Gánh Nặng Vay Nợ Của Những "ông Vua" Tiền Mặt - Dân Việt

Thống kê từ Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đang niêm yết (chưa bao gồm nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vốn là những ngành nghề đặc thù “kinh doanh tiền” có số dư tiền và dòng tiền luân chuyển cao) đến cuối năm 2018 cho thấy, có không ít doanh nghiệp đang sở hữu các khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi lên đến hàng nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng tài sản.

“Vua” tiền mặt và nhận lãi khủng

Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) tiếp tục giữ vị trí “vua tiền” trên sàn chứng khoán. Tính đến cuối năm 2018, công ty có lượng tiền các loại lên đến 28.308 tỷ đồng, tăng 1.229 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương 45,2% tổng tài sản. Số dư tiền khổng lồ đem về cho GAS 1.444 tỷ đồng lãi tiền gửi, đóng góp đáng kể vào 12.355 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (LNST) cả năm 2018.

Đứng thứ hai là Tổng công ty cổ phần Cảng hàng không (ACV) với 24.370 tỷ đồng. Trong đó có 610 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và hơn 23.000 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn. Với số tiền đem gửi trong “nhà băng”, AVC thu được về cho mình xấp xỉ 1.300 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2018.

Vị trí thứ ba thuộc về Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với 15.508 tỷ đồng. Mặc dù lượng tiền gửi ngân hàng của VIC không lớn bằng GAS và ACV song mức lãi thu về của tập đoàn này lại có phần trội hơn với gần 2.000 tỷ đồng trong năm 2018.

img

Do tính chất trọng yếu của ngành dầu khí, nhiều công ty thành viên khác của Tập đoàn Dầu khí PVN cũng đều nắm giữ lượng tiền mặt rất lớn như PTSC (PVS): 8.000 tỷ; PV Oil 7.400 tỷ; BSR 5.800 tỷ... Doanh nghiệp lớn nhất ngành xăng dầu Petrolimex cũng có trong tay gần 15.000 tỷ đồng tiền mặt.

Tập đoàn địa ốc Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn nắm 12.422 tỷ đồng nhỉnh hơn đối chút so với mức tiền mặt tại doanh nghiệp nắm thị phần số một về bia tại Việt Nam Sabeco (SAB). Sabeco tính đến cuối năm 2018 đang có hơn 12.000 tỷ đồng số dư tiền mặt, tăng 1.183 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương 53,7% tổng tài sản. Trong năm đầu về tay ông chủ mới người Thái, hoạt động kinh doanh của SAB tiếp tục đem về 4.543 tỷ đồng lợi nhuận.

Bốn vị trí tiếp theo trong danh sách lần lượt là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) với 10.634 tỷ đồng, CTCP Sữa Vinamilk (VNM) với 10.196 tỷ đồng, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM -mã: VEA) nắm 9.991 tỷ đồng và CTCP FPT (FPT) nắm 9.495 tỷ đồng.

Thông kê cũng cho thấy, có tới 7 trong 10 đại gia này đều đẩy mạnh nắm giữ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn với tỷ lệ trên 50% trong tổng số tiền mặt, nhằm kiếm được khoản sinh lời tạm thời trong lúc chờ đợi những cơ hội đầu tư tốt hơn.

Mạnh tay chi cổ tức trong năm 2018

Trong năm 2018, thì 9 trong 10 đại gia này phân phối lợi nhuận cho cổ đông theo hình thức là chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ thấp nhất là 2,5% đến tỷ lệ cao nhất là 40%.

Dẫn đầu về chi trả cổ tức không ai khác chính là quán quân tiền mặt GAS với mức chi trả lên tới gần 7.900 tỷ đồng.

img

“Ông lớn” ngành sữa VNM đứng vị trí thứ 2 với kế hoạch chi trả cho cổ đông đến 50% lợi nhuận sau thuế của năm 2017, như vậy ước tính con số là hơn 5.000 tỷ đồng. Và rồi giữ đúng lời hứa, trong năm 2018, vào tháng 9 và tháng 12 lần lượt VNM đã chi trả cổ tức đợt 1 với tỷ lệ là 20%, cổ tức đợt 2 với tỷ lệ là 10%. Ước tính, “ông lớn” ngành sữa cũng đã chi ra trên 7.000 tỷ cổ tức trong năm 2018.

Trường hợp của GVR vừa mới lên sàn UPCoM tháng 3.2018 nên chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ khá khiêm tốn 2,5%, tương đương với việc chi ra gần 1.000 tỷ đồng.

Những vị trí tiếp theo là Sabeco và PLX với hơn 3.000 tỷ cổ tức.

Riêng VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chi trả cổ tức sẽ được phân phối theo phương thức thực hiện quyền theo tỷ lệ 1.000:200. Trong đó, VIC còn phân đôi tỷ lệ 1.000:100 tương ứng với giá trị cổ tức hơn 2.600 tỷ đồng lấy từ lợi nhuận sau thuế lũy kế đến năm 2017, phần tỷ lệ còn lại 1.000:100 với tổng giá trị cổ tức hơn 2.900 tỷ đồng lấy từ lợi nhuận sau thuế lũy kế đến hết quý 1.2018.

Vua tiền mặt cũng là vua vay nợ

Mặc dù có lượng tiền mặt “khủng” nhưng không ít doanh nghiệp trong nhóm cũng đang ghi nhận những khoản vay lớn.

Dù có trên 20.000 tỷ đồng tiền mặt nhưng GAS cũng đang vay gần 5.000 tỷ còn ACV vay hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là vay dài hạn, đặc thù của doanh nghiệp này là phải đầu tư xây dựng cơ bản lớn, công ty cũng có kế hoạch đầu tư mạnh tay vào các cảng hàng không từ nay đến năm 2025.

Trái ngược, Petrolimex vay tổng cộng hơn 14.700 tỷ đồng, lại đa số là vay ngắn hạn; OIL là một doanh nghiệp cùng ngành do đó cơ cấu gần như tương đương tuy nhiên giá trị nợ vay nhỏ hơn nhiều do quy mô kém hơn.

Cũng đang vay nợ lớn là Novaland của ông Bùi Thành Nhơn với 27.908 tỷ đồng.

Trái lại, một số doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt khủng và đi vay ít. Điển hình như VEA chỉ vay 500 tỷ đồng, Sabeco vay 611 tỷ đồng, Vinamilk vay 1.276 tỷ đồng. Trong đó, VEA là doanh nghiệp có phần đặc biệt hơn so với các công ty khác, lợi nhuận của công VEA thậm chí còn cao hơn cả doanh thu do nhận cổ tức từ các liên doanh với Honda Việt Nam, Ford và Toyota Việt Nam…

img

Nếu xét về mức độ chênh lệch giữa tiền gửi và tiền vay, GAS có mức chênh lớn nhất trên 23,4 nghìn tỷ. Vị trí á quân chính là doanh nghiệp của tỷ phú người Thái Sabeco với hơn 11 nghìn tỷ. VEAM và ACV có mức chênh lệch giao động từ 9,2 đến 9,5 nghìn tỷ đồng. Ông lớn ngành sữa VNM có lượng tiền mặt lớn nhưng vay nợ ít cũng có mức chênh lên tới 8,9 nghìn tỷ đồng.

Từ khóa » Vingroup ám ảnh Vay Nợ