Gặp ông Thợ Hơn 60 Năm Gắn Bó Với “phéc - Mơ - Tuya”

Một trong những nét hoài cổ gợi nhớ về Hà Nội xưa nằm gọn gàng ở vỉa hè số 61 trên con đường ấy là ông Nguyễn Hữu Khang - người được hàng xóm xung quanh nói vui là “cụ tổ của nghề phéc - mơ - tuya”.

Tận tụy, cần mẫn

Gặp ông vào một buổi chiều giữa tháng 5 với cái nắng dịu đầu mùa Hè, khi ông Khang đang bận rộn sửa khóa cho khách. Đồ nghề của ông rất đơn giản, vài cái kìm và một chiếc tủ nhỏ bên cạnh.

Ông Khang kể về việc làm nghề này từ những năm 1960, khi ấy mới chỉ 20 tuổi. Mặc dù, từng làm nhiều nghề thủ công như: Khắc bút, làm con dấu,... nhưng chưa thấy ai làm nghề sửa khóa kéo “phéc - mơ - tuya”. Thời điểm ấy, kinh tế chưa phát triển nên nhiều người dân có xu hướng tận dụng những vật dụng hỏng còn dùng được, đều mang đi sửa.

Dựa vào nhu cầu đó, ông mày mò tập sửa khóa rồi mở một “tiệm nhỏ” sửa "phéc - mơ - tuya", chữa bệnh cho những chiếc balo, túi xách, quần áo của khách hàng. Bàn tay ông nhanh nhẹn sửa đồ cho khách, trung bình chỉ khoảng 15 - 20 phút là xong. Cũng vì thế, mọi người đã quen với việc đứng đợi ông sửa khóa.

“Bây giờ già rồi, thời tiết cũng vào mùa Hè nắng nóng, tôi không ngồi đây nhiều như trước. Có những hôm chỉ treo biển ghi số điện thoại ở dưới này, khi nào khách đến thì gọi, tôi sẽ xuống sửa cho họ. Vì làm nghề mấy chục năm nên chỉ toàn khách quen, tôi không bao giờ sợ mất khách” - ông Khang chia sẻ.

Cách ông sửa từng chiếc khóa cũng rất đặc biệt so với những nơi khác. Ông luôn cố gắng giữ lại những phần còn sử dụng được, chỉ thay phần khóa đã vỡ hoặc không thể sửa được nữa. Vì ông quan niệm rằng, mỗi đồ vật đều có điểm đặc biệt riêng của chúng.

"Sửa là phải cố gắng tận dụng lại được nhiều thứ nhất có thể, chứ không thà thay cái mới còn hơn" - ông Khang nói. Ông coi đó mới là nghề thủ công thực sự, thể hiện được sự tận tụy của người thợ với nghề.

Bên cạnh việc tỉ mẩn, chăm chút với nghề sửa “phéc - mơ - tuya”, ông còn dạy nghề này cho con trai cả. “Tôi truyền lại cho con trai và con dâu nghề sửa khóa nhưng nó còn sửa được thêm cả máy ảnh, usb,… tại địa chỉ 21 Hàng Mắm. Tôi vẫn thường bảo với khách hàng của mình nếu hôm nào gọi tôi không được thì có thể sang đó để con trai tôi làm giúp” - ông Khang kể.

Hỏi chuyện cô Mai (trú tại Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, khách quen của ông mấy chục năm nay) đang đứng chờ sửa khóa, cô nói: “Cô sửa ở đây hơn chục năm nay rồi. Có lần vì vội nên cô mang ra hàng khác sửa nhưng người ta sửa chán lắm, được vài lần lại hỏng nên cô lại quay lại đây để ông sửa”.

Có lẽ, món quà vô giá trong nghề chính là những nhận định của khách hàng dành cho ông. Dù họ đã mang đồ sang nơi khác sửa nhưng vẫn không ưng ý bằng tay nghề của ông. Chỉ là một chiếc tủ nhỏ, chỗ ngồi hẹp bên lề đường với vài chiếc kìm và mũi kim, đôi khi là cả những vật dụng ông tự chế nhưng lại làm nên thương hiệu, sự tín nhiệm của mọi người dành riêng cho ông trên con phố cổ.

Ngoài việc là thợ sửa khóa kéo tài hoa, một người dân công bảo vệ khu phố, ông còn là một người giữ gìn chữ “đức” với nghề. Một lần, ông nhận sửa khóa một chiếc áo da rất đắt tiền. Dù trước khi nhận sửa, ông đã nhắc nhở khách lấy ra hết đồ đạc còn trong túi. Nhưng trong quá trình sửa, từ chiếc túi bên trong rơi ra một chùm chìa khóa và một cọc ngoại tệ.

“Tôi đã nhắc họ kiểm tra túi rất kỹ nhưng họ vẫn chủ quan. Nếu lần đó tôi lấy mất thì họ cũng không thể biết được. Nhưng vì đạo đức với nghề, tôi đã trả lại cho họ. Cho đến nay, mỗi khi về nước họ vẫn qua hỏi thăm tôi. Đó mới là thứ tôi trân quý nhất” - ông Khang thổ lộ.

"Cửa tiệm" ông Khang là một phần không thể thiếu trong tâm trí nhiều người dân sinh sống, làm việc trên phố Hàng Đường.
"Cửa tiệm" ông Khang là một phần không thể thiếu trong tâm trí nhiều người dân sinh sống, làm việc trên phố Hàng Đường.

Những kỷ niệm vô giá

Hơn 60 năm ngồi trên vỉa hè con phố cổ, ngoài những giá trị ông tạo ra gắn với nghề sửa khóa, ông còn được người dân xung quanh biết đến với những đóng góp ý nghĩa khác cho tổ dân phố, cộng đồng.

“Thời chiến tranh, ngay chỗ tôi ngồi cứ cách vài mét lại có một hố tránh bom. Ngồi đây ngoài việc sửa khóa, tôi còn để ý tiếng còi báo động máy bay địch để đưa người dân vào nơi trú ẩn an toàn” - ông Khang tâm sự.

Ngoài giờ làm việc, ông cũng như bao người khác tự nguyện tham gia vào các hoạt động bảo vệ trị an khu phố, phối hợp cùng lực lượng chức năng. Đã có lần chính tay ông bắt một tên trộm đồng hồ và đưa lên Công an phường Chả Cá.

Ông Khang hồi tưởng: “Khi ấy, kinh tế còn khó khăn, nhiều người lao động từ các vùng miền khác lên Hà Nội kiếm sống nên đã hình thành nhiều “băng đảng nhí” chuyên ăn cắp vặt trang sức. Từng có đối tượng đến chỗ tôi để tiêu thụ chiếc đồng hồ mà chúng vừa cướp được, nhưng giá trị của nó rất lớn đã khiến tôi nghi ngờ và trình báo lên Công an phường".

Giờ đây, khi đã ngoài 80 tuổi, bàn tay ông vẫn thoăn thoắt với từng chiếc khóa, cái kìm. Vì có “tâm” lại còn có “đức” nên ông luôn được khách hàng kính trọng.

Từng chiếc khóa ông sửa có những dấu ấn riêng, tự ông có thể nhận ra vị khách nào đã từng đến sửa chỗ mình. Quả thực, dù xã hội có phát triển, có nhiều xu hướng và định nghĩa mới để con người kiếm về thu nhập cho mình nhưng chữ “tâm” và “đức” luôn cần được đặt lên đầu mới có thể tạo ra thành công thực sự.

“Ngày xưa với nghề sửa “phéc - mơ - tuya” này tôi có thể nuôi sống cả gia đình. Nhưng thời điểm này quần áo người ta mặc hỏng thì vứt, mua cái mới và bảo tôi gàn, “bảo thủ” - cứ làm cái nghề cũ kỹ. Nhưng tôi lại nghĩ thế này, mình giúp người ta giữ một kỷ niệm thời chiến hoặc cái túi đang “phát tài, phát lộc” là một việc đáng làm lắm chứ” - ông Nguyễn Hữu Khang tâm sự.

Từ khóa » Chữa Phéc-mơ-tuya