Gấm Lụa Hoàng Triều | Heritage | ELLE Decoration VN

Chất liệu, màu sắc, đường nét, đề tài trang trí chỉ thế thôi cũng phần nào đủ để nhận dạng được chủ nhân những bộ cổ phục gấm lụa chốn hoàng triều thời Nguyễn. Bởi mỗi thứ bậc, giai tầng, đều có những nguyên tắc, luật lệ khác biệt, phù hợp với từng người để dễ dàng ứng dụng vào trang phục đại triều, thường triều; nghi lễ hay thường phục. Nhà nghiên cứu và phục dựng cổ phục cung đình triều Nguyễn – Trịnh Bách, cho biết: “Người xưa khi dệt vải, thêu may đều có nguyên tắc, kỹ thuật nhất định. Các chi tiết trang trí khi thêu cũng phải theo nguyên tắc riêng. Lấy ví dụ trên họa tiết tản vân, nhất định vệt mây phải đi ngang dựa theo hướng gió. Hoặc mây đứng, mây või thì đuôi nhọn đều phải đi ngang, không được đi xéo”.

gấm lụa 1

Áo Cổn – Áo giao lĩnh Việt là áo ngũ thân với cổ đáy bình chứ không phải là áo tứ thân như của các nước Đồng văn khác. | Gấm lụa Hoàng triều.

gấm lụa 2

Chiếc áo Cổn trong lễ Tế Giao triều Nguyễn. Khi tế người ta sẽ khoác một áo sa có thêu hay dệt các biểu tượng ra ngoài áo Cổn. | Gấm lụa Hoàng triều.

Ngay cả trong lối dệt, các công đoạn dệt dành cho trang phục cung đình, đều buộc tuân theo các quy định của sách lễ. Những hoa văn, họa tiết, được giải thích theo điển lệ, đó là một thử thách, đòi hỏi người thợ dệt phải giỏi nghề mới đủ khả năng thực hiện. Lấy ví dụ dệt xuyến – thông thường là dệt xuyến ngang. Nhưng người hoàng cung lại hay thích xuyến dệt dọc, dù chỉ để làm lớp lót bên trong.

Trong số những cổ phục triều đình Việt Nam thuộc BST của Hội Văn hóa Intermedi bên Hoa Kỳ, nhà nghiên cứu Trịnh Bách giới thiệu một chiếc áo Cổn hiếm hoi còn lại trên thế giới, dùng cho lễ Tế Giao của triều Nguyễn. Chất liệu đoạn (sa tanh) chính thống, phải nói thật đẹp, chạm mình vải thấy thật mịn mặt, chắc tay. Mật độ sợi dệt rất cao vì sợi dệt Tứ Xuyên ngày xưa quá mảnh.

gấm lụa 3

Hoa văn sóng nước và các lớp tản vân, san hô được thể hiện qua đường dệt dưới vạt áo Tế Giao. | Gấm lụa Hoàng triều.

NGƯỜI XƯA CHỌN MÀU, PHỐI NÉT THÊU RẤT ĐỘC ĐÁO, TOÁT LÊN NÉT DUYÊN CỦA CHẤT LIỆU, LẠI ĐẦY VẺ ĐẸP CÙNG SỰ SANG QUÝ, BẤT KỂ TRANG PHỤC ĐẠI TRIỀU, THƯỜNG TRIỀU, NGHI LỄ HAY THƯỜNG PHỤC.

gấm lụa 4

Chi tiết cổ áo ngoài giao, trong thẳng, màu bạch tuyết; một đặc trưng của áo giao lĩnh Việt, khác với áo giao lĩnh của các nước khác.

Áo có màu cổ đồng, dành cho hàng quan nhất phẩm, và dựa trên chất liệu áo cũng đủ suy đoán ra nhiều điều. Ở Huế, tháng 2 thường là dịp Tế Giao do vua cử hành. Thời điểm này khí hậu vẫn đang lạnh, nên ngay trong cung cấm, yếu tố thời tiết cũng gây ảnh hưởng đến trang phục. Từ tháng 2 đến tháng 10 (lịch âm), người trong cung mặc vải gai. Từ tháng 10 đến tháng 2 thời tiết lạnh hơn, sẽ mặc vải đoạn.

gấm lụa 5

Vạt áo giao lĩnh với các đường dệt trang trí, mây ổ, hoa văn sóng nước, bát bửu, san hô…

Trở lại với lễ Tế Giao (thường cử hành vào tháng 2 âm lịch), tiết trời khi ấy đang mùa lạnh, buổi tế chính thức diễn ra từ lúc 2 giờ sáng, nên lễ phục cũng được thiết kế cho phù hợp không chỉ với nghi lễ mà cả với khí hậu của Huế. Tìm hiểu về sắc màu của cổ phục, nhà nghiên cứu Trịnh Bách chia sẻ thêm: “Ngày xưa cả vải may áo lẫn chỉ thêu đều phải ngâm nước củ nâu để giữ sắc. Và nhất là để làm đằm màu. Do vậy nhìn vào cổ phục Việt là nhận ngay ra độ sâu lắng, thâm trầm. Khác biệt hẳn với sự rực sắc trên y phục của các nước khác trong khu vực”.

gấm lụa 6

Hình ảnh con mãng cuộn tròn trong ổ, được ghép từ hai mảnh vải, gọi là kỹ thuật đậu bông.

Trong BST và phục chế cổ phục do nhà nghiên cứu Trịnh Bách giới thiệu, có chiếc áo đáng chú ý, được chính anh phục dựng lại theo nguyên bản chiếc áo của một Hoàng thái tử. Bên cạnh các đề tài trang trí như hoa văn rồng ổ, rồng chầu (trên cổ áo), cùng nhiều hoa văn, họa tiết thú vị, điểm ấn tượng ở trang phục này là độ nặng của nó. Sức nặng ấy đến từ việc đính kim sa, từ sợi chỉ vàng dùng thêu những linh thú trên tác phẩm. Sợi chỉ ấy có để qua trăm năm sau, vẫn không hề bay màu, chuyển dạng.

gấm lụa 7

Các vạt áo Cổn với chất liệu đoạn, màu cổ đồng, dành cho hàng quan chánh nhất phẩm triều Nguyễn.

gấm lụa 8

Mỗi con mãng trên chiếc áo Cổn được dùng chỉ gam màu mạnh tôn lên hình ảnh của mãng.

LỄ PHỤC CỔN MIỆN DÙNG TRONG TẾ GIAO CỦA TRIỀU NGUYỄN. ĐÂY LÀ LOẠI ÁO TẾ HIẾM HOI CÒN SÓT LẠI CỦA VIỆT NAM.

Để tác tạo nên sợi chỉ vàng, cũng là cả một kỳ công. Sợi chỉ được chuốt qua lớp sơn ta, sau đó lướt qua bột vàng để bám lại tạo thành chỉ vàng, dùng thêu các chi tiết trang trí cho cổ phục chốn cung đình. Dẫu có để qua trăm năm, nét vàng son ấy vẫn không hề mai một. Những áo làm sau này dùng kỹ thuật cuốn sợi vàng để tạo chỉ kim tuyến. Chiếc áo được phục dựng mất cả nửa năm mới hoàn thiện. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách kể lại: “Chiếc áo này khi tôi thực hiện là làm cùng các thợ thêu lành nghề ở Thường Tín. Các cụ đứng ra chỉ đạo lúc ấy cũng đã 80, 90 tuổi. Hồi ấy họ thêu đẹp lắm. Bây giờ người ta không thể làm lại được chiếc áo tương tự thế nữa”.

Một chiếc áo quý khác trong BST do nhà nghiên cứu Trịnh Bách giới thiệu, là chiếc áo dài năm thân của Thánh cung Hoàng Thái Hậu (1870 – 1935).

Rồng ổ, rồng mặt nạ trong trang trí áo của Hoàng Thái Tử, hiện vật phục dựng theo nguyên bản.

“PHỤC DỰNG CỔ PHỤC CẦN NGHIÊN CỨU VÀ THỰC HIỆN NGHIÊM TÚC. TRUYỀN THÔNG CÓ MỘT PHẦN LỖI KHI TUYÊN TRUYỀN THÔNG TIN THIẾU KIỂM CHỨNG VỀ TẠO VẬT CỦA CÁC PHONG TRÀO PHỤC DỰNG CỔ PHỤC HIỆN NAY”.

– Nhà nghiên cứu Trịnh Bách –

Cụm ảnh trên: Tính đăng đối trong bố cục hoa văn trên chiếc áo Hoàng Thái Tử. Vạt áo nơi cột thủy, có hình ảnh cá hóa long, hàm ý người mặc nó là trừ quân, nhân vật kế thừa ngôi báu ngai vàng. Từng chi tiết thêu trên áo Hoàng Thái Từ đều phải tuân theo quy luật chặt chẽ.

Áo may từ chất liệu sa nam với đặc điểm sợi ngang to, sợi dọc nhỏ. Đan trong mình vải là các chữ thọ và hoa. Đây là một chiếc áo có độ khó cao về kỹ thuật dệt. Nói về câu chuyện phục chế loại vải sa nam, nhà nghiên cứu Trịnh Bách thẳng thắn: “Dệt như chiếc áo này của một vị Hoàng thái hậu là dệt cài hoa có hoa văn trên chất liệu sa nam, nên thực hiện được rất khó. Một ngày dệt bằng tay nhiều lắm cũng chỉ đạt khoảng 30cm. Bởi cực công quá, cho nên hiện không ai tiếp tục theo nghề, dù người mình chỉ dệt được sa trơn”.

Bố cục các chi tiết cân đối một cách hoàn hảo trên áo Hoàng Thái Tử.

Chiếc áo Hoàng Thái Tử cần đến 14 thợ thêu làm liên tục trong 15 tháng mới xong.

Mỗi hiện vật cổ phục lưu lại từ chốn cung đình xưa, thực sự là báu vật vô giá, giúp hậu thế nhìn nhận vẻ đẹp chế tác cổ phục trong từng chi tiết nhỏ. Từ đó có thêm cứ liệu so sánh, đối chiếu, vun đắp cho những đam mê về phục chế, phục dựng cổ phục theo lối xưa với cách chuẩn xác nhất.

Phục dựng cổ phục, cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về tư liệu, hình ảnh. Nếu không sẽ chỉ là sự lắp ghép vụng về, là một loại “giặc” về văn hóa, mang lại kết quả thậm chí thô thiển trước vẻ đẹp nguyên bản của tiền nhân.

ÁO THIÊN THỌ, CHẤT LIỆU SA NAM, THUỘC DÒNG CÁT PHỤC THỤ LĨNH, DÀNH MẶC TRONG NGÀY VUI CỦA THÁI HẬU.

Áo thiên thọ dùng vải gai lót, vạt áo thứ 5 có khuy cài với vạt ngoài để đứng áo, tránh xộc xệch khi di chuyển.

Chi tiết các kiểu thức chữ “Thọ” trên áo ngũ thân thiên thọ của Thánh Cung Hoàng Thái Hậu (1870 – 1935).

Áo thiên thọ không nhất thiết phải đủ 1.000 chữ “Thọ”, chỉ ước lệ mà thôi.

CỔ PHỤC CHỐN CUNG ĐÌNH VÀ KỸ THUẬT ĐẬU BÔNG

“Trang phục chính thống ngày xưa nếu có hoa văn chữ thọ hay ổ hoa tròn đều được may theo kỹ thuật đậu bông. Vải dệt bao giờ cũng được thiết kế với hai mép vải đều có những nửa hoa văn, để khi gấp lại làm sống áo, các nửa hoa văn sẽ tạo thành hoa văn tròn trọn vẹn. Phải may như vậy để có độ rộng tối đa cho vạt áo từ khổ vải.

Hoa văn chữ thọ nhỏ nhất trên lễ phục của nam giới phải là 15,5cm. Riêng áo dài với tay hẹp may bằng vải trơn, hay có hoa văn chữ thọ nhỏ, khi dùng làm lễ phục phải kiêng màu lam đậm và xanh lá cây, vì dành cho giới gia nhân hay thái giám”.

– Nhà nghiên cứu Trịnh Bách –

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình

Lược ghi và tuyển chọn: Nội dung, hình ảnh từ BST bưu thiếp cổ, trang phục cổ của TRƯƠNG VIỆT ANH.

Xem thêm:

Duyên sắc trên nền gốm kiến trúc hoàng triều Đại Việt

Kiệt tác Phồn Thực trong kiến trúc Á Đông

Từ khóa » Gấm Lụa