Gãy Xương Chày Gần Khớp Gối - Bệnh Viện FV - FV Hospital

Gãy hoặc vỡ phần trên xương ống chân (xương chày) có thể là hậu quả của chấn thương với lực tác động nhẹ như té ngã từ trên cao, hay do chấn thương với lực tác động mạnh như tai nạn giao thông. Việc xác định và xử trí thích hợp những tổn thương này sẽ giúp hồi phục chức năng của chi (sức mạnh, sự vận động và độ vững chắc) đồng thời hạn chế nguy cơ viêm khớp.

Các mô mềm (da, cơ, dây thần kinh, mạch máu và dây chằng) cũng có thể bị tổn thương vào thời điểm gãy xương. Chính vì điều này, Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ kiểm tra mọi dấu hiệu tổn thương mô mềm và đưa vào kế hoạch xử trí phần gãy xương.

Cho dù tổn thương có được điều trị bằng phẫu thuật hay không, thì cả phần tổn thương xương (gãy xương) và bất kỳ tổn thương mô mềm nào cũng phải được điều trị cùng nhau.

NGUYÊN NHÂN

Gãy xương ở ¼ trên xương cẳng chân, hay xương chày, có thể có hoặc không phạm đến khớp gối. Gãy xương phạm khớp gối có thể làm cho khớp không còn nguyên vẹn và bề mặt khớp không còn trơn láng. Thêm vào đó, gãy xương có thể làm cho xương sắp xếp không đúng vị trí. Một trong những yếu tố trên có thể góp phần làm tăng sự thoái hóa khớp (viêm khớp), sự mất cân bằng và mất khả năng vận động.

Gãy phần trên xương chày có thể xảy ra do gắng sức (gãy xương nhẹ do hoạt động quá mức bình thường) hay do xương đã bị tổn thương từ trước (như ung thư hay nhiễm trùng). Tuy nhiên phần lớn là do chấn thương (tổn thương).

Người trẻ tuổi thường bị gãy xương do chấn thương với lực tác động mạnh, như té ngã từ một độ cao đáng kể, chấn thương do hoạt động thể thao, và tai nạn xe cộ. Người lớn tuổi có xương kém chất lượng hơn, thường chỉ cần chấn thương với lực tác động nhẹ (té ngã khi đang đứng) cũng có thể làm gãy xương.

Nhiều người lớn tuổi với các vấn đề về y khoa như tim mạch, phổi, đái tháo đường hay các bệnh lý khác thì cần phải được xem xét và điều trị.

Vị trí gãy xương trong đầu gối và mức độ di lệch (“di chuyển”) xương sẽ cho biết “kiểu” gãy xương. Kiểu gãy xương được xác định bởi lực tác động gây tổn thương, cùng với cách thức và vị trí mà lực tác động vào chi. Lực có thể do tác động trực tiếp (vào chắn bùn xe); tác động thẳng đứng (té ngã); cong gối (té ngã, hoạt động thể thao và tai nạn xe cộ); hay một vài dạng kết hợp các lực tác động nói trên.

TRIỆU CHỨNG

Gãy phần trên xương chày (xương ống chân) có thể gây tổn thương cho cả xương lẫn mô mềm ở vùng gối. Các triệu chứng có thể là:

  • Đau khi chịu lực: thông thường, người bị tổn thương nhận thức rất rõ việc không thể chịu đau khi đặt trọng lượng lên chân bị tổn thương
  • Căng quanh đầu gối và cong gối bị hạn chế: đầu gối có cảm giác và thấy bị kéo căng, do chảy máu trong khớp. Tình trạng này cũng hạn chế sự vận động của khớp (cong gối)
  • Biến dạng quanh đầu gối: chân có thể có hoặc không bị biến dạng .
  • Bàn chân lạnh và tím tái: bàn chân nhìn tím tái hay sờ có cảm giác lạnh có thể cho thấy việc nuôi tưới máu bị ảnh hưởng.
  • Tê cứng quanh bàn chân: tê cứng, hay có “cảm giác rần rần như kim chích” trong bàn chân cho thấy tổn thương dây thần kinh hay sưng tấy quá mức trong chân.

Nếu xuất hiện những triệu chứng trên, bệnh nhân nên đến Khoa Cấp cứu để được đánh giá tình trạng của mình.

CHẨN ĐOÁN

Bác sĩ thường sử dụng hình ảnh X-quang (bên trái) và CT (bên phải) để xác định vị trí và độ di lệch của từng mảnh xương gãy.

Việc chẩn đoán gãy phần trên xương chày gần khớp gối sẽ dựa vào việc thăm khám lâm sàng và khảo sát chẩn đoán hình ảnh.

Chụp X-quang nhiều tư thế giúp xác định vị trí trong đầu gối và mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Thông thường chụp cắt lớp điện toán (CT) cũng được chỉ định.

Một số thủ thuật đặc biệt chỉ đôi khi được yêu cầu để đánh giá tình trạng nuôi tưới máu. Chụp cộng hưởng từ (MRI) được hạn chế trong các giai đoạn đánh giá và điều trị ban đầu.

Từ khóa » Hình ảnh Bị Gãy Chân