GE Chia Tách Làm Ba: Vết Trượt Dài Của Tượng đài Công Nghiệp Mỹ

GE chia tách làm ba: Cú trượt dài của tượng đài công nghiệp Mỹ - Ảnh 1.

Một động cơ phản lực do GE chế tạo. (Ảnh: Getty Images).

Hôm 9/11/2021, tập đoàn công nghiệp khổng lồ General Electric (GE) công bố kế hoạch tách thành ba công ty riêng biệt thuộc các lĩnh vực hàng không, y tế và năng lượng.

GE từng là một trong những công ty lớn nhất, quyền lực nhất thế giới, sản xuất đủ loại sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp, như bóng đèn cho đến máy biến áp, động cơ máy bay.

Chuyện gì đã xảy ra với GE? Dưới đây là quá trình thăng trầm của tập đoàn đã định hình ngành công nghiệp và văn hóa doanh nghiệp của toàn nước Mỹ.

1892: Sự ra đời của huyền thoại đổi mới

GE ra đời từ cuộc đua cung cấp điện và ánh đèn với giá cả phải chăng để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp Mỹ. Công ty chính thức thành lập vào năm 1892 với sự sáp nhập của Thomson-Houston Company và Edison General Electric Company.

Các sản phẩm thời kỳ đầu của GE là bóng đèn sợi đốt, đầu máy xe lửa, máy chụp X-quang và bếp điện. GE bắt đầu sản xuất hàng loạt thiết bị điện gia dụng vào những năm 1920 và nhanh chóng được ghi nhận là đã thay đổi chức năng của các ngôi nhà Mỹ, theo Investopedia.

GE chia tách làm ba: Cú trượt dài của tượng đài công nghiệp Mỹ - Ảnh 2.

Hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đi giày làm từ cao su silicon do GE phát triển. (Ảnh: NASA).

Trong những năm sau, GE phát triển công nghệ chân không cho phép phát minh ra hệ thống vi sóng và radar. Công ty cung cấp cho quân đội Mỹ nhiều thiết bị và cả nhân lực trong Thế chiến thứ II. Đến năm 1949, GE giới thiệu mẫu J-47, động cơ phản lực được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử.

Trong hai thập niên 1960 và 1970, GE tiên phong trong công nghệ laser và hình ảnh y tế.

1981-2001: Xóa bỏ ranh giới

Sau khi cựu kỹ sư hóa học John F. Welch Jr đảm nhận vị trí CEO vào năm 1981, GE mua lại công ty điện tử RCA và công ty truyền thông NBC. Chưa hết, tập đoàn còn mở rộng sang lĩnh vực tài chính với việc thành lập GE Capital.

Cho đến khi từ chức vào năm 2001, ông Welch đã biến đổi GE từ một công ty sản xuất trị giá 25 tỷ USD thành tập đoàn 130 tỷ USD bao gồm hàng loạt phân khúc "không ranh giới".

2008: Lâm vào khủng hoảng

Khủng hoảng tài chính 2008 giáng đòn mạnh vào GE. Giá cổ phiếu lao dốc 42% trong năm. Sau khi ông Welch rời đi, người ta nhận ra rằng GE đã trở nên quá to và cồng kềnh. Mảng tài chính suýt nữa thì nhấn chìm toàn bộ tập đoàn trong cuộc Đại Suy thoái.

Warren Buffett đã can thiệp và rót 3 tỷ USD để giúp GE ổn định hoạt động. Nhưng rắc rối của tập đoàn không chấm dứt với sự kết thúc của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Quyết định 9,5 tỷ USD nhằm mua lại mảng năng lượng của công ty Pháp Alstom năm 2015 được nhiều người coi là sự thất bại lớn.

Dưới sự chỉ đạo của CEO Jeffrey R. Immelt, GE loại bỏ GE Capital và quay trở lại cốt lõi là sản xuất. Tập đoàn cũng thoái hàng tỷ USD trong các khoản vay và bất động sản, đồng thời rũ bỏ NBCUniversal, GE Plastics, GE Water và GE Appliances.

2017-2019: Chống chọi với bão

GE kỷ niệm sinh nhật lần thứ 125 vào năm 2017. Nhưng tập đoàn không có mấy lý do để ăn mừng.

Kể từ tháng 1/2017, khi tập đoàn thông báo sẽ cắt giảm 12.000 việc làm, giá cổ phiếu đã cắm đầu đi xuống, từ trên 200 USD xuống còn hơn 100 USD/cp. Vốn hóa rớt từ 262 tỷ xuống 107 tỷ USD.

Tháng 11/2017, GE công bố kế hoạch tái cấu trúc rộng rãi và giảm mạnh cổ tức hàng quý.

Cũng trong tháng đó, GE sa thải hàng nghìn nhân viên tại nước Mỹ. Đến 1/10/2018, GE thông báo ông Lawrence Culp sẽ thay thế ông John Flannery thành Chủ tịch và CEO ngay lập tức.

Ông Flannery bị thay thế sau gần một năm đảm nhiệm ghế nóng của GE. Trong khoảng thời gian đó, tập đoàn vẫn bị đè nặng bởi những khoản lỗ chồng chất. Ông Flannery đã cố gắng xoay xở bằng cách tinh gọn các mảng kinh doanh của GE. Vài tháng trước khi ông Flannery bị sa thải, GE bị loại khỏi chỉ số Dow Jones.

2019: Tin tốt

CEO Culp đã thực hiện những cải tiến đáng kể. Ông giảm nợ của GE từ 55 tỷ USD xuống còn khoảng một nửa vào năm 2020. Ông bán cổ phần và những công ty con không còn là cốt yếu trong mô hình của GE.

Cổ phần của GE trong Baker Hughes, một công ty dịch vụ dầu khí, đã bị thoái sạch. Culp đã bán bớt công ty vận tải con của GE cho Wabtec. Cả hai động thái này đều mang về cho GE lượng vốn đáng kể.

Đến cuối năm 2019, giá cổ phiếu tăng khoảng 50% so với đầu năm.

2020: COVID-19 ập đến

Dù đã có thành tích đáng ngưỡng mộ trong việc cố gắng vực dậy GE, nhưng ông Culp cũng chịu ảnh hưởng như tất cả mọi người bởi khủng hoảng tài chính mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Cổ phiếu GE đã đều đặn đi lên vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, đạt 105 USD vào tháng 12/2020 trước khi thị trường chứng khoán ngã nhào vì COVID-19.

Ngày 15/5/2020, cổ phiếu GE rớt xuống 43,92 USD/cp, mức giá thấp nhất trong hai thập kỷ.

GE chia tách làm ba: Cú trượt dài của tượng đài công nghiệp Mỹ - Ảnh 3.

Mảng hàng không của GE bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Công ty con của GE sản xuất động cơ máy bay cho Boeing và Airbus, và là bộ phận có lợi nhuận cao nhất của tập đoàn. Năm 2019, bộ phận này tạo ra 32,9 tỷ USD, tương ứng với 34% toàn bộ doanh thu tập đoàn.

Kể từ tháng 3/2020, GE tiếp tục phải sa thải nhân viên trong lĩnh vực hàng không do COVID-19 làm nhu cầu máy bay suy sụp.

2021: Quyết định khó khăn

Ngày 9/11, GE ra thông báo về việc chia tách tập đoàn thành ba công ty đại chúng. CEO Culp tuyên bố: "Hôm nay là thời khắc quyết định đối với GE, và chúng tôi đã sẵn sàng. Động lực mà chúng tôi đã xây dựng từ trước đến nay cho chúng tôi đủ sức mạnh để thực hiện bước đi thú vị này trong quá trình chuyển đổi của GE và hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của mỗi mảng kinh doanh".

Ông Deane Dray, nhà phân tích của RBC Capital Markets gọi đây là "cuộc chia tách được chờ đợi lâu nhất trong lịch sử những công ty đa ngành". Theo Bloomberg thì trên thực tế, các cổ đông và nhà phân tích từ lâu đã nghi ngờ cấu trúc của tập đoàn.

GE chia tách làm ba: Cú trượt dài của tượng đài công nghiệp Mỹ - Ảnh 4.

Lưu ý: Lấy mốc vào ngày 28/9/2018. Số liệu cuối lấy đến ngày 10/11/2021.

Hai cựu CEO Immelt và Flannery đều đã nghĩ đến việc đơn giản hóa cấu trúc tập đoàn. Nhưng là những người đã dành phần lớn sự nghiệp tại GE, cả hai rốt cuộc đã không thực hiện hành động táo bạo này.

Phải đến ông Culp, CEO "ngoại đạo" đầu tiên lãnh đạo GE thì tập đoàn mới thực sự chia tách. Trước khi đến GE, ông Culp có 14 năm làm CEO của tập đoàn đa ngành Danaher.

Từ khóa » Ge Chia Tách