Gánh Xiếc ở Sài Gòn Biểu Diễn Online, Gắng "hồi Sinh" Sau đại Dịch
Đếm ngược thời gian, còn hơn 24 giờ nữa buổi ghi hình "xiếc online" đầu tiên sẽ được bấm máy, hơn 70 thành viên đoàn xiếc thuộc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (TPHCM) hăng say tập luyện. Những gương mặt háo hức khi được trở lại sân khấu sau hơn nửa năm rạp xiếc công viên Gia Định (quận Gò Vấp) đóng cửa do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Kiên Quang và Thành tất bật tập luyện để chuẩn bị cho buổi diễn đầu tiên ở rạp xiếc công viên Gia Định.
"Ở nhà mấy tháng có vẻ em tăng cân. Hơn 6 tháng nay chỉ tập thể lực ở nhà, không được lên sân khấu nên có phần đuối sức anh ạ. Em tranh thủ tập kỹ hơn chút, ngày mai ghi hình rồi", Kiên Quang thì thầm với Thành, người bạn diễn của mình sau khi vừa xong bài tập trồng cây chuối trên ghế.
"Lửa nghề" sau bức màn nhung
Từ hồi tháng 4, khi ánh đèn sân khấu tại rạp xiếc Gia Định (quận Gò Vấp) ngừng sáng, những hàng ghế vắng bóng khán giả, rạp xiếc đóng cửa im lìm vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Sau nửa năm "tắt đèn", rạp xiếc Gia Định đã le lói ánh đèn màu, tiếng cười nói rôm rả của anh chị em nghệ sĩ len lỏi phía sau bức màn nhung khiến rạp xiếc như "hồi sinh".
Ông Nguyễn Phi Sơn - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, người đã theo nghề xiếc hơn nửa đời người, đi qua không ít thăng trầm cùng với nghề, nhưng chưa từng nghĩ xiếc Việt nói chung và đoàn xiếc Phương Nam nói riêng lại có thời gian khó khăn như hiện tại.
Nói về quãng thời gian vừa qua, ông Sơn trầm ngâm: "Khó trăm bề ấy chứ. Cái nghề này nó giống như là văn ôn, võ luyện vậy, nếu mình nghỉ một thời gian ngắn không tập luyện thì cơ bắp của mình không còn nhanh nhạy nữa. Khi tập luyện trở lại, họ không thể tự tập một mình, mà phải có dụng cụ, phải có bạn diễn hỗ trợ. Khi họ quay trở lại tập luyện lại với cường độ cao thì sẽ có không ít nguy hiểm".
"Thật may trong những ngày tập trở lại sau dịch, mọi người vẫn cháy hết mình với đam mê, không ai gặp vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe. Vậy là tôi vui rồi", ông Sơn vui vẻ.
"Tập trung, tập trung nào mọi người. Đến giờ tập rồi, mọi người nhớ đeo khẩu trang đầy đủ nhé", ông Sơn nhắc nhở cả đoàn trở lại tập luyện sau giờ giải lao trưa, rồi lặng lẽ ngồi một góc ở sân khấu để quan sát những đồng nghiệp, những người em của mình hăng say tập luyện sau nhiều tháng không thể lên sân khấu.
Đứng cạnh ông Sơn là Hiển Phước, một thành viên lâu năm của đoàn xiếc, nhiều tháng trôi qua hai người mới gặp nhau trên sân khấu.
"Đạo cụ có vấn đề gì không? Nếu có trục trặc thì báo để chú cho sửa ngay nhé. Mai diễn rồi", ông Sơn dặn dò Phước trước khi bắt đầu tập.
Kiểm tra lại dây cáp, giày trượt lần cuối, Hiển Phước gọi người bạn diễn của mình là Thanh Hoa ra để tập tiết mục đu dây.
Phước kể, anh và chị Hoa đã đồng hành cùng nhau từ trong rạp xiếc cho tới những ngày biểu diễn tình nguyện ở các bệnh viện dã chiến trong suốt 3 tháng dịch căng thẳng.
"Sau khi rạp xiếc ngừng hoạt động, mình không chịu được cảnh chôn chân ở nhà, còn trẻ, còn khỏe nên quyết định tham gia chống dịch, cùng chị Hoa tham gia hỗ trợ và biểu diễn xiếc ở các bệnh viện dã chiến. Vừa ủng hộ tinh thần cho đội ngũ tuyến đầu, vừa vơi bớt nỗi nhớ nghề", Hiển Phước nói.
Đang loay hoay tập luyện một mình trên chiếc ghế phía sau sân khấu, Nguyễn Kiên Quang (28 tuổi, diễn viên xiếc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) tỏ ra hơi loạng choạng vì có vài động tác không còn mượt mà như trước.
"Đưa tay đây anh chỉ lại cho, nắm chắc vào nhé". Tấn Thành (30 tuổi) nắm chặt tay của Quang hất mạnh một cái, người bạn diễn của mình đã thăng bằng trên tay Thành ở trên cao. Có chút loạng choạng trong lần đầu tiên sau khi hai anh em tập trở lại sau nhiều tháng không gặp nhau.
Hỏi về quãng thời gian khó khăn do đại dịch Kiên Quang cho biết, sau khi rạp xiếc đóng cửa, anh phải ở nhà nhiều tháng liền, thu nhập không ổn định, cũng không thể kiếm công việc khác. Chỉ biết chờ đợi ngày được trở lại sân khấu.
"Cố gắng trụ lại với nghề cũng một phần là vì "cơm áo gạo tiền". Vì cho dù đam mê tới đâu nhưng không đủ sống thì cũng không trụ nổi. Nhưng tuyệt nhiên, tôi chưa từng nghĩ tới việc bỏ nghề. Nó như ngấm vào máu rồi, diễn lâu thành quen, giờ không được lên sân khấu, không được diễn cho khán giả xem, lại thấy nhớ", Quang chia sẻ.
"Mọi người tranh thủ tập thêm chút nữa rồi về nghỉ ngơi sớm, ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu quay vào buổi tối", ông Sơn - Phó Giám đốc Nhà hát Phương Nam nói to để cả đoàn nắm lịch diễn.
Buổi diễn "xiếc online" đầu tiên
17h30, chỉ còn chưa đầy một tiếng nữa là chương trình xiếc online được bấm máy, ông Sơn đứng trên hàng ghế khán giả lướt mắt nhìn một vòng quanh sân khấu để kiểm tra lại mọi việc một lần nữa.
"Mọi người chuẩn bị trang phục, 30 phút nữa sẽ chạy chương trình. Nhờ mấy anh camera chuẩn bị máy giúp nhé", người "tổng quản" cầm chiếc micro thông báo cho toàn đoàn. Phía sau tấm rèm sân khấu, bắt đầu rộn ràng tiếng cười nói, hồ hởi.
Bên trong phòng thay đồ, Tấn Thành đang lặt qua lặt lại mấy cái túi xách để tìm bộ đồ trang điểm, một tay cầm hộp phấn rồi nhìn vào gương tự trang điểm cho mình. Động tác thuần thục và nhanh gọn như thể đó là công việc hàng ngày của Thành.
"Thay đồ đi mọi người, còn ít phút nữa là diễn rồi", Thành giục các đồng nghiệp khác.
Không khí râm ran lan tỏa khắp phía sau sân khấu, mỗi người một góc, mỗi việc khác nhau. Người thay đồ, người trang điểm, sửa trang phục... Bên ngoài, tiếng nhạc hiệu bất đầu vang lên khiến mọi càng hối hả hơn.
"Diễn rồi, diễn rồi kìa! Nhanh lên đi...", tiếng thủ thỉ của các nghệ sĩ bắt đầu truyền tai nhau sau tấm rèm.
Tranh thủ còn ít phút nữa là lên diễn, Thành và Quang vội đi ra chỗ bàn thờ phía sau sân khấu để thắp hương tổ nghiệp, cầu may mắn và bình an cho mình và các đồng nghiệp.
Theo ông Nguyễn Phi Sơn - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, trước đây rạp xiếc Gia Định chưa từng diễn xiếc online bao giờ. Vì diễn online khán giả sẽ không còn hứng thú đến rạp nữa.
"Làm chương trình xiếc online không phải vì lợi nhuận, mà là để tri ân lực lượng chống dịch tuyến đầu. Chương trình đã chọn những bài hát, tiết mục có ý nghĩa để động viên, cổ vũ tinh thần cho các y bác sĩ vì họ đã hết mình vì nhân dân trong nhiều tháng qua", ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, sau khi hết nới lỏng giãn cách, rạp xiếc vẫn chưa đón khách tới xem trực tiếp, nỗi nhớ và sự háo hức để xem xiếc của người dân đã dồn nén lâu ngày nên chúng tôi quyết định thực hiện chương trình online để phục vụ khán giả.
"Cắt, dừng nhạc đi, làm lại đoạn này nhé, có vẻ chưa ổn lắm đâu", ông Sơn nói nghiêm nghị khi thấy tiết mục có vài sai sót.
Phía sau cánh gà sân khấu, còn vài phân đoạn nữa là tới phần biểu diễn của mình, nghệ sĩ xiếc Tống Xuân Tiến (42 tuổi) tranh thủ "ôn bài" cho bạn diễn của mình là hai chú chó.
"Đã lâu rồi mới cho chúng nó biểu diễn lại, sợ chúng quên bài nên phải tập lại kỹ một chút", nghệ sĩ Xuân Tiến vui vẻ.
"Mọi người ơi, sắp tới lượt mình rồi, ra chuẩn bị đi. Thắp nến lên đi, chuẩn bị ra rồi đấy".
Trà My nói nhỏ với mấy người đồng nghiệp đứng sau sân khấu. Cầm sẵn đạo cụ trên tay để chờ ra diễn.
Không khí trở nên khá căng thẳng, bởi lẽ đã quá lâu rồi họ mới lại được trở lại sân khấu, lại được sống với đam mê của họ, ai cũng tập trung hết tinh thần vào tiết mục của mình.
Bên trên những hàng ghế khán giả, không còn cảnh đông đúc, chật kín chỗ ngồi như trước đây. Tiếng vỗ tay cũng thưa thớt, vì chỉ còn lại đôi ba đồng nghiệp ngồi xem và cổ vũ cho nhau.
Bức màn nhung lần lượt được mở ra, rồi lại đóng vào. Bên ngoài, chỉ có tiếng nhạc và những tràng pháo tay tuy thưa thớt nhưng luôn vang lên đều đặn mỗi khi xong một tiết mục.
"Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi...
Cùng đoàn kết đánh bay Corona
Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi
Cùng đoàn kết đánh bay Corona..."
22h khuya, những câu hát cuối cùng vang lên trên sân khấu, cũng là lúc những nụ cười thỏa mãn và có chút nhẹ nhõm của hơn 70 con người từ sau tấm rèm tới bên ngoài sân khấu được nhìn thấy.
"Vậy là xong rồi. Cuối cùng cũng hoàn thành".
Chú Sơn nói nhỏ như chỉ để một mình chú nghe, nhưng đủ lớn để tôi đứng bên cạnh cũng nghe thấy.
Mọi người dần lui về hậu trường, mỗi người một việc, rồi tiếng cười nói dần ít đi phía sau sân khấu chỉ còn lác đác tiếng vài người chào nhau.
Chú Sơn và Hiển Phước vẫn cố gắng nán lại sân khấu thêm chốc lát. Không nói gì nhiều mà chỉ nhìn nhau rồi đập tay như ăn mừng một chiến thắng. Ánh đèn màu sân khấu dần mờ đi, rồi tắt hẳn.
Từ khóa » Xiếc Hcm
-
Rạp Xiếc TP. Hồ Chí Minh - Home | Facebook
-
Lịch Biểu Diễn - NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT PHƯƠNG NAM
-
TP HCM Ra Mắt Khu Vui Chơi Trải Nghiệm Nghệ Thuật Múa Rối – Xiếc
-
Nghệ Sĩ Xiếc ở TPHCM Sau Dịch COVID-19: "Nhớ Sân Khấu đến Mất ...
-
TPHCM Có Thêm 2 điểm Diễn Xiếc, Rối
-
TPHCM Có Khu Vui Chơi Trải Nghiệm Múa Rối - Xiếc
-
Xiếc TP.HCM Tái Ngộ Khán Giả Hà Nội Sau 15 Năm - Vietnamnet
-
Đoàn Xiếc TPHCM - Báo Tuổi Trẻ
-
Xiếc, Múa Rối TP.HCM Sống Lay Lắt - Báo Thanh Niên
-
Vé Chương Trình Xiếc Teh Dar Tại Nhà Hát Thành Phố Hồ Chí Minh
-
Nguyên Phó Giám đốc đoàn Xiếc TPHCM Qua đời Do Mắc COVID-19 ...
-
Xem Xiếc Thú ở đâu Tphcm
-
Chương Trình Biểu Diễn Xiếc Tại Nhà Hát Bến Thành