Game Show: Phải Có Chức Năng Giải Trí Và Giáo Dục

6xIGeazj.jpgPhóng to
Game show Ai là ai của đài truyền hình VN - Ảnh: T.T.D

Đơn cử như game show Thế giới vui nhộn trên kênh HTV7. Chắc hẳn nhiều người khi xem xong phải tự chọc léc mình để cười cho những trò chơi kiểu tấu hài rẻ tiền hơn là để giải trí. Rồi nào thì Tìm người bí ẩn trong đó người chơi cố gắng nói dối và đổ thừa để cuối cùng nhận giải thưởng. Hiện nay thì Hội ngộ bất ngờ - một game show mới cũng có khả năng đi vào vết xe đổ nếu không tìm ra lối thoát...

Bên cạnh đó, chính những MC tay ngang cũng có thể làm cho một chương trình trở nên tẻ nhạt, đó là cặp MC trung thành với câu “Đúng rồi” cho dù khán giả có góp ý thì vẫn cho rằng đó là bản sắc và đặc trưng nên không thể bỏ… Hoặc là một diễn viên điện ảnh nối tiếng-MC của chương trình Kim Tự Tháp - dẫn chương trình với một nét mặt từ đầu đến cuối mà không bộc lộ cảm xúc gì.

Khi ta chưa thể tự sản xuất chương trình, thì việc mua bản quyền game show của nước ngoài về cải biên lại là cần, nhưng cũng nên xem xét chương trình nào phù hợp với phần đông khán giả để tránh tình trạng được coi là “LOẠN” như hiện nay!

Tôi cũng đồng tình với những ý kiến trong bài "Loạn game show". Có thể kể ra các chương trình mà nội dung gây sự khó chịu cho người xem như: Trong chương trình "Hành khách cuối cùng", ở phần thi "Cho bạn hay cho ai", thay vì đội nhận được câu hỏi mà không trả lời được thì không được hạ xuống một bậc hay phải nhường cơ hội cho đội bạn thì đằng này các anh chàng sau khi nghe câu hỏi khó cứ việc "đẩy" sự khó khăn cho đội bạn để mong cho đội bạn cũng "bí" như mình để mình được chiến thắng và hạ xuống một bậc... Như vậy là hoàn toàn không công bằng và không khuyến khích sự tư duy động não của mỗi đội, nếu anh không trả lời được, anh phải chấp nhận thua đội khác...

Hay trong chương trình "Nhịp sống sôi động" của HTV, khi nhìn các ca sĩ nằm sóng soài và ngã lăn đùng trên sân khấu, rượt nhau trên sân khấu, tạt nước vào mặt nhau... thì thật sự tôi không hiểu nổi mục đích giáo dục và giải trí của nhà đài là ở đâu?...

Không cần đợi đến khi báo Tuổi Trẻ đăng bài "Loạn game show", phần đông người dân bấy lâu nay cũng lắc đầu ngao ngán trước thực trạng bội thực game show này! Có lẽ chỉ có ba nhóm thành phần ưa thích những chương trình này, đó là công ty quảng cáo dễ dàng tăng doanh thu và lợi nhuận, đài truyền hình dễ dàng đạt "chỉ tiêu phục vụ" nhân dân, và người chơi cùng với gia đình và bạn bè của họ.

Những năm trước, gia đình tôi còn tranh thủ để xem những game show có sức thu hút như Rồng vàng, Chung sức, Trúc xanh... nhưng rồi cũng như những người khác, gia đình tôi đến nay mỗi khi xem tivi thấy game show là chuyển kênh khác ngay, vì không chịu nổi những trò vớ vẩn, màu mè, vô duyên, thiếu kiến thức, xem thường người xem của các game show này!

Game show thực chất là quảng cáo. Người dân đóng thuế cho nhà nước để nuôi các đài truyền hình, hy vọng họ sẽ "phục vụ" mình bằng những chương trình có ý nghĩa, đem lại các giá trị sống cho mọi người, chứ không phải bằng một số "game show" kém chất lượng!

Ngẫm lại tôi vẫn thấy có những game show chất lượng đáng được tuyên dương như Đường lên đỉnh Olympia. Tôi thấy chương trình không chỉ là một trò chơi mà còn là một guồng máy tuyển lọc nhân tài, một sự cọ xát giao lưu giữa các bạn học sinh. Hay Rung Chuông Vàng - một sân chơi của các bạn học sinh tìm hiểu tri thức. Điều này là đáng khuyến khích và phát huy.

Thế nhưng thật khó chịu khi vẫn thấy rất nhiều game show mà phải dùng đến từ "nhảm nhí", chẳng hạn như Thế giới vui nhộn. Khi xem chương trình, quả thật tôi đã không khỏi bực mình trước những trò chơi mà không hiểu muốn truyền đạt điều gì. Hoặc trên VTV3, tôi không thể nào giải trí được với chương trình Tam sao thất bản mặc dù điều mà game show này muốn gởi đến khán giả là những phút giây thư giãn.

Là một khán giả xem truyền hình, tôi mong muốn những người làm truyền hình hãy quan tâm đến thị hiếu của chúng tôi. Đừng để đến một lúc nào đó người xem truyền hình cho rằng game show chỉ chiếu cho vui, không nhằm giải trí và mang ý coi thường thị hiếu khán giả!

Tại sao ta lại không phát triển những trò chơi truyền hình như: Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước... để giúp những hộ nghèo trên khắp cả nước? Chúng ta cũng thấy trong kỳ thi đại học vừa rồi, báo Tuổi Trẻ đã đăng tin nhiều thí sinh nghèo đi thi đại học, cao đẳng còn rất khó khăn. Tại sao không tổ chức game show cho những thí sinh nghèo như thế để tạo điều kiện cho các em thử sức mình và cũng có thể tạo điều kiện một phần nào đó về học phí cho các em? Nếu làm như thế thì chương trình game show của chúng ta hay biết mấy!

Các chương trình game show hiện nay dường như chưa đáp ứng được nhu cầu giải trí của khán giả vì nội dung quá "nhạt" và gần như là những phiên bản của nhau. Các game show cũng chưa mang tính giáo dục nhiều và đang bị biến thành nơi "moi" tiền của khán giả xem đài qua tin nhắn SMS bằng các chương trình kèm theo.

Khán giả càng ngán ngẩm hơn khi biết được rằng lượng khán giả cổ động cho game show bây giờ luôn xuất phát từ những "xóm vỗ tay mướn", những tiếng vỗ tay chúc mừng, những tiếng "oh" tiếc nuối đều được "xử lý" bởi đạo diễn sân khấu.

"Thật là thất vọng khi phải xem game show trong đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới", đó là lời nhận xét của một người bạn Mỹ của tôi vào Tết 2007. Nếu được, xin tòa soạn hãy mở một diễn đàn để mọi người cùng góp ý kiến!

Từ khóa » Trò Chơi Truyền Hình Là Gì