Gặp Hai Thủ Khoa Xuất Sắc Trong Các Trường Công An Nhân Dân

Phạm Thị Ngân - Cô gái nhỏ nhắn với với một khát vọng lập ra “bức tường lửa”

Trước khi gặp Phạm Thị Ngân, nữ thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp Khoa Tin học, Học viện ANND, khóa học 2001-2006, tôi được biết Ngân có điểm trung bình toàn khóa đạt 9,32, điểm rèn luyện xuất sắc, đạt danh hiệu học viên Ưu tú toàn khóa, đã đứng trong hàng ngũ của Đảng từ năm 2005, từng đoạt 1 giải nhất, 3 giải ba Olympic Toán sinh viên toàn quốc, được nhận rất nhiều bằng khen của Bộ Công an, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tổng cục XDLL-CAND, Hội Toán học Việt Nam…

Tôi đã đi tìm Ngân, phần vì ngưỡng mộ, phần cũng muốn tìm hiểu xem, làm cách nào mà Ngân "siêu" như vậy. Thật may cho tôi, Ngân nhận công tác ở Học viện CSND, Bộ môn Toán Tin. Ngân khá kiệm lời, giản dị với mái tóc dài tết đuôi sam sau lưng.

Nhà Ngân có năm chị em gái, Ngân là con út. Bố mẹ Ngân là công nhân ở Công ty Than Cọc 6 Cẩm Phả (Quảng Ninh), hiện đã nghỉ hưu. Chỉ với đồng lương hưu ít ỏi nhưng họ đã nuôi cả năm chị em Ngân học đại học, cao đẳng.

Ngày 22/8, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ diễn ra lễ tuyên dương 93 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc đến từ 43 trường ĐH, Học viện tại Hà Nội. Đây là những sinh viên có điểm tốt nghiệp cao nhất trong năm học 2005-2006, đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế, có nhiều sáng kiến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cuộc sống. Đến với lễ tuyên dương năm 2006, ngoài Phạm Thị Ngân và Phạm Tiến Dũng, khối các trường Công an nhân dân còn có thủ khoa Trịnh Thị Lý, Khoa Ngoại ngữ, Học viện ANND; thủ khoa Trương Diệu Loan, Khoa Cảnh sát Quản lý hành chính, Học viện CSND.

Tôi hỏi Ngân "bí quyết" học tập, Ngân cho biết, em chỉ tập trung chú ý lắng nghe trên lớp, cố gắng hiểu bài giảng từ trên lớp, khi về đọc thêm tài liệu là có thể nắm sâu chắc vấn đề và không nên để dồn ứ kiến thức đến khi sắp thi mới ôn luyện. Tôi lại hỏi, vì sao Ngân lại chọn chuyên ngành Tin học, thì giọng Ngân chợt hào hứng: "Nguyên nhân thôi thúc em đi sâu tìm hiểu về tin học là hiện nay hoạt động tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, nguy hiểm, trong khi công tác đấu tranh ngăn ngừa tội phạm không thể thiếu công nghệ thông tin. Em đang ấp ủ dự định sẽ sáng tạo thêm một "bức tường lửa" để hỗ trợ, giúp ngăn ngừa hành vi xâm nhập, trộm cắp thông tin".

Giờ Ngân chỉ có ước muốn giản dị là hoàn thành bằng thạc sỹ tin học và phấn đấu trở thành giảng viên chính, để có thể giúp đỡ những sinh viên mới chập chững vào trường.

Phạm Tiến Dũng: Chàng trai đam mê nghiên cứu khoa học

Cái "cớ" để Phạm Tiến Dũng, lớp trưởng của khóa Đại học CSND D27, Học viện CSND, vào lực lượng Công an khá thú vị: "Ngày trước đạp 15 cây số ôn thi đại học, em liên tục bị dân nghiện hút trấn tiền và đánh, ức quá, về nhà em làm đơn thi vào ngành để sau này còn bảo vệ được người khác".

Và Dũng thi, rồi đỗ ròn rã, rồi lên đại học học hành tấn tới, liên tục đăng quang trong học tập và nghiên cứu khoa học. Dũng chọn học chuyên ngành Cảnh sát kinh tế. Dũng có đam mê nghiên cứu khoa học, các đề tài của em chủ yếu xoay quanh Luật Doanh nghiệp, nghiệp vụ điều tra.

Để trở thành một Cảnh sát kinh tế giỏi, ngoài kiến thức trên lớp, Dũng thường xuyên ghi chép tỉ mỉ, tích luỹ kiến thức nghiệp vụ qua các vụ án kinh tế mà em đọc được trên báo, trên mạng Internet như vụ buôn lậu ở Hang Dơi, vụ tham ô tài sản ở Trạm Kiểm soát liên hợp Đồng Bành ở Lạng Sơn.

Dũng bảo, qua đó em hiểu hơn về chiến thuật, về cách thu thập thông tin, về thời cơ lập án, truy bắt tội phạm. Dũng tâm sự, "nạp" thông tin vào người là cách giúp cho tư duy linh hoạt, nhạy bén, một phẩm chất rất cần có ở người Cảnh sát kinh tế. Ngày 15/8, tại lễ bế giảng khóa học D27, tôi nhìn Dũng hân hoan khi được phong cấp hàm Thiếu úy, ấm áp đứng giữa vòng tay bạn bè, thầy cô và chợt thấy vui lây khi nhận được tin Dũng đã có quyết định công tác tại Học viện CSND. Chúc cho chàng thủ khoa quê thành Nam sẽ thành công với nhiều ước mơ…

Từ khóa » Thủ Khoa Vũ Quý Lãm