“Gần Dân, Lắng Nghe Dân, Hiểu Dân Và Giúp Nhân Dân”

Tư tưởng này ngày càng được bổ sung, phát triển rõ ràng hơn qua các kỳ đại hội Đảng, trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tư tưởng về dân đã có bước phát triển mới về chất, hệ thống hơn, đó là, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Thấm nhuần quan điểm, chủ trương của Đảng, những năm qua, toàn hệ thống chính trị của tỉnh đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều công việc cụ thể, xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, trước khi ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân, như thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng, kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân, xây dựng nông thôn mới, công tác quản lý đô thị... đều tổ chức lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện nhân dân. Đồng thời, việc ban hành các chủ trương, nghị quyết, đề án, các cơ chế, chính sách… đều xuất phát từ nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phù hợp với yêu cầu thực tế, tạo thành những phong trào sâu rộng, hiệu quả ở cơ sở, thể hiện sự hòa quyện chặt chẽ giữa ý Đảng và lòng dân. Tiêu biểu như Chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với khuôn viên theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, đã phát huy được tính tự chủ, khơi dậy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh nội lực trong nhân dân, tạo động lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2011 đến nay, nhân dân đã tự nguyện đóng góp gần 500 tỷ đồng, hàng chục nghìn ngày công và hiến gần 115.000 m2 đất, bê tông hóa trên 4.200 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa trên 1.000 km kênh mương, bê tông hóa 600 km đường giao thông nội đồng, xây dựng gần 1.000 nhà văn hóa thôn, tổ nhân dân...

Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu với tinh thần vì nhân dân phục vụ. Thực hiện giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, tạo môi trường, điều kiện khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đổi mới phong cách, tác phong công tác gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, nói đi đôi với làm. Thường xuyên đối thoại giải quyết kịp thời có hiệu quả nguyện vọng chính đáng của nhân dân; chỉ đạo kịp thời giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung với nhân dân thôn Nghiệu, xã Phù Lưu (Hàm Yên).

Thực hành tư tưởng “gần dân, trọng dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có hàng nghìn lượt các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ, công chức các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy dự sinh hoạt chi bộ nơi được phân công phụ trách, theo dõi và dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư nơi cư trú, góp phần khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên xa rời nhân dân, xa rời cơ sở, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”, tỉnh thực hiện chủ trương: đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tham gia các hoạt động với nhân dân ở cơ sở theo phương châm “Ba cùng”. Trên cơ sở những công việc đều do nhân dân quyết định, lựa chọn, cán bộ, đảng viên cùng tham gia chứ không làm thay, nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong quá trình thực hiện. Đến nay, chủ trương này đã tạo thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh; có trên 6.570 lượt cán bộ, đảng viên tham các hoạt động tại 1.100 lượt thôn. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân, nâng cao kiến thức thực tiễn, kịp thời phát hiện giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở; đồng thời phát huy vai trò “làm chủ” của nhân dân, huy động sức mạnh nội lực trong dân tham gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; toàn tỉnh tiếp tục triển khai nhiều chương trình, dự án trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội như: đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; các đề án về bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn; xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên; xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... đòi hỏi tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác dân vận, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện.

Thấm nhuần tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cấp ủy, chính quyền các cấp cần phát huy dân chủ; tôn trọng, đề cao ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đoàn kết, tập hợp, cổ vũ nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị cần thường xuyên thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy về “trọng dân, gần dân”, tiên phong, đi đầu trong mọi công việc, luôn là tấm gương sáng để quần chúng noi theo. Đồng thời, phải tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để giải quyết kịp thời, hợp lòng dân; tích cực đấu tranh với những biểu hiện thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng chính đáng, thiết thực của nhân dân.

Chăm lo, bảo đảm lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao đẹp của chế độ ta. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên luôn ghi nhớ làm theo lời Bác Hồ căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra; góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Từ khóa » Gần Dân