GÂN GÀ | NGUYỄN THIẾU NHẪN

Thời Tam Quốc, Tào Tháo làm Thừa tướng. Vua nhà Hán chỉ có hư vị. Tào Tháo sai quân làm một sở hoa viên. Ngày khánh thành, Tháo tới xem không nói gì. Chỉ viết một chữ “hoạt” nơi cửa tam quan rồi ra về. Các quan đều ngơ ngác, không biết Tào Tháo có ý gì. Chỉ có quan Chủ bạ là Dương Tu nói:

-Cửa là chữ “môn”, Thừa tướng viết chữ “hoạt” vào đó ý chê cửa rộng. Bởi vì chữ “môn” thêm chữ “hoạt” vào thì thành chữ “khoát” có nghĩa là rộng. Thợ nghe lời chữa cửa hẹp lại. Tào Tháo đến thăm thấy thế ngạc nhiên hỏi:

-Ai biết được ý ta như thế?

Thợ đáp:

-Quan Chủ bạ.

Tào Tháo có ý ghét những vẫn luôn miệng khen ngợi. Một lần khác, Tào Tháo cho người nấu một vò cơm rượu lớn, niêm phong lại rồi viết vào đấy một chữ “hiệp”, sai quân đặt trước sảnh đường. Dương Tu đi ngang thấy thế, gọi quân lại bảo mở vò chia cho mỗi người một phần.

Tào Tháo hay được, truyền quân lại hỏi:

-Ai cho phép các ngươi ăn?

Quân đáp:

-Bẩm Thừa tướng, quan Chủ bạ chia cho mỗi người một phần.

Tào Tháo cho người gọi Dương Tu đến hỏi:

-Tại sao ngươi làm thế?

Dương Tu đáp:

-Chính lệnh của Thừa tướng. Chữ “hiệp” do ba chữ khác tạo thành. Trên là chữ “nhân”, giữa là chữ “nhất”, dưới là chữ “khẩu”. “Nhân nhất khẩu” nghĩa là mỗi người một phần.

Tào Tháo rất phục nhưng trong lòng không vui.

*

Tào Tháo là người đa nghi. Lúc còn làm một chức nhỏ đã giấu dao thất bảo vào trong người định hành thích Thái sư Đổng Trác ở Tiểu các. Lúc ấy Đổng Trác trong người mệt mỏi, nằm xoay vào phía trong tường. Tào Tháo tưởng Đổng Trác ngủ liền rút dao toan đâm. Không ngờ Đổng Trác vẫn còn thức đang nhìn vào tấm gương trên vách, thấy thế liền kêu lên:

-Mạnh Đức làm gì thế? (Mạnh Đức là tên chữ của Tào Tháo).

Cùng lúc ấy, con nuôi Đổng Trác là Lữ Bố bước vào. Tào Tháo lanh trí đáp:

-Bẩm Thái sư, nhà tôi có thanh đoản kiếm rất quý xin dâng lên Thái sư.

Nói rồi quỳ nâng thanh gươm dâng Đổng Trác xong thừa cơ lẻn ra ngoài bôn tẩu.

Sau này làm đến Thừa tướng, chuyên quyền vua Hán, tự biết mình có nhiều kẻ thù, nhớ lại chuyện xua, Tào Tháo sợ có người nhân lúc mình ngủ lại gần hành thích liền dặn dò quân hầu:

-Ta có tật khi ngủ hay mơ thấy giết người, các ngươi chớ lại gần.

Bữa kia Tào Tháo đang ngủ, làm rớt tấm chăn, tên quân hầu lại lượm lên đắp lại cho Tháo. Tào Tháo liền vung gươm giết chết tên hầu rồi lên giường đắp chăn ngủ lại. Khi Tháo thức dậy, giả vờ ngạc nhiên hỏi:   

-Ai đã giết kẻ hầu cận của ta?

Kẻ tả hữu cứ ngay tình kể lại mọi chuyện. Tào Tháo khóc rống, truyền quân sĩ chôn cất tử tế. Ai cũng tin là Tào Tháo nằm mơ giết người. Duy có Dương Tu là rõ tâm địa Tào Tháo, đến khi chôn cất tên hầu, Tu chỉ vào hòm cười mà rằng:

-Nào phải Thừa tướng nằm mơ, chính là nhà ngươi nằm mơ đấy thôi!

Tào Tháo nghe được lại càng ghét Dương Tu.

*

Tào Tháo có bốn con trai, nhưng Tháo thương nhất con trưởng là Tào Phi và Tào Thực. Khi được phong chức Ngụy Vương, ý chưa quyết lập chức Thế tử cho ai. Có lần để thử tài, Tào Tháo viết lệnh sai người gọi về triều gặp Tháo, nhưng đồng thời cũng sai quan canh cổng đóng cổng Nghiệp Thành không cho cả hai vào. Tào Phi không vào được Nghiệp Thành liền trở lui. Tào Thực thấy thế hỏi ý kiến Dương Tu. Tu bảo:

-Ngài vâng lệnh Ngụy Vương vào chầu, đã có biểu văn trong tay, ai ngăn cản cứ chém.

Tào Thực y lời, đến cổng Nghiệp Thành gặp quân cản lại liền chém quân canh cửa, vào gặp Tào Tháo. Tháo khen Thực là khôn ngoan. Nhưng sau đó, khi biết được Dương Tu bày mưu cho Tào Thực thì ghét lây cả Thực, ý quyết lập Tào Phi làm Thái tử.

*

Lưu Bị từ đất Thục đem quân đánh Hán Trung. Đất Hán Trung trước vốn thuộc Trương Lỗ. Tào Tháo chiếm được giao cho Tào Hồng trấn giữ chưa được bao lâu thì bị đại quân của Lưu Bị và Khổng Minh vây hãm. Tào Tháo tự mình cầm quân đi cứu. Dương Tu cũng theo giúp việc trong quân.

Khi đi ngang qua ải Đồng Quan, có tấm bia kể sự tích của nàng hiếu nữ là Tào Nga. Bài điếu trên bia rất hay. Phía sau tấm bia có phê tám chữ: “Huỳnh Quyến ấu phụ ngoại tôn Phi Bạch”. Tám chữ này của cố tướng Thái Ung, một quan đồng triều với Tào Tháo thuở trước phê vào. Tào Tháo hỏi kẻ tả hữu:

-Có ai hiểu tám chữ ấy có nghĩa gì không?

Ai nấy lặng thinh. Chỉ có Dương Tu giải được:

-Đó là ẩn ngữ. “Huỳnh quyến” là ”Nhan sắc chi tư”, một bên chữ “sắc”, một bên chữ “tư” thành ra chữ “TUYỆT”. “Ấu phụ” là “thiếu nữ”, một bên chữ “nữ”, một bên chữ “thiếu” thành ra chữ “DIỆU”. “Ngoại tôn” là “nữ chi tử”, chữ “nữ” thêm chữ “tử” thành ra chữ “HẢO”. “Phi bạch” là “Thọ ngũ tân”. Chữ “thọ” thêm chữ “tân” thành chữ “TỪ”. Tám chữ ấy ráp lại thành lời khen “Tuyệt diệu Hảo từ”.

Tào Tháo cả kinh, thầm khen: “Thật hạp ý ta”. Ai nấy đều phục Dương Tu. Tào Tháo càng thêm ghét Dương Tu.

*

Rời ải Đồng Quan, Tào Tháo tiến quân đến Nam Trịnh, thua luôn mấy trận rút về đóng tại Dương Bình Quan. Khổng Minh vây Dương Bình Quan, Tháo bỏ chạy Dương Bình Quan chạy về Tà Cốc, quân tình hoang mang. Ý Tháo muốn tấn binh, nhưng phía trước tướng Thục là Mã Siêu ngăn trở, muốn lui binh thì sợ mất mặt, quân lương ngày càng cạn. Tào Táo bữa kia mỏi mệt, sai quân nấu cháo gà. Tào Tháo đang ăn chân gà mà đầu óc còn bận suy nghĩ việc quân. Chợt có Hạ Hầu Đôn bước vào xin khẩu lệnh cho đêm nay. Tháo như người mê sảng, buột miệng nói: “Kê cân! Kê cân!” Hạ Hầu Đôn liền về trại cho ba quân khẩu hiệu “Gân gà”. Dương Tu nghe được chuyện ấy, liền truyền cho quân lính dưới quyền sửa sọạn hành trang để rút quân. Hạ Hầu Đôn nghe được, thất kinh đến hỏi Dương Tu:

-Sao ông có ý đó?

Dương Tu đáp:

-Khẩu hiệu “Gân gà” báo hiệu Đại vương muốn lui binh. Gân gà ăn vô vị nhưng bỏ thì tiếc. Nay tấn binh thì không thắng nổi, mà lui thì sợ người ta chê cười, ở lại không được, trước sau gì Đại vương cũng lui binh.

Hạ Hầu Đôn nghe nói liền về trại hạ lệnh chuẩn bị lui binh. Đêm ấy Tào Tháo mất ngủ, bèn đích thân đi tuần; đến trại Hạ Hầu Đôn thấy quân sĩ đang chuẩn bị hành trang, lấy làm lạ liền gọi Hà Hầu Đôn đến hỏi. Hạ Hầu Đôn liền kể lại lời Dương Tu.

Tào Tháo nghe nói, lòng thầm phục Dương Tu, nhưng muốn nhân cơ hội ấy giết Dương Tu, liền gọi Dương Tu đến mắng:

-Ngươi dùng lời lẽ làm xao động ba quân, tội ấy phải chém.

Nói xong truyền chém Dương Tu để an lòng quân, rồi sau đó cũng ra lệnh lui binh khỏi Tà Cốc, bỏ đất Hán Trung.

*

 Trong đời ai chắc cũng đã từng ăn gân gà. Đừng có nấu chín quá nó mất ngon. Chỉ vừa thôi, dân nhậu còn đủ răng khoái lắm. Gân gà ăn cũng được lắm chớ không phải vô vị như ông mưu sĩ của Tào Tháo là Dương Tu nói đâu. Không chừng lúc đi giải cứu Hán Trung, Tào Tháo đã khá già, nhà bếp lại nấu chân gà chưa kỹ nên mới xảy ra cái chuyện ly kỳ như trên. Cũng có thể thời Tam Quốc, Tào Tháo không có ông nha sĩ riêng giỏi nghề, nên nhai gân gà không đứt.

Hồi nhỏ, nhờ đọc Tây Du ký, Phong Thần diễn nghĩa, Tam Quốc Chí cho má tôi nghe, tôi

khám phá ra một chi tiết lịch sử rất độc đáo. Được cho theo má tôi về bên ngoại ăn đám giỗ, tôi công bố cái chi tiết lịch sử ấy ra với cậu Hai, anh của má tôi:

-Cậu Hai, ông Tào Tháo ổng ăn gân gà ở Tà Cốc là lần chót, rồi sau đó ổng nhịn luôn!

Cậu Hai tôi phì cười:

-Sao mầy biết? Bộ hồi đó có mầy rồi à?

-Chưa, nhưng mà tôi biết. Ông Tào Tháo rút ra khỏi Tà Cốc còn bị Mã Siêu với ông Ngụy Diên rượt theo bắn một mũi tên gãy hai cái rằng cửa. Sún răng rồi làm sao ăn giò gà được!

Cái khám phá vĩ đại đó làm cậu Hai và ông bà Ngoại tôi nở mày nở mặt, đem kể khắp làng trên, xóm dưới. Nhưng nếu ông Tào Tháo phải nhịn giò gà vì sún răng cửa thì tôi cũng phải nhịn giò gà, mặc dù hai cái răng cửa của tôi đã mọc lại được vài năm rồi. Ông ngoại tôi dặn:

-Học trò không được an giò gà. Ăn giò gà run tay viết chữ như gà bới.

*

Ông đầu bếp Hồ Chí Minh lượm được một cặp giò gà ở xứ người ta. Cặp giò gà Cộng sản được ông xào nấu sơ sài rồi dọn ra bắt Đảng Cộng sản Việt Nam nhai nuốt! Mấy ông Tào Tháo tân thời ở Hà Nội nhai cái gân gà xã hội chủ nghĩa mấy chục năm nay mà chưa nuốt được. Ở miền Bắc trước, rồi ở miền Nam sau, mấy ông Tào Tháo Hà Nội thử nuốt trộng cái gân gà hắc ám này, lần nào cũng bị mắc nghẹn. Hai hàm răng ông Tào Tháo đã rệu rã mà cái gân gà thì càng ngày càng có vẻ khó trôi qua cổ.

Nhìn qua bàn bên cạnh, người ta đang ăn ngon lành các món khác đầy hấp dẫn. Những người đó sáng suốt hơn, họ đã nhặt mấy cái gân gà Cộng Sản quăng vào thùng rác, và họ đang ăn những món dễ tiêu hóa, bổ dưỡng hơn. Lỡ đã nhai cái gân gà chủ nghĩa xã hội mấy chục năm rồi, bây giờ nhả ra thì sợ người ta cười. Ông phải bỏ thêm vô mồm một món khác để nhai chung. Món mới đó là món “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Không biết rồi ông Tào Tháo Hà Nội có nuốt nổi một lúc hai món này qua cổ hay không hay là sẽ mắc nghẹn trợn trừng rồi lăn ra chết.

Ông mưu sĩ Dương Tu thời xưa chết vì đã nhìn suốt được tâm tư Tào Tháo mà còn dại dột nói ra. Dám đoán Tào Tháo lui binh thì mang tội làm xáo động lòng quân, bị chém.. Ở trong nước, ai sáng suốt thấy được rằng Cộng Sản Hà Nội sẽ không bao giờ nuốt trôi cái gân gà chủ nghĩa xã hội và dám công khai nói điều ấy ra thì cũng cùng chung số phận với Dương Tu thời trước, chỉ khác tội danh trên giấy tờ mà thôi.

Có mấy ông trí thức cho rằng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ tự nó tiêu vong đi theo luật đào thải. Đúng, nhưng mà bao lâu nữa? 20 năm? 50 năm? Chúng ta sẽ nghe theo lời mấy ông trí thức này để khoanh tay ngồi chờ hay sao? Và tự do, dân chủ, nhân quyền cho người dân thì vắng bóng đã mấy chục năm rồi, phải chờ tới bao lâu nữa?

*                 

Cái hàm răng độc tài đảng trị đã rệu rã quá rồi, liệu có nhai nổi cái gân gà chủ nghĩa xã hội? Chắc là không! Nhưng chẳng lẽ cứ để ông khách lì lợm này ngồi nhá mãi cái gân gà ấy cho đến bao giờ? Chủ nhà hàng dĩ nhiên phải lôi cổ ông khách báo hại này ra ngoài, dọn dẹp bàn ghế để người khác ngồi vào. Rồi đem cái gân gà mắc toi ấy quăng vào thùng rác. Các ông trí thức nào vẫn ca tụng đổi mới, cởi mở cứ đến đấy nhặt lên mà nhai tiếp.

Nhưng mà cũng nên liệu thần hồn. Ông Tào Tháo xưa với ông Hà Nội bây giờ đa nghi không khác gì nhau. Mon men lại gần có ngày chết uổng mạng như tên lính hầu lượm chăn ngày xưa đấy! Công chả thấy đâu, chỉ thấy chết.

LÃO MÓC

Đánh giá:

Chia sẻ:

  • Facebook
  • Twitter
  • In
  • Email
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Sự Tích Gân Gà