Gãy Xương Sườn điều Trị Như Thế Nào? Cách Chăm Sóc Và Phục Hồi ...

Nội dung bài viết

  • 1. Tổng quan điều trị gãy xương sườn
  • 2. Sinh hoạt như thế nào khi bị gãy xương sườn? Liệu có quan hệ tình dục được không?
  • 3. Những việc cần tránh
  • 4. Kiểm soát đau khi bị gãy xương sườn như thế nào?
  • 5. Các bài tập thở cho gãy xương sườn
  • 6. Sau bao lâu thì lành?
  • 7. Những dấu hiệu, triệu chứng cần quan tâm 
  • 8. Tiên lượng thế nào khi tôi bị gãy xương sườn?
  • 9. Chế độ ăn 
  • 10. Cách sơ cứu khi bị gãy xương sườn

Gãy xương sườn là tình trạng rất thường gặp trong đời sống hằng ngày. Nguyên nhân thường gặp nhất là do tai nạn giao thông, té ngã, chấn thương thể thao… Đầu gãy xương sườn có thể gây tổn thương đến tim, phổi, mạch máu trong lồng ngực. Trang bị những kiến thức cơ bản về cách điều trị, chăm sóc và phục hồi gãy xương sườn là vô cùng quan trọng. Hãy cùng YouMed tìm hiểu những kiến thức đó trong bài viết sau đây nhé!

1. Tổng quan điều trị gãy xương sườn

Cơ thể của chúng ta có 12 cặp xương sườn. Chúng tạo thành khung xương sườn vững chắc để bảo vệ tim, phổi, mạch máu…

Không giống như gãy các loại xương khác, gãy xương sườn không thể điều trị bằng bó bột hay mang nẹp. Gãy xương sườn thường được điều trị bằng phương pháp không phẫu thuật. Tuy nhiên, một số trường hợp cần phải phẫu thuật.

Trước đây, gãy xương sườn được điều trị bằng cách quấn chặt thân trên. Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận thấy phương pháp này không hiệu quả. Hơn nữa, nó làm tăng cảm giác khó thở. Biến chứng viêm phổi hoặc những biến chứng hô hấp khác cũng có thể tăng lên.

Ngày nay, điều trị gãy xương sườn đặc biệt chú trọng vào phối hợp nghỉ ngơi, quản lý đau và những bài tập thở.

Chỉ định cho trường hợp cần phải phẫu thuật là: Mảng sườn di động (ít nhất 3 xương sườn liền nhau bị gãy nhiều điểm) hoặc gãy nhiều xương sườn gây nên khó thở.

>> Tìm hiểu thêm: Gãy xương sườn – Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị

Gãy xương sườn là tai nạn khá phổ biến
Đây là tai nạn khá phổ biến

2. Sinh hoạt như thế nào khi bị gãy xương sườn? Liệu có quan hệ tình dục được không?

Khi bị gãy xương sườn, một trong những việc bạn phải làm đó là nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi không chỉ làm giảm đau mà còn giúp quá trình lành xương diễn ra nhanh hơn.

Tuy nhiên, không vì vậy mà bạn phải nằm hoàn toàn trên giường. Bạn cũng cần một mức độ hoạt động thích hợp cho các phần cơ thể còn lại và sức khỏe tổng thể. Bạn có thể ngồi dậy và đi dạo vòng quanh trong giai đoạn phục hồi sớm.

Khi đã được bác sĩ cho phép đi lại xung quanh, bạn cũng có thể trở lại những hoạt động cường độ thấp, như:

  • Việc nhà nhẹ nhàng.
  • Việc vặt đơn giản.
  • Hoạt động tình dục.
  • Làm việc, miễn là công việc không phải khiêng vác nặng hay gắng sức.

Ngoài ra, bạn cần tránh các tư thế nằm như nằm sấp, nằm nghiêng hay thường xuyên trở mình. Tư thế nằm ngủ cần thẳng trên lưng để tạo ít áp lực lên xương sườn hoặc nằm với phần thân hơi dựng đứng và lót một chiếc gối phía dưới (áp dụng trong giai đoạn đầu bị gãy).

Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện nhé. 

Tránh những công việc phải mang vác nặng     
Tránh những công việc phải mang vác nặng

3. Những việc cần tránh

Sau đây là một số việc bạn cần tránh trong giai đoạn lành xương:

  • Nâng bất cứ vật nào nặng hơn 5 kg.
  • Chơi những môn thể thao có tính tương tác.
  • Làm bất cứ việc nào yêu cầu kéo, đẩy.
  • Những hoạt động cường độ cao, như chạy, đua ngựa…
  • Chơi golf. Ngay cả việc lắc lư nhẹ nhàng cũng có thể gây đau dữ dội nếu bạn bị gãy xương sườn.
  • Tránh lo âu, buồn phiền.
  • Tránh tham khảo những bài thuốc điều trị gãy xương không rõ nguồn gốc.
Không nên chơi các môn thể thao đối kháng
Không nên chơi các môn thể thao đối kháng

4. Kiểm soát đau khi bị gãy xương sườn như thế nào?

  • Triệu chứng chính của gãy xương sườn là đau dai dẳng. Việc kiểm soát đau là thiết yếu cho quá trình lành xương. Việc giảm đau, cho dù một ít, cũng giúp bạn thở và ho dễ dàng mà không có quá nhiều sự không thoải mái.
  • Thông thường, bạn sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau trong những ngày đầu. Tùy vào mức độ đau, mà bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc phù hợp.
  • Các loại thuốc cần có chỉ định của bác sĩ. Những ngày đầu gãy xương, bạn có thể cảm thấy đau dữ dội. Một sự dịch chuyển nhẹ cũng đủ làm bạn đau nhói. Nếu cơn đau quá dữ dội, bác sĩ có thể sẽ kê cho bạn đơn thuốc giảm đau, như oxycodone, hydrocodone. Đây là những thuốc giảm đau thuộc nhóm opoids, có thể gây nghiện nên chỉ được uống dưới sự kê đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc.
  • Bạn cũng có thể chườm đá lên vùng xương gãy trong khoảng 2 ngày đầu. Điều này giúp giảm đau. Thực hiện 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 20 phút. Lưu ý, hãy cho đá vào một cái khăn ẩm rồi chườm lên da. Không chườm đá lạnh trực tiếp lên da.
  • Nếu cơn đau của bạn kéo dài dai dẳng hoặc trầm trọng hơn 3 tuần hoặc lâu hơn, bạn cần thông báo với bác sĩ.

5. Các bài tập thở cho gãy xương sườn

  • Hít thở sâu sẽ giúp phổi nở lớn, thông khí tốt. Thông thường, điều này rất dễ dàng với người khỏe mạnh. Tuy nhiên khi bị gãy xương sườn, việc hít thở sâu sẽ gây đau. Mặt khác, nếu thở nông kèm giảm hoạt động sẽ làm tăng nguy cơ của các biến chứng viêm phổi hay các bệnh lý hô hấp. Vì vậy, bạn có thể được hướng dẫn một số bài tập thở phù hợp cho quá trình hồi phục.
  • Trong đó, bạn có thể sử dụng spirometer để tập thở. Đây là một dụng cụ đo lường được thể tích khí mà bạn hít vào hay thở ra. Nó giúp bạn biết cảm giác hít thở sâu và đầy đủ như thế nào.
  • Bạn có thể uống thuốc giảm đau trước khi tập thở. Có thể giữ một chiếc gối nhẹ nhàng nhưng chắc chắc vào ngực. Điều này giúp giảm đau. Bạn chỉ cần hít thở chậm, đều và sâu.

Việc tập các bài tập hít thở cần được các chuyên gia hướng dẫn trước khi thực hiện.

Minh họa spirometer
Minh họa spirometer

6. Sau bao lâu thì lành?

Thời gian lành xương gãy là tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Thông thường, xương gãy cần khoảng 6 tuần để lành. Thời gian này có thể ngắn hơn nếu gãy xương mức độ nhẹ.

Nếu những cơ quan bên trong, như phổi, bị tổn thương thì thời gian để phục hồi sẽ dài hơn. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn có chỉ định cần phẫu thuật.

7. Những dấu hiệu, triệu chứng cần quan tâm 

Thỉnh thoảng, gãy xương sườn có thể gây tổn thương phổi của bạn. Thông thường, bất kỳ tổn thương phổi nào cũng sẽ được chẩn đoán trong lần khám đầu tiên của bạn. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách nghe, khám phổi, chụp X-quang, CT – scan… Nhưng đôi khi, tổn thương phổi sẽ không được chú ý ngay lập tức.

Khi hồi phục, bạn sẽ cần theo dõi bất kỳ dấu hiệu nào của xẹp phổi hay viêm phổi.

Cần gọi cấp cứu ngay nếu bạn có những dấu hiệu sau đây:

  • Khó thở.
  • Ho ra chất nhầy thường xuyên hơn hoặc số lượng tăng dần.
  • Ho ra máu.
  • Môi tím.
  • Sốt cao.
Bạn có thể cảm thấy khó thở
Bạn có thể cảm thấy khó thở

8. Tiên lượng thế nào khi tôi bị gãy xương sườn?

Hầu hết các trường hợp gãy xương sườn sẽ được giải quyết bằng phương pháp không phẫu thuật. Nhưng bạn vẫn cần đảm bảo rằng cơ thể được nghỉ ngơi hợp lý, trong khi phổi của bạn vẫn hoạt động tốt. Không nên sợ đau mà hít thở quá nông.

Bạn nên quay trở lại với hầu hết hoạt động hằng ngày sau một hoặc hai tháng.

Nếu bạn cảm thấy đau quá nhiều, thậm chí khi đang dùng thuốc kê đơn, đừng ngần ngại thông báo với bác sĩ.

9. Chế độ ăn 

  • Khi bị gãy xương sườn, bạn cần được ăn uống đầy đủ, cân đối, giàu dưỡng chất và vitamin, không nên kiêng khem. Cơ thể có đủ dưỡng chất cần thiết thì mới giúp chỗ xương gãy mau lành lại được.
  • Bữa ăn cần đảm bảo cân đối giữa lượng chất đạm, chất béo và tinh bột. Thông thường, tỉ lệ 3 chất này lần lượt là 1:1:5.
  • Tăng cường những thực phẩm tốt cho hệ cơ xương khớp.
  • Các loại rau màu xanh đậm như họ nhà cải dồi dào canxi và vitamin K giúp hỗ trợ lành xương.
  • Các loại trái cây tươi họ cam quýt, bưởi chứa nhiều vitamin C.
  • Trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua, váng sữa cũng là nguồn canxi phong phú cho cơ thể. Hơn nữa, những sản phẩm này rất dễ sử dụng.
  • Các loại đậu, hạt như hạnh nhân, hạt dẻ cười, hạt điều, hạt hướng dương… Những loại hạt này cung cấp chất béo, protein, canxi, magie cho cơ thể. Chúng hỗ trợ lành xương và đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá mòi… chứa nhiều vitamin D, axit béo omega 3.

Bên cạnh những thực phẩm cần chú trọng bổ sung, bạn nên tránh các thực phẩm ngăn cản quá trình lành xương. Đó là:

  • Rượu, bia.
  • Thức ăn nhanh.
  • Nước giải khát.
  • Hút thuốc lá. Đặc biệt, hút thuốc lá khiến cho mật độ xương giảm, tăng nguy cơ loãng xương, làm chậm quá trình phục hồi của xương sườn nói riêng và ảnh hưởng xấu đến tất cả cơ xương khác nói chung.

>> Bạn có thể tìm hiểu thêm về 3 loại vitamin quan trọng cho xương khớp

Sữa, trứng và các chế phẩm từ sữa rất tốt cho lành xương
Sữa, trứng và các chế phẩm từ sữa rất tốt cho lành xương

10. Cách sơ cứu khi bị gãy xương sườn

Việc sơ cứu gãy xương ban đầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị. Vậy khi gặp người nghi ngờ bị gãy xương sườn, bạn cần làm gì?

  • Đầu tiên bạn cần bĩnh tĩnh và quan sát xung quanh người bị nạn. Kêu gọi sự giúp đỡ từ những người xung quanh, gọi cấp cứu 115.
  • Trong khi chờ xe cấp cứu, hãy trấn an người bị gãy xương. Giải phóng nạn nhân khỏi các vật cản như mũ, xe, nới rộng quần áo. Đặt bệnh nhân ở tư thế thoải mái, tránh di động nhiều.
  • Nếu có chảy máu thì cầm máu bằng cách băng ép bằng khăn, vải sạch.
  • Có thể dùng đá lạnh, bọc trong khăn sạch, ẩm, chườm lên vùng da bị đau. Điều này giúp nạn nhân giảm đau, sưng.
  • Di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng xe cứu thương, ô tô, không vận chuyển bằng xe máy. Cần lưu ý luôn giữ tư thế đầu nạn nhân thẳng với trục cơ thể trong suốt quá trình vận chuyển.

Gãy xương sườn là tình trạng khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt. Điều trị gãy xương sườn hiện nay chú trọng vào nghỉ ngơi, kiểm soát đau, các bài tập thở. Các phương pháp điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn cần được bác sĩ thăm khám và điều trị hợp lý. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về cách điều trị, chăm sóc và phục hồi gãy xương sườn.

Từ khóa » đai Nẹp Gãy Xương Sườn