Gặp “tộc Trưởng” Loài Gà Râu - Tiền Phong

Huyện Tiên Yên nằm thu mình dưới chân dãy núi Pạc Sủi, cách thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) chừng 70km về phía Bắc. Với địa hình là đồi núi, Tiên Yên không chỉ nổi tiếng về các loại dược liệu, các sản vật của núi rừng mà nơi đây còn sản sinh ra một loài gà được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đưa vào Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam là gà Tiên Yên (gà râu).

Cơ duyên với gà

Chúng tôi tìm về Tiên Yên vào một ngày cuối đông. Con đường nhỏ vắt vẻo, chạy dài hun hút giữa những cánh rừng bạt ngàn màu hoa trắng. Trụ sở Ủy ban xã Hà Lâu nằm lọt thỏm giữa thung lũng dưới chân núi Pạc Sủi. Ðón chúng tôi là Bí thư xã, anh Lý Văn Diểng, dân tộc Sán Dìu, người được mệnh danh là “tộc trưởng” của loài gà râu.

“Các chú đến Hà Lâu là đến đúng đại bản doanh của gà râu rồi” - anh Lý Văn Diểng nhoẻn miệng cười khi nghe chúng tôi hỏi về loài gà râu.

Ra trường năm 1993, trong tay cầm tấm bằng thạc sỹ lâm nghiệp, anh trở về quê và được bố trí làm việc tại phòng nông nghiệp huyện. Với sức trẻ và những kiến thức anh học được, anh vận động từng nhà trồng cây gây rừng. Hàng nghìn ha rừng được trồng mới, hàng trăm vườn ươm cây giống được ra đời.

“Tôi vẫn còn nhớ cơ duyên đến với gà. Trong một lần tiếp khách từ Trung ương xuống, tôi có giới thiệu đặc sản gà Tiên Yên và mời khách nán lại dùng bữa cơm thân mật. Khi cắn miếng thịt gà đầu tiên, một vị khách thốt lên: đây không phải thịt gà Tiên Yên! Tôi điếng người vì xấu hổ. Xấu hổ vì cảm giác mình vừa lừa người, xấu hổ vì bản thân là người dân bản địa, đến một con gà râu cũng không có để mời khách” - anh Diểng trầm tư kể.

Gà râu là một giống gà bản địa có từ lâu đời. Sau khi luộc da vàng ươm như thoa nghệ và bóng nhẫy như vừa nhúng mỡ. Da gà không chỉ vàng mọng mà còn rất dày. Thoạt trông, có cảm giác hơi ngậy, nhưng cắn một miếng mới thấy thật ngọt và giòn tan. Loài gà này tính thuần hóa không cao, mỗi năm chỉ đẻ một vài lứa nhưng tỉ lệ trứng không có phôi lại chiếm đa số nên giống gà này rất hiếm và chỉ được nuôi nhỏ lẻ bởi các hộ gia đình nằm sâu trong các bản làng.

“Sau bữa ăn ấy, tôi không biết giải thích thế nào cho họ hiểu. Tôi chỉ biết xin lỗi và khẳng định với tất cả mọi người một câu: Em hứa, em sẽ nuôi gà!” – Diểng kể lại cơ duyên đến với loài gà râu.

Gặp “tộc trưởng” loài gà râu ảnh 1

Gà râu, giống gà bản địa nổi tiếng của Tiên Yên, Quảng Ninh.

Bí kíp thụ tinh nhân tạo cho... gà

Việc đầu tiên anh nghĩ đến khi bắt tay vào nuôi gà là “giống”. Nếu nuôi vài chục con để thưởng thức thì không khó nhưng để đưa gà râu đến với người tiêu dùng thì quả là chuyện không dễ. Anh lục tìm tất cả các loại sách vở viết về gà, mày mò những tài liệu trên mạng internet. Anh lân la đến trại gà của các tỉnh, vào tận miền Nam, thậm chí sang cả Trung Quốc để học cách nuôi gà, nhưng tất cả những điều anh học được đều không thể áp dụng cho gà râu.

“Riêng việc phối giống cho gà bằng phương pháp nhân tạo của anh Lý Văn Diểng là một bước đột phá cho ngành chăn nuôi của tỉnh nhà, đưa thương hiệu gà râu không còn bó hẹp ở Tiên Yên mà là thương hiệu của tỉnh, của quốc gia.

Ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

“Thấy anh đảo điên vì gà tôi cũng ái ngại, hết mua gà về mổ ra xem lại ghi ghi, chép chép. Rảnh ra là anh lại ra vườn ôm mấy con gà, có hôm chỉ ngồi ngắm mấy con gà tận đến tối mịt mới chịu vào ăn cơm. Biết tính anh đã không quyết thì thôi, chứ đã quyết thì đam mê của anh không ai cản nổi. Tôi vẫn thường động viên anh mỗi khi anh thất bại, từ những lần thất bại đấy anh lại kiên định hơn, vững vàng hơn” – Chị Vũ Thúy Vàn, vợ anh Diểng tâm sự.

Khác với trâu, lợn, bò, thậm chí là ngan, vịt, bộ phận giao cấu của chúng có thể nhìn thấy và dễ dàng tìm được. Thế nhưng, bộ phận giao cấu ở gà chỉ là một cái gai nhọn và lại không thò ra ngoài. Ý tưởng làm thế nào để kích thích con trống rồi lấy tinh trùng của nó đã trở thành mục đích lớn nhất của anh trong suốt gần 3 năm trời (2010-2013).

“Ðến giờ tôi vẫn nhớ như in ngày 18/6/2013, sau khi vuốt nhiều lần phần bên hông gà và vô tình chạm được đúng dây thần kinh sinh sản của chúng. Con gà trống đã có phản ứng hưng phấn y hệt như đang làm nhiệm vụ với con gà mái. Ðể thị phạm, anh dẫn chúng tôi xuống trại gà.

Anh nhẹ nhàng nắm con gà trống và vuốt rất thiện nghệ phần hông để chạm đúng vào dây thần kinh sinh sản. Sau đó lượng tinh trùng màu trắng đục được phun ra chén thủy tinh. Phần tinh trùng này sẽ được pha loãng và dùng ống hút để bơm vào lỗ huyệt của gà mái. Các thao tác trên được thực hiện chỉ chưa đầy 1 phút nhưng cho kết quả đáng ngạc nhiên.

Với “công nghệ” thụ tinh nhân tạo này, tỷ lệ ấp nở trên trứng có phôi đạt 88,5%. Với 1.000 gà sinh sản, hàng năm có thể cung cấp 75.000 gà giống bằng phương pháp nhân tạo. Ðiều đặc biệt hơn cả, theo anh Diểng tiết lộ, một anh gà trống có thể phục vụ cho 70-80 chị gà mái, trong khi tỷ lệ này ở phương pháp truyền thống là 9.

Gặp “tộc trưởng” loài gà râu ảnh 2

Gà râu khi luộc lên da vàng ươm như thoa nghệ và bóng nhẫy như vừa nhúng mỡ.

Xóa nghèo bền vững từ thương hiệu gà râu

Công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà đã tạo bước đột phá trong ngành chăn nuôi gia cầm của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Anh Diểng quyết định thành lập công ty, vừa cung cấp gà giống, gà thương phẩm, vừa hỗ trợ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp thức ăn và thuốc phòng bệnh cho gà. Hàng năm, anh cung cấp hàng trăm nghìn con gà giống cho bà con nông dân. Bên cạnh đó anh còn tìm đầu ra cho gà và đưa gà râu trở thành một thương hiệu của Quảng Ninh.

“Sau khi nghỉ dạy học, hai vợ chồng tôi bươn chải đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn chật vật khó khăn. Ðược anh Diểng động viên và tạo điều kiện giúp đỡ, tôi quyết định nuôi gà râu. Từ chỗ lấy nợ con giống, mua nợ thuốc, thức ăn của công ty, sau 2 năm tôi đã trang trải hết nợ nần và mở rộng quy mô trang trại lên đến 7 nghìn con” – anh Trần Văn Hoan, chủ trang trại gà lớn nhất xã Hà Lâu cho biết.

Không chỉ nhân rộng mô hình nuôi gà râu trên địa bàn, anh Lý Văn Diểng còn trích ra một phần lợi nhuận của công ty dành tặng gà giống cho các em học sinh các trường dân tộc nội trú trên địa bàn, gây dựng phong trào “Ðàn gà khăn quàng đỏ”. Phong trào nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo huyện và các em học sinh.

Hiện tại, Tiên Yên có hơn 300 hộ gia đình lập trang trại nuôi gà râu. Ði đến đâu, gà râu cũng được nhắc đến như một thương hiệu đặc biệt riêng có của Quảng Ninh. Mỗi năm, ước tính thu nhập từ các hộ gia đình nuôi gà râu lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Hoàng Dương

Từ khóa » Gà Mái Râu