Gần Mặt... Cách Lòng

Nút Home và ranh giới thực - ảo

Phóng to
Ảnh: Đức Trí

Tôi đi dự đám cưới, bữa tiệc được chuẩn bị chu đáo, sang trọng từ khâu tiếp khách, lễ nghi cho đến cách chọn thực đơn, loại nhạc biểu diễn trong suốt bữa tiệc, chứng tỏ bạn rất trân trọng khách mời.

Vậy mà suốt buổi tiệc, nhìn quanh mình đâu đâu tôi cũng thấy có người chăm chú dán mắt vào màn hình điện thoại, mà khỏi nói tôi cũng biết họ đang xem gì qua cách họ túm tụm thành từng nhóm vừa chỉ trỏ vào chiếc điện thoại vừa bình luận, nói cười rôm rả.

Cái gì là trung tâm?

Trẻ trung có (số này chiếm đông hơn cả), tầm tầm cũng có. Nói đâu xa, ngay trong bàn tôi cũng thế, mọi người xúm lại chụp ảnh rồi “post” lên Facebook ngay tức thì “cho nó “hot”!”, một người bảo vậy.

Để không quá xa cách với mọi người cũng như không muốn bị gán cho mấy chữ “lạc hậu, quê một cục”, tôi cũng để mình bị cuốn vào những trò vui ấy: chụp hình cùng mọi người với các điệu bộ nghịch ngợm để bạn bè “post” lên Facebook. Cô dâu chú rể đến chào bàn, mọi người cũng chẳng hỏi han gì chuyện đám cưới mà chỉ tranh thủ chụp ảnh cùng cô dâu chú rể để “post” lên Facebook.

Ngồi ăn tiệc mà điện thoại báo tít tít liên tục, mở ra xem thì thấy mọi người đang ào ạt vô “lai”, “còm” mấy tấm ảnh vừa đưa lên, không ít “lai”, “còm” từ những người đang ngồi chung trong buổi tiệc, chỉ cách chúng tôi vài bàn hoặc thậm chí là người... ngồi chung bàn!

Chẳng ai để ý xem bố mẹ hai bên phát biểu những gì, không ai mặn mà xem các nghi thức trong buổi tiệc tiến hành ra sao, mọi người say sưa chụp ảnh rồi bàn tán sôi nổi những câu chuyện xoay quanh chủ đề... Facebook!

Một vài lần, tôi được bạn bè rủ họp lớp hoặc mời đi uống cà phê sau một thời gian dài không gặp. Sau phần thăm hỏi xã giao, không khí có phần lắng xuống vì phần lớn mọi người lại chúi mũi vào chiếc điện thoại. Có lúc thấy lạc lõng vì không khí bỗng dưng tĩnh lặng, tôi tìm cách khuấy động bằng cách hỏi han mọi người này nọ nhưng chẳng bao lâu sau mọi việc lại đâu vào đấy: ai nấy đều “tập trung chuyên môn” vào chiếc điện thoại của mình.

Chợt thấy chúng tôi đang rất gần nhau nhưng thật ra lại rất xa. Sao lại chọn cách giao tiếp với nhau trên mạng ảo trong khi ngoài đời thực chúng tôi chỉ cách nhau có vài... gang tay? Những cuộc gặp gỡ trực tiếp thế này liệu có cần thiết nữa không khi mà đang ngồi cạnh nhau, người ta vẫn chọn cách trao đổi với nhau trên mạng?

Bỏ gần tìm xa?

Thật ra, tình trạng những người trong gia đình đang dần xa cách nhau, mối liên hệ giữa các thành viên trong nhà đang ngày càng lỏng lẻo chẳng còn gì xa lạ, nhiều đứa trẻ mải chơi những thiết bị công nghệ đến độ không nghe thấy bố mẹ đang lặp đi lặp lại một câu hỏi đợi chúng trả lời.

Có những người vợ, người chồng thản nhiên bỏ mặc người kia với những tâm tư đang cần giải tỏa vì người còn lại đang đắm chìm bên chiếc máy tính bảng hay chiếc điện thoại thông minh mà chẳng mảy may áy náy. Dù sao cũng có thể châm chước cho cách ứng xử trong những không gian riêng tư như thế khi môi trường gia đình không đòi hỏi sự kiêng kẽ, lễ nghi hay những phép tắc lịch sự tối thiểu trong giao tiếp.

Đằng này, những tưởng gặp nhau trên mạng là không cần thiết nên mới có những cuộc hẹn hò “face-to-face” (đối mặt), nhưng quả thật cảnh tượng mỗi người cắm mặt vào chiếc điện thoại của mình mà quên bẵng người đối diện trong quán cà phê hay nhà hàng, quán ăn nào đó đã làm tôi thất vọng kinh khủng.

Đôi khi tôi chủ động xin phép về sớm vì không thể làm giống như những người bạn của mình: rút điện thoại ra, hí hoáy bấm bấm, cười cười với những câu chữ trên Facebook trong khi chúng tôi có thể trao đổi trực tiếp với nhau bằng lời với những biểu cảm trực quan thay vì những biểu tượng vô hồn trên mạng!

Ai đó bảo rằng chức năng lớn nhất, nhân văn nhất của mạng xã hội là đưa mọi người xích lại gần nhau hơn, nhưng tôi cho rằng sự nối kết đó hoàn toàn “vô thực”, trong khi lẽ ra không cần đến mạng xã hội, con người ta đã có thể gần nhau rất thực ở ngoài đời!

Từ khóa » Gần Mặt Cách Lòng đọc Hiểu