Để đạt mục tiêu trên, ngoài việc tập huấn cho nông dân nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gai xanh trong vụ thu năm 2021, huyện Cẩm Thủy tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các hộ dân liên kết, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất cây gai xanh; ưu tiên phát triển diện tích có đủ điều kiện đầu tư thâm canh, người dân có trình độ sản xuất, có khả năng đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy.

Phấn đấu mỗi năm trồng thêm 1.500ha cây gai xanh

Để phát triển ổn định vùng nguyên liệu cây gai xanh, Thanh Hóa đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023. Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng chỉ đạo các địa phương, cả hệ thống chính trị quyết tâm phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh bền vững.

Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân trồng cây gai xanh làm nguyên liệu sản xuất sợi dệt trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy Dệt sợi An Phước sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để chuyển đổi từ trồng cây lâu năm kém hiệu qua sang trồng cây gai xanh nguyên liệu; 50% chi phí mua giống cây gai xanh (10 triệu đồng); hỗ trợ chi phí mua máy chuốt vỏ cây gai xanh với mức 5 triệu đồng/máy. UBND các huyện đều có thêm chính sách hỗ trợ nông dân tiền cày bừa. Mức hỗ trợ sẽ được áp dụng với từng đối tượng cụ thể và theo quy mô diện tích khác nhau. Thời gian thực hiện chính sách từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2023.

Các hộ trồng cây gai xanh được hỗ trợ giống, tiền cày bừa và máy chuốt sợi. Ảnh: Võ Dũng.

Các hộ trồng cây gai xanh được hỗ trợ giống, tiền cày bừa và máy chuốt sợi. Ảnh: Võ Dũng.

Trong khi đó, với mục đích khuyến khích nông dân phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, trong lúc chờ hồ sơ, thủ tục nhận sự hỗ trợ từ UBND tỉnh Thanh Hóa, Nhà máy Dệt sợi An Phước đã chủ động cho nông dân vay tiền mua máy chuốt sợi. Nhà máy cũng cho dân mua giống trả chậm, trả từ vụ thu hoạch thứ 2 và mua máy chuốt sợi trả chậm, trả từ vụ thu hoạch thứ tư.

Ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa cho hay, những hộ nào chuyển đổi trồng cây lâu năm sang trồng cây gai xanh nguyên liệu với diện tích từ 0,2ha trở lên sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh.

“Năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành cơ chế và nguồn vốn hỗ trợ. Hiện người dân đang hoàn thiện hồ sơ để nhận hỗ trợ từ tỉnh Thanh Hóa. Hi vọng vùng nguyên liệu cây gai xanh sẽ phát triển mạnh theo đúng quy hoạch và đem lại cuộc sống ấm no cho người nông dân”, ông Trung chia sẻ.

Để thể hiện quyết tâm xây dựng vùng nguyên liệu cây gai xanh bền vững, gắn với công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị chuỗi sản xuất, liên kết, tháng 4/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng có công văn chỉ đạo các địa phương, ngành nông nghiệp.

Công văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đánh giá, việc phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh dù đã rất quyết tâm nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đến thời điểm này, tổng diện tích trồng cây gai xanh mới đạt 670ha, bằng 10% kế hoạch, chỉ đáp ứng được 15 - 20% nhu cầu của Nhà máy; quy mô vùng nguyên liệu vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng nguyên liệu lớn...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị các địa phương, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh, phấn đấu bình quân mỗi năm trồng mới 1.500ha cây gai xanh, đến năm 2025 toàn tỉnh đạt 6.457ha cây gai xanh trở lên, đáp ứng đủ nhu cầu của nhà máy.

Ông Vũ Quang Trung cho biết thêm, thời gian tới, các địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ chính sách phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, các hợp tác xã nông nghiệp vẫn chưa có nhiều hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phát triển gai nguyên liệu. Thời gian tới, các HTX sẽ được thành lập, trọng tâm hướng vào việc làm cầu nối và hỗ trợ các dịch vụ cho nhân dân kết nối với doanh nghiệp, nhất là các khâu làm đất, vận chuyển, thu hoạch, sấy, cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật.

Tỉnh Thanh Hóa xác định phát triển cây gai xanh là một trong những giải pháp quan trọng nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, mang lại thu nhập cao cho người dân. Việc phát triển cây gai xanh còn góp phần xây dựng thêm hình mẫu về sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; tăng cường niềm tin của doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Từ khóa » Cây Gai Xanh Thanh Hóa