Gặp Gỡ “hậu Duệ” Danh Nhân Nguyễn Đình Chiểu - Báo Đồng Khởi

Bà Lê Thị Bông vui vẻ chia sẻ những câu chuyện về cụ cố của mình.

Bà Lê Thị Bông vui vẻ chia sẻ những câu chuyện về cụ cố của mình.

Ở tuổi 94, sức khỏe có phần suy giảm, đi lại khó khăn do các cơn đau khớp nhưng tinh thần bà Bông vẫn còn khá minh mẫn, nhiều ký ức trước kia vẫn còn in lại trong tâm trí bà và bà đã vui vẻ chia sẻ lại trong buổi trò chuyện với chúng tôi hôm ấy.

Theo lịch sử cuộc đời cụ Nguyễn Đình Chiểu, cụ Đồ (1822 - 1888) quê quán tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay là thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Qua các biến cố lịch sử, năm 1862, thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, cụ Nguyễn Đình Chiểu cùng vợ về sinh sống tại ấp An Đức, tổng Bảo An, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Cụ Nguyễn Đình Chiểu và vợ Lê Thị Điền có 6 người con là: Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Đình Chúc, Nguyễn Thị Xuyến, Nguyễn Thị Khuê, Nguyễn Đình Ngưỡng và Nguyễn Đình Chiêm.

Cụ Lê Thị Bông là cháu ngoại cụ Nguyễn Đình Chiêm - con trai thứ của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Khi còn thơ ấu, bà sinh sống cùng gia đình tại xã Hữu Định, sau đó lấy chồng và theo chồng về Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh). Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, bà trở lại quê nhà xã Hữu Định tiếp tục sinh sống và an hưởng tuổi già cùng con cháu. Bản thân bà có 8 người con (đã mất 2 người, hiện còn 6 người). Bà có một người em trai là liệt sĩ Lê Văn Ngẫu (tham gia cách mạng tại địa phương và hy sinh năm 1961 khi mới tròn 24 tuồi).

Bà Bông là thế hệ cháu cố, khi bà sinh ra thì cụ Nguyễn Đình Chiểu đã mất nên chưa được gặp mặt cụ Nguyễn Đình Chiểu, tuy nhiên, từ những lời kể của ông ngoại Nguyễn Đình Chiêm, bà đã được biết nhiều câu chuyện liên quan đến cụ Nguyễn Đình Chiểu. Trong các câu chuyện ấy, bà Bông chia sẻ, bà ấn tượng sâu sắc nhất là sự chịu khó của cụ Nguyễn Đình Chiểu, tuy đôi mắt bị mù nhưng cụ vẫn mày mò làm thơ, dạy học và bốc thuốc cho dân. Đặc biệt, những đồ đạc như: xà phòng, thức uống… liên quan người Lang Sa (giặc Pháp khi ấy) thì cụ Nguyễn Đình Chiểu tuyệt đối không dùng tới.

Bà kể, tuy hiện giờ bà không còn nhớ nhiều về các tác phẩm thơ văn của cụ, nhưng bà vẫn còn nhớ tên tác phẩm “Lục Vân Tiên”, đặc biệt là bài thơ cụ Nguyễn Đình Chiểu viết gửi cho em trai để khuyên răn gìn giữ hạnh phúc gia đình. Trong đó, bà Bông đã đọc thuộc lòng một số câu thơ mà bà vẫn nhớ như in hơn mấy chục năm qua: “Hễ làm người có học/ Phải biết lễ trong nhà/ Hãy trau mình cho đặng chữ tề gia/ Còn nhỏ tuổi gấp chi hoàn cầu tự/ Dí dầu muốn nơi nào thiếp nữ/ Hãy giao quyền tả chánh thê/ Thuận chị em trên dưới gia tề/ Nghịch chồng vợ cửa nhà hư hại…”.

Bà Bông chia sẻ thêm, trước giải phóng, gia đình bà còn lưu giữ vài quyển sách của cụ Nguyễn Đình Chiểu, tuy nhiên, do chiến tranh, sau đó bị thất lạc hết. Tất cả những ký ức về cụ Nguyễn Đình Chiểu do ông ngoại Nguyễn Đình Chiêm kể lại, bà lưu giữ lại trong đầu. Trước đây, khi đôi chân còn khỏe, bà hay về thăm lại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, thắp hương mộ cố Nguyễn Đình Chiểu của bà, tưởng nhớ về cụ. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do đi lại khó khăn, bà ít về hơn. Đặc biệt, trong số 8 người con của bà, có một người theo nghiệp nhà giáo.

Khi nghe tin tỉnh nhà chuẩn bị kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, bà Bông đã bày tỏ niềm vui và xúc động. Bà bộc bạch, đối với gia đình, đó là niềm tự hào, răn dạy con cháu tiếp tục sống tốt theo gương cụ Nguyễn Đình Chiểu.

“Địa phương rất làm vinh dự khi có một thân nhân của cụ Nguyễn Đình Chiểu đang sinh sống tại địa bàn. Địa phương sẽ tiếp tục giới thiệu rộng rãi đến các cấp, nhân dân trong và ngoài xã được biết về bà, cùng chia sẻ niềm vinh dự cũng như tiếp tục dành sự quan tâm cho bà trong thời gian tới”.

(Phó chủ tịch UBND xã Hữu Định Huỳnh Dương Thái)

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Từ khóa » Hậu Duệ Bao Công