Gạo Lứt Là Gì? - Dùng Gạo Lứt Đúng Cách

Bạn đã nghe tới gạo  lứt và những công dụng tuyệt vời của nó chưa? Dù đã nghe qua hay chưa  biết gì thì hãy cùng Thật Là Ngon tìm hiểu thực hư về loại gạo này nhé!

Thời gian gần đây, mình có xem được một clip nói về gạo lứt. Khi đọc comments phát hiện có rất nhiều bình luận trái chiều. Các quan điểm chủ yếu chia làm hai phe: một bên thần thánh hoá công dụng của gạo lứt. Phía còn lại thì phủ nhận loại gạo này, có người còn tẩy chay nó.

Vậy, gạo lứt là gì mà lại hot đến thế? Cách hiểu đúng khi nói về giá trị dinh dưỡng gạo lứt mang lại? Nên ăn gạo lứt thế nào để vừa ngon miệng mà vẫn tốt cho sức khoẻ?

Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu và chia sẻ về chủ đề này nhé!

Gạo lứt là gì?

Lúc đầu mình nghĩ gạo lứt là một giống gạo mới, nên màu sắc khác với gạo trắng. Thực tế là: gạo lứt cũng có nguồn gốc giống gạo trắng, đều được xay từ hạt lúa.

Như các bạn đã biết, cấu tạo của hạt lúa gồm 4 phần: lớp vỏ trấu, lớp cám, lớp phôi (mầm) và nội nhũ.

2

Trong quá trình xay lúa, nếu chỉ tách bỏ lớp vỏ trấu và giữ lại các thành phần còn lại, chúng ta sẽ thu được gạo lứt. Tiếp tục đem gạo lứt đi xay, quá trình trà xát sẽ loại bỏ đi lớp cám và lớp phôi, qua đó thu được hạt gạo trắng (phần nội nhũ) mà ta thường sử dụng.

3

Từ sự khác biệt trong quá trình xay xát dẫn đến hai loại gạo này sẽ có những giá trị dinh dưỡng khác nhau.

Có bao nhiêu loại gạo lứt?

5

Tuỳ vào cách phân loại sẽ có nhiều loại gạo lứt khác nhau.

Các bạn có dựa vào màu sắc hoặc chất gạo để phân biệt.

Phân loại theo màu sắc

Với cách phân loại này các bạn sẽ thấy có 3 loại gạo lứt: màu trắng, màu đỏ và màu đen.

Gạo lứt trắng

Gạo có màu trắng ngà vì vẫn còn lớp cám. Chúng có vị gần giống với gạo trắng nhất và cũng là loại gạo được trồng nhiều nhất.

6

Gạo lứt đỏ

Gạo có màu đỏ và loại gạo này khi được nấu chín có vị ngọt, dẻo hơn gạo lứt trắng và gạo lứt đen. Loại gạo này thường được người ăn chay và người mắc bệnh tiểu đường sử dụng. Gạo lứt đỏ được ăn cùng với muối mè để các axit có lợi trong gạo tiết ra nhiều hơn, tạo cảm giác no lâu hơn.

7

Bạn cần lưu ý khi mua gạo lứt đỏ là: chúng rất giống với gạo huyết rồng. Tuy cả hai loại gạo đều có màu đỏ nâu giống nhau, nhưng giá trị dinh dưỡng lại hoàn toàn trái ngược.

Gạo lứt đỏ có chỉ số đường huyết thấp, phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường. Còn gạo huyết rồng lại có chỉ số đường huyết cao, phù hợp để bồi bổ sức khoẻ cho những người ốm.

8

Một tip đơn giản để các bạn có thể phân biệt hai loại gạo trên, hãy cắn đôi hạt gạo ra nhé!

Với gạo lứt đỏ, phẫn lõi bên trong sẽ có màu trắng. Còn gạo huyết rồng thì vẫn có màu đỏ các bạn ạ.

Gạo lứt đen

Thực tế là gạo lứt đen có màu tím than chứ không phải màu đen đâu các bạn ạ! Màu gạo lứt đen rất đặc trưng, khó nhầm lẫn với các loại gạo khác. Nhờ chứa nhiều chất xơ nhất trong họ gạo lứt, chúng thường được sử dụng cho người có nhu cầu giảm cân.

9

Phân loại theo chất gạo

Giống với gạo trắng, gạo lứt cũng có gạo nếp và tẻ.

Gạo lứt tẻ

Chính là loại gạo tẻ chúng ta thường ăn. Do có lớp cám và phôi nên màu gạo lứt sẽ hơi ngà giống màu sữa một chút và ban đầu, khi ăn chưa quen bạn sẽ thấy hơi cứng, ráp hơn gạo thường.

Qua quá trình nấu, các chất ở lớp cám sẽ giải phóng nhiều enzim hơn, nên nhai kĩ gạo lứt, bạn sẽ thấy chúng có vị ngọt hơn.

Gạo lứt tẻ được dùng trong nhiều món ăn như: cơm gạo lứt muối mè, sữa gạo lứt, gạo lứt rang, bánh cuốn gạo lứt,...

Gạo lứt nếp

Ngày tết chiết sâu bọ mùng 5/5, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã nếm thử món nếp cái hoa vàng. Các bạn có bất ngờ không, khi món đặc sản đó làm từ gạo lứt nếp? Mùi vị của chúng thật say đắm lòng người!

Giống như gạo  nếp thông thường, hạt gạo lứt nếp cũng tròn hơn, ăn dẻo hơn. Bạn có thể dùng gạo lứt nếp để nấu xôi như gạo nếp thông thường.

Bí kíp chọn gạo lứt ngon

10

Dựa vào các loại gạo lứt và công dụng của mỗi loại, chắc hẳn các bạn đã biết mình phù hợp với loại gạo lứt nào rồi đúng không? Sau đây mình sẽ giới thiệu các bạn vài tips để chọn được gạo lứt chất lượng nha.

Đầu tiên, các bạn nên chọn gạo còn nguyên vẹn, không bị vỡ nát trong quá trình xay xát. Bạn chú ý không nên mua gạo có mối, mọt vì đó là gạo đã để lâu, lượng dinh dưỡng đã bị giảm đáng kể.

Bạn dùng tay cảm nhận xem hạt gạo có chắc không, sau khi chạm vào gạo mà trên tay dính quá nhiều cám thì nên tránh mua loại gạo đó.

Cuối cùng, gạo lứt mới có mùi thơm nhẹ. Nếu trong thời gian phơi hoặc vận chuyển gạo bị dính nước mưa sẽ có mùi hôi, khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng món ăn.

Với cách kiểm tra trên, chắc chắn các bạn sẽ chọn được loại gạo lứt mới, với chất lượng tốt nhất thị trường luôn.

Các lợi ích khi sử dụng gạo lứt

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng tuy lớp cám và phôi chỉ chiếm 10% khối lượng, nhưng lại chứa tới 65% các chất dinh dưỡng giá trị nhất của hạt lúa. Vì vậy mà gạo lứt sẽ đem lại cho bạn những lợi ích tốt hơn hơn gạo trắng.

Có ích cho hệ tiêu hóa và tim mạch

Trong 100 g gạo lứt có từ 1,2-1,8 g chất xơ, nhiều hơn từ 1-1,3 g so với gạo trắng. Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm cholesterol xấu trong máu, duy trì hệ tim mạch khoẻ mạnh và bổ sung nhiều lợi khuẩn giúp hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn.

Ngoài ra, lượng chất xơ này còn giúp chúng ta có cảm giác no nhanh hơn, hạn chế việc thèm ăn. Đúng là một công cụ giảm cân hiệu quả phải không các bạn? 

11

Giàu chất magie

Lượng magie trong gạo lứt cũng gấp nhiều lần gạo trắng. Trong ½ bát cơm gạo lứt, có thể cung cấp tới 11% nhu cầu magie của cơ thể.

Magie giúp hệ cơ xương phát triển và tái tạo các tế bào mới. Bổ sung đủ magie mỗi ngày cũng giúp phòng ngừa bệnh máu khó đông rất nguy hiểm, đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong thời gian gần đây.

Ngăn ngừa rủi ro bệnh ung thư

Trong gạo lứt còn chứa selen, một chất không thể thiếu trong quá trình sản sinh các hormone tuyến giáp. Hàm lượng selenium cao giúp bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do nguy hiểm, chống oxy hoá và ung thư.

Kiểm soát lượng đường trong máu

Những người bị tiểu đường sẽ rất phấn khởi nếu biết rằng: nếu họ sử dụng mỗi ngày nửa bát gạo lứt có thể làm giảm 60% nguy cơ phát bệnh.

Các chất có trong gạo lứt sẽ kích thích cơ thể tiết insulin, giúp ổn định lượng đường trong máu hỗ trợ tích cực cho các bệnh nhân trong quá trình điều trị bệnh,…

Gạo lứt hỗ trợ giảm cân

Gạo lứt là một trong những thành phần thường thấy trong thực đơn ăn kiêng hay ăn Eat Clean. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sử dụng gạo lứt có thể giúp giảm cân, và số đo vòng eo ở những người quá cân và béo phì.

Vị vâỵ nếu đang có ý định giảm cân hay theo đuổi Eat Clean, bạn có thể sử dụng gạo lứt thay thế gạo trắng trong một số bữa ăn.

Bạn có thể dùng gạo lứt hàng ngày để giảm cân nhưng không nên duy trì ăn như vậy trong một thời gian dài. Tại sao thì cùng xem tiếp nhé!

Có nên thay thế hoàn toàn gạo trắng bằng gạo lứt hay không?

Các bạn có bao giờ đặt ra câu hỏi: Ăn gạo lứt có nhiều lợi ích thế, tại sao chúng ta lại không loại bỏ gạo trắng và thay thế hoàn toàn bằng gạo lứt nhỉ?

Câu trả lời là: tuy cung cấp lượng dưỡng chất vượt trội, nhưng cái gì quá cũng không tốt các bạn ạ.

Do chứa nhiều chất sơ nên khi bạn nhai không kĩ hoặc ăn gạo lứt quá thường xuyên dễ dẫn đến chứng khó tiêu.

Tuy gạo lứt có nhiều vitamin và các chất dinh dưỡng hơn gạo trắng nhưng trong phần cám gạo lứt có chứa nhiều asen. Ăn gạo lứt hay các sản phẩm nguyên cám hàng ngày trong thời gian dài sẽ dẫn đến tích tụ nhiều asen, có thể gây hại cho cơ thể, đặc biệt là các sản phụ và người có bệnh mãn tính.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng: người khoẻ mạnh nên sử dụng gạo lứt một vài bữa mỗi tuần chứ không nên ăn hàng ngày.

Một cách hợp lý hơn để bổ sung thêm các dưỡng chất từ gạo lứt hàng ngày thì bạn có thể thêm 1 ít gạo lứt náu cùng gạo trắng để ăn.

Thường mình hay thêm 1-2 thìa canh gạo lứt với một cốc gạo trắng khi nấu cơm. Cơm nấu lên thơm, dẻo và dễ ăn hơn nhiều so với cơm nấu bằng gạo lứt hoàn toàn.

Với những người mới ốm dậy, trẻ em, người cao tuổi và người đang trong thai kì nên hạn chế sử dụng, hoặc chỉ sử dụng dưới một lần mỗi tuần.

Tuyệt chiêu bảo quản gạo lứt

Hàm lượng dinh dưỡng cao khiến gạo lứt trở thành món khoái khẩu của nhiều loại côn trùng như: rán, mối, mọt,… thêm vào đó, khí hậu nước ta nóng ẩm quanh năm, cũng dễ dẫn đến việc gạo bị ẩm, mốc. Vì vậy, chúng ta cần có những tuyệt chiêu bảo quản gạo lứt, giữ nguyên hương vị và giá trị dinh dưỡng của chúng.

12

Bạn có thể bảo quản gạo lứt bằng những gia vị thân thuộc trong căn bếp như: tỏi, muối trắng.

Chúng có tác dụng đáng kể trong việc xua đuổi côn trùng khỏi hũ gạo của bạn, tuy nhiên chúng có thể để lại chút mùi hương tỏi trong gạo nha.

Bạn nào không thể ăn tỏi giống mình, có thể cân nhắc đến cách cho gạo lứt vào hộp/ túi ni lông buộc kín và cất trong ngăn mát tủ lạnh. Bạn nhớ buộc kín vì trong tủ lạnh cũng có độ ẩm. Hơn nữa, diện tích tủ lạnh rất hạn chế nên lượng gạo được bảo quản hơi giới hạn.

Cách cuối cùng, cũng là cách mình đang dùng, bạn đầu tư một chiếc hộp đựng gạo chuyên dụng, cho gạo vào và yên tâm sử dụng.

Dù bảo quản theo cách nào, gạo lứt cũng chỉ để được trong vòng 5 tháng thôi. Vì vậy, trước khi mua các bạn nhớ cân nhắc khối lượng gạo phù hợp nhé! Chúc các bạn bảo quản gạo lứt thành công!

Các món ngon từ gạo lứt

Các món ngon hàng ngày từ gạo lứt ngày càng đa dạng trong những bữa ăn hàng ngày. Các bạn có thể dùng chúng nấu cơm, làm nước uống giải khát thanh nhiệt, rượu nếp cái hoa vàng, hay làm các loại bánh,…

Mình có một số gợi ý để các bạn tham khảo nhé!

Cơm gạo lứt

13

Một chén cơm gạo lứt dẻo, thơm là lựa chọn tuyệt vời để các bạn “đổi gió”. Lần đầu ăn cơm gạo lứt sẽ thấy hơi ráp một chút, nhưng khi nhai kĩ sẽ có vị ngọt tự nhiên rất hấp dẫn các bạn ạ.

Nấu cơm gạo lứt rất đơn giản, mình sẽ chỉ các bạn tuyệt chiêu để nấu món cơm gạo lứt bằng nồi cơm điện thật ngon nha:

  • Đầu tiên, các bạn cần ngâm gạo để hạt gạo mềm ra, loại bỏ một số chất độc phần cám. Cách ngâm gạo lý tưởng là: dùng nước lạnh ngâm qua đêm, với cách này sẽ hơi tốn thời gian nhưng cơm sẽ dẻo và giữ được các chất dinh dưỡng. Nếu bạn bận rộn với công việc và không có nhiều thời gian chuẩn bị, bạn ngâm gạo với nước ấm khoảng 45 phút là ok ngay.
  • Tiếp theo, bạn cần vo gạo và nhặt thóc, sạn lẫn trong gạo.
  • Bước vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại của món này là: đổ nước nấu cơm. Gạo lứt sẽ cần nhiều nước hơn gạo thường một chút. Bạn cứ cho lượng nước thường nấu cơm gạo trắng rồi cho thêm nước sao cho bề mặt nước cao hơn thông thường  2-3 phân (mm) là được  .
  • Cuối cùng, các bạn nhớ cắm điện và bật nút nồi cơm nhé. (Thỉnh thoảng mình bị quên bước này, kết quả là bữa ăn có tất cả nhưng … thiếu cơm)

Để cơm chín thấu và ngon hơn, sau khi cơm nẩy nút lần đầu, mình thường đánh đều cơm lên và nhấn nút lần 2. Có bạn nào làm thế chưa? Các bạn thử và chia sẻ lại cảm nhận với mình nhé!

Với các nồi cơm điện từ thì có sẵn chức năng nấu và mức nước vạch sẵn trong nồi cho gạo lứt. Bạn cứ đong đủ lượng nước và cài đúng chức năng là được.

Nấu bằng nồi cơm điện từ bạn cũng có thể bỏ qua bước ngâm gạo vì thường cơm sẽ được nấu với thời gian lâu hơn và áp suất lớn hơn so vói nồi cơm điện cơ. Đảm bảo thành phẩm cơm vẫn rất mềm  ngon nhé!

Trà gạo lứt rang

14

Để thanh nhiệt, giải độc, đẹp da, giữ dáng chúng ta nên chăm chỉ uống trà gạo lứt rang nha.

Ngày hè mà có cốc trà gạo lứt rang, mát lạnh thì quên hết mệt mỏi, nóng nực ngay các bạn ạ. Cách làm món này siêu đơn giản:

Bạn dùng 500 gram gạo lứt, nhặt sạch trấu, thóc. Bạn nào kĩ tính có thể loại bớt các hạt gạo vỡ nữa nha.

Sau đó, bạn rang gạo lứt với lửa vừa phải, bạn nhớ đảo đều tay để gạo không bị cháy nhé.

Bạn rang trong vòng 5-6 phút sẽ thấy mùi thơm quyến rũ, hạt gạo săn lại, một số hạt nở ra có tiếng kêu lách tách thì bạn tắt bếp.

Chờ cho gạo nguội bạn bảo quản trong hộp kín, để dùng dần nha. Mỗi lần pha trà, mình thường dùng 50 gram gạo lứt rang (khoảng 1 nắm gạo) chế nước sôi vào để tròng vòng 1 giờ là dùng được.

Vào mùa đông, các bạn có thể cho thêm vài lát gừng vào trà. Gừng giúp khắc chế bớt tính hàn của gạo rang. Vị trà gạo lứt ngọt thanh tự nhiên, hoà quyện mùi gừng đặc trưng, uống chén trà ấm cả tâm hồn luôn ý!

Với cách trên, chúng ta có thể dùng trà gạo lứt rang suốt bốn mùa rồi.

Sữa gạo lứt

15

Sữa gạo lứt là thức uống rất bổ dưỡng, có lợi cho sức khoẻ. Với vị béo của sữa hoà quyện mùi thơm thanh đạm của gạo lứt, tạo nên thứ đồ uống vô cùng kích thích vị giác.

Tương tự như cách làm sữa gạo rang, bạn cũng làm sữa gạo lứt theo các bước cơ bản như sau:

  • Bạn dùng 100 gram gạo lứt rang với mức lửa vừa phải, đảo đều tay trong vòng 5-7 phút. Đến khi hạt gạo có mùi thơm và nứt ra thì bạn tắt bếp.
  • Tiếp theo, bạn đun 300 ml nước, khi nước sôi bạn cho phần gạo vừa rang vào nấu chín.
  • Sau đó, bạn cho hỗn hợp vào máy xay, xay nhuyễn và dùng túi lọc sạch để giữ lấy phần nước cốt.
  • Bạn tận dụng chiếc nồi vừa nấu gạo lứt, đun sôi 700 ml sữa.
  • Cuối cùng, bạn cho phần nước cốt vào đun cùng với sữa, thêm chút đường cho vừa miệng. Đun thêm 10 phút là bạn đã có món sữa gạo lứt “ngon tuyệt cú mèo” cho cả gia đình thưởng thức rồi!

Để đa dạng hương vị, lúc rang gạo các bạn có thể dùng thêm lá nếp, quế, hương vani nhé. Ngoài ra, bạn cũng có thể thay đường bằng sữa đặc, mật ong, đường phèn,…

Với một chút sự thay đổi trên, các bạn sẽ có những trải nghiệm vị giác hoàn toàn khác nhau, tạo ra sự mới mẻ trong cùng một công thức nấu ăn! Thật là sáng tạo đúng không các bạn?

Nếu các bạn có thêm các ý tưởng hay về sự kết hợp này, hãy chia sẻ với Thật Là Ngon nhé!

Những câu hỏi thường gặp về gạo lứt

Trên đây mình đã chia sẻ với bạn nhiều kiến thức thú vị về gạo lứt. Để tóm tắt lại chúng mình cùng điểm ra những câu hỏi mà các bạn hay thắc mắc nhất về gao lứt nhé!

Gạo lứt là gì?

Gạo lứt là loại gạo trong quá trình xay xát được giữ lại phần cám và phôi, có chứa nhiều chất dinh dưỡng.

Có những loại gạo lứt nào?

Dựa vào màu sắc sẽ phân loại được gạo lứt màu trắng, màu đỏ, màu đen. Dựa vào chất gạo sẽ có: gạo lứt nếp và gạo lứt tẻ.

Có nên thay thế hoàn toàn gạo lứt bằng gạo trắng hay không?

Tuy gạo lứt chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn gạo trắng. Tuy nhiên, không thể thay thế hoàn toàn gạo lứt bằng gạo trắng.  Không nên dùng quá 2-3 lần/ tuần.

Các đối tượng nào nên sử dụng gạo lứt?

Gạo lứt rất tốt cho người mắc bệnh tiểu đường, người có nguy cơ bệnh tim mạch, người có nhu cầu giảm cân.  Những người mới ốm dậy, người già, người trong thời gian thai kì không nên dùng gạo lứt.

Bảo quản gạo lứt thế nào tốt nhất?

Bạn có thể dùng tỏi, muối, bỏ vào ngăn mát tủ lạnh hoặc hộp đựng gạo chuyên dụng. Tuy nhiên, bạn không nên giữ gạo lứt quá lâu, mà chỉ nên dùng tối đa trong 5 tháng.

Lời kết

Hôm nay chúng ta đã bỏ túi thêm được nhiều kiến thức về gạo lứt. Mong rằng những chia sẻ của mình sẽ giúp ích thêm cho các bạn!

Thật Là Ngon sẽ là người bạn đồng hành cũng bạn trong căn bếp thân thương, là gợi ý tuyệt vời cho những bữa cơm gia đình ấm áp.

Các bạn hãy tham khảo thêm một số loại nguyên liệu có ích cho sức khoẻ dưới đây nhé:

  • Hạt chia
  • Hoa đậu biếc
  • Quả chà là
  • Cây hương thảo
  • Rau chân vịt

Từ khóa » Gạo Lứt được Trồng Như Thế Nào