Gặp Lại Nam Phương Hoàng Hậu- Yến Chi - Báo Người Lao động

NS Yến Chi vai Huyền Trân công chúa NS Yến Chi vai Huyền Trân công chúa

Xuất hiện trở lại trên sân khấu, sau nhiều năm làm công việc giàng dạy, với vai diễn Huyền Trân công chúa trong vở kịch thơ cùng tên cùng diễn với ca sĩ Hồng Vân và các diễn viên trẻ Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, NS Yến Chi đã phấn khởi trước sự cổ vũ của khán giả dành cho chị.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, NS Yến Chi đã trải qua nhiều vất vả để khẳng định tên tuổi. Những trải nghiệm đáng quý của chị luôn là bài học kinh nghiệm cho thế hệ diễn viên đàn em và giúp chị vững vàng trên bục giảng.

Hành trang nghệ thuật của chị đã có được khá nhiều vai ấn tượng trong các bộ phim: “Ngày về”, “Những nẻo đường phù xa”, “Tôi vào đời”... đặc biệt là vai Nam Phương Hoàng hậu trong phim "Ngọn nến Hoàng cung" của đạo diễn Quốc Hưng, hãng phim TFS sản xuất. Vai Khuyết trong vở “Bão không mùa” là một dấu ấn đẹp đối với sự nghiệp sân khấu của chị khi tham gia diễn kịch trên sân khấu Nhà hát kịch TPHCM.

NS Yến Chi vai Nam Phương Hoàng Hậu (phim Ngọn nến hoàng cung) NS Yến Chi vai Nam Phương Hoàng Hậu (phim "Ngọn nến hoàng cung")

NS Yến Chi nói trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, vai diễn Nam Phương Hoàng hậu thật sự là một thử thách lớn. “Chỉ với một phân đoạn ngắn mà mất 2 năm suy nghĩ cách thể hiện, tôi cứ trằn trọc mãi khi đọc kịch bản, đó là cảnh quân dân cách mạng kéo đến cổng Ngọ Môn giựt sập cờ triều đình nhà Nguyễn, bà Từ Cung (vai diễn do NSƯT ca sĩ Hồng Vân diễn) lúc đó đã ra lệnh bắn chết người dân có hành động này. Nhà vua Bảo Đại (vai diễn của nghệ sĩ Huỳnh Anh Tuấn) đã hỏi: “Thế ngài Hoàng nghĩ sao?” (ông gọi vợ là ngài Hoàng). Vai diễn của tôi lúc đó chỉ nói một câu: “Thôi, dù sao cũng là dân Việt của ta cả”. Để diễn lớp này, tôi phải tập trung cao độ về khai thác tâm lý nhân vật trước cơ đồ của nhà Nguyễn, của dòng tộc đang sụp đổ và tương lai, vận mệnh của một đất nước đang đến. Tôi nói với đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng nỗi lòng của mình nhưng vẫn không thể tìm ra cách thể hiện. Thế là tôi vào một góc hoàng cung ở cổng Ngọ Môn, khấn nguyện bà Nam Phương Hoàng hậu linh thiêng giúp tôi thể hiện lớp diễn này. Trời xứ Huế tháng 5 nóng bức vậy mà tôi cảm thấy lạnh cả lưng. Lớp diễn đó chỉ quay đúng một lần, tôi đã bật khóc khi quay lưng đi vào hoàng cung, phía sau tôi lá cờ mới của dân tộc Việt đang bay phất phới” – NS Yến Chi nhớ lại.

NS Yến Chi vai Nam Phương Hoàng Hậu (phim Ngọn nến hoàng cung) NS Yến Chi vai Nam Phương Hoàng Hậu (phim "Ngọn nến hoàng cung")

Sinh tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp phổ thông, NS Yến Chi thi vào Đại học Bách Khoa. “Rồi một hôm mấy chị em tôi tự hỏi, chẳng lẽ không ai theo nghề của bố tôi, tiếp nối con đường nghệ thuật của bố - Nhà biên kịch Trần Kim Thành, nghe chúng tôi nói thế, bố tôi cho biết hiện nay Trường Đại học Điện ảnh Hà Nội đang tuyển sinh, gợi ý tôi theo nghề diễn viên. Thế là tôi bước vào ngôi trường nghệ thuật. Đỗ đầu khóa 1, hệ đại học, ra trường năm 1990 và được giữ lại làm giảng viên khoa kỹ thuật biểu diễn. Tôi cứ ngỡ đời mình sẽ không còn cơ may tham gia diễn xuất, vì bục giảng đã chiếm hết thời gian của tôi.

Thế nhưng may mắn vẫn mỉm cười với mình, tôi vẫn có điều kiện, môi trường để luyện nghề diễn bằng sự nỗ lực không ngừng. Thời đó làm phim khó khăn, cực nhọc hơn bây giờ rất nhiều. Vì trong thời kỳ mới chuyển sang kinh tế thị trường, hàng hóa chưa có nhiều như ngày nay nên việc tìm mua son phấn để phục vụ cho diễn xuất cực kỳ khó nhọc. Xài những loại phấn không phù hợp dễ gây cho cơ mặt bị chai cứng, da mặt bị hư tổn dưới ánh nắng mặt trời. Giá cát- sê diễn viên không cao. Bao nhiêu tháng ngày làm phim đều xài thâm tiền nhà. Buổi cơm ở phim trường chỉ có rau và đậu hủ. Nhưng lòng yêu nghề cực độ của chúng tôi thời đó đã chiến thắng tất cả nghịch cảnh” – NS Yến Chi tâm sự.

NS Yến Chi trong vở kịch thơ Huyền Trân công chúa NS Yến Chi trong vở kịch thơ "Huyền Trân công chúa"

Từ khi chuyển vào miền Nam, NS Yến Chi là giáo viên dạy giỏi của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, hiện nay chị là phó giáo sư – tiến sĩ nghệ thuật học, được đề bạt làm Trưởng khoa Diễn viên. NS Yến Chi được sinh viên yêu quý, bởi đức tính khiêm tốn, cần mẫn và nhiệt tâm trong công việc giảng dạy.

 NS Yến Chi và NSƯT ca sĩ Hồng Vân cùng diễn trong vở kịch thơ  Huyền Trân Công chúa

NS Yến Chi và NSƯT ca sĩ Hồng Vân cùng diễn trong vở kịch thơ " Huyền Trân Công chúa"

Và với vai diễn Huyền Trân công chúa, sự nghiệp nghệ thuật của NS Yến Chi lại vận vào kịch thơ. Chị yêu thơ ca từ bé, có tiền ăn quà vặt đều để dành để mua sách, mua thơ. Cái thời Hà Nội còn nghèo, những chiếc áo cũ của các chị trong nhà đều được xếp để dành cho cô em gái kế, thế nhưng có bao nhiêu tiền chị đều dành mua sách. “Tôi muốn nói với các em sinh viên đang chuẩn bị trở thành diễn viên, nỗi ám ảnh của tôi với văn hóa đọc. Các em bây giờ không biết nâng niu quyển sách hay, quá ít các em còn tìm đến nhà sách để tìm mua những ấn phẩm mới phục vụ cho nghề diễn của mình. Văn hóa lướt trên mạng với những thông tin vô bổ sẽ không giúp gì cho sự nghiệp diễn xuất khi tâm hồn không có chất liệu để bay bỗng, để dạt dào tình cảm. Với vở kịch thơ "Huyền Trân công chúa", tôi và ca sĩ Hồng Vân mong muốn các bạn diễn viên trẻ sẽ tiếp sức với chúng tôi, hòa mình vào không gian văn thơ, góp phần giúp sàn diễn rời khỏi những điều vô bổ như hiện nay” – NS Yến Chi bày tỏ.

Hiện nay NS Yến Chi đã hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, mang tên: “Sân khấu TPHCM – Hà Nội với những nét đặc thù”. Chị mong rằng qua công trình nghiên cứu khoa học này, sẽ phân tích sự khác biệt giữa sân khấu hai miền, từ đó có cơ sở cho việc góp phần định hướng, có những chiến lược đầu tư đối với các sân khấu có tầm ảnh hưởng trong công chúng và được cấp kinh phí dàn dựng tác phẩm đỉnh cao theo đơn đặt hàng của nhà nước.

Từ khóa » Diễn Viên Hoàng Hậu Sinh Năm Bao Nhiêu