Gãy Giật Khung Chậu Không Do Chấn Thương | Bs X-Quang Tuan's Blog

 Bài nghiên cứu này được xuất bản đã 10 năm, bạn nên  kiểm tra lại:

1. Gãy giật mấu chuyển bé không do chấn thương ở người trưởng thành có phải là một dấu hiệu đặc trưng bệnh của di căn không?

2. Gãy giật bệnh lý xương chậu đã được báo cáo chưa, lúc nào?

Qua thời gian, kiến thức thay đổi như những ngọn sóng và những khoảng trống kiến thức có thể xuất hiện. Nhưng hiện nay bạn có thể nhanh chóng lấp những khoảng trống đó  bằng những từ khoá thích hợp và các công cụ tìm kiếm (search engines).

————————————–

Nontraumatic Avulsions of the Pelvis                            (Original Report)

Liem T. Bui-Mansfield, Felix S. Chew, Leon Lenchik, Mitch J. Kline and Carol A. Boles

AJR February 2002 178:423-427

Mở đầu

Gãy giật không do chấn thương mấu chuyến bé ở người trưởng thành (H 1A, 1B, 1C) đã được công nhận là một dấu hiệu đặc trưng bệnh của bệnh di căn [1,2]. Theo hiểu biết của chúng tôi, gãy giật bệnh lý xương chậu vẫn chưa được báo cáo. Chúng tôi báo cáo 3 trường hợp gãy giật bệnh lý của khung chậu, liên quan đến gai chậu trước trên, gai chậu trước dưới, và củ ngồi. Cả ba bệnh nhân có bệnh di căn được chứng minh về mô học và các hình ảnh chẩn đoán bổ sung.

Hình 1A. Bệnh nhân nữ 57 tuổi mắc bệnh ung thư vú, trích từ hồ sơ bệnh của chúng tôi, có biểu hiện đau hông trái. Chụp xq khớp háng chếch bộc lộ gãy giật mấu chuyển bé (mũi tên).

Hình 1B.  Bệnh nhân nữ 57 tuổi mắc bệnh ung thư vú, trích từ hồ sơ bệnh của chúng tôi, có biểu hiện đau hông trái. Ảnh T1W đứng ngang chếch cho thấy tổn thương cường độ thấp (đầu mũi tên) ở đầu trên xương đùi liên quan đến mấu chuyển bé.

Hình 1C. Bệnh nhân nữ 57 tuổi mắc bệnh ung thư vú, trích từ hồ sơ bệnh của chúng tôi, có biểu hiện đau hông trái. Ảnh T2W đứng ngang chếch cho thấy tổn thương tăng tín hiệu (mũi tên) ở đầu trên xương đùi liên quan đến mấu chuyển bé, phù hợp với di căn xương.

Đối tượng và Phương pháp

Chúng tôi xem xét hồi cứu hồ sơ y học của ba bệnh nhân có gãy giật bệnh lý xương chậu từ 1/7/1999 đến 30/6/2000. Cả ba bệnh nhân được chụp Xquang; hai bệnh nhân được chụp CT và scintigraphy, và một người được chụp MR.

Nhóm nghiên cứu của chúng tôi gồm 2 nữ và 1 nam, tuổi trung bình 65. Một bệnh nhân nữ 54 tuổi đã được chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma) của phổi có di căn xương lan rộng trên bone scan (H 2A,2B,2C). CT bụng và khung chậu để đánh giá ung thư thông thường đã phát hiện bà ta có gãy giật gai chậu trước trên. Một bệnh nhân nam 81 tuổi bị ung thư biểu mô tuyến tiền liệt tuyến đã được quét xương toàn bộ cơ thể trước phẫu thuật phát hiện tăng hấp thu khu trú ở củ ngồi (H 3A,3B,3C). Chụp X quang khung chậu của ông ta cho thấy gãy giật củ ngồi phải. Một bệnh nhân nữ 59 tuổi với non-Hodgkin’s lymphoma than phiền đau hông phải. Chụp X quang khung chậu phát hiện các tổn thương tiêu xương liên quan đến ngành mu trên và ngành mu dưới phải, và gãy giật gai chậu trước trên phải (H 4A,4B,4C).

Hình 2A. Bệnh nhân nữ 54 tuổi bị ung thư vú gần đây đã được chẩn đoán adenocarcinoma phổi. Ảnh scintigraphy phía trước của khung chậu cho thấy nhiều vị trí tăng hấp thu mạnh mẽ, phù hợp với di căn.

Hình 2B. Bệnh nhân nữ 54 tuổi bị ung thư vú gần đây đã được chẩn đoán adenocarcinoma phổi. Ảnh CT khung chậu bộc lộ nhiều ổ di căn xương xơ cứng (các mũi tên nhỏ) liên quan đến bên phải xương cùng và gai chậu trước trên trái, đó là một gãy giật đứt. Khuyết tiêu xương ở xương chậu bên trái (mũi tên lớn) là vị trí lấy mô trước đó để ghép xương trong phẫu thuật nối gai cột sống thắt lưng (xem thủ thuật lumbar spine fusion*).

Hình 2C. Bệnh nhân nữ 54 tuổi bị ung thư vú gần đây đã được chẩn đoán adenocarcinoma phổi. Phim xq khung chậu thẳng sau chụp CT 2 tuần cho thấy các gãy bệnh lý ở mào chậu trái kéo dài qua gai chậu trước trên, gãy ngành mu trên và dưới phải. Các di căn xương xơ cứng (đặc xương) có thể thấy ở gai chậu trước trên phải, cánh chậu trái, và bên phải xương cùng (các mũi tên). Các vít từ phẫu thuật nối gai sống nằm phía trước khe đĩa đệm L4-5.

Hình 3A. Bệnh nhân nam 81 tuổi có kháng nguyên tiền liệt tuyến tăng cao trong máu, sinh thiết tiền liệt tuyến phát hiện adenocarcinoma. Ảnh scintigraphy phía sau của khung chậu bộc lộ tăng hấp thu khu trú ở củ ngồi phải (đầu mũi tên).

Hình 3B. Bệnh nhân nam 81 tuổi có kháng nguyên tiền liệt tuyến tăng cao trong máu, sinh thiết tiền liệt tuyến phát hiện adenocarcinoma. Phim X quang khung chậu thẳng cho thấy gãy giật đứt củ ngồi phải (mũi tên).

Hình 3C. Bệnh nhân nam 81 tuổi có kháng nguyên tiền liệt tuyến tăng cao trong máu, sinh thiết tiền liệt tuyến phát hiện adenocarcinoma. Ảnh CT khung chậu bộc lộ di căn xơ cứng xương ở củ ngồi phải. Vùng tiêu xương (mũi tên) là do sự hấp thu xương sát chỗ gãy giật.

Hình 4A. Bệnh nhân nữ 59 tuổi bị non- Hodgkin’s lymphoma có đau hông phải. Phim X quang khung chậu thẳng cho thấy phá hủy tiêu xương ngành mu trên và dưới. Ổ cối phải xơ cứng với vỏ xương không đều ở gai chậu trước dưới phải (mũi tên). Các ghim dập phẫu thuật của sinh thiết phẫu thuật gai chậu trước dưới mới đây.

Hình 4B. Bệnh nhân nữ 59 tuổi bị non- Hodgkin’s lymphoma có đau hông phải. Phim xq chếch hông phải bộc lộ gãy giật đứt gai chậu trước dưới phải (mũi tên).

Hình 4C. Bệnh nhân nữ 59 tuổi bị non- Hodgkin’s lymphoma có đau hông phải. Ảnh T1W đứng ngang chếch khung chậu cho thấy thâm nhiễm u toàn bộ xương chậu phải và đầu trên thân xương đùi phải.

Kết quả

Hai trong ba bệnh nhân đã có triệu chứng vào lúc chẩn đoán gãy giật xương chậu. Gãy giật được phát hiện ở các vị trí khác nhau ở 3 bệnh nhân này, gồm có gai chậu trước trên (n = 1), củ ngồi (n = 1), và gai chậu trước dưới (n = 1). Một bệnh nhân có xác định mô bệnh học về bệnh di căn. Gãy giật được chẩn đoán bằng phim  X quang khung chậu ở hai bệnh nhân và phát hiện thấy trên CT ở hai bệnh nhân. Scintigraphy cho thấy tăng hâp thu khu trú mạnh mẽ ở các tổn thương này đối với hai bệnh nhân.

Bàn luận

Các chấn thương giật xương khung chậu hay gặp ở các thanh thiếu niên tham gia các môn thể thao có tổ chức. Ở thanh thiếu niên, cơ và gân khoẻ hơn các mỏm xương. Các gãy giật cấp tính của khung chậu là do co cơ mạnh, không cân bằng, và lệch tâm  [3]. Thông thường, bệnh nhân có một tiền sử rõ ràng bởi vì chấn thương đột ngột, xảy ra trong khi hoạt động.

Các gãy giật mạn tính là kết quả  các vi chấn thương lặp lại hoặc hoạt động quá mức của các gân. Bởi vì không có tiền sử chấn thương đặc biệt, các dấu hiệu X quang của các chấn thương gãy giật có thể gây khó khăn và có thể giả các khối u, như osteochondroma và Ewing’sarcoma, hoặc nhiễm khuẩn [4,5,6].

Trong một nghiên cứu sớm về các chấn thương gãy giật xương chậu và đầu trên xương đùi, 19 trong 20 bệnh nhân là nam. Một bệnh nhân nữ bị xe mô tô đâm [7]. Trong nghiên cứu đó, sự phân bố theo vị trí gãy giật giảm theo thứ tự là củ ngồi (n = 6), mấu chuyển nhỏ (n = 5), gai chậu trước trên (n = 4), gai chậu trước dưới (n = 4), mào chậu (n = 1).

Trong một báo cáo tiếp theo về gãy giật ở khung chậu trẻ em, 33% bệnh nhi là trẻ gái, con số này phản ánh sự tham gia của trẻ gái trong các môn thể thao tăng lên. Tuổi của trẻ bị chấn thương từ 11 tới 16 tuổi (tuổi trung bình 13,8). Sự phân bố theo vị trí gãy giật là củ ngồi (n = 17), gai chậu trước dưới (n = 8), và gai chậu trước trên (n = 7). 7 bệnh nhân (28%) có nhiều chấn thương gãy giật hoặc cả hai bên [8].

Theo hiểu biết của chúng tôi, Bertin và cộng sự [1] là những người nghiên cứu đầu tiên nhận thấy rằng gãy đơn độc mấu chuyển nhỏ ở người trưởng thành không có tiền sử chấn thương phù hợp là một biểu hiện khởi đầu của bệnh di căn ác tính. Phillips và cộng sự [2] đã báo cáo thêm các ca bệnh ở người trưởng thành, ủng hộ kết luận của Bertin và cộng sự rằng gãy giật mấu chuyển nhỏ không do chấn thương là dấu hiệu đặc trưng bệnh của bệnh di căn.

Các gãy giật bệnh lý mỏm của mấu chuyển nhỏ, do u hoặc nhiễm khuẩn, đã được báo cáo ở trẻ em [9]. Bệnh di căn gây yếu xương, dẫn tới là gãy giật bệnh lý mấu chuyển nhỏ. Bác sỹ X quang và bác sỹ điều trị nhận ra tổn thương này sẽ có sự lựa chọn điều trị thích hợp. Một chương trình điều trị theo hướng không phẫu thuật là lựa chọn đối với gãy giật khung chậu thiếu niên [10].

Trong các bệnh nhân của Bertin và cộng sự [1], 3 bệnh nhân đầu tiên đã có tiến triển gãy bệnh lý dưới mấu chuyển sau khi được chẩn đoán gãy giật đơn độc mấu chuyển nhỏ, đòi hỏi phẫu thuật mở để nắn và cố định trong. Bệnh nhân thứ tư đã được cố định trong để dự phòng và sau đó không xảy ra gãy bệnh lý. Nếu xạ trị và điều trị hóa chất không kiểm soát được khối u, có thể thay khớp háng toàn bộ [1]. Một lý do khác cần biết về tổn thương này là chảy máu đe doạ tính mạng có thể xảy ra trong sinh thiết hoặc với bất kỳ thủ thuật chỉnh hình nào ở một bệnh nhân có tổn thương di căn tới xương [1].

Sau cột sống, xương chậu là vị trí phổ biến thứ hai đối với di căn xương, và 40% di căn xương xảy ra ở xương chậu [11]. Theo hiểu biết của chúng tôi, gãy giật bệnh lý của xương chậu từ trước tới nay chưa được mô tả. Nghiên cứu của chúng tôi gồm các bệnh nhân tuổi từ 54 đến 81 (tuổi trung bình 65). Tất cả bệnh nhân đã có chẩn đoán bệnh ác tính vào thời điểm chẩn đoán gãy giật xương chậu. Hai bệnh nhân có triệu chứng, than phiền đau. Một bệnh nhân có xác định mô học thâm nhiễm u; các bệnh nhân còn lại có các dấu hiệu chẩn đoán hình ảnh thêm vào (scintigraphy, MRI, và CT) phù hợp với di căn xương ở vị trí gãy giật. Tương tự với gãy giật mấu chuyển nhỏ, u di căn được cho là làm yếu xương, do đó xương dễ bị giật gãy dưới các sức căng bình thường. Các gãy giật trong các ca bệnh của chúng tôi xảy ra chủ yếu ở gốc của cơ may, cơ thẳng đùi, và các cơ gân khoeo.

Cuối cùng, một chẩn đoán gãy giật ở xương chậu người lớn không có tiền sử chấn thương thích hợp phải nghi ngờ bệnh ác tính. Nếu một bệnh nhân vẫn chưa được chẩn đoán bệnh ác tính nguyên phát, nên điều tra thêm bằng hình ảnh chẩn đoán. Sinh thiết có thể được cân nhắc trong các bệnh cảnh lâm sàng thích hợp.

Tài liệu tham khảo

  1. Bertin KC, Horstman J, Coleman SS. Isolated fracture of the lesser trochanter in adults: an initial manifestation of metastatic malignant disease. J Bone Joint Surg Am 1984;66:770 -773
  1. Phillips CD, Pope TL Jr, Jones JE, Keats TE, MacMillan RH 3rd. Nontraumatic avulsion of the lesser trochanter: a pathognomonic sign of metastatic disease? Skeletal Radiol 1988;17:106 -110
  1. Stevens MA, El-Khoury GY, Kathol MH, Brandser EA, Chow S. Imaging features of avulsion injuries. RadioGraphics 1999;19:655 -672
  1. Barnes ST, Hinds RB. Pseudotumor of the ischium. A late manifestation of avulsion of the ischial epiphysis. J Bone Joint Surg Am 1972;54:645 -647
  1. Finby N, Begg CF. Traumatic avulsion of ischial epiphysis simulating neoplasm. NY State J Med 1967;67:2488 -2490
  1. Rogge E, Romano RL. Avulsion of the ischial apophysis. J Bone Joint Surg Am 1956;38A:442
  1. Fernbach SK, Wilkinson RH. Avulsion injuries of the pelvis and proximal femur. AJR 1981;137:581 -584
  1. Sundar M, Carty H. Avulsion fractures of the pelvis in children: a report of 32 fractures and their outcome. Skeletal Radiol 1994;23:85 -90
  1. Wilkinson RH. Avulsion injuries of the lesser trochanter. Skeletal Radiol 1979;4:99 -101
  1. Metzmaker JN, Pappas AM. Case report 90: avulsion fractures of the pelvis. Am J Sports Med 1985;13:349 -358
  1. Sim FH. Metastatic bone disease of the pelvis and femur. Instr Course Lect 1992;41:317 -327

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Giải Phẫu Xq Khung Chậu