Gần 20 Cuộc Thi Hoa Hậu Tổ Chức Trong Nước Năm Nay - VnExpress

Sáu tháng đầu năm, làng giải trí có gần 20 cuộc thi. Trong đó, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã chung kết ngày 25/6. Tháng 7 có Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam.

Từ nay đến cuối năm, còn thêm hàng loạt sân chơi như: Hoa hậu Thế giới Việt Nam (12/8), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam (22/10), Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15/12), Miss Peace Vietnam (11/9), Miss Grand Vietnam (25/9), Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam (22/10), Hoa hậu Trái đất Việt Nam (30/12)... Bên cạnh các cuộc thi quy mô lớn, một loạt sự kiện do các đơn vị hội ngành, các công ty giải trí thực hiện như: Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu...

Huyền Trân - người Chăm - hiện thuộc top 30 người vào chung kết Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Huyền Trân - người dân tộc Chăm - hiện thuộc top 30 người vào chung kết Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các cuộc thi ra đời nhờ hưởng lợi từ Nghị định 144, có hiệu lực từ tháng 2/2021. Trước đây, việc cấp phép do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) thực hiện. Từ sau Nghị định 144, các đơn vị tổ chức chỉ cần thông qua Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh - nơi tổ chức sự kiện.

Trước Nghị định 144, mỗi năm trong nước chỉ có hai cuộc thi cấp quốc gia được cấp phép, bên cạnh một số sân chơi nhỏ lẻ. Sau hai năm dịch, cùng sự mở cửa của quy định tổ chức các cuộc thi, con số này tăng lên khoảng 10 lần. Trong đó, năm nay, ghi nhận nhiều cuộc hoa hậu lần đầu diễn ra như: Miss Grand Vietnam, Miss Earth Vietnam, Miss Supranational Vietnam...

Việc bùng nổ thi hoa hậu góp phần giúp làng giải trí sôi động trở lại sau Covid-19. Trên mạng xã hội, các hội nhóm sắc đẹp phát triển mạnh, bàn luận về thí sinh, đưa ra các dự đoán như Thế giới Hoa hậu, World Press, Venus Beauty Queen... có trên 100.000 thành viên. Các bài đăng thường hút hàng nghìn lượt "like", bình luận, chia sẻ. Tài khoản Minh Bùi nói: "Chưa bao giờ fan sắc đẹp lại có diễn đàn hoạt động sôi nổi đến thế".

Các sự kiện bên ngoài cũng thu hút lượt lớn khán giả theo dõi, như: Chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 thu hút gần 10.000 khán giả. Ông Hoàng Nhật Nam - đạo diễn chung kết Miss World Vietnam vào tháng 8 ở Quy Nhơn cũng cho biết sự kiện dự kiến có khoảng 20.000 người xem trực tiếp.

Song, hiện trạng này cũng gây tình trạng loạn thi sắc đẹp. Thí sinh có nhiều lựa chọn nên thường xảy ra việc một người đẹp tham gia nhiều cuộc thi, kiểu "lọt sàng xuống nia". Tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Ngọc Châu trước khi đăng quang vốn là quán quân, hoa hậu của nhiều cuộc thi. Người đẹp Hương Ly, Lê Hoàng Phương... cũng quen mặt với khán giả. Trong Top 38 chung kết Miss World Vietnam 2022 xuất hiện Nam Em, Mai Phương, thí sinh Đàng Vương Huyền Trân vừa rớt bán kết Miss Universe Vietnam liền ghi danh Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam.

Không chỉ có tên gọi na ná nhau khiến khán giả có thể nhầm lẫn khi nhận diện thương hiệu, nhiều cuộc thi có thời gian tổ chức chóng vánh, chất lượng thí sinh không tốt, các thí sinh không có hoạt động nổi bật. Như cuộc thi Hoa hậu Áo dài Việt Nam 2022, do Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình cấp phép khởi động từ ngày 3 và dự kiến thi chung kết vào cuối tháng 7. Ở thời điểm công bố, sân chơi này mới có 25 thí sinh đăng ký, chấp nhận thí sinh qua phẫu thuật thẩm mỹ và có độ tuổi từ 18 tới 45 tuổi, cả người đã lập gia đình.

Bà Phạm Kim Dung, tổng giám đốc Công ty Sen Vàng - đơn vị nắm giữ bản quyền một số cuộc thi nhan sắc - nhìn nhận thực trạng đang khiến công chúng "bội thực" trong việc thưởng thức, nhớ tên cuộc thi, gương mặt đoạt giải.

Còn ông Lê Xuân Sơn - trưởng ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam - cho biết cuộc thi ông đang phụ trách với thâm niên hơn 30 năm hiện không còn do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp phép. Ông Sơn cho rằng công chúng có thể sẽ dần mất thiện cảm với hoa hậu, kể cả cuộc thi lâu năm, uy tín nếu danh hiệu này được trao dễ dãi.

Top 3 Hoa hậu Việt Nam 2020, từ trái qua gồm Hoa hậu Đỗ Thị Hà, Á hậu Phương Anh, Ngọc Thảo. Ảnh: Sen Vàng

Top 3 Hoa hậu Việt Nam 2020, từ trái qua gồm Hoa hậu Đỗ Thị Hà, Á hậu Phương Anh, Ngọc Thảo. Ảnh: Sen Vàng

Trái với ý kiến lo ngại, ông Nguyễn Quang Vinh - nguyên Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn - cho rằng hiện tượng này là bình thường. "Trước đây, chúng ta quy định một năm chỉ có hai cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia. Tuy nhiên, vài chục sân chơi khác vẫn được tổ chức với tên gọi, hình thức khác nhau như hoa khôi, người đẹp, chưa kể một số cuộc thi 'chui'. Tôi cho rằng các cuộc thi góp phần quảng bá du lịch, văn hóa vùng miền, quốc gia, kích cầu kinh tế", ông Vinh nói.

Tại Thái Lan, Philippines, Indonesia, số lượng cuộc thi mang danh "nam vương", "nữ hoàng" mỗi năm có thể lên đến 60. "Việc nở rộ sân chơi hoa hậu cho thấy sự phát triển của các công ty giải trí Việt", ông Chu Tấn Văn, đại diện một công ty giải trí trong nước nhận xét.

Top 3 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 được nhận xét có ngoại hình, kỹ năng trình diễn, ngoại ngữ tốt. Ảnh: Miss Universe Vietnam

Top 3 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 được nhận xét có ngoại hình, kỹ năng trình diễn, ngoại ngữ tốt. Ảnh: Miss Universe Vietnam

Ông Nguyễn Quang Vinh nói: "Mỗi người có quyền quyết định ủng hộ các cuộc thi chất lượng cao, phớt lờ sân chơi 'ao làng', để nó tự triệt tiêu. Đó là quy luật của nền kinh tế thị trường".

Nhiều người thuộc giới thời trang, tổ chức thi nhan sắc nhận định trong hỗn loạn tất yếu có sự sàng lọc, đào thải, doanh nghiệp nào tâm huyết, nghiêm túc sẽ trụ được. Bà Mỹ Dung - đại diện cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam - nói: "Điều quan trọng là ban tổ chức sẽ thực hiện trách nhiệm thế nào sau cuộc thi, có bao nhiêu dự án cộng đồng đóng góp cho xã hội, không phải trao vương miện là xong".

Tân Hà Dung

Từ khóa » Tốp 30 Hoa Hậu Việt Nam 2020