Gần 150 Công Ty Trung Quốc Có Thể Bị Hủy Niêm Yết ở Mỹ - VnEconomy

Theo tin từ Nikkei Asia, khoảng 150 công ty có trụ sở tại Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ bị hủy niêm yết tại Mỹ do các quy định mới về kiểm toán mới. Danh sách các công ty này do Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đưa ra.

Tính tới ngày 10/6, danh sách này bao gồm gần 60% công ty Trung Quốc đang niêm yết cổ phiếu ở Mỹ, trong đó có nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến Baidu, và có thể tăng lên.

Trong bối cảnh các nhà làm luật Mỹ đang đẩy nhanh việc hủy niêm yết các công ty này sớm nhất vào năm 2023, áp lực phân ly giữa thị trường Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Theo quy định, các công ty giao dịch đại chúng ở Mỹ bắt buộc phải được thanh tra kiểm toán bởi Ban giám sát kế toán các công ty đại chúng (PCAOB) – cơ quan do SEC chỉ định. Theo Đạo luật yêu cầu các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2020, những công ty không tuân thủ quy định này trong 3 năm tài chính liên tiếp bắt đầu từ ngày 18/12/2020 sẽ bị hủy niêm yết.

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc luôn từ chối việc thanh tra kiểm toán với lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, áp lực từ phía SEC có thể mang lại tác dụng. Tháng 12/2021, PCAOB đã cập nhật các quy định về niêm yết và công bố danh sách các công ty bị nhắc nhở theo luật pháp Mỹ vào tháng 3 năm nay.

Các cuộc đàm phán giữa SEC và Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) thời gian cho thấy tính cấp thiết của sự việc này. CSRC hồi tháng 4 đã đề xuất cho phép các cơ quan quản lý nước ngoài thanh tra kết quả kiểm toán của doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở Mỹ. Một quan chức CSRC bày tỏ tin tưởng rằng một thỏa thuận về vấn đề này không còn quá xa vời.

Trong một diễn biến khác, công ty dịch vụ gọi xe hàng đầu Trung Quốc Didi Global đã tình nguyện hủy niêm yết trên sàn chứng khoán New York (Mỹ) vào ngày 10/6 sau khi nhận được sự đồng thuận của đa số cổ đông thông qua biểu quyết. Theo Nikkei Asia, nhà chức trách Trung Quốc được cho là đang thúc giục các doanh nghiệp nắm giữ những thông tin nhạy cảm – như Didi – chủ động hủy niêm yết ở Mỹ. Việc này sẽ giúp phía Trung Quốc dễ dàng tuân thủ các quy định về thanh tra kiểm toán của Mỹ hơn.

Didi chủ động hủy niêm yết ở Mỹ trước áp lực từ Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Didi chủ động hủy niêm yết ở Mỹ trước áp lực từ Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Trong khi đó, SEC không có dấu hiệu sẽ bớt gây áp lực trước sự nhượng bộ của Bắc Kinh. Hồi cuối tháng 5, YJ Fischer, giám đốc Văn phòng Các vấn đề Quốc tế của SEC, nói rằng tình hình đang có tiến triển, nhưng “kể cả khi một thỏa thuận giữa PCAOB và nhà chức trách Trung Quốc được ký kết, đó sẽ chỉ là bước đầu tiên".

“PCAOB đã bắt đầu thí điểm thanh tra một công ty kiểm toán Trung Quốc vào năm 2016, nhưng không thể hoàn thành việc này do nhà chức trách Trung Quốc đã cản trở và xử lý thông tin. PCAOB phải có khả năng tiếp cận các tài liệu kiểm toán từ tất cả, chứ không phải một số, công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ và các công ty kế toán công được đăng ký của họ, cũng như tiến hành các cuộc thanh tra và điều tra toàn diện ở Trung Quốc và Hồng Kông", bà Fischer nói.

Các nhà lập pháp lưỡng đảng tại Mỹ hiện đang thúc đẩy lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều đã thông qua luật hủy niêm yết đối với những công ty không tuân thủ yêu cầu kiểm toán sau 2 năm thay vì 3 năm. Nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden ký vào phiên bản điều chỉnh của dự luật, các công ty Trung Quốc không tuân thủ quy định có thể bị loại khỏi thị trường chứng khoán Mỹ sớm nhất là vào năm 2023.

Theo hãng cung cấp dữ liệu Dealogic, các quy định chặt chẽ hơn ở cả Mỹ và Trung Quốc đang đóng chặt cánh cửa đối với những công ty Trung Quốc đang có ý định niêm yết mới ở Mỹ.

Trong bối cảnh đó, nhiều tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc đang niêm yết ở Mỹ đã tìm đường niêm yết lần hai ở các thị trường chứng khoán khác. Đơn cử, nhà sản xuất xe điện Nio đã bắt đầu giao dịch cổ phiếu ở Hồng Kông từ tháng 3 năm nay và tại Singapore vào tháng 5, bên cạnh việc tiếp tục niêm yết ở thị trường chứng khoán New York.

Theo các nhà phân tích, việc thời hạn hủy niêm yết được đẩy lên sớm hơn có thể gây ra xáo trộn trên thị trường. Một số công ty có thể sẽ không có khả năng chuyển sang sàn chứng khoán Hồng Kông – nơi được cho là đang áp dụng các tiêu chuẩn thậm chí còn nghiêm ngặt hơn – trước khi ngừng giao dịch ở Mỹ. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư Mỹ mất trắng hoặc buộc họ phải bán cổ phiếu với giá giảm sâu.

Giới phân tích nhận định cả phía Mỹ và Trung Quốc đều đang có những toan tính chính trị của riêng mình. Tại Mỹ, trong bối cảnh các cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra vào tháng 11 tới, cả chính quyền ông Biden lẫn Quốc hội đều không muốn bị xem là có sự nhượng bộ với Trung Quốc.

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ ngăn chặn tình trạng "huy động vốn một cách hỗn loạn” và tìm cách làm giảm ảnh hưởng của các nhà đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực kinh tế có liên quan tới an ninh quốc gia.

Từ khóa » đồng Pi ở Trung Quốc