Gặp Nhân Vật Mà Giang Hồ Hải Phòng Mới Nghe đã Sợ

Hơn 30 năm công tác trong ngành, đại tá Lê Hồng Thắng - Trưởng phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45) - Công an TP Hải Phòng, không nhớ nổi mình đã tham gia và phá bao nhiêu vụ án xảy ra trên địa bàn TP Hải Phòng.

Nhớ kỹ từng đối tượng

Tốt nghiệp khoa Điều tra xét hỏi trường Trung cấp An ninh năm 1985, Lê Hồng Thắng được điều về Phòng An ninh điều tra, Công an Hải Phòng. Thời gian đầu học việc, anh là cán bộ văn thư, đánh máy, thủ kho, rồi… anh nuôi. Sau đó, cơ quan cử anh đi học lớp lái môtô, anh là một trong những tay lái môtô 3 bánh nổi tiếng của Công an Hải Phòng lúc bấy giờ.

Năm 1992, Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hải Phòng lập đội H88 lừng danh với mục đích chọn những nhân lực nổi bật để đánh án, Lê Hồng Thắng được chọn. Từ đây anh bắt đầu cuộc đời của người lính hình sự, tham gia phá nhiều vụ án nổi tiếng.

Năm 1995, Lê Hồng Thắng tiếp tục được điều chuyển về Đội án tuyến (thuộc Phòng Cánh sát hình sự), phụ trách các tuyến giao thông Hải Phòng vốn nổi tiếng bị các đối tượng giang hồ nhũng nhiễu thời đó. Năm 1996 anh được phong là Đội phó đội Án tuyến, năm 1997, là Đội trưởng, là đại uý - anh cũng là đại uý trẻ nhất của Công an Hải Phòng lúc đó. Anh cùng với đồng đội đã dẹp được tình trạng tranh giành khách ở các nhà ga, bến tàu và sân bay, sắp xếp lại trật tự.

Đại tá Lê Hồng Thắng nhớ lại: Thời điểm đó, sân bay Cát Bi rất lộn xộn. Các nhóm bảo kê tranh giành địa bàn làm ăn, nhóm Hằng “quắt”, Dũng “mường” bảo kê ở đây đã ném vỡ kính nhà giám đốc, đánh nhân viên sân bay để dằn mặt. Tại bến xe Tam Bạc, nhóm của Nghĩa Tuấn với nhóm của Sơn Bình, Cận Đức, Hải Cồ do tranh giành nhau việc bốc xếp hàng hoá cũng đánh chém ầm ỹ. Tại chợ hoa quả, Chiến “chó” thống lĩnh. Tình trạng trộm cắp đèn biển ắc quy dọc tuyến sông; tình trạng đỏ đen, lừa bịp, cướp túi xách hoành hành trên xe ở các tuyến Hải Phòng - Nam Định; Hải Phòng - Quảng Ninh… Đội Án tuyến đã mất rất nhiều thời gian, công sức mới lập lại trật tự ở các nơi này.

Gần hai chục năm đã trôi qua, nhưng nói đến tên các đối tượng “cộm cán” bất cứ ở các lĩnh vực nào thời đó, Đại tá Lê Hồng Thắng vẫn đọc vanh vách tên tuổi và đặc điểm của từng đối tượng. Thời điểm đó, anh quản lý trên 300 đối tượng cộm cán. Anh cũng là người đầu tiên của Phòng CSHS làm hồ sơ quản lý nghiệp vụ, ghi nhớ đặc điểm, chi tiết của từng đối tượng. Đối tượng cao thấp, béo gầy, thậm chí cả vết sẹo ở đâu cùng số điện thoại liên lạc…. anh cũng đều nhớ kỹ. Do nắm chắc các đối tượng, nên Đội án tuyến lúc đó có năm bắt được từ 25 - 28 đối tượng bị truy nã, trong đó có những đối tượng lừng lẫy giang hồ đất Cảng như Trường “cave”, Tuần “lùn”, Việt “liên”, Hùng “núi”… “Nhiều lần đi bắt nã, tôi xưng là Lê Hồng Thắng đây thì các đối tượng không biết, cũng không mở cửa hợp tác. Nhưng khi tôi nói Thắng “Phẩm” đây thì đối tượng mở cửa, giao nộp súng và xin lỗi “vì không biết là anh” - Đại tá Thắng nói.

Gặp nhân vật mà giang hồ Hải Phòng mới nghe đã sợ - Ảnh 1.

Đại tá Lê Hồng Thắng trao quà cho 1 hộ nghèo

Phá những vụ án lừng lẫy

Đại tá Lê Hồng Thắng là người trực tiếp tham gia, tổ chức phá nhiều vụ án đình đám xảy ra trên địa bàn. Một trong đó là vụ án cướp 92.000 đôla Mỹ thời điểm trước tết Nguyên đán năm 1998 ở đường Lê Lợi (quận Ngô Quyền). Khi người vận chuyển tiền từ sân bay Cát Bi, về đến khu vực đường Văn Cao đã bị 4 đối tượng đi xe máy bịt mặt đạp ngã xe, cướp túi đựng tiền. Vụ cướp gây chấn động toàn quốc. Đại tá Lê Hồng Thắng lúc đó là Đội trưởng đội án tuyến đã điều tra, xác định được 5 đối tượng nghi vấn do Phùng Minh Hiển (Hiển “tăng”) - một thanh niên nghịch ngợm mới từ Hồng Kông về ở khu vực Nam Hải (quận Hải An bây giờ) cầm đầu. Hiển chuẩn bị đi Mỹ theo diện HO, hồ sơ thủ tục gần xong, chỉ chờ ngày lên đường xuất cảnh. Các đối tượng nghi vấn đều không có mặt tại địa phương.

Đại tá Lê Hồng Thắng kể lại: “Ròng rã điều tra trong 1 tháng, hồ sơ thu thập được 400 trang, Bộ Ngoại giao lúc đó liên tục hỏi kết luận xác minh, mà công an vẫn không đủ chứng cứ bắt Hiển và đồng bọn, tôi đã phát khóc khi ngồi ở phòng làm việc suốt đêm. Sáng hôm sau, tôi viết 17 bản yêu cầu anh em đi xác minh các đối tượng”. Sau đó, công an bắt được đối tượng Hiển nhưng hắn không chịu khai nhận. Những đối tượng khác cũng chưa bắt được, trong khi thời gian đối tượng đi nước ngoài càng đến gần. “Vì vậy, tôi xác định, bằng mọi giá phải bắt được đối tượng Khánh (đang trốn ở Hà Nội và có súng). Tôi trực tiếp dẫn 5 anh em đi Hà Nội phục kích 3 ngày 2 đêm mới tóm được Khánh “hí” đưa về Hải Phòng. Trước chứng cứ không thể chối, Hiển đã phải nhận tội cầm đầu tổ chức cướp khi mà chỉ 2 ngày nữa y lên máy bay ra nước ngoài. Công an cũng xác định được 7 đối tượng tham gia vụ cướp, trong đó có 1 đối tượng nội gián tên Sơn làm việc cho chủ nhà bị cướp, thu giữ được hơn 30.000 đôla tang vật”

Về vụ bắt truy nã đối tượng buôn 100 bánh heroin Hải “phú” ở Nam Định, khi bị quây bắt đã bắn con tin chạy thoát từ Nam Định lên Hà Nội, rồi tiếp tục nổ súng bỏ chạy về Hải Phòng. Nhận được tin báo đối tượng đang trên đường về nhà người quen ở khu vực Thượng Lý (quận Hồng Bàng), Đại tá Lê Hồng Thắng đã nhờ người “điều” những người này đi nơi khác, sau đó anh cùng với đồng đội trực tiếp đến hiện trường, khống chế khi đối tượng khi y định rút súng bắn trả. “Đối tượng sẽ chống trả đến cùng vì nếu bị bắt y sẽ bị xử tử hình.Nhưng do am hiểu tâm lý tội phạm, hiểu địa bàn và xây dựng kịch bản trước, anh em bắt được đối tượng mà không xảy ra hậu quả đáng tiếc” - Đại tá Lê Hồng Thắng nói.

Lê Hồng Thắng từng làm Phó trưởng Công an Huyện An Dương (2009 - 2013) rồi về làm Phó Trưởng và Trưởng phòng CSHS (2015). Lúc đó, tình trạng các băng nhóm bắn nhau trên đường phố diễn ra làm người dân hoang mang, lo lắng, Lê Hồng Thắng tham mưu cho phòng, chọn ra 100 quân đi tuần tra toàn bộ địa bàn, thu nhiều dao kiếm, ma tuý và bắt giữ nhiều đối tượng trốn nã, đám “cộm cán” sau đó không dám lộng hành.

Nhưng lúc này lại xuất hiện một thủ đoạn mới của bọn tội phạm, là “bằng điên”. Có thể nói, nhóm giang hồ đất Cảng đã nghĩ ra được mưu kế rất tinh vi. Bọn chúng một mặt vẫn điều hành ổ nhóm, nhưng khi bị công an điều tra là trưng ra bản kết luận bị bệnh tâm thần. Vì vậy mới có tình trạng, nhóm lưu manh ở trong bệnh viện tâm thần hàng ngày vẫn điều hành công việc ổ nhóm xã hội mà không hề bị xử lý. Điển hình của loại tội phạm này là đối tượng Tộ “tích”. Đối tượng này nằm ở Viện tâm thần T.Ư nhưng đã về Hải Phòng giết người. Sau khi báo cáo cấp trên, trong số 26 hồ sơ bệnh tâm thần, Phòng đã chọn 4 hồ sơ để theo dõi. Kết quả, công an chứng minh được các đối tượng dù có “bằng điên” vẫn điều hành phạm tội, đề xuất bắt giam các đối tượng Thắng “quán toan”, Tuấn “tượng”, Tộ “tích”… Tộ “tích” đã bị xử 19 năm tù giam. Số lượng “bằng điên” sau đó giảm hẳn.

Lê Hồng Thắng đã nhiều lần bị mua chuộc. Khi không mua chuộc được anh, các đối tượng tội phạm lại quay ra đe dọa, nhưng anh không khuất phục. "Mẹ và vợ tôi không ít lần bị chúng bắn tin đe doạ, nhưng cả gia đình không nao núng" - anh nói.

Trong hơn 30 năm công tác, Đại tá Lê Hồng Thắng trực tiếp thụ lý, khám phá được 890 vụ án, chuyên án, triệt phá hàng trăm ổ nhóm tội phạm, trực tiếp bắt và phối hợp bắt 1.675 đối tượng , trong đó có 389 đối tượng trốn nã nguy hiểm. Anh nhiều lần đạt "chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND", chiến sĩ thi đua toàn quốc, Điển hình tiên tiến Bộ Công an và toàn quốc, được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huân chương chiến công hạng Ba, 7 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Từ khóa » Tuấn Phi Hải Phòng