Gặp Người Sở Hữu đàn Trâu Tiền Tỷ Hơn 200 Con Giữa Thủ đô

Khởi nghiệp từ …trâu

Có lẽ ít người biết rằng, chủ nhân của đàn trâu tiền tỷ hơn 200 con dưới chân cầu Vĩnh Tuy lại là một người phụ nữ gầy gò, bé nhỏ và trông khắc khổ đến vậy. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm đàn trâu đang đủng đỉnh gặm cỏ chị Hải vừa kể chuyện: “Hình như ông giời không tuyệt đường sống của ai các anh ạ. Vợ chồng chúng tôi lấy nhau đã vất vả, cơ cực lắm rồi. Quanh năm hai vợ chồng trông chờ vào tý rau màu trồng ven bãi sông Hồng. Năm đó, chồng tôi mới đi tù về nên chả ai ưa cả. Bố thì hắt hủi, nhà thì không có đất để làm ruộng. Nhưng được cái may mắn là vợ chồng thương nhau, biết bảo ban nhau kiếm ăn qua ngày”.

Trước khi đến với nghề chăn trâu, vợ chồng chị Hải đã từng làm nhiều việc như: làm ruộng, trồng khoai, ngô ngắn ngày… nhưng cứ hễ nước sông Hồng lên là các thửa đất hoa màu vừa khai khoang lại ngập, thất thu. Chán nản cảnh này, nhiều người cùng khai khoang với chị Hải khi ấy đã bỏ cuộc, còn mỗi gia đình chị trụ lại nơi giáp ranh sông Hồng để kiếm kế sinh nhai.

Chị Hải bên những chú trâu giữa bãi chăn

Nhìn xa xăm về phía đàn trâu, chị Hải tâm sự: “Tôi khởi nghiệp từ một con trâu lái. Lúc đó hai vợ chồng tôi ra bãi giữa này khai hoang, cỏ cây tốt lắm nhưng mà nghèo quá, đến con ốm đưa lên bệnh viện Đức Giang còn phải đi vay 3 nhà hàng xóm mới được 150 nghìn. Nghĩ tới những ngày đó mà tôi không thể nào quên được. Nhiều lúc hai vợ chồng chỉ ước đời mình trong túi lúc nào cũng có 500 nghìn đề phòng con ốm con đau.

Năm 1991, tôi vay được 1,8 triệu nên đã mua 1 con trâu cái, với ý định để đi cầy thuê cho bà con ngoài bãi. Nhưng không ngờ con trâu lái đó lại mắn đẻ, cứ sòn sòn, rồi có vốn tôi tiếp tục mua thêm được 6 con trâu cái nữa. Kinh nghiệm nuôi trâu của tôi là phải chọn giống trâu quê tuy con không to nhưng rất mắn đẻ, thịt thơm ngon, và có sức chịu đựng dẻo dai rất ít bị mắc bệnh. Tôi ngoài chịu khó và giời thương để cho cái sức khỏe thì cũng được giời cho lộc chăn nuôi. Từ con trâu cái ban đầu, tôi đã gây dựng được đàn trâu hơn 200 con như ngày nay. Sau tròn 30 năm làm cái nghề chăn dắt vất vả này, cuộc sống quả cũng có khấm khá. Con cái được học hành, mình thì xây được cái nhà cái cửa”.

Nói về con trâu khởi nghiệp năm xưa, chị Hải cho biết: “Tôi nghĩ nghiệp của tôi gắn vơi con trâu nên tôi luôn coi nó là những thứ quý giá của đời mình. Năm con trâu khởi nghiệp của tôi bị bệnh, vợ chồng tôi đã mời cả tiến sỹ thú y bên Học viện Nông nghiệp I về chữa. Sau này nó già mất đi làm tôi nhớ mãi tới tận bây giờ chưa thể quên được. Năm nay tôi sẽ làm 1 tượng con trâu lái đầu tiên để thờ, và luôn nhắc nhở mình cùng gia đình phải chịu thương, chịu khó dù nắng mưa thế nào cũng phải chăm sóc đàn trâu an toàn cẩn thận.”.

Ăn Tết cùng trâu

Đếm từng con trâu trên bãi, chị Ngô Thị Hải cho biết, ngày mùa đông thì 9h sáng gia đình phải mở chuồng cho trâu đi ăn, khoảng 5h chiều là lùa trâu về, kiểm đếm xong xuôi cũng tối muộn. Đến đêm, người chăn còn phải thức để đi tuần mấy chập không sợ trộm vào bắt mất trâu.

Đàn trâu với số lượng hàng trăm con của gia đình chị Hải

“Từ ngày chăn trâu nhà tôi không bao giờ có nghỉ Tết. Ngày thường thì nhà tôi đều có 3 thợ chăn lương tháng 6 triệu, cơm nuôi. Nhưng Tết đến là họ về quê, có trả thêm tiền họ cũng không ở lại ăn Tết với mình. Vì thế mồng một Tết thì tôi vẫn phải lùa trâu ra bãi cho chúng ăn cỏ. Với áp lực đàn lúc nào cũng khoảng trên dưới 200 con, nhất là lũ trâu lái có con nhỏ đang cho bú thì không thể nhốt chúng lại để mình chơi Tết được – chị Hải chia sẻ.

Nói về nghiệp chăn trâu của mình chị Hải cũng bật mí thêm: “Nếu chỉ nhìn đàn trâu thôi thì ai cũng nghĩ là chăn trâu không khó nhưng thực sự thì không hề dễ chút nào. Bản tính của trâu là hoang dã, lại không được xỏ mũi bằng thừng nên cứ mở chuồng ra là chúng thi nhau chạy. Nếu không đủ sức để chạy theo chúng hoặc đưa ra những mệnh lệnh để chỉ huy thì mỗi con sẽ đi một hướng, vô cùng khó quản. Mỗi buổi sáng đều vất vả mất hơn 1h đồng hồ lúc nào trâu ăn ổn định êm đàn rồi thì mình mới nhàn được. Chiều đến thì lại phải lo thu đàn về. Ngoài bãi sông nhiều bụi cây nếu một vài con nghé lạc đàn, lấp sau những đám bụi mình không tìm thấy thì đêm xuống sẽ nguy hiểm hoặc bị chó cắn hay bắt trộm. Nghề chăn trâu cũng rủi ro lắm, như năm 2016 kẻ trộm đã dùng ô tô bắt mất 4 con trâu đực to nhất đàn trị giá hơn 300 triệu của gia đình tôi”.

Với thương hiệu trâu bãi giữa sông Hồng, mỗi năm đàn trâu của gia đình chị Hải cũng xuất bán được từ 50-70 con trâu thương phẩm tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động có thu nhập ổn định. Chị Hải cho biết: “Thôi thì nhờ con trâu, nó có duyên mà tôi được ăn lộc. Sau bao nhiêu năm vất vả, gia đình tôi cũng thoát nghèo, nuôi được con ăn học, xây được cái nhà cái cửa thế cũng mừng lắm rồi. Năm 2021 là năm con trâu, tôi hi vọng người người được khỏe mạnh như trâu, đất nước phát triển, sớm hết dịch dã”.

Từ khóa » đàn Trâu