Gãy Xương Cổ Chân - YouMed

Nội dung bài viết

  • Cấu trúc giải phẫu học vùng cổ chân
  • Thông tin chung về gãy xương cổ chân
  • Nguyên nhân gãy xương cổ chân
  • Triệu chứng của gãy xương cổ chân
  • Chẩn đoán gãy xương cổ chân
  • Điều trị gãy xương cổ chân
  • Biến chứng của gãy xương cổ chân

Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, gãy xương là tình trạng rất thường gặp. Gãy xương có thể do tai nạn giao thông, sinh hoạt, thể dục thể thao… Gãy xương nếu không điều trị đúng sẽ gây ra tình trạng biến dạng xương, tổn thương thần kinh, mạch máu. Từ đó chất lượng cuộc sống giảm sút. Chính vì thế, sau đây, Bác sĩ Hồ Đức Việt sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về gãy xương và đặt biệt là về gãy xương cổ chân. Nào, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

Cấu trúc giải phẫu học vùng cổ chân

Ba xương tạo nên khớp cổ chân gồm:

  • Xương chày: một trong hai xương cẳng chân, chịu sức chính ở cẳng chân.
  • Xương mác: là xương cẳng chân thứ hai.
  • Và xương sên: một xương nhỏ nằm giữa xương gót chân, xương chày và xương mác.

Xương chày và xương mác có cấu trúc cụ thể tạo nên hai mắc cá chân.

  • Mắc cá trong (Medial Malleolus) là một phần phía bên trong của xương chày.
  • Mắc cá sau (Posterior Malleolus) là một phần phía sau của xương chày.
  • Và mắc cá ngoài (Lateral Malleolus) là một phần bên ngoài của xương mác.

Giải phẫu mắc cá chân: các bác sĩ phân loại gãy xương mắc cá chân theo khu vực xương bị gãy. Ví dụ một vết gãy ở phần chỏm của xương mác thì được gọi là gãy xương mắc cá ngoài. Hoặc nếu cả xương chày và xương mác bị gãy thì nó được gọi là gãy hai xương mắc cá hay gãy hai xương cổ chân.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Hai khớp có liên quan đến gãy xương cổ chân:

  • Khớp cổ chân: nơi xương chày, xương mác và xương sên gặp nhau.
  • Khớp bất động sợi: khớp giữa xương chày và xương mác được nối với nhau bởi dây chằng. Các dây chằng chằng chịt tại cổ chân là yếu tố giúp khớp cổ chân ổn định.
Cấu trúc giải phẫu học vùng cổ chân
Cấu trúc giải phẫu học vùng cổ chân

Thông tin chung về gãy xương cổ chân

Gãy xương cổ chân là tổn thương một hay nhiều xương thuộc khớp cổ chân. Chúng bao gồm gãy đầu dưới xương chày và xương mác hay gãy xương sên. Các loại gãy này có thể là gãy phạm khớp (đường gãy thông vào khớp) hay không phạm khớp (đường gãy không thông vào khớp).

Cổ chân có thể bị gãy từ một vết gãy đơn giản ở một xương. Điều này có thể không gây cản trở việc đi lại. Hoặc cổ chân có thể gãy một vài vết gãy. Điều này khiến mắc cá chân bị di lệch và có thể ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại.

Nói một cách đơn giản, càng nhiều xương bị gãy thì cổ chân càng không ổn định. Gãy xương có thể có tổn thương dây chằng kèm theo. Các dây chằng cổ chân giữ các xương cổ chân cố định với nhau và giữ chúng đúng vị trí của nó khi chuyển động.

Gãy các xương cổ chân ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi.1 2

Nguyên nhân gãy xương cổ chân

Có nhiều nguyên nhân gây gãy xương cổ chân. Dưới đây là một số các nguyên nhân chính thường gặp:1 2 3

  1. Tác động trong một tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt…
  2. Bị vấp ngã.
  3. Lực xoắn hoặc vặn khớp cổ chân quá lớn.
  4. Ngoài ra gãy xương cũng có thể liên quan đến một số bệnh lý như u xương, loãng xương…
Có nhiều nguyên nhân gây gãy xương cổ chân
Có nhiều nguyên nhân gây gãy xương cổ chân
 

Triệu chứng của gãy xương cổ chân

Các triệu chứng phổ biến cho gãy xương vùng này bao gồm:1 2

  • Đau tức thời và dữ dội.
  • Sưng.
  • Bầm tím.
  • Đau hay khó chịu khi đụng vào.
  • Không thể di chuyển được hay di chuyển hạn chế.
  • Biến dạng vùng cổ chân.

Chẩn đoán gãy xương cổ chân

1. Hỏi bệnh và khám4 5

Sau khi hỏi bệnh về các triệu chứng và cơ chế chấn thương xảy ra. Bác sĩ sẽ kiểm tra cổ chân, bàn chân và ngón chân.

2. Kiểm tra hình ảnh cận lâm sàng4 5

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị gãy xương cổ chân. Họ sẽ yêu cầu bạn làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để cung cấp thông tin về chấn thương.

  • X – quang: là kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến nhất và có sẵn rộng rãi. X – quang có thể cho thấy nếu xương bị gãy. Nó cũng có thể cho thấy có bao nhiêu mảnh xương gãy và gãy như thế nào.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT – Scan): kiểu chụp này có thể tạo ra hình ảnh cắt ngang mắc cá chân và đôi khi được thực hiện để đánh giá thêm chấn thương mắc cá chân. Nó đặt biệt hữu ích khi gãy xương kiểu phạm khớp.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): phim này cung cấp hình ảnh có độ chính xác cao của cả xương và mô mềm như dây chằng. Đối với một số gãy xương vùng cổ chân. Chụp MRI có thể được thực hiện để đánh giá dây chằng mắc cá chân.

Điều trị gãy xương cổ chân

Việc điều trị phụ thuộc vào xương bị gãy, vị trí gãy cũng như là kiều gãy.

1. Gãy xương mắc cá ngoài3

Vị trí gãy là ở đầu dưới xương mác.

Tuỳ theo vị trí gãy, kiểu gãy mà có các phương pháp điều trị khác nhau.

Điều trị không cần phẫu thuật:

  • Bệnh nhân có thể không cần phẫu thuật nếu cổ chân ổn định. Có nghĩa là xương gãy vẫn nằm đúng vị trí hoặc chỉ di lệch chút xíu. Chụp X – quang có thể được thực hiện để xem mức độ di lệch của xương.
  • Một số phương pháp điều trị mà không cần phẫu thuật như dùng nẹp cố định hay bó bột cổ chân. Một số trường hợp bác sĩ có thể cho bệnh nhân di chuyển nhẹ nhàng bình thường. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp bác sĩ yêu cầu bệnh nhân bất động cổ chân trong 6 tuần.
  • Bệnh nhân sẽ tái khám theo hẹn của bác sĩ để chụp X – quang kiểm tra.

Điều trị phẫu thuật: nếu gãy xương nhiều và cổ chân không ổn định thì có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ ghép các mảnh xương gãy vào đúng vị trí giải phẫu bình thường của chúng. Chúng được giữ bằng các nẹp vít và các tấm kim loại gắn vào bề mặt ngoài của xương. Trong một số trường hợp đóng đinh vào bên trong xương có thể được sử dụng để giữ các mảnh xương lại với nhau.

2. Gãy xương mắc cá trong3

Vị trí gãy là đầu dưới xương chày. Gãy xương mắc cá trong thường kèm theo gãy xương mắc cá ngoài hay gãy xương chày sau hay chấn thương dây chằng mắc cá chân.

Cũng giống như gãy xương mắc cá ngoài. Gãy xương mắc cá trong cũng có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hoặc không cần phẫu thuật.

Điều trị không phẫu thuật:

  • Nếu gãy xương không di lệch vị trí nhiều hoặc là vết gãy nhỏ. Nó có thể được điều trị không cần phẫu thuật.
  • X – quang cũng được áp dụng trong gãy xương mắc cá trong.
  • Gãy xương thường điều trị bằng bó bột hay nẹp cố định. Thông thường bác sĩ yêu cầu phải bất động trong vòng 6 tuần.

Điều trị phẫu thuật:

  • Phẫu thuật được xem xét khi gãy xương phức tạp và di lệch nhiều. Tuy nhiên trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể xem xét ngay cả khi gãy xương không di lệch. Điều này được thực hiện để giảm nguy cơ gãy xương không lành.
  • Tuỳ thuộc vào vết gãy, các mảnh xương có thể được cố định bằng cách sử dụng nẹp vít, đóng đinh nội tuỷ hay cố định ngoài.

3. Gãy xương mắc cá sau3

  • Là gãy xương ở mặt sau của xương chày. Trong hầu hết các trường hợp gãy xương mắc cá sau, mắc cá ngoài cũng có nguy cơ bị vỡ. Điều này là do chúng được kết nối chung bởi một dây chằng.
  • Tuỳ thuộc vào mảnh vỡ lớn như thế nào, mặt sau mắc cá chân có thể không ổn định. Một số nghiên cứu cho rằng nếu mảnh vỡ lớn hơn 25% khớp mắc cá chân, mắc cá chân trở nên không ổn định và cần được điều trị bằng phẫu thuật.

4. Gãy hai xương mắc cá3

  • Trong hầu hết các trường hợp gãy hai xương mắc cá thì khớp cổ chân sẽ không ổn định. Chính vì thế phẫu thuật thường được chỉ định.
  • Gãy hai xương mắc cá được điều trị bằng các kỹ thuật phẫu thuật tương tự như các phần được liệt kê ở trên.
  • Tuy nhiên trong một số trường hợp đặt biệt thì điều trị không cần phẫu thuật cũng được xem xét như người lớn tuổi có vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng.

5. Gãy ba xương mắc cá3

  • Có nghĩa là cả ba mắc cá chân đều bị gãy. Đây là một chấn thương không ổn định và thường được chỉ định phẫu thuật.
  • Phương pháp điều trị phẫu thuật cũng tương tự như trên.

6. Chấn thương do khớp giữa hai mắc cá trong và ngoài3

  • Khớp bất động sợi nằm giữa xương chày và xương mác, và được giữ bởi các dây chằng. Một chấn thương nơi này có thể chỉ là dây chằng, đây còn được gọi là một kiểu bông gân mắc cá chân. Tuỳ thuộc vào mức độ không ổn định của mắc cá chân, những chấn thương này có thể được điều trị mà không cần phẫu thuật.
  • Trong nhiều trường hợp những chấn thương bông gân này thường kết hợp với một hay nhiều loại gãy xương. Đây là những trường hợp không ổn định và thường khó lành.
  • Bác sĩ thường làm X – quang để xem khớp bất động sợi có bị tổn thương hay không.

7. Điều trị đau sau chấn thương3

  • Đau sau chấn thương hoặc phẫu thuật là một phần tự nhiên của quá trình lành vết thương.
  • Thuốc thường được kê đơn để giảm đau ngắn hạn sau phẫu thuật hoặc chấn thương. Nhiều loại thuốc có sẵn để kiểm soát cơn đau như: thuốc kháng viêm NSAID, opioid…Tuy nhiên cần lưu ý trong việc sử dụng thuốc, xem thêm tại mục: Thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs): Sử dụng bừa bãi gây tác hại gì?
  • Xin lưu ý rằng opioid giúp giảm đau sau phẫu thuật hoặc chấn thương. Tuy nhiên chúng là một chất có thể gây nghiện. Điều quan trọng là chỉ sử dụng opioid theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Biến chứng của gãy xương cổ chân

Những người có bệnh nền như đái tháo đường, người lớn tuổi hay người hút thuốc lá… có nguy cơ cao bị biến chứng sau phẫu thuật.

Đối với trường hợp điều trị không phẫu thuật:

  • Các xương bị gãy bị di lệch ra khỏi vị trí đúng của nó trước khi lành. Đây là lý do tại sao bạn phải tái khám theo lịch trình của bác sĩ.
  • Nếu đi lệch nhiều thì có thể dẫn đến sự không ổn định của cổ chân sau này và có thể gây biến chứng viêm khớp ở mắc cá chân.

Đối với trường hợp điều trị phẫu thuật có thể gây biến chứng như:

  • Nhiễm trùng.
  • Đau
  • Cháy máu.
  • Tổn thương mạch máu, gân cơ hay các dây thần kinh.
  • Viêm khớp.

Tóm lại, gãy xương cổ chân là một loại gãy xương cũng hay thường gặp trong các loại gãy xương chung. Bài viết phía trên cung cấp cho các bạn một kiến thức tổng quát chung về gãy xương cổ chân. Nếu các bạn có các dấu hiệu cũng như triệu chững của gãy xương cổ chân hay có thắc mắc gì về vấn đề gãy xương cổ chân thì hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn cũng như điều trị một cách phù hợp.

Từ khóa » Xq Xương Cổ Chân